Nam Định: GRDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 8,5%
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội của Nam Định tiếp tục ổn định, phát triển. Đặc biệt, kinh tế duy trì mức tăng trưởng khá, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu tăng so với cùng kỳ. Theo đó, kinh tế tỉnh Nam Định 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 27.221 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ.
|
Tổng sản phẩm GRDP trong 6 tháng đầu năm 2023 của Nam Định tăng 8,5% so với cùng kỳ. |
Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,15; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12,59; khu vực dịch vụ tăng 7,32; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 8,56. Đây là mức tăng trưởng cao trong vùng đồng bằng sông Hồng (3/11 tỉnh, thành phố) và cả nước (6/63 tỉnh, thành phố). Về cơ cấu kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 20,82%; khu vực công nghiệp và xây dựng 42,01%; khu vực dịch vụ 34,46%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 2,71%.
|
Cơ cấu kinh tế GRDP 6 tháng đầu năm 2023 của Nam Định. |
Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 17.833 tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ, trong đó, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 3.075 tỷ đồng, bằng 32,4% dự toán năm. Tổng chi ngân sách Nhà nước ước đạt 7.681 tỷ đồng, bằng 40,2% dự toán năm và tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chi đầu tư phát triển 3.800 tỷ đồng, tăng 35,7%, chi thường xuyên 3.880 tỷ đồng, giảm 1%.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2023 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho cây trồng, vật nuôi sinh trưởng và phát triển. Năng suất các loại cây trồng vụ Đông Xuân tương đương và cao hơn vụ Đông Xuân năm trước. Chăn nuôi phát triển ổn định; dịch bệnh được kiểm soát. Hoạt động lâm nghiệp đẩy mạnh công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Ngành thủy sản đạt sản lượng khá, tập trung khai thác tốt các lợi thế của địa phương. Bên cạnh đó, công tác xây dựng nông thôn mới được đặc biệt quan tâm. Toàn tỉnh Nam Định đã có 187/204 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
|
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm 2023 của Nam Định. |
Nam Định đã tập trung đẩy mạnh thực hiện nguồn vốn đầu tư công, nhất là các dự án hạ tầng giao thông để tăng cường giao thương, liên kết vùng tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn. Do đó, hoạt động đầu tư và xây dựng 6 tháng đầu năm 2023 đạt mức tăng khá: Vốn đầu tư thực hiện theo giá hiện hành tăng 12,2%; giá trị sản xuất ngành xây dựng theo giá so sánh tăng 12,8% so với cùng kỳ.
Về hoạt động của doanh nghiệp, tính đến ngày 15/6/2023, Nam Định có 644 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 7.010 tỷ đồng và 12.550 lao động đăng ký, tăng 14,4% về số doanh nghiệp, tăng 35,8% về vốn đăng ký và tăng 28,6% về số lao động so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 250 doanh nghiệp, bằng 85,9%. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, bỏ địa chỉ kinh doanh 1.077 doanh nghiệp, giảm 11,0% so với cùng kỳ.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý II/2023 được đánh giá tốt hơn quý I/2023: Có 81,56% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt lên và giữ ổn định; 18,44% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn so với quý I/2023. Dự báo hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý III/2023 duy trì xu hướng như trong quý II/2023…
|
Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 của Nam Định. |
Trong thời gian tới, nhằm thực hiện tốt các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đề ra trong năm 2023, Nam Định tiếp tục tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính, quan tâm hỗ trợ các nhà đầu tư lớn. Đồng thời, quyết liệt triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ, dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án trọng điểm, đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục về đầu tư công.
Cùng với đó, Nam Định quan tâm thực hiện tốt công tác thu, chi ngân sách, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn phù hợp với quy định và khả năng bố trí vốn; bảo đảm an sinh xã hội, chủ động đào tạo, bố trí nhân lực phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Theo baophapluat.vn
baophapluat.vn