Tổng hợp thảo luận tại hội trường ngày 21/7/2021
Buổi sáng ngày 21/07/2021
Nội dung: Quốc hội nghe báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự kiến nhân sự để bầu Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán nhà nước; Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán nhà nước; Quốc hội bầu Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán nhà nước; Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua các nghị quyết bầu Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán nhà nước; Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì điều hành nội dung
Nguyễn Hải Dũng - Nam Định
Kính thưa Chủ trì kỳ họp,
Kính thưa Quốc hội,
Tôi xin góp ý vào dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022 như sau:
Qua nghiên cứu Tờ trình số 888 về Chương trình giám sát năm 2022 của Quốc hội, tôi nhất trí với các nội dung trong tờ trình và dự thảo Nghị quyết. Về giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2022, tôi xin có ý kiến như sau:
Một, đối với chuyên đề 1, việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, theo phụ lục 03 đã chỉ ra nhiều lĩnh vực còn xảy ra lãng phí, vi phạm định mức tiêu chuẩn, chế độ, vi phạm kế hoạch, tiến độ gây ảnh hưởng đến các kế hoạch, đề án phát triển khác. Đây là những vấn đề rất lớn của đất nước.
Để làm rõ hơn về chuyên đề giám sát này, tôi xin đề cập đến một câu chuyện nhỏ về thực hiện tiết kiệm điện mà tôi đã được xem qua truyền hình từ lâu rồi. Đó là lãnh đạo ngành điện giải thích làm rõ ý nghĩa, tác dụng của một hộ gia đình sử dụng điện tiết kiệm, không bật đèn tràn lan, không để nhiệt độ điều hòa quá thấp thì không chỉ giảm chi phí chi trả cho mình, tức là tiết kiệm chi phí, mà phần điện không dùng đến sẽ dành cho các hộ khác có nhu cầu cấp thiết hơn, tức là làm lợi cho cộng đồng chứ không nên sử dụng theo cách tôi trả tiền, tôi dùng thoải mái. Tôi rất tâm đắc với câu chuyện này, nhờ đó đã giúp tôi sử dụng điện, nước một cách rất tiết kiệm, vì tôi luôn nhớ đến tác dụng của việc tiết kiệm điện như ví dụ nêu trên. Ông bà chúng ta có câu: "tích tiểu thành đại". Với sự phát triển kinh tế như hiện nay, cộng với sự tiết kiệm của mỗi công dân, mỗi doanh nghiệp, tôi cho rằng như thế sẽ sớm giúp đất nước phồn vinh.
Tôi hy vọng qua giám sát chuyên đề này, chúng ta không chỉ chấn chỉnh và hoàn thiện khung pháp lý trong công tác này mà còn ghi vào tâm thức mỗi cá nhân về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí không chỉ làm lợi cho chính mình, cho gia đình mình mà còn làm lợi cho cộng đồng và xã hội. Vì thế, tôi lựa chọn chuyên đề này. Trân trọng đề nghị Quốc hội đưa vào chương trình giám sát tối cao năm 2022.
Hai, đối với chuyên đề 4, việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2016- 2021, tôi xin có ý kiến như sau:
Nam Định là tỉnh có một số xã thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2016-2021. Sau khi có chỉ đạo của Trung ương thì lãnh đạo tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, rất quyết liệt, cụ thể, sâu sát, chặt chẽ và thường xuyên, nhưng có đơn vị chưa thành công trong sắp xếp, thực sự đã có những vướng mắc trên thực tế dẫn đến việc chưa thành công này. Ví dụ như, thứ nhất là về thống kê dân số, cơ quan thống kê thì đưa ra một con số nhưng nhân dân địa phương cho rằng số dân phải nhiều hơn con số của cơ quan thống kê. Từ đó, người dân chưa ủng hộ việc sắp xếp vì cho rằng số dân của xã mình đã đáp ứng tiêu chuẩn mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định.
Hai, về lấy ý kiến cử tri. Mặc dù cả hệ thống chính trị vào cuộc nhưng tỷ lệ cử tri ủng hộ việc sắp xếp không đạt 50% cho nên không sắp xếp được. Ngoài ra, còn có những khó khăn khác như về tên gọi của đơn vị hành chính sau khi sắp xếp cũng tạo nên dư luận trong nhân dân, về vị trí đặt trụ sở ủy ban xã, xử lý đất đai trụ sở dôi dư cũng phải tính toán, cũng gặp không ít khó khăn. Vì những khó khăn, vướng mắc đó, tôi thấy cần thiết lựa chọn chuyên đề này. Trân trọng đề nghị Quốc hội đưa vào chương trình giám sát tối cao của Quốc hội năm 2022, với mong muốn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận và có giải pháp tháo gỡ những vướng mắc đó cho địa phương. Trên đây là ý kiến của tôi về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022. Xin cảm ơn Quốc hội. Xin hết.
Vũ Trọng Kim - Nam Định
Kính thưa các đồng chí Chủ trì,
Kính thưa Quốc hội,
Tôi thấy rằng vấn đề giám sát, nhất là giám sát tối cao của Quốc hội rất cần thiết. Chúng ta có nhiều nội dung giám sát tuân theo pháp luật, giám sát để thực hiện những quyết định của Quốc hội và như thế thì theo đề nghị của các đoàn, rất nhiều nội dung, đối tượng, lĩnh vực mà chúng ta cần giám sát. Tôi nghĩ rằng trong nhiều nội dung như vậy thì cũng phải "liệu cơm gắp mắm". Cho nên, trong tờ trình mà Thường vụ Quốc hội đã nêu ra thì tôi tán thành theo tinh thần Tờ trình 7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trên cơ sở đó, đại biểu chúng ta phát biểu, rồi sẽ lựa chọn các nội dung giám sát chuyên đề cụ thể. Tôi thấy khi chúng ta đưa ra các chương trình, rồi cụ thể từng chuyên đề thì thường lên kế hoạch rất chặt chẽ và có thời gian, có nội dung, có yêu cầu và đặc biệt khi thực hiện báo cáo giám sát thì nêu rất cụ thể về những kết quả đạt được, những ưu điểm, những tồn tại, những khuyết điểm, kể cả những vấn đề kiến nghị. Nhưng vấn đề tồn tại mà chúng ta chưa quan tâm trong chủ trương thực hiện giám sát này từ trước đến nay, đó là vấn đề hậu giám sát. Cho nên, đề nghị lần này chúng ta hãy quan tâm là khi lập chương trình thì có việc hậu giám sát được vạch ra trong chương trình để giao cho cơ quan, đơn vị nào, cá nhân nào thực hiện việc theo dõi và báo cáo trước Quốc hội. Tôi xin đề nghị trong những kiến nghị đó thì các địa phương, các đối tượng được giám sát thì có những kết quả gì, đã thực hiện ra làm sao, chứ không như là một lưỡi dao chặt xuống nước,sau khi lưỡi dao chúng ta rút lên rồi đó thì nước ép lại như cũ thì không ăn thua gì. Tôi đã nghe đại biểu Hoàng Ngân của Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu về ý này. Tôi rất tán thành chỗ này. Bây giờ mình có một cái rất công phu về vấn đề tổ chức các đoàn giám sát, thực hiện giám sát của mình. Nhưng sau đó kết quả như thế nào để thực hiện những kiến nghị của chúng ta là phải hết sức lưu ý, kể cả những kiến nghị của chúng ta với các ngành và với Chính phủ thì các ngành và Chính phủ cũng phải báo cáo kết quả đã thực hiện như thế nào hay trả lời những kiến nghị đó không phù hợp thì cũng phải nói cho rõ. Đó là điều kể cả các ngành, Chính phủ cũng phải có tiếng nói hay có hành động cụ thể trong khi thực hiện việc hậu giám sát. Tôi rất mong muốn điều đó, cho nên chỉ phát biểu một vấn đề đó. Nếu như hậu giám sát mà chúng ta làm được tốt thì hiệu quả mới mang lại. Xin cảm ơn.
BẢN TỔNG HỢP THẢO LUẬN TẠI TỔ 4
Buổi chiều ngày 22/07/2021
Nội dung: Thảo luận về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021-2025
Chủ trì: Đại biểu Đặng Quốc Khánh – Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang
Đại biểu Vũ Trọng Kim - Nam Định
Kính thưa đồng chí Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội,
Thưa 4 đồng chí Trung ương
Thưa tất cả các đồng chí đại biểu,
Tôi xin phát biểu về báo cáo 5 năm, 5 năm qua và 5 năm tới. Tôi thấy báo cáo này cũng không làm rõ những nguyên nhân mà chúng ta đạt được. Cho nên tôi muốn nói rằng chúng ta rất tự hào về nguyên nhân chúng ta đạt được là chúng ta có hệ thống chính trị ổn định và có thể nói rằng đây là một hành động đồng bộ, tuyệt vời ở chỗ chế độ chính trị của chúng ta.
Thứ hai, thể chế kinh tế thị trường, chúng ta đã có một bề dày 35 năm đổi mới, theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bây giờ thể chế hóa được rất nhiều. Các đồng chí cũng thấy rằng thị trường của chúng ta, thị trường lao động, thị trường tiền tệ, thị trường khoa học công nghệ, thị trường ngoại hối. Nói chung là tất cả các loại thị trường chúng ta đều mở ra, trước đây quản lý từ đâu mở ra tới đó, nhưng bây giờ khả năng quản lý của chúng ta, tôi nghĩ rằng đạt được trình độ quốc tế.
Thứ ba, đổi mới tư duy kinh tế của chúng ta thực sự người Việt Nam thông minh, thông minh về quản lý. Nói quản trị quốc gia thì trước đây mình linh tinh chuyện tham nhũng, tiêu cực. Nhưng bây giờ, bộ máy sạch thì chúng ta thấy rằng tư duy này tuyệt vời và chính điều này phát huy được nội lực của nền kinh tế mà tham gia của nhân dân, tham gia của các thành phần kinh tế vào đầu tư phát triển.
Thứ tư là quan hệ đối ngoại của chúng ta vừa sâu vừa rộng. Vừa rồi chúng ta thắng lợi trong Hiệp định EVFTA, CPTPP v.v. Những điều này Trung Quốc thấy mình cũng ngợp, thấy Việt Nam chơi quốc tế kinh như thế mà mình liên tục bị cô lập, càng ngày càng dồn vào chân tường. Bài phát biểu 100 năm Đảng Cộng sản Trung Quốc kêu người ta bình luận ghê gớm, bình luận là bài không hay, sặc màu hiếu chiến. Còn Việt Nam thân thiện với khắp các quốc gia trên thế giới, làm bạn mà làm bạn thực sự, chứ không phải bạn nháy nháy.
Thứ năm, nhân dân mình có khát vọng, không phải tới Đại hội này mình mới nói là khơi dậy khát vọng, dân mình có khát vọng làm giàu, khát vọng bỏ đói nghèo lại phía sau để trở nên khá giả. Chỗ này là sức mạnh toàn dân tộc vượt khó đi lên, 5 yếu tố đó là đủ một bài cho tuyên huấn nói nhân dân mừng rỡ cả ngày cả đêm. Tôi nghĩ rằng sung sướng lắm và nói như thế không phải là nói phét, chúng ta có những con số rất ấn tượng. Nếu như cách đây 20 năm, tôi làm Quốc hội tính chừng cỡ 10 tỷ, trăm tỷ là thấy ngon. Bây giờ nói là triệu tỷ, 6,89 triệu tỷ đồng, như thế là tổng thu ngân sách trong 5 năm và như thế là vượt kế hoạch 25 triệu tỷ đồng mà thu này bền vững. Trước đây mình bảo thu nhờ dầu khí, nhưng bây giờ dầu khí và xuất nhập khẩu cấu tạo cỡ 30% và bội chi ngân sách của chúng ta cũng quản lý được. Lo nhất trong Quốc hội là sợ mấy ông vung tay quá trán nhưng chúng ta cũng kiểm soát ở mức 3,9%. Theo Nghị quyết 25 năm 2016 Quốc hội quản lý được bội chi. Ba là vấn đề giải ngân vốn đầu tư, việc này Quốc hội cũng rất lo, tại sao giải ngân không được vì lý do gì, cho nên Chính phủ dí vào các bộ, các ngành làm sao để đạt cái này. 5 năm vừa qua, 97,46% nhờ có cơ chế, có đột phá mà có con số này trong vấn đề giải ngân vốn đầu tư công. Như thế bình quân trong 5 năm là 83,4%. Tiếp theo là sức khỏe của nền kinh tế thể hiện ở trong tổng đầu tư phát triển, tức là đầu tư phát triển trong xã hội 9,2 triệu tỷ tương đương với 33,7% GDP là cáo. Xuất khẩu cũng thế, con số này quá ấn tượng 282,6 tỷ USD Mỹ trong năm 2020. Như vậy tăng bình quân hàng năm là 11%, con số này anh Hải Anh thuộc lòng rồi tôi đọc lại để chúng ta thấy rằng chúng ta xứng đáng được tự hào trong 5 năm vừa qua. Nhưng xuất khẩu của chúng ta là cơ cấu của xuất khẩu tốt, không phải xuất khẩu thô, xuất đem đi bán như trước. Bây giờ chúng ta xuất khẩu điện tử, đặc biệt nông sản phẩm của chúng ta cũng được chế biến, sản xuất công nghiệp, sản phẩm trong công nghiệp, công nghệ thông tin v.v. Tôi chỉ dẫn chứng mấy con số như thế, nhưng tôi muốn nói thế giới rất ngạc nhiên. Vì tăng trưởng của chúng ta 5 năm qua, Đại hội Đảng đã tính rồi, bình quân 7%, bây giờ ngay cả 6 tháng này chúng ta cũng được 5,65%, trong lúc Thái Lan âm 7,1%, Malaysia âm 6%, Indonesia âm 8,3%. Sửng sốt hơn, ngạc nhiên hơn là Việt Nam trong top 10, top 3, top 4 về những sản phẩm đưa sang nước ngoài như tôi vừa kể trên, trong đó gạo, hàng điện tử, dệt may, nông sản. Tôi cũng rất ấn tượng về y tế của chúng ta. Y tế của chúng ta tuyệt vời, bây giờ 3 loại vắc xin chứ không phải 1, có lẽ 15 tháng 8 này bắt đầu sản xuất hàng loạt, cho nên đó phải là trình độ, khả năng của người Việt Nam trên lĩnh vực khoa học công nghệ phát triển, có thể nói một bước ra rất lớn. Bây giờ người ta cũng thấy rằng Việt Nam sẽ vượt mặt một số nơi, kể cả tất cả các nước xung quanh cũng rất ngại Việt Nam. Việt Nam bây giờ tổng khối GDP quốc nội là gần 341 tỷ đô mà Singapo thì 337, Malaysia 336. Rất nhiềm năm cc nước đi trước mình, nhưng bây giờ mình vượt mặt rồi.
35 năm đổi mới thì dồn lại 5 năm vừa qua, bác Trọng nói mình thấy vỗ tay liền, chưa bao giờ đất nước mình có tiền đồ, có vị thế thế giới và có uy tín thế giới như ngày hôm nay. Những kết quả này rất mừng.
Bước vào những năm tới đây, tôi nghĩ rằng rất rất khó bởi vì chúng ta có một sức ép là tăng trưởng phải tiếp tục tăng và thu ngân sách cũng phải đảm bảo, 8 triệu 3 tỷ USD cho thu ngân sách 5 năm tới, lớn kinh khủng mà như thế năm 2020 báo hiệu 1,3 triệu người lao động thất nghiệp 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng mất việc làm, nghỉ luân phiên, giảm giờ, giảm thu nhập thì lao động bây giờ không tìm ra của cải vật chất thì lấy gì mà thu. Và ở đây tôi mới lấy được con số này. Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Bây giờ mình không nói về giải thể, phá sản. Mình dùng chữ rút lui này cũng hay, tức là chơi không nổi rồi rút lui, không cần phá sản, rút lui là 70.209 doanh nghiệp, tăng 24,9% so với năm ngoái, năm ngoái đã mất đi rồi, năm nay mất tiếp, 70.000 doanh nghiệp, còn 35.000 doanh nghiệp tạm ngừng làm ăn, không kinh doanh gì, cộng lại là 106.00 doanh nghiệp không làm ăn kinh doanh.
Thứ ba nữa là nợ xấu, nợ xấu BOT, nợ xấu BT và tiếp tục đây sẽ có nợ xấu. Tôi thấy lạ kỳ, trước đây có Ngân hàng Đại Dương 0 đồng, bây giờ tiếp tục có 2 cái 0 đồng nữa. Mua 0 đồng có nghĩa là nhà nước phải ôm tất cả các tín dụng của người dân, người ta đã bỏ tiền vô tiết kiệm thì bây giờ hằng ngày phải trả cho người ta. Hôm qua, Thủ tướng nói một ngày trả hàng chục tỷ đồng cho Ngân hàng, nhất là Ngân hàng Xây dựng này. Chỗ đó là chỗ nào, cho nên chết rồi nhưng đắp chiếu để đó chứ không chôn được, cho nên rất nguy hiểm.
Thứ tư, tôi thấy rằng nghèo. Thành tựu 5 năm qua 9,88 xuống còn 2,75% tổng số hộ nghèo, tức là mỗi năm giảm được 1,43%/năm nhưng nghèo này rất dễ tái nghèo trong điều kiện hiện nay, tức là thất nghiệp kiểu này khu vực này rất khó khăn, cho nên tôi thấy phải chú ý. Bên cạnh đó là chất lượng nguồn nhân, bây giờ tỷ trọng của nông nghiệp chúng ta chỉ còn hơn 30% trong cơ cấu của các nền kinh tế, nhưng số lượng lao động là số lượng lao động nông nghiệp và không qua đào tạo cũng vẫn là số đông, cho nên chỗ này không nói lên được quyết định trong trận đấu tới đây về vấn đề tạo ra những bước phát triển mới. Tôi thấy rằng có mấy vấn đề đó trong 5 năm mà chủ yếu tôi nói khó khăn để từ đó chúng ta làm như thế nào để có thể thực hiện được Kế hoạch 5 năm Đại hội Đảng đã vạch ra và không phải chỉ 5 năm tới mà tới năm 2030 như thế nào và tới năm năm 2045 là thế nào, tất cả những mục tiêu đó đã đặt ra, nếu không chúng ta sẽ gặp khó khăn. Mong muốn của tôi chỉ đề nghị:
Một, vấn đề quản lý sử dụng đất đai thông qua Luật được tốt hơn, được sửa đổi, bổ sung. Việc này không biết với Chính phủ thế nào mà cứ hoãn đi hoãn lại, không đưa ra Quốc hội không làm. Tôi nghĩ rằng đây là cơ hội thu nhập cho người nông dân, đất đai này sửa đổi được thì người nông dân sẽ có của ăn của để, họ cũng tiến lên đội ngũ trung lưu, quan trọng lắm bây giờ để toàn anh em khác xơi hết.
Thứ hai, kinh tế vùng, nói miết mấy chục năm này nhưng kinh tế vùng không liên kết được, bây giờ chuỗi sản phẩm, chuỗi sản xuất thì phải có tính chất liên kết với nhau. Bây giờ một nhà máy có thể tiêu thụ gỗ của 5 - 7 tỉnh, chứ nhà máy lẻ tẻ thì không được. Tất cả những việc này đặt ra một bài toán về kinh tế quản trị quốc gia đòi hỏi trên này phải tham gia kế hoạch và giúp cho kế hoạch của các địa phương. Mặc dù phân cấp, phân ngành, phân trách nhiệm rồi nhưng phải có điều tiết quốc gia ở tính chất quản trị quốc gia một cách “bàn tay sắt” và trí tuệ thông minh, sáng suốt và điều hành tính chất cục bộ địa phương. Trong đó cũng hy vọng rằng có sáp nhập tỉnh, bây giờ Thái Nguyên rất giàu, nhưng Bắc Kạn ở bên cạnh quá nghèo. Bây giờ nhập vô là anh em mình vui vẻ, sung sướng. Cuộc sống của đồng bào các dân tộc ngon lành. Bây giờ có 300.000 dân số, bên cạnh tỉnh Thái Nguyên giàu quá, thu ngân sách mạnh quá, trong lúc ông em ngồi ngó ông này suốt ngày, cực quá. Cho nên nhập vô là mạnh luôn, cả dân tộc mình mạnh chứ không phải bộ phận này mạnh, bộ phận kia yếu. Tôi cũng tham gia mấy ý thế để đồng chí khác phát biểu. Xin cảm ơn.
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng - Nam Định
Kính thưa đồng chí Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội,
Kính thưa đồng chí Đặng Quốc Khánh, Tổ trưởng tổ thảo luận,
Kính thưa các vị đại biểu, Tôi xin thảo luận về việc đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng 6 tháng cuối năm. Tôi chỉ xin phát biểu tập trung vào công tác phòng, chống dịch bệnh COVID - 19 của Chính phủ trong thời gian qua, để làm rõ những thành tựu, thành công nổi bật của chúng ta trong suốt từ năm 2020 đến giờ. Đầu tiên tôi muốn nói rằng tôi hết sức đồng tình về phương châm của Trung ương Đảng, của Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch bệnh là chống dịch như chống giặc và bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết. Điều đó thể hiện triết lý và đạo lý nhân văn của dân tộc ta, truyền thống của chúng ta là tương thân tương ái và thể hiện rõ ràng quan điểm của Đảng, lấy con là người trung tâm trong mọi tổ chức và hoạt động của chính quyền.
Điều thứ hai trong phòng, chống dịch, tôi đánh giá rằng chúng ta đã hết sức chủ động trong phòng, chống dịch COVID- 19, nó thể hiện qua nhiều góc độ.
Thứ nhất là chúng ta đã xây dựng kịch bản phòng, chống dịch để phát triển kinh kinh tế - xã hội. Thời điểm đó chúng ta mới chỉ có vài người mắc COVID, nhưng chúng ta đã xây dựng kịch bản để phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện có 30.000 người mắc thể hiện sự chủ động của chúng ta rất sớm, rất chủ động.
Thứ hai, chủ động là sớm đàm phán mua vắc xin để tiêm đại trà cho nhân dân. Còn việc hiện nay khan hiếm, rõ ràng chúng ta đều biết do nguyên nhân khách quan cung rất nhiều nhưng cầu rất khó khăn, nhất là khi Ấn Độ xảy ra đại dịch bùng phát.
Thứ ba, thể hiện sự chủ động của chúng ta là chúng ta đã chuyển từ thế phòng ngự sang tấn công dịch bệnh.
Thứ tư, trong sự chủ động là chúng ta chủ động về nguồn lực con người, đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng, lực lượng quân đội, công an, chúng ta rất sẵn sàng chủ động để bố trí xét nghiệm, tiêm phòng. Chủ động về nguồn lực cơ sở vật chất, các cơ sở bệnh viện, các khu cách ly tập trung, máy móc, trang thiết bị, phương tiện. Chủ động về tài chính trong vấn đề mua sắm máy móc, mua vaccine và hỗ trợ nhân dân. Báo cáo thêm với các đồng chí, chẳng hạn như việc tài chính để mua sắm máy móc, hôm nay Chính phủ đã có nghị quyết về vấn đề mua sắm trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch. Và chúng ta cũng chủ động trong việc ban hành chính sách, chúng ta thấy rằng trong thời gian 1 năm rưỡi, chúng ta ban hành rất nhiều văn bản trong vấn đề chỉ đạo điều hành trong phòng, chống dịch và như Quốc hội cũng đã có ý kiến đề nghị phải sửa Luật Phòng, chống các bệnh truyền nhiễm. Qua dịch bệnh, chúng ta thấy rằng cũng có những việc tồn tại của luật pháp chưa được kịp thời cập nhật.
Điều thứ hai, chúng tôi đánh giá rằng việc phòng, chống dịch của chúng ta rất kịp thời. Chúng ta đã phát hiện sớm khoanh vùng nhanh, sàng lọc kĩ, cách ly kịp thời. Thực tế, cuối năm 2019 chúng ta đã sớm phát hiện dịch bệnh và Trung ương đã chỉ đạo ngay tổ chức việc phòng, chống dịch. Ví dụ như xác định nguồn lây lan, biện pháp cần thiết để ngăn chặn dịch bệnh.
Trong phòng, chống dịch bệnh, tôi đánh giá chúng ta triển khai rất khẩn trương, huy động rất nhanh các lực lượng vào cuộc phòng, chống dịch bệnh như y tế, quân đội, công an, huy động cơ sở vật chất phục vụ cho phòng, chống dịch, xây dựng các bệnh viện dã chiến, thiết lập các chốt dọc biên giới, đàm phán, mua vắc xin thể hiện sự huy động nhân lực và vật lực rất khẩn trương.
Thứ năm, chúng tôi đánh giá công tác chống dịch rất quyết liệt, đề ra các biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết như cách ly, giãn cách xã hội, xử lý hành chính, xử lý hình sự đối với những trường hợp vi phạm. Những biện pháp này được duy trì thường xuyên, nghiêm túc trong suốt thời gian qua. Tôi thấy rằng như thế thể hiện tinh thần quyết liệt của chúng ta trong phòng, chống dịch bệnh.
Thứ sáu là tính linh hoạt trong vấn đề phòng, chống dịch. Chúng ta có các mô hình phòng, chống dịch như phòng, chống dịch 3 lớp của Hà Nội và đến nay Thành phố Chí Minh đã phòng, chống dịch theo 4 lớp và chúng ta sẵn sàng thay đổi kịch bản phòng, chống dịch cho phù hợp với điều kiện tùy thời điểm và tùy địa phương. Báo cáo các đồng chí như ở Nam Định, năm 2020 chúng tôi đã thiết lập 4 chốt giao thông để kiểm soát người ra vào tỉnh Nam Định. Đến khi dịch nó đỡ, chúng tôi đã dỡ bỏ các chốt đó. Nhưng từ đầu tháng 7, trước khi chúng tôi đi họp Quốc hội thì tỉnh Nam Định lại thiết lập trở lại 4 chốt kiểm soát người ra vào tỉnh. Điều này cũng thể hiện sự linh hoạt trong việc điều hành phòng, chống dịch của chúng ta.
Thứ bảy là sự thận trọng trong công tác phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội. Như chúng ta đã nghiên cứu, áp dụng hộ chiếu vắc xin, nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch từng bước nhỏ, không nới lỏng quá nhanh. Ví dụ như ở Thành phố Hồ Chí Minh đã nghiên cứu việc mở lại các chợ dân sinh, ví dụ như Nam Định chúng tôi cho mở lại quán cà phê, nhưng các cơ sở tẩm quất, massage, karaoke vẫn chưa cho mở lại. Tôi thấy thể hiện rằng sự thận trọng trong công tác phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội như vậy.
Điều nữa ở đây là chúng ta cũng rất sáng tạo trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội trong điều kiện có dịch bệnh. Ví dụ như việc áp dụng các nguyên tắc 3 tại chỗ, tại nơi sản xuất như sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ. Chúng tôi thấy rằng trong phát triển kinh tế - xã hội điểm lại cũng rất sáng tạo. Trong phòng, chống dịch, Chính phủ cũng đã động viên được nhiều lực lượng, động viên được nhiều nguồn lực trong xã hội để tham gia phòng, chống dịch, ví dụ như Thủ tướng đã gặp gỡ các nhà khoa học, nghiên cứu, chế tạo sản xuất vắc xin Nanocovac và tháo gỡ kịp thời những vướng mắc cơ chế tài chính cho việc nghiên cứu sản xuất vắc xin.
Việc thứ hai thể hiện sự động viên ở đây và huy động nguồn lực là chúng ta thành lập Quỹ phòng dịch COVID- 19, huy động hàng ngàn tỷ đồng từ doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Vấn đề tiếp theo là đã truyền thông rộng rãi, thông tin kịp thời, minh bạch để an dân, giữ vững trật tự, ổn định xã hội. Ví dụ như chúng ta thông tin rất cụ thể về số người mắc, số F0, F1, địa bàn có dịch, số người khỏi bệnh, số người tử vong và lý do tử vong. Tôi thấy rằng những thông tin minh bạch như thế là rất tốt, giúp an dân và ổn định trật tự an toàn xã hội. Chúng ta đã phê bình, kiểm điểm, xử lý những cán bộ có hành vi không đúng mực trong phòng, chống dịch bệnh. Ví dụ như ở thành phố Nha Trang đã có chỉ đạo để xử lý cán bộ phường.
Bên cạnh đó, biểu dương những tấm gương đẹp, những việc làm tốt trong phòng, chống dịch như các bác sĩ, điều dưỡng, lực lượng vũ trang, Bộ đội biên phòng, doanh nghiệp, người dân. Chúng ta thấy rằng, thời gian qua Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch thành phố Hà Nội cũng đã nhiều lần khen thưởng cho các cá nhân và tổ chức, đơn vị có thành tích trong việc phòng, chống dịch.
Một điểm nữa trong việc tuyên truyền truyền thông, đó là đấu tranh mạnh mẽ với thông tin xuyên tạc về dịch bệnh trên các mạng xã hội, ví dụ như các thông tin về cách chữa bệnh trên mạng, suy diễn về các lực lượng hỗ trợ y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh. Chúng ta biết rằng Bộ Thông tin và Truyền thông có một ý kiến đối với lại Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị xử lý Facebook đưa tin về chỗ lực lượng của Hải Dương vào giúp Thành phố Hồ Chí Minh. Về vấn đề các gói hỗ trợ của Nhà nước đối với người dân, người lao động, doanh nghiệp thể hiện sự chăm lo của Đảng và Nhà nước đến miếng cơm manh áo của nhân dân, đến sự tồn tại của cộng đồng doanh nghiệp. Tôi thấy rằng đây thể hiện sự bao bọc, che chở của Nhà nước đối với công dân Việt Nam và doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc giải ngân các gói hỗ trợ này còn một số tồn tại như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã chỉ ra.
Qua quá trình thực hiện công tác phòng, chống dịch đã cho thấy việc chấp hành rất nghiêm túc chỉ đạo của các cấp, các ngành thể hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính Nhà nước trong cả hệ thống nhà nước. Ví dụ như tỉnh chấp hành chỉ đạo của Trung ương, tiếp theo tỉnh chỉ đạo cho huyện, xã triển khai, cấp huyện, cấp xã thực hiện đúng, đủ, kịp thời, sáng tạo các quy định về phòng, chống dịch ở địa phương giúp an toàn cho người dân duy trì sinh hoạt trong điều kiện cho phép, hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh. Điều đó nói đến hiệu quả và giá trị của nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước ta. Qua việc chấp hành rất nghiêm túc và xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, tôi thấy rằng tổ chức bộ máy của chúng ta có lẽ vận hành cũng đang rất tốt, trơn tru và nghiêm túc. Một câu hỏi tôi tự đặt ra, vậy chúng ta đã đạt được mục tiêu kép hay chưa, tức là vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế. Câu trả lời của tôi tự trả lời đó là có, đã đạt được mục tiêu này. Vì trong chống dịch thì chúng ta đã khoanh vùng dập dịch và người dân được bảo vệ an toàn, sức khỏe và tính mạng.
Về mục tiêu phát triển kinh tế, chúng ta thấy rằng con số đã chỉ ra là chúng ta tăng trưởng 5,64% như anh Kim so sánh với các nước Thái Lan, Singapore tăng trưởng âm. Chúng ta con số này rất đáng mừng. Chúng ta đã thành công trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời 3 tổ chức đánh giá tín nhiệm của thế giới đều tăng mức tín nhiệm của Việt Nam trong thời gian qua. Tôi thấy rằng đây cũng là sự thành công trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm. Như vậy, chúng ta đã đạt được mục tiêu kép này, vừa phòng, chống dịch mà lại vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Về những tồn tại trong thời gian phòng, chống dịch. Tôi thấy rằng những tồn tại như Báo cáo thẩm tra đã nêu về vấn đề giải ngân gói hỗ trợ chậm. Điểm thứ hai tôi thấy rằng vấn đề tổ chức xét nghiệm cho người dân ở thành phố Hồ Chí Minh lúc đầu còn lúng túng, để người dân tập trung rất đông lấy phiếu xét nghiệm, ví dụ như ở khu vực Nhà thi đấu Phú Thọ và chợ Bình Điền, chúng ta xem TV thấy rằng rất nhiều người tập trung, nguy cơ lây nhiễm rất cao đã thể hiện sự lúng túng của chúng ta trong việc tổ chức xét nghiệm cho người dân, nhưng ngay sau đó cũng đã được khắc phục và đến nay Hà Nội như bản tin thời sự buổi trưa nay thấy rằng Hà Nội đã rút kinh nghiệm và cán bộ tổ dân phố đến từng nhà mời từng người đi xét nghiệm và người ta giữ khoảng cách thực hiện 5K rất tốt, không tập trung đông người như Thành phố Hồ Chí Minh. Đó là một số vấn đề xung quanh việc phòng dịch của chúng ta và phát triển kinh tế trong 6 tháng. Tôi đánh giá như vậy.
Dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm 2021-2025, tôi thấy rằng Nghị quyết đã căn cứ vào Nghị quyết Đại hội Đảng 13, cụ thể hóa 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược và xây dựng 12 nhóm nhiệm vụ giải pháp. Việc triển khai Nghị quyết của Đảng thành kế hoạch của Nhà nước đảm bảo nhất quán từ lãnh đạo, chỉ đạo đến xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện trên thực tế. Đối với Nghị quyết này, tôi cũng hoàn toàn đồng tình vì nó đã đồng bộ với Nghị quyết Đại hội Đảng 13. Báo cáo với tổ như vậy. Xin hết ý kiến.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh