Từng bước hướng đến nền nông nghiệp số

Đăng ngày 16-05-2022
100%

 

Trước những khó khăn do dịch bệnh COVID-19 tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội thời gian qua, kinh tế nông nghiệp của tỉnh đã thể hiện rất rõ vai trò “trụ đỡ” trong việc bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm, phục vụ đời sống của nhân dân. Song hành với những thách thức từ đại dịch cũng là “thời cơ” để ngành Nông nghiệp thực hiện các chuyển đổi quan trọng để thích ứng, trong đó có chuyển đổi số nhằm hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, quản trị được những rủi ro, góp phần mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho người nông dân vùng nông thôn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chi nhánh Bưu chính Viettel Nam Định ký kết thiết lập kênh tiêu thụ nông sản thông qua sàn thương mại điện tử voso.vn (ảnh 1); Ứng dụng cấp mã số vùng sản xuất giúp nông dân và người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm (Trong ảnh: Sản xuất dưa lưới tại Trung tâm Giống cây trồng tỉnh) (ảnh 2).   Bài và ảnh: Văn Đại
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chi nhánh Bưu chính Viettel Nam Định ký kết thiết lập kênh tiêu thụ nông sản thông qua sàn thương mại điện tử voso.vn.

Theo yêu cầu xuất khẩu hoặc tiêu thụ nội địa về nông sản trong giai đoạn hiện nay, sản phẩm phải truy xuất được nguồn gốc vùng trồng, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thời hạn thu hoạch, quy cách đóng gói. Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã có văn bản hướng dẫn cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu và chứng nhận nông sản an toàn cho các loại nông sản phục vụ chế biến xuất khẩu. Theo đó, các tổ chức, cá nhân phải thực hiện thủ tục đăng ký cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Các vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ điều kiện sẽ được cấp mã số và được giám sát, kiểm tra định kỳ; nếu không đáp ứng được các yêu cầu sẽ bị loại khỏi danh sách các vùng trồng được phép xuất khẩu và thu hồi mã số đã cấp… Để triển khai công tác cấp và quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu, chứng nhận nông sản an toàn, Sở NN và PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Phòng NN và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện theo đúng quy định. Cụ thể, đối với mã số vùng trồng, thực hiện theo Tiêu chuẩn cơ sở TCCS 774:2020/BVTV về Quy trình thiết lập và giám sát vùng trồng; đối với cấp mã số cơ sở đóng gói, thực hiện theo Tiêu chuẩn cơ sở TCCS 775:2020/BVTV về Quy trình thiết lập và giám sát cơ sở đóng gói do Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN và PTNT) ban hành. Các tổ chức, cá nhân đề nghị cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói gửi hồ sơ về Trạm Kiểm dịch thực vật nội địa, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh. Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy chứng nhận cơ sở trồng trọt đủ điều kiện an toàn thực phẩm (kể cả hoạt động sơ chế tại cơ sở trồng trọt), chứng nhận VietGap trồng trọt, chứng nhận nông sản hữu cơ gửi hồ sơ về Phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh… 

Đây chỉ là một trong số những hoạt động thiết thực của ngành Nông nghiệp hướng đến mục tiêu chuyển đổi số trong quản trị sản xuất nông nghiệp thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu, dịch bệnh. Theo các chuyên gia, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ các loại nông sản sẽ tạo ra 3 xu thế mới, đó là: Bỏ qua khâu trung gian; phi tập trung hóa, giúp nông dân tiếp cận thông tin, công nghệ như một doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu đến hộ nông dân, thậm chí đến từng cây, con; hình thành một phiên bản số của thế giới thực, tức là số hóa đất đai, môi trường, cây trồng, vật nuôi… Từ đó, các hoạt động quy hoạch, mô phỏng, đánh giá, phân định sẽ được thực hiện trên thế giới ảo một cách nhanh nhất, tác động trở lại một cách thực chất, hiệu quả và tối ưu. Để tạo nền tảng cho việc chuyển đổi số, theo Chi cục Quản lý Chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở NN và PTNT), thời gian qua tỉnh ta đã xây dựng và phát triển được 35 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, 1 chỉ dẫn địa lý, 3 nhãn hiệu tập thể được chứng nhận bảo hộ; 35 cơ sở đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền; trên 400 sản phẩm có đăng ký mã số, mã vạch; 130 doanh nghiệp ứng dụng tem có mã QR Code truy xuất nguồn gốc với trên 300 dòng sản phẩm. Tỉnh hiện có 146 sản phẩm được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao, 4 sao là những sản phẩm có thế mạnh như: lúa gạo, thủy sản, rau, củ, quả… Một số chuỗi có sự liên kết chặt chẽ, xây dựng nên những thương hiệu mạnh, đủ sức cạnh tranh trên thị trường nội địa và xuất khẩu như: Gạo sạch Toản Xuân, ngao sạch Lenger, muối sạch Nam Định. Bên cạnh đó, các địa phương đã xây dựng được 485 mô hình cánh đồng lớn, 100 mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản áp dụng quy phạm thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP; 27 nhà máy chế biến nông, lâm, thủy sản và muối áp dụng tiêu chuẩn HACCP; trên 700 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, thủy sản được thẩm tra cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; 2 vùng nuôi ngao của tỉnh đủ điều kiện cung cấp cho chế biến xuất khẩu, trong đó vùng nuôi ngao rộng 500ha tại huyện Nghĩa Hưng được cấp chứng nhận nuôi ngao bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế ASC. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các ngành, các doanh nghiệp thành lập và đẩy mạnh hoạt động của Hiệp hội Nông nghiệp sạch tỉnh, phối hợp tổ chức hội chợ kết nối nông sản; hỗ trợ các doanh nghiệp hoàn thiện điều kiện sản xuất và hồ sơ tham gia xuất khẩu vào Nhật Bản, Mỹ, châu Âu, Trung Quốc… Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các chuỗi liên kết thị trường bị đứt gãy và phương thức tiêu thụ truyền thống bộc lộ nhiều bất cập đã khiến một số kênh tiêu thụ nông, thủy sản gặp nhiều khó khăn. 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chi nhánh Bưu chính Viettel Nam Định ký kết thiết lập kênh tiêu thụ nông sản thông qua sàn thương mại điện tử voso.vn (ảnh 1); Ứng dụng cấp mã số vùng sản xuất giúp nông dân và người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm (Trong ảnh: Sản xuất dưa lưới tại Trung tâm Giống cây trồng tỉnh) (ảnh 2).  Bài và ảnh: Văn Đại
Ứng dụng cấp mã số vùng sản xuất giúp nông dân và người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm (Trong ảnh: Sản xuất dưa lưới tại Trung tâm Giống cây trồng tỉnh).

Nhằm tăng cường hợp tác thúc đẩy tiêu thụ nông sản an toàn tỉnh, Sở NN và PTNT đã phối hợp với Chi nhánh Viettel Nam Định thiết lập kênh tiêu thụ nông sản thông qua sàn thương mại điện tử voso.vn. Theo đồng chí Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT đây là hướng đi đúng đắn, mang tính tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0, giúp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên nền tảng số, giảm thiểu sự phụ thuộc vào thương lái và ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Hoạt động này giúp tạo thêm kênh thông tin nhanh, đầy đủ với chi phí thông tin, quảng bá sản phẩm thấp, các doanh nghiệp nhỏ, hộ cá thể có thể dễ dàng tham gia liên kết với người tiêu dùng. Các sản phẩm đưa lên sàn thương mại giúp cho việc quản lý chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Với sự nỗ lực của ngành Nông nghiệp, đơn vị chức năng, bước đầu đã có 40 sản phẩm: lúa gạo, muối, thịt và rau, củ, quả của tỉnh được đưa lên 5 gian hàng trên sàn thương mại điện tử voso.vn. Dự kiến đến cuối năm nay sẽ có trên 100 sản phẩm của tỉnh được đưa lên sàn thương mại điện tử này. Giám đốc Chi nhánh Bưu chính Viettel Nam Định Nguyễn Hoàng Hiệp cam kết: Đơn vị sẽ hướng dẫn cụ thể các địa phương, các chủ thể sản phẩm OCOP và doanh nghiệp có sản phẩm nông sản tham gia bán trên sàn voso.vn. Đồng thời sẽ tổ chức các hoạt động quảng bá sản phẩm trên các kênh online và offline định kỳ. Đồng chí Hoàng Thị Tố Nga chia sẻ thêm: để hoạt động hiệu quả, các đơn vị liên quan cần thường xuyên phối hợp tổ chức xúc tiến, kết nối tiêu thụ nông sản. Các bên cần xây dựng bộ tài liệu, quy trình tập huấn, hướng dẫn đầy đủ, chi tiết và ngắn gọn cho nông dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh dễ thực hiện đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử. Các đơn vị doanh nghiệp, đại diện sàn thương mại cần thống nhất cách đóng gói, giao nhận hàng, hỗ trợ kỹ thuật cho các sản phẩm. Cùng với nỗ lực đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, ngành Nông nghiệp còn phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, Cục Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN và PTNT) hỗ trợ các doanh nghiệp nắm bắt, phân tích thông tin thị trường các tỉnh, xuất khẩu để vừa định hướng sản xuất vừa tìm kiếm cơ hội kết nối tiêu thụ sản phẩm. Tổ chức các hoạt động truyền thông, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp an toàn và tiềm năng của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tỉnh, tạo điều kiện cung cấp thông tin để người tiêu dùng biết, lựa chọn sản phẩm và các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội hợp tác thông qua việc tổ chức 3 hội chợ nông sản an toàn tại thành phố Nam Định, 46 hội nghị, hội thảo nông sản trong và ngoài tỉnh. Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh hoàn thiện điều kiện sản xuất và hồ sơ để tham gia xuất khẩu chính ngạch sản phẩm thủy sản, nông sản sấy khô vào Trung Quốc; ngao trắng, muối sạch sang EU, Nhật Bản. 

Chuyển đổi số trong nông nghiệp là xu thế tất yếu, là đòi hỏi khách quan của sự phát triển. Muốn thực hiện chuyển đổi số thành công thì phải đảm bảo đồng bộ, tích hợp được dữ liệu, tạo sự liên thông. Do vậy, sự vào cuộc tích cực, chủ động của các cấp, ngành chức năng, nhất là cấp ủy Đảng, chính quyền các xã, thị trấn, các thôn, đội sản xuất và đội ngũ doanh nghiệp, người nông dân là rất cần thiết và có ý nghĩa quyết định. Chuyển đổi số thành công sẽ giúp ngành Nông nghiệp tiếp tục phát triển bền vững, hỗ trợ, khắc phục khó khăn nội tại trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, góp phần giữ vững tốc độ tăng trưởng của ngành và nâng cao giá trị thu nhập cho nông dân./.

°
67 người đang online
Lịch Vạn Niên & Lịch Âm 2023 Ôn Thi GPLX 600 & Mô Phỏng 120