Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về đo lường

Đăng ngày 12-01-2022
100%

 

Thời gian qua, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐC) thuộc Sở Khoa học và Công nghệ (KH và CN) đã đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về đo lường trên tất cả các lĩnh vực và thể hiện rõ vai trò trong việc tổ chức thực hiện các hoạt động nghiệp vụ, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ kiểm định công tơ điện.
Cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ kiểm định công tơ điện.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 200 chợ, trung tâm thương mại; trên 3.000 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp; gần 300 cửa hàng kinh doanh xăng dầu; trên 200 cửa hàng kinh doanh vàng bạc có sử dụng phương tiện đo và thực hiện phép đo trong thanh toán giao nhận. Theo số liệu thống kê của Chi cục TĐC, toàn tỉnh có trên 1 triệu phương tiện đo nhóm 2 các loại (thuộc diện phải kiểm định) và hàng trăm nghìn phương tiện đo nhóm 1 đa dạng về chủng loại. Một số tổ chức sử dụng phương tiện đo có số lượng lớn như Công ty Điện lực Nam Định với trên 700 nghìn phương tiện đo, 2 công ty kinh doanh nước sạch có trên 200 nghìn phương tiện đo. Bên cạnh đó, một số tổ chức cá nhân khác có sử dụng phương tiện đo trong khám chữa bệnh, thực thi công vụ, đảm bảo an toàn với số lượng không lớn. Còn lại là số lượng lớn các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ sử dụng phương tiện đo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng đóng gói sẵn, tập trung chủ yếu vào các sản phẩm hàng hóa là lương thực, bánh kẹo, khí hóa lỏng… Thực hiện Pháp lệnh Đo lường và các văn bản hướng dẫn, những năm qua, Chi cục TĐC đã triển khai những biện pháp tích cực để đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về đo lường trên địa bàn như: tham mưu với cấp có thẩm quyền đầu tư cơ sở vật chất nâng cao năng lực về kiểm định hiệu chuẩn, kiểm định phương tiện đo ngày càng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và người dân; đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý có đủ năng lực và trình độ chuyên môn nhằm không ngừng nâng cao năng lực kiểm định đo lường của đơn vị. Đồng thời, tăng cường hướng dẫn, phổ biến các văn bản pháp quy, tổ chức tập huấn, đào tạo nghiệp vụ quản lý đo lường trong kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, vàng trang sức mỹ nghệ… Thực hiện kiểm tra theo kế hoạch hoặc đột xuất phương tiện đo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các cửa hàng xăng dầu, vật liệu xây dựng, phân bón, lương thực, vàng, khí dầu mỏ hóa lỏng, điện, nước, cân ô tô, taximet; phương tiện đo trong lĩnh vực y tế; phương tiện đo của các hộ kinh doanh, các đại lý tại các chợ, trung tâm thương mại… Từ năm 2020 đến nay, Chi cục TĐC đã thực hiện 13 đợt kiểm tra Nhà nước về đo lường tại gần 200 cơ sở sử dụng phương tiện đo và thực hiện phép đo trong các lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, vàng trang sức mỹ nghệ, kinh doanh điện năng, phương tiện đo taximet gắn trên taxi và hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo. Trong quá trình kiểm tra phát hiện 2 cột đo xăng dầu có sai số không phù hợp; 6 công tơ điện và máy biến dòng điện (TI) không đạt yêu cầu kỹ thuật đo lường; 11 tem kiểm định chưa thể hiện thông tin hiệu lực; 17 giấy chứng nhận kiểm định ghi chưa đúng quy định; 35 cơ sở lưu giữ hồ sơ tự kiểm tra chưa đầy đủ. Chi cục đã chấn chỉnh ngay trong quá trình kiểm tra và các cơ sở đã chấp hành. Bên cạnh đó, Chi cục cũng tiếp nhận và tổ chức xác định sai số đo lường của 125 công tơ điện 1 pha và 3 pha theo đề nghị của Công ty Điện lực Nam Định. Kết quả, 122 công tơ điện đạt yêu cầu kỹ thuật đo lường, 3 công tơ không đạt yêu cầu.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý Nhà nước về đo lường của các cấp, các ngành chưa thực sự đồng bộ, đặc biệt là tại các huyện, thành phố còn nhiều hạn chế. Số phương tiện đo nhóm 2 lớn và ngày càng gia tăng, trong khi nhân lực hiện nay của Phòng Quản lý Đo lường (Chi cục TĐC) còn ít, khó đáp ứng được nhiệm vụ quản lý Nhà nước về đo lường tại tỉnh. Hoạt động kiểm tra Nhà nước về đo lường chủ yếu tập trung vào phép đo và  phương tiện đo nhóm 2 sử dụng vào mục đích thanh toán giao nhận các lĩnh vực: kinh doanh vàng bạc, xăng dầu, điện năng, thương mại bán lẻ… chiếm 94% số cơ sở được kiểm tra hàng năm. Chưa thực hiện kiểm tra đối với phương tiện đo sử dụng vào mục đích thanh tra, kiểm tra, giám định tư pháp và trong các hoạt động công vụ khác.Về năng lực kiểm định, các tổ chức trên địa bàn mới chỉ đáp ứng khoảng 48% số chủng loại phương tiện đo phải kiểm định đang được sử dụng. Việc thiếu trang thiết bị kiểm định đã hạn chế số lượng phương tiện đo được kiểm định, hiệu chuẩn cũng như không cho phép triển khai mở rộng lĩnh vực kiểm định, hiệu chuẩn mới, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế… Đối với cấp huyện, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về đo lường được giao cho Phòng Kinh tế và Hạ tầng trực thuộc UBND huyện. Cán bộ, công chức chuyên môn quản lý về đo lường kiêm nhiệm chung về quản lý KH và CN và các lĩnh vực khác nên thời gian tập trung cho công tác quản lý đo lường không cao, ảnh hưởng tới chất lượng công việc. Theo điều tra của Chi cục TĐC, trên 80% các huyện không xây dựng kế hoạch đo lường hàng năm, hoạt động này chỉ thực hiện khi có sự chỉ đạo của cấp trên hoặc tùy thuộc vào tình hình thực tế xảy ra. Với cấp xã, UBND là cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường tại địa bàn theo phân cấp song cũng không được đầu tư về trang thiết bị, thiếu nhân lực và trình độ nghiệp vụ nên việc quản lý gặp nhiều khó khăn.

Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về đo lường, Sở KH và CN thực hiện dự án đầu tư “Nâng cao năng lực hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh Nam Định”. Theo đó, đã đầu tư chuẩn đo lường, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo và thử nghiệm chất lượng sản phẩm hàng hóa, mở rộng năng lực kiểm định, hiệu chuẩn lên 32 loại phương tiện đo. Bên cạnh đó, Sở cũng thực hiện đề tài khoa học “Đánh giá thực trạng việc thực thi các quy định trong quản lý sử dụng phương tiện đo và thực hiện phép đo nhóm 2”. Kết quả đề tài đã đưa ra các giải pháp đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về đo lường như: hoàn thiện khung chính sách về đo lường; đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý; đầu tư đủ năng lực kiểm định tối thiểu 60% phương tiện đo thông dụng trên địa bàn và mở rộng năng lực kiểm định các phương tiện đo khác; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động đo lường; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước đối với phương tiện đo; gắn trách nhiệm của cả chính quyền và người dân vào công tác đo lường…

Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp theo đề xuất của ngành KH và CN hướng tới mục tiêu đưa hoạt động quản lý Nhà nước về đo lường trên địa bàn tỉnh dần đi vào chiều sâu và hiệu quả, tạo được niềm tin từ các ngành, doanh nghiệp và người dân./.

°
29 người đang online
Lịch Vạn Niên & Lịch Âm 2023 Ôn Thi GPLX 600 & Mô Phỏng 120