Nâng cao mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin

Đăng ngày 29-06-2021
100%

 

Kết quả xếp hạng mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng Công nghệ thông tin - Truyền thông (CNTT-TT) (Vietnam ICT Index 2020) của tỉnh ta năm 2020 xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố, tăng 13 bậc so với năm 2019. Cụ thể điểm số chung của tỉnh năm 2020 là 0,541 điểm. Lần lượt điểm số của tỉnh theo 3 chỉ số thành phần là: 0,583; 0,82 điểm và 0,23 điểm. 

Thanh toán hóa đơn bán hàng trên phần mềm ứng dụng tại Siêu thị Lan Chi (Giao Thủy).

Để có được kết quả này, ngay sau khi Bảng xếp hạng ICT Index năm 2019 được công bố, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 142/KH-UBND ngày 31-12-2019 về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước tỉnh năm 2020 nhằm tiếp tục duy trì và nâng cao kết quả ICT Index tỉnh năm 2020 và những năm tiếp theo; trong đó đưa ra nhiều giải pháp cụ thể. Chỉ số Hạ tầng kỹ thuật được tập trung ở cả hai lĩnh vực là hạ tầng kỹ thuật xã hội và hạ tầng kỹ thuật trong các cơ quan Nhà nước. Đối với hạ tầng kỹ thuật xã hội tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương, doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh có kế hoạch đầu tư nâng cấp đường truyền, có nhiều chương trình khuyến khích người dân sử dụng thiết bị, dữ liệu di động phục vụ công việc, sinh hoạt hàng ngày. Do đó chỉ số về hạ tầng kỹ thuật của xã hội tăng mạnh với hầu hết tất cả các tiêu chí. Đối với Hạ tầng kỹ thuật trong cơ quan Nhà nước được tập trung nâng cấp đường truyền chuyên dùng, đầu tư trang thiết bị hiện đại đảm bảo việc kết nối với mạng diện rộng của tỉnh và mạng chuyên dùng của Chính phủ; triển khai hệ thống đảm bảo an toàn dữ liệu. Do đó, trong năm 2020, toàn tỉnh đã bổ sung thêm 100% xã, phường, thị trấn kết nối với mạng diện rộng của tỉnh và mạng chuyên dùng của Chính phủ để thực hiện gửi nhận văn bản, cung ứng dịch vụ công trực tuyến, tổ chức hội nghị trực tuyến. Đồng thời xây dựng thành công và đưa vào vận hành khai thác “Trung tâm giám sát an toàn thông tin mạng tỉnh” (SOC) và “Hệ thống phòng chống mã độc tập trung” của tỉnh. Đối với Hạ tầng nhân lực CNTT, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo đào tạo sinh viên chuyên ngành CNTT và tập huấn, nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT cho cán bộ, công chức. Theo đó, trong năm 2020, số sinh viên được đào tạo chuyên ngành CNTT tăng gấp 3 lần so với năm trước; số cán bộ chuyên trách về CNTT trong các cơ quan Nhà nước tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước; số cán bộ được tập huấn về an toàn thông tin tăng gấp gần 6 lần so với cùng kỳ năm trước. Đối với chỉ số Ứng dụng CNTT, tỉnh tập trung vào việc triển khai các ứng dụng phần mềm nguồn mở; nâng cấp hệ thống cổng, trang thông tin điện tử của tỉnh, các ngành, địa phương và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Theo đó, 100% các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh sử dụng phần mềm Quản lý văn bản và điều hành, đạt 100% kế hoạch năm. 100% cơ quan Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp thuộc cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố được cấp và hướng dẫn sử dụng chữ ký số, chứng thư số. Bình quân hàng tháng có gần 7.500 văn bản sử dụng chữ ký số của các cơ quan Nhà nước ở 3 cấp. Hoàn thành cung cấp 100% dịch vụ đủ điều kiện ứng dụng mức độ 4 trên Cổng cung cấp Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh tại địa chỉ dichvucong.namdinh.gov.vn. Những kết quả quan trọng ở cả 3 chỉ số thành phần này đã góp phần đưa Chỉ số sẵn sàng cho phát triển ứng dụng CNTT-TT (ICI Index) năm 2020 tăng 13 bậc so với cùng kỳ năm trước. Đây là tiền đề quan trọng để tỉnh ta tiếp tục ứng dụng CNTT mức độ cao hơn vào quản lý điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ chỉ số sẵn sàng cho phát triển ứng dụng CNTT-TT của tỉnh cũng còn những hạn chế. Trong đó cán bộ chuyên trách CNTT ở cơ quan Nhà nước và cán bộ chuyên trách an toàn thông tin còn hạn chế về số lượng và năng lực chuyên môn nên việc đảm bảo an toàn thông tin, an toàn dữ liệu còn gặp nhiều khó khăn. Việc khai thác, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 chưa nhiều; tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 chưa cao.

Với quan điểm tiếp tục khắc phục hạn chế, quyết tâm nâng cao kết quả ICT Index năm 2021 và những năm tiếp theo, đại diện Sở TT và TT cho biết: Trong thời gian tới, bên cạnh hạ tầng kỹ thuật, tỉnh đặc biệt chú trọng phát triển hạ tầng nhân lực CNTT. Theo đó, cùng với tích cực đầu tư cho giảng dạy về CNTT trong giáo dục phổ thông tỉnh khuyến khích các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn mở chuyên ngành đào tạo CNTT nhằm đảm bảo nguồn nhân lực CNTT trong tỉnh; tăng cường năng lực tiếp cận với cuộc cách mạng 4.0, mà trước mắt là sử dụng các dịch vụ tiện ích của chính quyền điện tử và đô thị thông minh. Tăng cường xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức tập huấn về CNTT cho cán bộ công nhân viên chức trong toàn tỉnh; rà soát, bố trí, sắp xếp, đảm bảo các cơ quan, đơn vị, địa phương đều có cán bộ chuyên trách về CNTT và an toàn thông tin. Đối với các cơ quan, đơn vị không có nhân lực bố trí chuyên trách về CNTT cần nghiên cứu hình thức thuê nhân lực CNTT để đảm bảo yêu cầu quy định. Tỉnh cũng quyết liệt chỉ đạo các đơn vị, địa phương tích cực triển khai chương trình chuyển đổi số trong tất cả các ngành, lĩnh vực; tập trung vào 5 lĩnh vực trọng điểm là y tế, giáo dục, giao thông vận tải, tài nguyên môi trường và nông nghiệp, phát triển nông thôn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh./.

°
13 người đang online
Lịch Vạn Niên & Lịch Âm 2023 Ôn Thi GPLX 600 & Mô Phỏng 120