Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác đăng ký, quản lý hộ tịch
Thực hiện chương trình giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác đăng ký, quản lý hộ tịch giai đoạn 2016-2023 trên địa bàn tỉnh Nam Định”, chiều 6/8, Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do đồng chí Nguyễn Hải Dũng, TUV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh làm Trưởng đoàn đã làm việc với Sở Tư pháp. Tham gia đoàn giám sát có các vị ĐBQH tỉnh khoá XV; lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, Ban Pháp chế HĐND tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.
|
Quang cảnh buổi giám sát. |
Thực hiện chính sách, pháp luật về công tác đăng ký, quản lý hộ tịch, hàng năm, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành, đồng thời tự ban hành kịp thời, đầy đủ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện đồng bộ, thống nhất các nhiệm vụ trong lĩnh vực hộ tịch trên địa bàn tỉnh. Chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan thường xuyên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành liên quan đến Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm thi hành hiệu quả Luật Hộ tịch. Thường xuyên hướng dẫn, chỉ đạo Phòng Tư pháp các huyện, thành phố Nam Định thực hiện tốt các quy định của Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan thực hiện tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về công tác đăng ký và quản lý hộ tịch. Qua công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến pháp luật về hộ tịch đã giúp nâng cao nhận thức pháp luật về hộ tịch tới cán bộ và nhân dân trong tỉnh. Đặc biệt, Sở Tư pháp chú trọng công tác xây dựng, quản lý, cập nhật, khai thác Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử. Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký và quản lý hộ tịch trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Nam Định đã đem lại những hiệu quả rõ rệt, tạo thuận lợi cho công chức tư pháp trong công tác quản lý Nhà nước về hộ tịch...
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện công tác đăng ký, quản lý hộ tịch như: Đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch, nhất là công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã thường xuyên thay đổi (do bầu cử, luân chuyển…) nên việc nghiên cứu, tiếp nhận và thực hiện công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trong thời gian chuyển giao cũng mất nhiều thời gian. Khối lượng công việc tư pháp cấp xã tương đối nhiều nhất là trong thời điểm hiện nay đang tăng cường triển khai thực hiện trên dịch vụ công trực tuyến, trong khi số lượng công chức Tư pháp - Hộ tịch ở mỗi xã chỉ có 1 công chức. Việc áp dụng công nghệ thông tin của người dân còn hạn chế...
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đề nghị Sở Tư pháp làm rõ một số nội dung như: Giải pháp khắc phục tình trạng quá tải công việc đối với công chức tư pháp, hộ tịch; việc bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ công tác quản lý đăng ký hộ tịch; việc chậm số hóa sổ hộ tịch; công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về hộ tịch...
Phát biểu kết luận giám sát, đồng chí Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Hải Dũng đánh giá cao Sở Tư pháp triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý Nhà nước về hộ tịch, góp phần bảo vệ quyền lợi của người dân và phục vụ thiết thực cho việc xây dựng, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh. Đồng thời ghi nhận các kiến nghị liên quan để xem xét, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết nhằm khắc phục các hạn chế, vướng mắc, phục vụ tốt công tác đăng ký, quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh.
Tin, ảnh: Văn Trọng