Phát huy vai trò của người dân trong thực hiện cải cách hành chính

Đăng ngày 30-12-2021
100%

 

Trong kết quả đã đạt được của chương trình cải cách hành chính (CCHC) thời gian qua có vai trò đóng góp không nhỏ của người dân trong việc tham gia giám sát cơ quan Nhà nước; góp ý, phản ánh nguyện vọng, đánh giá sự hài lòng đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính giúp chính quyền nắm được mục tiêu, yêu cầu của CCHC, nhất là hoàn thiện thủ tục hành chính (TTHC) và nâng cao chất lượng phục vụ của hệ thống cơ quan hành chính Nhà nước các cấp.

Người dân thị trấn Cổ Lễ đăng ký hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận "một cửa" huyện Trực Ninh.

Chương trình đẩy mạnh chuyển đổi số tại tất cả các lĩnh vực CCHC của tỉnh mới bước vào giai đoạn đầu đã nhận được sự tích cực tham gia từ phía người dân. Trong đó, người dân và doanh nghiệp đã có 58 phản ánh, kiến nghị về công tác giải quyết TTHC tại hệ thống của Cổng dịch vụ công quốc gia. Người dân đã tích cực phối hợp cùng ngành chức năng thực hiện công tác xác thực định danh công dân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Kho dữ liệu điện tử của công dân. Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hệ thống một cửa điện tử của tỉnh được vận hành tại địa chỉ dichvucong.namdinh.gov.vn đã có hơn 4,3 triệu lượt người dân truy cập vào; theo công bố xếp hạng của Bộ Thông tin và Truyền thông, Cổng đứng thứ 5/63 tỉnh, thành phố. Nhiều người dân đã đăng ký giải quyết TTHC ở mức độ 3, 4 trên môi trường internet, nhờ đó trên 50% số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của tỉnh thường xuyên phát sinh hồ sơ. Năm 2021 số hồ sơ TTHC tiếp nhận trên Cổng là 859.601 hồ sơ; trong đó hồ sơ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 là 173.544 hồ sơ. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn trên Cổng đạt 99,87%. Sự tích cực tham gia sử dụng dịch vụ hành chính trên môi trường điện tử của người dân đã góp phần quản lý, theo dõi, giám sát công chức một cửa trong việc giải quyết TTHC. Nhiều người dân cũng đã nhận kết quả giải quyết TTHC bản điện tử hoặc nhận kết quả điện tử song song với văn bản giấy; đã tham gia thanh toán trực tuyến các khoản phí, lệ phí, nghĩa vụ thuế. Năm 2021, có 756 hồ sơ TTHC của người dân và doanh nghiệp phát sinh thanh toán trực tuyến. Tổng số tiền thực hiện thanh toán trực tuyến phí, lệ phí trên 398 triệu đồng, số tiền thực hiện thanh toán trực tuyến nghĩa vụ thuế về đất đai trên 3 tỷ 281 triệu đồng. Ngoài ra, người dân còn tham gia vào các hoạt động học tập, mua sắm hàng hóa trên môi trường internet... Mới đây, khi Sở Thông tin và Truyền thông đưa vào hoạt động thí điểm các hệ thống thông tin, phần mềm (Tài khoản OA Zalo của Cổng DVC), hệ thống phản ánh kiến nghị của tỉnh, ứng dụng di động công dân (App Smart Nam Dinh) tạo kênh tương tác hai chiều để có thể tiếp cận, giao dịch thuận tiện giữa người dân, doanh nghiệp với cơ quan Nhà nước trên môi trường internet nhiều người dân đã tích cực hưởng ứng, tham gia. 

Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2030 của tỉnh xác định mục tiêu từng bước hoàn thiện công tác hành chính của tỉnh chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, liêm chính, kiến tạo, phục vụ nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Trong đó, bên cạnh các nhiệm vụ cốt lõi như đầu tư, hoàn thiện hạ tầng chính quyền số; tích cực hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách xuất phát từ thực tiễn, tỉnh yêu cầu CCHC phải xuất phát từ lợi ích của người dân, doanh nghiệp; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp. Đặc biệt, việc song hành CCHC với chuyển đổi số cho thấy muốn có quốc gia số cần có xã hội số, công dân số đặt ra yêu cầu người dân phải tăng cường, chủ động hơn nữa trong tham gia CCHC. Để tăng nhanh số lượng công dân số cũng như tinh thần tích cực, chủ động đóng góp vào công cuộc CCHC, tỉnh yêu cầu các ngành, các địa phương phải nhận diện rõ thực trạng: nhận thức về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện CCHC của nhiều doanh nghiệp, người dân chưa đầy đủ và chưa tương đồng, đặc biệt là trong việc tiếp cận những dịch vụ công trực tuyến mà các cấp chính quyền, ngành chức năng cung cấp. Vì vậy, các ngành, các địa phương cần tăng cường phổ biến, quán triệt sâu rộng để doanh nghiệp, người dân nhận thức đúng đắn, đầy đủ về CCHC. Giúp người dân thấy được quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong tiếp cận thông tin theo quy định pháp luật, trong mối quan hệ với các cơ quan hành chính; quyền và nghĩa vụ của đối tượng thực hiện TTHC; các nội dung thông tin liên quan đến kiện toàn tổ chức bộ máy, sáp nhập, hợp nhất các tổ chức, đơn vị hành chính để người dân, tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận thông tin chính xác, kịp thời và tạo thuận lợi trong việc liên hệ, giải quyết công việc, TTHC. Chú trọng tuyên truyền để người dân hiểu rõ lợi ích của việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến; khuyến khích người dân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích để tiết kiệm thời gian và chi phí. Để người dân tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến, ngoài việc tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông thì các cơ quan, đơn vị vẫn phải tuyên truyền trực tiếp, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp theo hình thức gần như “cầm tay chỉ việc”, từng bước để doanh nghiệp, người dân có thói quen sử dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền, ngành chức năng cần tăng cường tạo điều kiện để người dân, tổ chức, doanh nghiệp tích cực góp ý, tham gia hoàn thiện TTHC, giám sát cơ quan Nhà nước trong quá trình thực hiện.

Bằng các nhiệm vụ trọng tâm kể trên, tỉnh hướng tới mục tiêu huy động người dân chung tay thực hiện CCHC với phương châm “Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo chất lượng công tác CCHC của mình”./.

°
20 người đang online
Lịch Vạn Niên & Lịch Âm 2023 Ôn Thi GPLX 600 & Mô Phỏng 120