Khoa học và công nghệ góp phần thúc đẩy kinh tế biển phát triển bền vững

Đăng ngày 28-12-2022
100%

 

Phát triển kinh tế biển ở Việt Nam nói chung và kinh tế biển ở tỉnh ta nói riêng không thể bền vững nếu không có vai trò của khoa học và công nghệ (KH và CN). Những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và các địa phương liên quan đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KH và CN trong phát triển kinh tế biển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nông dân huyện Giao Thủy thu hoạch ngao.
Nông dân huyện Giao Thủy thu hoạch ngao.

Thực hiện nghị quyết của Tỉnh uỷ, kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển kinh tế biển, Sở KH và CN đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH và CN: “Nghiên cứu hiện trạng, nguyên nhân suy thoái rừng ngập mặn và xây dựng mô hình khôi phục rừng ngập mặn bền vững tại Vườn quốc gia Xuân Thủy”, “Nghiên cứu đề ra các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác quản lý đê điều đáp ứng yêu cầu ứng phó biến đổi khí hậu”, “Nghiên cứu đánh giá mức độ tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn, hậu quả của các hiện tượng thời tiết cực đoan đối với phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển”. Qua đó, đưa ra các giải pháp hành động hợp lý nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả, ngăn ngừa, hạn chế sự suy thoái môi trường do hoạt động của con người, tác động của tự nhiên gây ra, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ đa dạng sinh học vùng ven biển. Đặc biệt, một số mô hình ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng thủy sản ven biển được xây dựng và nhân rộng như: “Ứng dụng tiến bộ KH và CN xây dựng mô hình nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng chất lượng cao áp dụng công nghệ 4.0” tại xã Hải Đông (Hải Hậu); “Ứng dụng công nghệ sản xuất giống nhân tạo và nuôi hàu đơn Thái Bình Dương tại tỉnh Nam Định” tại xã Bạch Long (Giao Thủy); “Áp dụng KH và CN trong sản xuất, nuôi trồng giống sò huyết” tại xã Giao Phong (Giao Thủy)… Các mô hình đã góp phần đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật về con giống mới có giá trị kinh tế cao, phương thức nuôi hiện đại để nâng cao hiệu quả sản xuất và thúc đẩy phát triển nghề nuôi thủy sản một cách bền vững cho người dân ven biển.

Từ việc nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ KH và CN vào phát triển kinh tế biển, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích, vận động người dân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật các vùng nuôi đáp ứng yêu cầu ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến. Nhờ đó, đã phát triển đồng bộ nghề thủy sản từ hạ tầng sản xuất đến công nghệ kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường. Hiện nay, hầu hết các hộ nuôi thủy sản trong tỉnh đã sử dụng các loại chế phẩm sinh học trong chăm sóc, nuôi dưỡng thay cho các loại hóa chất, kháng sinh trong suốt quá trình nuôi ở tất cả các đối tượng con nuôi, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng, tôm sú. Chế phẩm sinh học được sử dụng từ khâu vệ sinh ao đầm, xử lý môi trường nước ao nuôi, kích thích tăng trưởng thức ăn tự nhiên (tảo, phù du, sinh vật nhỏ…) vừa làm giảm chi phí mua thức ăn công nghiệp, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đối tượng nuôi, chất lượng sản phẩm và sản xuất thân thiện với môi trường. Các công nghệ hệ thống máy quạt nước, máy sủi nước tăng ô-xy trong các ao nuôi phục vụ nuôi siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh theo hướng công nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất. Trong công tác quản lý vùng nuôi, một số chủ ao đầm, trang trại đã ứng dụng công nghệ viễn thông, lắp hệ thống camera kết nối với điện thoại thông minh để quản lý từ xa mọi vấn đề về bảo vệ an ninh, an toàn của khu vực nuôi cũng như kiểm soát đối tượng nuôi, phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường như có thay đổi môi trường, thời tiết và các biểu hiện sức khỏe của con nuôi để có hướng xử lý phù hợp, kịp thời. Nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ hiệu quả như: mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 3 giai đoạn ứng dụng công nghệ vi sinh Biofloc của ông Nguyễn Lương Bằng, thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng); mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên bể xi măng của ông Nguyễn Văn Cường, xã Hải Đông (Hải Hậu), mô hình nuôi ốc hương thương phẩm của HTX nuôi trồng thủy sản Hải Điền (Hải Hậu)… 

Hiện nay, toàn tỉnh có 2.143 tàu thuyền khai thác thủy sản. Việc ứng dụng KH và CN hiện đại cũng được tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành hữu quan tập trung nghiên cứu, hỗ trợ chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong khai thác, đánh bắt và bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản cho ngư dân. Khuyến khích phát triển các đội tàu cá công suất lớn, trang bị các thiết bị điện tử hàng hải như máy đo sâu - dò cá, máy định vị, máy thông tin liên lạc, ra đa, điện thoại vệ tinh… để tăng cường hoạt động khai thác ở vùng khơi. Các thiết bị mới với nhiều tính năng, tiện ích ứng dụng được cài đặt sẵn như dự báo thời tiết, thiên tai, giúp ngư dân chủ động ứng phó; kéo dài thời gian hoạt động sản xuất trên biển, giảm thời gian di chuyển, tiết kiệm nhiên liệu, nâng cao hiệu quả khai thác, đảm bảo an toàn cho người và tài sản trên tàu trong các tình huống thiên tai, sự cố kỹ thuật. Việc áp dụng KH và CN để bảo quản, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch trên tàu khai thác xa bờ ngày càng được các chủ tàu, thuyền trưởng quan tâm. Các tàu cá vùng khơi khai thác dài ngày trên biển đã trang bị hầm bảo quản bằng các chất liệu cách nhiệt tốt như xốp PU Foam có độ kín cao, không thoát nhiệt, tránh nước và không khí bên ngoài thẩm thấu, giúp tiết kiệm 30% lượng đá so với phương pháp bảo quản truyền thống. Đồng thời kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm khai thác tới trên 15 ngày. Một số tàu cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP đã sử dụng hệ thống bảo ôn lắp đặt trên tàu giúp giữ cá tươi trong thời gian dài, giúp tàu bám biển lâu hơn, mỗi chuyến kéo dài tới 25-30 ngày. Mặc dù các nghề khai thác thủy sản hiện nay gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng nhờ trang bị các thiết bị hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng KH và CN nên sản lượng khai thác của tỉnh vẫn tăng đều qua mỗi năm. Nghề nuôi trồng và khai thác phát triển đã tạo điều kiện thúc đẩy nghề chế biến thủy sản phát triển mạnh cả nghề truyền thống và hiện đại. Toàn tỉnh có trên 150 cơ sở chế biến thủy sản, trong đó có 10 cơ sở với quy mô công nghiệp đã trang bị máy móc và công nghệ mới, cơ bản đáp ứng nhu cầu chế biến, tiêu thụ các sản phẩm thủy sản khai thác của tỉnh với các sản phẩm thế mạnh được thị trường ưa chuộng như: nước mắm, mắm tôm, sứa ăn liền, cá thu cấp đông. Nhiều sản phẩm thủy sản được đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Đồng chí Trần Minh Hoan, Giám đốc Sở KH và CN cho biết: Để tiếp tục thực hiện các giải pháp KH và CN và đổi mới sáng tạo phát triển kinh tế biển, thời gian tới, Sở phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương ven biển tiếp tục nghiên cứu cơ sở khoa học và đổi mới công nghệ để đầu tư phát triển các dự án nguồn năng lượng tái tạo mới (năng lượng gió; năng lượng sóng, thủy triều…) phù hợp tại một số khu vực biển của tỉnh. Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế (ISO 9001, ISO 14000,...); các công cụ quản lý cải tiến năng suất, chất lượng; xây dựng thương hiệu; khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, đổi mới công nghệ, đưa công nghệ cao, công nghệ tự động hoá, công nghệ tiết kiệm năng lượng, công nghệ thân thiện với môi trường phục vụ sản xuất và dịch vụ vùng ven biển. Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp, công nghệ phát triển nuôi trồng thuỷ sản vùng ven biển như: xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nhân giống, nuôi thương phẩm, chế biến các loài thủy, hải sản có giá trị kinh tế cao; nghiên cứu sản xuất một số chế phẩm sinh học phục vụ nuôi trồng thủy sản, xử lý ô nhiễm môi trường thủy sản nhằm sản xuất ra các sản phẩm hữu cơ, đáp ứng nhu cầu thị trường; ứng dụng và phát triển công nghệ 4.0 trong quản lý và nuôi trồng thủy, hải sản; nghiên cứu, ứng dụng KH và CN xây dựng hệ sinh thái phát triển du lịch ven biển./.

°
19 người đang online
Lịch Vạn Niên & Lịch Âm 2023 Ôn Thi GPLX 600 & Mô Phỏng 120