Cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh - Đòn bẩy thu hút đầu tư (kỳ 1)

Đăng ngày 11-08-2021
100%

 

I. Từ chủ trương, chính sách “đúng” và “trúng”

Những năm trước đây, công tác CCHC của tỉnh được đánh giá vẫn còn bất cập, nhất là việc xây dựng các hồ sơ, thủ tục, quy trình thực hiện còn chưa kịp thời. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa chặt chẽ; công tác thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp còn trùng lặp. Một số lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức còn thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ, gây phiền hà, nhũng nhiễu đối với doanh nghiệp nhưng chưa có trường hợp nào bị xử lý. Tính minh bạch trong tiếp cận thông tin, doanh nghiệp còn khó khăn; việc tiếp cận các thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến lĩnh vực đất đai còn hạn chế. Thu hút đầu tư thiếu tính liên kết vùng, khu vực; chưa có nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ cao mang tính động lực để phát triển kinh tế; công tác quy hoạch (đất đai, xây dựng...) phục vụ thu hút đầu tư còn bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của các nhà đầu tư. Những tồn tại nêu trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 9-6-2016 về đẩy mạnh CCHC, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2020. UBND tỉnh đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 58/KH-UBND ngày 1-7-2016 để thực hiện Nghị quyết. Đây là cơ sở quan trọng để các cấp, các ngành tập trung triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ: tạo quỹ đất; phát triển kết cấu hạ tầng; cơ chế chính sách tài chính; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đảm bảo an ninh trật tự; cải cách TTHC trong thẩm định, cấp phép... tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xúc tiến, thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt CCHC, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư theo tinh thần Nghị quyết số 05-NQ/TU; xác định CCHC là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược và là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Công tác CCHC trong giai đoạn này được triển khai trên tất cả các ngành, lĩnh vực, trong đó tập trung vào 3 nhiệm vụ trọng tâm đó là: Cải cách thể chế, TTHC; hiện đại hóa nền hành chính Nhà nước và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đồng chí Vũ Trọng Quế, TUV, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Điểm nổi bật trong công tác CCHC giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Nam Định trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh (tháng 7-2017) làm cơ quan đầu mối điều phối giải quyết các TTHC liên quan đến các dự án đầu tư không sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn. Văn phòng UBND tỉnh đã thành lập, công khai đường dây nóng, hỏi đáp trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh để tiếp nhận và xử lý vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp. UBND tỉnh lần lượt khai trương, đưa vào sử dụng Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh tại địa chỉ dichvucong.namdinh.gov.vn (tháng 3-2018); thành lập, đưa Trung tâm phục vụ hành chính công (tháng 9-2019) và Trung tâm Điều hành đô thị thông minh tỉnh Nam Định được vận hành thí điểm (tháng 2-2020). Đây là những công cụ quan trọng tạo thế “kiềng 3 chân” trong thực hiện CCHC trong thời đại công nghệ 4.0. Theo đó, tỉnh ta là một trong 8 địa phương đầu tiên của cả nước hoàn thành kết nối Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh với Cổng cung cấp dịch vụ công quốc gia; hiện đã cung cấp 100% dịch vụ công mức độ 4.

Cán bộ Văn phòng UBND tỉnh hướng dẫn người dân đến giao dịch tại Trung tâm phục vụ hành chính công, Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh.

Đến nay, 100% các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và 226 xã, phường, thị trấn đã sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành trong điều hành, giải quyết công việc. Trên 90% văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính Nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử và được kết nối qua Trục liên thông văn bản của tỉnh. Bình quân một tháng có gần 60 nghìn văn bản đến và hơn 11 nghìn văn bản đi được xử lý trên phần mềm (trong đó có gần 30 nghìn văn bản đến và gần 10 nghìn văn bản đi được nhận, gửi qua Trục liên thông văn bản). Việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết TTHC được cụ thể hóa bằng kiện toàn lại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC một cửa cấp huyện, cấp xã. Các sở, ban, ngành của tỉnh, một số đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn cũng đã thực hiện tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh giúp việc thực hiện các TTHC được tập trung tại một đầu mối, nâng cao được chất lượng giải quyết TTHC và tăng cường được việc quản lý, theo dõi, giám sát việc thực hiện giải quyết TTHC của công chức ở bộ phận “Một cửa”. Cùng với công tác kiểm soát TTHC, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại hóa nền hành chính Nhà nước, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực đất đai, thuế, hải quan, kho bạc Nhà nước, bảo hiểm xã hội… nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và đóng góp ngân sách lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Từ những giải pháp đồng bộ, căn cơ đã góp phần cải thiện môi trường, nâng cao năng lực thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh, tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển toàn diện. Tính trong giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh thu hút được 525 dự án đầu tư cấp mới và điều chỉnh tăng vốn (Trong đó có 118 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và 407 dự án đầu tư trong nước) với tổng giá trị đăng ký vốn đầu tư ước đạt 3,5 tỷ USD vốn FDI (tăng 8 lần so với giai đoạn 2010-2015) và trên 32 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước (tăng 2,7 lần so với giai đoạn 2010-2015); trong đó vốn giải ngân giai đoạn 2015-2020 gấp 4 lần so với giai đoạn 2010-2015. Nhiều dự án đầu tư sản xuất kinh doanh quy mô lớn có tác động lan tỏa đã hoàn thành đi vào hoạt động như: Dự án Nhà máy dệt Bảo Minh (80 triệu USD); dự án khách sạn Nam Cường tiêu chuẩn 4 sao quốc tế đầu tiên tại tỉnh... Một số dự án đang được triển khai như: Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định I tại huyện Hải Hậu (2.072 triệu USD); Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp dệt may Rạng Đông (4.628 tỷ đồng); dự án Công ty TNHH Top Textiles (tập đoàn Toray Nhật Bản) thực hiện với tổng mức đầu tư là 203 triệu USD trên diện tích đất là 31,2ha; dự án Nhà máy dệt may Jehong Textile với tổng mức đầu tư là 6,05 triệu USD trên diện tích đất là 3,06ha… 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng lớn của đại dịch COVID-19 song công tác thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài của tỉnh tiếp tục đạt kết quả tích cực, tăng cả về số dự án và số vốn đăng ký đầu tư. Toàn tỉnh có 421 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 9.551 tỷ đồng, tăng 14,4% về số lượng doanh nghiệp (tăng 53 doanh nghiệp) và vốn đăng ký gấp 3,2 lần (tăng 6.594 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả thu hút đầu tư đã đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh, tổng sản phẩm GRDP trong tỉnh tăng bình quân 7,9%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân của giai đoạn 2010-2015 6,2%/năm, quy mô nền kinh tế được mở rộng; đồng thời, tạo tiền đề cho tỉnh phát triển nhanh, bền vững hơn trong giai đoạn tới.

°
41 người đang online
Lịch Vạn Niên & Lịch Âm 2023 Ôn Thi GPLX 600 & Mô Phỏng 120