Trực Chính hướng tới xã nông thôn mới kiểu mẫu
Về xã Trực Chính (Trực Ninh) hôm nay, bức tranh tươi sáng về một miền quê đổi mới hiện hữu rõ nét ở những ngôi nhà khang trang mọc lên san sát, những cung đường được thảm nhựa, bê tông rộng rãi, sạch đẹp như phố thị. Dọc hai bên các tuyến đường quê là hệ thống điện chiếu sáng, hàng cây xanh, những chậu hoa đa sắc màu làm bừng sáng cảnh sắc một vùng quê. Đây là những kết quả phấn khởi trong hành trình “không ngừng nghỉ” xây dựng nông thôn mới (NTM) của Đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây.
|
Mô hình trồng khoai tây theo tiêu chuẩn VietGAP của Hợp tác xã Nông nghiệp Minh Diện, xã Trực Chính. |
Sau khi được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2020. Từ nhận thức “Xây dựng NTM là một quá trình lâu dài, liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”, Trực Chính tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp giữ vững, không ngừng cải thiện chất lượng các tiêu chí đã đạt được theo bộ tiêu chí xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025, đồng thời xây dựng các mục tiêu tiếp theo. Đồng chí Trịnh Thanh Niên, Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ, để tạo sự đồng thuận và nâng cao nhận thức cho “chủ thể NTM”, công tác tuyên truyền được xã triển khai bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng với từng đối tượng. Trong đó tập trung quán triệt quan điểm, chủ trương chỉ đạo của cấp trên và của xã cho cán bộ, đảng viên từ xã đến cơ sở, đặc biệt là vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Thường xuyên tuyên truyền về công tác xây dựng NTM kiểu mẫu trên hệ thống truyền thanh của xã, qua các hội nghị của xã, các thôn; tích cực phổ biến biểu dương những tấm gương điển hình về tham gia xây dựng NTM nâng cao để động viên, khích lệ mọi người noi theo; kẻ vẽ, in pa nô, khẩu hiệu tuyên truyền về xây dựng NTM kiểu mẫu tại các khu tập trung đông dân cư… Từ đó, giúp người dân thấy được ý nghĩa của chương trình, vai trò trách nhiệm của mình và nhận thức đúng đắn hơn, tích cực chủ động tham gia xây dựng NTM kiểu mẫu.
Để tạo “nội lực” trong xây dựng NTM, xã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; hình thành chuỗi liên kết sản xuất và các mô hình nông nghiệp sạch, nông nghiệp an toàn, hữu cơ… nâng cao hiệu quả, giá trị kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay xã có 3 sản phẩm của Công ty Cổ phần Nông nghiệp VIAGRI được tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao là: “Trà củ sen”, “Tinh bột nghệ củ sen” và “Tinh bột sắn dây”. Các sản phẩm đều có mã truy xuất nguồn gốc, được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và được giới thiệu, quảng bá trên nền tảng sàn thương mại điện tử. Bên cạnh phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các ngành nghề nông thôn cũng được xã chú trọng, khuyến khích phát triển với các nghề dệt truyền thống, may mặc, cơ khí, xây dựng, thương mại dịch vụ… Hiện nay, xã có 3 HTX dệt may đang hoạt động hiệu quả, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng trăm lao động địa phương. Năm 2023, thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt 83,69 triệu đồng/năm.
Kinh tế phát triển cùng với nhận thức về xây dựng NTM được nâng cao, người dân tích cực hưởng ứng, tham gia vào phong trào xây dựng NTM. Cùng với nguồn lực tại chỗ, xã đã kêu gọi các nhà hảo tâm, con em quê hương đã thành đạt đang sinh sống, công tác trên khắp mọi miền Tổ quốc cùng chung tay góp sức với địa phương để xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Trong giai đoạn 2021-2023, xã đã huy động tổng nguồn kinh phí 119,3 tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất trường học các cấp; nâng cấp các tuyến đường giao thông, đường nội đồng; nâng cấp trụ sở UBND xã; xây mới, tu sửa các công trình cầu cống, thủy lợi; xây mới, sửa chữa các nhà văn hóa, lắp đặt bộ dụng cụ thể dục, thể thao ngoài trời; đầu tư hệ thống chiếu sáng tại khu dân cư… theo hướng đồng bộ, hiện đại, phục vụ hiệu quả yêu cầu về sản xuất, đời sống dân sinh của nhân dân. Xác định nâng cao chất lượng môi trường, xây dựng cảnh quan đóng vai trò quan trọng trong việc làm thay đổi bộ mặt nông thôn, xã phát động làm tổng vệ sinh môi trường định kỳ với sự tham gia của cán bộ, công chức đến nhân dân trên địa bàn toàn xã. Định kỳ 1-2 lần/tháng, từ xã đến thôn thực hiện tổng vệ sinh; phát động các cơ quan công sở, trường học, thôn trồng các loại cây bóng mát theo quy hoạch 2 bên lề đường, bờ sông, đường ra cánh đồng, đường dong trồng các loại cây hoa, cây cảnh như: hoa mười giờ, dứa tím; xây dựng các tuyến đường tự quản, đường cây xanh, đường hoa kiểu mẫu… Công tác phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn và xử lý rác hữu cơ bằng nắp đậy được người dân thực hiện triệt để. Các hộ thường xuyên chỉnh trang nhà cửa, vườn cây, quét vôi ve, làm vệ sinh đường làng, ngõ xóm theo phương châm “3 sạch” tạo nên bức tranh miền quê Trực Chính “sáng - xanh - sạch - đẹp”.
Lựa chọn chuyển đổi số là lĩnh vực nổi trội trong NTM kiểu mẫu, xã đã lắp đặt, vận hành hệ thống đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông (truyền thanh thông minh) gồm 1 cụm loa ở hệ thống trung tâm và 4 cụm loa không dây lắp tại các thôn, từng bước hiện đại hóa hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn xã. Đổi mới phương thức cung cấp thông tin, nâng cao chất lượng nội dung thông tin để cung cấp, trao đổi thông tin theo hướng kịp thời, chủ động, chính xác và hiệu quả. Từng bước hình thành cơ sở dữ liệu, số hóa nguồn thông tin cơ sở, đáp ứng yêu cầu tuyên truyền, phổ biến đến người dân và phục vụ công tác quản lý Nhà nước về thông tin cơ sở. Bên cạnh đó, xã lắp đặt bảng tin điện tử công cộng tại vị trí trung tâm xã (cổng UBND xã) để tuyên truyền các nội dung, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Nhà nước, hình ảnh xây dựng NTM, hình ảnh văn hóa, văn nghệ của nhân dân trên địa bàn xã. Qua đó, đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin nguồn, phổ biến đến người dân, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền cơ sở và nhiệm vụ thông tin tuyên truyền tại địa phương. Xã lựa chọn thôn Dịch Diệp để xây dựng mô hình thôn thông minh. Hiện, tại nhà văn hoá thôn Dịch Diệp đã triển khai lắp đặt 1 điểm phát sóng wifi miễn phí phục vụ người dân; 5 camera an ninh công cộng kết hợp với nhiều camera của các hộ dân tạo thành một mạng lưới giám sát từ xa, hỗ trợ đắc lực cho công tác giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. Thôn cũng có 2 sản phẩm tiêu biểu là rượu men lá Xuân Trình và khăn màn của các hộ dân trong thôn sản xuất đã được giới thiệu, bán hàng trên trang thông tin điện tử, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.
Đến thời điểm hiện tại, xã Trực Chính đang hoàn thiện hồ sơ, đề nghị cấp trên thẩm định, xét duyệt, công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2023. Thành quả trên là động lực để xã tiếp tục duy trì, phát triển chất lượng các tiêu chí NTM kiểu mẫu, trở thành một vùng quê thực sự đáng sống.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh