Huy động hiệu quả nguồn vốn đầu tư toàn xã hội - Động lực phát triển bền vững

Đăng ngày 22-11-2024
100%

 

Trong những năm qua, tỉnh Nam Định đã ghi dấu những thành tựu nổi bật trong việc huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư toàn xã hội, khẳng định vai trò động lực then chốt trong chiến lược phát triển bền vững.

Thi công xây dựng khu tái định cư và khu dân cư tập trung xã Nam Hoa (Nam Trực).
Thi công xây dựng khu tái định cư và khu dân cư tập trung xã Nam Hoa (Nam Trực).

Bước tiến vượt bậc trong thu hút vốn đầu tư

Giai đoạn 1997-2023, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh đạt 428.621 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 17,84%/năm. Đặc biệt, năm 2024, ước tính tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 73.650 tỷ đồng, tăng 18% so với năm trước. Đáng chú ý, tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực ngoài Nhà nước đã tăng mạnh mẽ, từ 27,43% năm 1997 lên 74,79% năm 2023 và dự kiến vượt 97,7% vào năm 2024. Những con số này không chỉ phản ánh khả năng huy động hiệu quả các nguồn lực mà còn thể hiện sức hấp dẫn ngày càng lớn của Nam Định đối với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Đây là kết quả của nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, với sự tham gia ngày càng tích cực của các tập đoàn và doanh nghiệp tư nhân vào các lĩnh vực kinh tế then chốt. Những dự án lớn trong công nghiệp, hạ tầng đô thị và dịch vụ đã minh chứng cho vai trò tiên phong của khu vực tư nhân trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. 

Song song với sự lớn mạnh của doanh nghiệp trong nước, Nam Định cũng đạt được những bước tiến dài trong thu hút đầu tư nước ngoài. Tính đến nay, tỉnh đã thu hút được 164 dự án FDI với tổng vốn đăng ký khoảng 4,2 tỷ USD; các dự án FDI tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao, sản xuất hiện đại, không chỉ giúp tăng trưởng kinh tế mà còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Giải pháp huy động hiệu quả nguồn vốn đầu tư

Thành công của Nam Định trong huy động nguồn vốn phát triển toàn xã hội là kết quả từ việc triển khai các giải pháp mang tính chiến lược và đồng bộ. Để tăng cường nguồn vốn đầu tư công trong bối cảnh ngân sách Nhà nước gặp nhiều khó khăn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng, ban hành cơ chế đầu tư các khu đô thị, khu dân cư tập trung nông thôn nhằm huy động hiệu quả hơn nguồn lực từ quỹ đất. Đây là giải pháp mang tính đột phá trong công tác huy động nguồn lực, vừa góp phần nâng cao tỷ lệ đô thị hóa ở khu vực nông thôn vừa đáp ứng được nhu cầu của người dân khi quá trình đưa doanh nghiệp về khu vực nông thôn đã tạo ra nguồn thu nhập tích lũy cho một bộ phận người lao động; đồng thời cũng giải quyết được bài toán khó về nguồn vốn đầu tư phát triển trong bối cảnh ngân sách gặp nhiều khó khăn. Đến nay, toàn tỉnh đang triển khai được trên 230 dự án đầu tư khu đô thị, khu dân cư tập trung nông thôn. Tỉnh khai thác hiệu quả nguồn lực từ đấu giá đất tại các khu đô thị và khu dân cư tập trung, thu hơn 2.600 tỷ đồng/năm, phân cấp cho các huyện, thành phố để tái đầu tư vào hạ tầng và xây dựng nông thôn mới.

Để nâng cao hiệu quả công tác thu hút vốn đầu tư phục vụ phát triển kinh tế, chính quyền tỉnh đã tập trung chỉ đạo cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục đầu tư và triển khai chính sách ưu đãi dành cho các nhà đầu tư lớn. Tỉnh ủy đã chỉ đạo xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 9/6/2016 của Tỉnh ủy (giai đoạn 2016-2020); Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18/6/2021 của Tỉnh ủy (giai đoạn 2021-2025) về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư. Theo đó, các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh, trực tiếp là các đồng chí lãnh đạo tỉnh, luôn chủ động hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp về tìm hiểu, đầu tư tại tỉnh. Tỉnh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trụ sở mới của Trung tâm Phục vụ hành chính công, Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh giúp người dân và doanh nghiệp thực hiện các thủ tục nhanh chóng, thuận tiện. Đặc biệt, Nam Định chủ động thúc đẩy thu hút đầu tư theo Quy hoạch chiến lược và rõ ràng; trong đó đã công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, giúp các nhà đầu tư có cái nhìn tổng thể về định hướng phát triển. Tỉnh cũng tích cực thúc đẩy để sớm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ quy mô 13.950ha và sẽ mở rộng thêm 35 nghìn ha sau năm 2030 theo hướng trở thành khu vực tạo động lực thúc đẩy, mang tính đột phá của tỉnh và vùng đồng bằng sông Hồng với mô hình khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa chức năng, gồm: Khu đô thị, khu công nghiệp, khu cảng, khu dịch vụ hậu cần cảng, khu du lịch; đồng thời chuyển đổi sinh kế người dân ở bãi ngang, bãi bồi sang đánh bắt, nuôi biển kết hợp hình thành các trung tâm điện gió ngoài khơi. Từ đó sẽ tạo “cú huých” phát triển kinh tế - xã hội nhờ sự kiến tạo, mở rộng không gian mới về phía biển với nhiều dư địa cho đầu tư. Trong thu hút đầu tư, tỉnh đặc biệt ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, phát triển xanh, bền vững, có khả năng đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách của tỉnh góp phần tăng nhanh quy mô kinh tế, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Hiện, tỉnh đã thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư tại địa bàn các dự án trọng điểm như nhà máy sản xuất máy tính công nghệ cao của Tập đoàn Quanta hay Tổ hợp 3 dự án thép xanh của Tập đoàn Xuân Thiện đã đặt nền móng cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, bền vững.

Tỉnh còn chú trọng hoàn thiện hạ tầng, trong đó đẩy mạnh đầu tư vào các dự án giao thông trọng điểm, kết nối vùng hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp triển khai hoạt động sản xuất và kinh doanh. Đã hoàn thành, đưa vào sử dụng một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, như: Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định; đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn I); tỉnh lộ 487B, 488C; Cụm công trình kênh Nghĩa Hưng (Đáy - Ninh Cơ); cầu Bến Mới. Đang triển khai thực hiện một số dự án, công trình lớn, có ý nghĩa chiến lược, lâu dài, khi hoàn thành sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: Giai đoạn II dự án xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình; Tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển (với chiều dài toàn tuyến 33km, có 8 làn xe, tổng vốn đầu tư gần 9.000 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách tỉnh, dự kiến hoàn thành tháng 8/2025); xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Nam Định và Ninh Bình (thuộc tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng). Triển khai công tác chuẩn bị giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (đoạn qua địa bàn tỉnh Nam Định); thủ tục chuẩn bị đầu tư bước lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nam - Nam Định (CT.11), giai đoạn 1 từ thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam đến thành phố Nam Định; phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải chuẩn bị thủ tục khởi công xây dựng cầu Ninh Cường.

Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh huy động vốn từ doanh nghiệp và các nguồn lực xã hội để đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật, xử lý rác thải, cung cấp nước sạch, và phát triển các khu, cụm công nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy phát triển bền vững.

Triển vọng tích cực

Với mức tăng trưởng vốn đầu tư toàn xã hội 18%, tỉnh đang có thêm động lực mạnh mẽ để đạt được mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm GRDP cao trong năm 2024, với mức dự kiến 10,35% (cao nhất từ trước đến nay và cao hơn so với trung bình cả nước). Dòng vốn đầu tư đổ vào các dự án lớn đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, giúp tỉnh tăng thu ngân sách Nhà nước năm 2024 lên 14 nghìn tỷ đồng, cao hơn 34% so với năm trước. Không chỉ vậy, các dự án trọng điểm còn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế bền vững, tăng cường xuất khẩu, nâng cao đời sống người dân và thu hẹp khoảng cách giữa đô thị và nông thôn.

Nam Định không chỉ dừng lại ở những thành tựu hiện tại mà còn đang hướng tới mục tiêu trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế khu vực đồng bằng sông Hồng. Vì vậy, tỉnh tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các nhà tài trợ để thu hút các nguồn vốn từ ngân sách Trung ương và các nguồn vốn hỗ trợ khác để đầu tư các dự án lớn về kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tiếp tục triển khai các giải pháp thu hút hiệu quả nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước vào các dự án phát triển trọng điểm và mở rộng hợp tác quốc tế nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy đầu tư theo hướng phát triển bền vững, hiện đại hóa toàn diện.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

°
52 người đang online
Lịch Vạn Niên & Lịch Âm 2023 Ôn Thi GPLX 600 & Mô Phỏng 120