Công nghiệp chế biến thực phẩm, dược phẩm dẫn dắt tăng trưởng ngành công nghiệp

Đăng ngày 25-06-2021
100%

 

Theo Cục Thống kê tỉnh, thời gian gần đây hai nhóm ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, dược phẩm đã không ngừng phát triển. Đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 làm suy giảm sự phát triển của các ngành kinh tế, sự tăng trưởng của hai nhóm ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, dược phẩm trở thành điểm sáng, tạo động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp. Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp chế biến thuốc, hóa dược, dược liệu, chế biến thực phẩm xuất khẩu cũng gia tăng trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh. 

Chế biến thịt lợn xuất khẩu tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Thương mại Biển Đông (Hải Hậu).
Chế biến thịt lợn xuất khẩu tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Thương mại Biển Đông (Hải Hậu).

Nhận diện những yếu tố quyết định tốc độ tăng trưởng tích cực của ngành chế biến trước tiên phải kể đến việc tỉnh đã chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư, giải ngân hiệu quả vốn đầu tư công, tận dụng tốt cơ hội thu hút đầu tư mới, đặc biệt thu hút doanh nghiệp FDI đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến. Đặc biệt, các ngành, các địa phương đã tập trung hỗ trợ thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến thành một trong các nhóm ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh. Trong đó, tỉnh đã tập trung phát huy lợi thế về sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng, khai thác thủy sản theo hướng thúc đẩy phát triển các khu, vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản tạo nguồn nguyên liệu tại chỗ cho công nghiệp chế biến. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện. Thông qua chương trình OCOP, rất nhiều doanh nghiệp chế biến thực phẩm ở các huyện, thành phố được hỗ trợ khắc phục, cải tiến các điểm yếu trong toàn bộ quy trình từ sản xuất đến tiêu thụ, nâng tầm chất lượng sản phẩm và phát triển nhiều mặt hàng trên một dòng sản phẩm. Riêng nhóm doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu được hỗ trợ nâng tầm chất lượng theo hướng đáp ứng các yêu cầu: bao gói, nhãn mác phải có đủ thông tin để truy xuất nguồn gốc; sản phẩm phải kèm theo chứng thư an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp để đưa mạnh sản phẩm ra thị trường nước ngoài. Tiêu biểu, các ngành chức năng và huyện Nghĩa Hưng đã tập trung hỗ trợ Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam phối hợp với các hộ nuôi ngao xã Nam Điền sản xuất sản phẩm ngao Meretrix Lyrata đạt quy chuẩn ASC, góp phần định vị được thương hiệu con ngao của tỉnh trên thị trường thế giới. Việc đẩy mạnh chế biến nông sản đạt các quy chuẩn an toàn thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc giúp các doanh nghiệp không ngừng thu hút thêm nhiều đối tác kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ, gia tăng số lượng người tiêu dùng sản phẩm. Toàn tỉnh đã hình thành hệ thống hơn 500 cơ sở, doanh nghiệp sơ chế, chế biến nông, lâm, thủy sản; trong đó các doanh nghiệp đã nâng tầm và đưa 5 thương hiệu nông sản thâm nhập, có chỗ đứng tại các thị trường xuất khẩu “khó tính” như khối EU, Nhật Bản… gồm: gạo sạch Toản Xuân của Công ty TNHH Toản Xuân, muối NADISALT của Công ty CP Muối và Thương mại Nam Định, ngao của Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam, tép moi của Công ty TNHH một thành viên Hải sản Hùng Vương, kẹo sìu châu của Công ty TNHH Kim Thành Hoa (thành phố Nam Định). Các doanh nghiệp sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu đã thiết lập vị thế trên thị trường dược phẩm cả nước. Năm 2020 toàn tỉnh có 4 doanh nghiệp dược có sản phẩm đạt giải thưởng “Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2020”.

Bên cạnh đó, phải kể đến nỗ lực vào cuộc trong chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh các chương trình, giải pháp kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp giảm thiểu thiệt hại, khó khăn, ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh dưới tác động của đại dịch COVID-19. Trong đó, đã kịp thời khuyến cáo các doanh nghiệp chế biến thực phẩm gia tăng sản xuất, cung ứng các mặt hàng thiết yếu, đông lạnh, đồ khô, chế biến sẵn để đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong và ngoài nước trong giai đoạn phải thực hiện giãn cách, hạn chế tiếp xúc do dịch bệnh. Nhóm doanh nghiệp chế biến dược phẩm được khuyến cáo, hỗ trợ để tận dụng các cơ hội phát sinh ngắn hạn, đẩy mạnh sản xuất, cung ứng nhanh, đạt chuẩn chất lượng các sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp dược phẩm có thương hiệu của tỉnh như Công ty CP Dược phẩm Nam Hà, Công ty TNHH Nam Dược, Công ty CP Dược phẩm Trường Thọ, Công ty CP Dược phẩm Minh Dân... đã tiếp tục khẳng định được vị thế và tiếp cận thêm nhiều bạn hàng mới trong và ngoài nước với không ít đơn hàng dài hạn. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn được khuyến khích chủ động tìm kiếm, chuyển hướng xuất khẩu sang một số thị trường mới, giảm rủi ro khi quá phụ thuộc vào các thị trường truyền thống; tích cực khai thác cơ hội của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới ký.

Hai ngành chế biến thực phẩm và chế biến dược phẩm được đánh giá là các nhóm ngành sôi động vì thị trường đang thuận lợi cho cả phía cung lẫn cầu, chịu tác động thấp nhất do dịch bởi sản phẩm là nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người tiêu dùng. Chỉ tính riêng thị trường nội địa, Việt Nam có dân số trẻ, thu nhập trung bình ngày càng tăng, tạo ra một thị trường tiêu dùng các nhóm hàng này có mức tăng trưởng tự nhiên ổn định. Do có tiềm năng về nhu cầu tiêu dùng, cộng với Việt Nam đã tham gia ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA, CPTPP), vì vậy thị trường ngành chế biến thực phẩm, dược phẩm của Việt Nam nói chung và tỉnh ta được cơ quan chuyên môn xác định là có sức hút rất lớn với nhà đầu tư nước ngoài. Thậm chí trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh phức tạp, khó lường thì thực phẩm chế biến là nhóm hàng gia tăng sức mua bởi sự tiện lợi và thời gian bảo quản lâu; dược phẩm cũng là sản phẩm người dân gia tăng nhu cầu sử dụng.

Để nhanh chóng nắm bắt được cơ hội, tiếp tục thúc đẩy phát triển các lĩnh vực chế biến thực phẩm, dược phẩm tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp nội tỉnh đi vào chiều sâu, phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Tập trung xây dựng kế hoạch quy hoạch vùng nguyên liệu gắn kết chặt hơn với các nhà máy chế biến hiện có, bằng những giải pháp căn cơ theo hướng tăng hiệu quả liên kết giữa các địa phương, giữa nông dân - doanh nghiệp sản xuất - nhà quản lý để tạo ra vùng nguyên liệu ổn định phục vụ chế biến thực phẩm, dược phẩm. Chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại để nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng và xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Đồng thời, tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, xây dựng các dự án giao thông trọng điểm, các khu, CCN... để nâng cao hiệu quả thu hút các nhà đầu tư, trong đó có các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến thực phẩm, dược phẩm. Ưu tiên thu hút FDI vào những nhà đầu tư nước ngoài có thể thúc đẩy phát triển kỹ năng, chuyển giao công nghệ; tạo cơ hội để doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài trong các chuỗi giá trị toàn cầu, trong khi không chèn lấn nhà đầu tư và doanh nghiệp nhỏ và vừa nội tỉnh, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nội tỉnh./.

°
37 người đang online
Lịch Vạn Niên & Lịch Âm 2023 Ôn Thi GPLX 600 & Mô Phỏng 120