Giải pháp khoa học nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp

Đăng ngày 25-01-2023
100%

 

Để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, Sở Khoa học và Công nghệ (KH và CN) đã phối hợp với Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (Bộ Công Thương) thực hiện Đề tài khoa học “Nghiên cứu một số nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định” với mục đích xác định và đánh giá mức độ ảnh hưởng của một số nhân tố đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Từ đó đề xuất các giải pháp KH và CN phát huy các yếu tố có lợi, khắc phục cải thiện các yếu tố bất lợi, tiêu cực vì sự phát triển của doanh nghiệp.

Sản xuất các sản phẩm cơ khí tại Công ty Cổ phần Kết cấu thép Việt Thắng (Nam Trực).
Sản xuất các sản phẩm cơ khí tại Công ty Cổ phần Kết cấu thép Việt Thắng (Nam Trực).

Thống kê tại thời điểm nghiên cứu năm 2020, trên địa bàn tỉnh có trên 6.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh đa ngành, nghề, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp và xây dựng, thương mại và dịch vụ; tổng số lao động trong các doanh nghiệp gần 190 nghìn người. Doanh thu thuần sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đạt trên 142 nghìn tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu đạt 0,15%. Các con số trên cho thấy hiện các doanh nghiệp hàng năm đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Mặc dù có nhiều bước phát triển, giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của tỉnh song thực tế hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn như: trình độ công nghệ còn lạc hậu, khả năng quản trị yếu, nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu… Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ phát triển và tính bền vững của doanh nghiệp.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát tại 130 doanh nghiệp về các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như: đặc điểm hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp; đóng góp của các doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội; thực trạng quy hoạch, phát triển các khu, cụm công nghiệp… Qua khảo sát, nghiên cứu cho thấy đa số các doanh nghiệp xuất phát điểm thấp, phát triển từ hộ, cơ sở kinh doanh đi lên, quy mô doanh nghiệp vừa và nhỏ. Phần lớn doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực: dệt, may; cơ khí chế tạo và đóng tàu; công nghiệp hóa dược, dược phẩm và nhựa; sản xuất và phân phối điện; chế biến gỗ, giấy và lâm sản; sản xuất thực phẩm, đồ uống; sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông, thủy hải sản. Việc thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài vào các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn khá khiêm tốn với các dự án đầu tư quy mô nhỏ, vốn đầu tư thấp với công nghệ thông thường, thu hút lao động có tay nghề thấp, tập trung chính vào nhóm ngành gia công (dệt may, da giày…). Một số dự án quan trọng của tỉnh như Nhà máy nhiệt điện Hải Hậu, Khu công nghiệp Mỹ Trung, Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông… còn chậm tiến độ. Do ảnh hưởng của thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, một số ngành nghề trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Giá một số nguyên, nhiên vật liệu như: than, điện, xăng, dầu, gas, bông, sợi... biến động thất thường cùng với sức mua giảm đã ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển của các doanh nghiệp trên địa bàn, nhất là với ngành được xác định là ngành mũi nhọn và chiếm tỷ trọng lớn trong sản xuất công nghiệp nông thôn của tỉnh như cơ khí, điện, điện tử. Nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động hoặc sản xuất cầm chừng, thậm chí là phá sản. Mặt bằng lãi suất ngân hàng tuy đã giảm nhưng việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng còn gặp nhiều khó khăn, trong khi nội lực phần lớn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông thôn có mức độ nên đã hạn chế việc đầu tư mới, mở rộng sản xuất và đổi mới công nghệ. Công tác xúc tiến đầu tư còn nhiều hạn chế, thiếu các doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt, công nghiệp phụ trợ chưa gắn kết và phát triển…

Để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, từ kết quả khảo sát, phân tích dữ liệu, đề tài nghiên cứu đề xuất các giải pháp cần thực hiện đồng bộ về khả năng tiếp cận và sử dụng vốn, nguồn lực, định hướng thị trường của doanh nghiệp; công nghệ thông tin; chính sách của Nhà nước và của tỉnh. Theo đó các doanh nghiệp trong tỉnh cần đầu tư chiều sâu, vừa nâng cấp nhà máy sẵn có, vừa tiến hành quy hoạch, đầu tư mới để đáp ứng yêu cầu về xuất xứ hàng hóa theo quy định; quan tâm xây dựng đội ngũ kỹ thuật, thiết kế. Chủ động đầu tư đổi mới dây chuyền công nghệ, áp dụng phương thức quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, công cụ cải tiến năng suất như: ISO 9001; 5S, TPM, Lean… Áp dụng các mô hình sản xuất tiên tiến, tự động hóa cao, hoạt động khép kín, ứng dụng công nghệ thông tin điều khiển trên màn hình thông minh, giúp người lao động điều khiển máy móc thuận tiện, chính xác, tiết kiệm thời gian, sức lao động và nhân lực. Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, từng bước tham gia vào chuyển đổi số. Về phía cơ quan Nhà nước, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư. Đẩy mạnh tin học hóa tại bộ phận “một cửa” và “một cửa liên thông”; trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại hoá nền hành chính. Tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố Nam Định trong việc giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình thành lập, đầu tư và hoạt động của doanh nghiệp. Đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng công tác quy hoạch vùng kết hợp với quy hoạch phát triển ngành trong tỉnh. Nghiên cứu ban hành quy chế ưu đãi, khuyến khích, kêu gọi đầu tư và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng vào đầu tư sản xuất, kinh doanh tại khu, cụm công nghiệp. Hỗ trợ các doanh nghiệp có cơ sở kinh doanh gây ô nhiễm di dời ra khỏi khu đô thị và khu dân cư vào các khu, cụm công nghiệp để xử lý ô nhiễm một cách tập trung; khuyến khích các doanh nghiệp và nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh các công trình xử lý nước thải và chất thải tại các khu, cụm công nghiệp. Tập trung nguồn lực để phát triển đồng bộ hệ thống giao thông nội tỉnh, giao thông liên vùng đến các tỉnh trong khu vực; đẩy mạnh ứng dụng KHCN để nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện có; hoàn thiện hệ thống thông tin liên lạc, cung cấp điện, nước và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác như bến bãi vận tải, xử lý chất thải… Rà soát lại kế hoạch phát triển các ngành thương mại và đưa vào danh mục dự án thu hút đầu tư; có chính sách ưu đãi để kêu gọi phát triển các lĩnh vực: ngân hàng, tín dụng; nghiên cứu để phát triển các dịch vụ tư vấn dự án, tư vấn pháp luật, thẩm định dự án, thẩm định giá phục vụ tốt cho nhu cầu của nhà đầu tư khi tiến hành đầu tư trên địa bàn tỉnh. Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Nam Định phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp khác thúc đẩy hoạt động truyền thông, quảng bá, xúc tiến thương mại, đầu tư, hợp tác, liên doanh liên kết, hội nhập kinh tế quốc tế, các chương trình nhằm xúc tiến thị trường cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản trị cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Thực hiện đồng bộ các giải pháp kết hợp với nỗ lực của chính doanh nghiệp sẽ là yêu cầu tiên quyết để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, phấn đấu đến năm 2030 tỉnh ta trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước./.

°
60 người đang online
Lịch Vạn Niên & Lịch Âm 2023 Ôn Thi GPLX 600 & Mô Phỏng 120