Khai mạc Lễ hội Kỳ phúc Đình làng Vạn Điểm năm 2024

Đăng ngày 22-11-2024
100%

 

Ngày 20/11, UBND thị trấn Lâm (Ý Yên) tổ chức khai mạc Lễ hội Kỳ phúc, Đình làng Vạn Điểm năm 2024.

Tiết mục trống hội Âm vang Thiên Trường khai mạc lễ hội.
Tiết mục trống hội "Âm vang Thiên Trường" khai mạc lễ hội.

Di tích Đình làng Vạn Điểm (Đình Đụn) trước kia được dựng tại Trại B (nay là tổ dân phố số 4, số 5, thị trấn Lâm), khi mới khởi dựng có quy mô nhỏ với cấu trúc 5 gian mái tranh. Đến triều Nguyễn, niên hiệu Thành Thái (1889), đình được các cụ cao niên và người dân di chuyển về vị trí mới nằm ở phía tây làng. Đình được xây dựng bằng gỗ lim, mái lợp ngói nam với thiết kế “tiền chữ Nhất, hậu chữ Đinh”. Trong suốt chiều dài lịch sử kể từ khi khởi dựng, Đình làng Vạn Điểm là nơi tổ chức nhiều hoạt động của làng. Sau Cách mạng Tháng Tám, đình là nơi mở các lớp bình dân học vụ, dạy chữ cho nhân dân. Tháng 1/1946, đình được chọn là địa điểm để cử tri trong xã tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà. Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, đình làng đã ủng hộ 1 chiếc máng đồng, trọng lượng gần 5 tạ để đúc súng đạn phục vụ chiến đấu. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đình làng trở thành nơi sơ tán của các trường cấp I, cấp II, Bưu điện, Huyện Đội Ý Yên và là nơi nuôi dưỡng chiến sĩ cách mạng.

Rước kiệu trong lễ hội Kỳ phúc làng Vạn Điểm, thị trấn Lâm (Ý Yên).
Rước kiệu trong lễ hội Kỳ phúc làng Vạn Điểm, thị trấn Lâm (Ý Yên).

Hiện tại đình còn lưu giữ được 13 đạo sắc phong của triều nhà Nguyễn từ đời Vua Tự Đức năm thứ 10 (1857) đến đời Vua Khải Định năm thứ 9 (1924). Căn cứ vào các đạo sắc phong còn lưu giữ được, trong đình còn phối thờ các vị thần: Đức Thánh Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng, Quý Minh Đại Vương...

Với các giá trị về kiến trúc, lịch sử, năm 2009, Đình làng Vạn Điểm được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá. Hàng năm, tại đây địa phương tổ chức một số nghi lễ truyền thống lớn gồm Lễ Thượng nguyên (tháng Giêng); Lễ vào hạ (tháng 4 âm lịch); Lễ Kỳ phúc (tháng 10 âm lịch) và Lễ Tống cựu nghinh tân (đêm giao thừa). Trong đó, theo hương ước của làng, 5 năm 1 lần, Lễ Kỳ phúc được tổ chức với quy mô lễ hội. Trong lễ hội ngoài các nghi thức như: Rước kiệu, dâng hương, tế lễ cầu cho mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an còn có phần hội với các hoạt động văn hoá, văn nghệ đặc sắc: hát chèo, hát văn, múa lân, rồng, kèn đồng, trống hội... và các trò chơi dân gian: chọi gà, cờ tướng,... mang lại không khí vui tươi, rộn ràng cho lễ hội, thu hút đông đảo du khách và người dân tham gia.

Lễ hội Kỳ phúc, Đình làng Vạn Điểm không chỉ là dịp để người dân trở về với các giá trị văn hóa cội nguồn, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” mà còn là cơ hội để quảng bá hình ảnh, con người, phong cảnh và truyền thống lịch sử, văn hoá của vùng đất Vạn Điểm đến du khách thập phương./.

Tin: Diệu Linh 
Ảnh: Khánh Dũng

°
129 người đang online
Lịch Vạn Niên & Lịch Âm 2023 Ôn Thi GPLX 600 & Mô Phỏng 120