Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định tham gia thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024

Đăng ngày 04-11-2024
100%

 

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 4/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về đánh kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Đồng chí Mai Thị Phương Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp Quốc hội, đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định phát biểu thảo luận tại hội trường.

Tại phiên thảo luận, các đồng chí: Mai Thị Phương Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội và Trần Thị Quỳnh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định), thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định đã có ý kiến góp ý. Theo đó, các đại biểu nhất trí với báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và dự kiến năm 2025 với nhiều thành tựu nổi bật. Công tác chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã bám sát thực tiễn, điều hành quyết liệt, linh hoạt, có định hướng giải quyết rõ ràng, chỉ rõ trách nhiệm từng cơ quan, tổ chức, cá nhân đã giúp nâng cao hiệu quả công việc. Điển hình như tổng chiều dài đường bộ cao tốc của cả nước khai thác đến nay hơn 2.000 km; rút ngắn thời gian hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành; sắp trình Quốc hội chủ trương đầu tư Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam; việc chuyển đổi số trong đó thực hiện Đề án 06 đã giúp giảm các thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp, hạn chế tiêu cực, nhũng nhiễu... Bên cạnh đó, các đại biểu cơ bản đồng tình với các hạn chế đã nêu trong Báo cáo của Chính phủ.

Đồng chí Trần Thị Quỳnh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định), thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định phát biểu thảo luận tại hội trường.

Đóng góp ý kiến cụ thể vào nội dung chế tài lãng phí đã ban hành nhưng tính răn đe chưa cao, đại biểu Mai Thị Phương Hoa nhấn mạnh, bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí đã đánh giá đúng thực trạng, chỉ ra nguyên nhân và đưa ra nhiều giải pháp. Đây là một thông điệp mạnh mẽ, sâu sắc, khuyến khích mọi người dân, đặc biệt là cán bộ trong bộ máy công quyền cần xem xét lại cách thức sử dụng và quản lý các nguồn lực trong xã hội. Bài viết đã đánh giá, lãng phí còn diễn ra khá phổ biến dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển. Theo đại biểu Mai Thị Phương Hoa, tình trạng này có những nguyên nhân chủ yếu sau: Còn một bộ phận cán bộ có tâm lý coi nhẹ việc chống lãng phí ngay trong hoạt động quản lý; lâu nay chỉ coi lãng phí hành vi cần khắc phục nhưng chưa đến mức nghiêm trọng, chưa coi lãng phí là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Một số cán bộ còn quan niệm lãng phí chỉ là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước không hiệu quả nhưng trên thực tế có lãng phí về cơ hội và thời gian. Bệnh thành tích, tư duy nhiệm kỳ, tư duy chủ quan của một số cán bộ muốn thực hiện những dự án ở địa phương, bộ, ngành mình vào trong nhiệm kỳ làm lãnh đạo để chứng tỏ năng lực, sự năng động nhưng do cách làm cán bộ, sự tính toán chủ quan, sự không tuân thủ đầy đủ các quy trình phụ thuộc nên một số dự án mới đem lại hiệu quả không mong muốn. Chế tài xử lý lãng phí đã ban hành nhưng tính răn đe chưa cao…

Đóng góp ý kiến nhằm tiếp tục tháo gỡ nút thắt để hỗ trợ nền kinh tế, đại biểu Trần Thị Quỳnh đề xuất giảm thuế VAT, tiếp tục tháo gỡ nút thắt để hỗ trợ nền kinh tế...; cần tiếp tục nới lỏng có thực chất chính sách tài khóa, nghiên cứu hỗ trợ mạnh hơn cho những gia đình, doanh nghiệp bị thiệt hại bởi bão lũ, thiên tai. Mặt khác, lạm phát tăng trong 4 năm qua nhưng mức thu nhập chịu thuế không tăng. Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu nới mức thu nhập chịu thuế nhằm tăng thu nhập khả dụng cho người chịu thuế, góp phần cải thiện chi tiêu, tiếp tục tháo gỡ nút thắt để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Về chính sách tiền tệ, cần nới lỏng thực chất chính sách tiền tệ, ngân hàng Nhà nước nên có các gói tín dụng cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp ở một số ngành cần đẩy mạnh như nông nghiệp và thủy sản, du lịch, chế biến xuất khẩu. Bên cạnh đó, tiếp tục có giải pháp mạnh mẽ hơn để triển khai nhanh chóng gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội và nên có doanh nghiệp Nhà nước cùng tham gia thực hiện mục tiêu này. Ngoài ra, cần tăng vốn quyết liệt hơn, tăng cường khả năng cho vay của ngân hàng thương mại, giúp ổn định đồng USD nhằm hạn chế tình trạng găm giữ USD cũng như cải thiện khả năng cho vay của ngân hàng thương mại.

TinVăn Trọng
ẢnhPV

°
89 người đang online
Lịch Vạn Niên & Lịch Âm 2023 Ôn Thi GPLX 600 & Mô Phỏng 120