Tháo gỡ khó khăn để phục hồi kinh tế du lịch trong tình hình mới
Thời gian qua, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh; trong đó, ngành Du lịch chịu tác động nặng nề khi lượng du khách sụt giảm mạnh. Các hoạt động du lịch gần như “ngủ đông” khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 vào thời điểm đầu hè - dịp cao điểm của hoạt động du lịch khiến các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành, lưu trú, nghỉ dưỡng, người lao động trong ngành Du lịch rơi vào tình cảnh vô cùng khó khăn.
|
Lễ hội Khai ấn Đền Trần, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định) luôn thu hút du khách thập phương. |
Ngành Du lịch chật vật vượt “khó”
Theo số liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL), năm 2020, khi dịch COVID-19 mới xuất hiện toàn tỉnh có 1,43 triệu lượt khách tới các điểm tham quan du lịch trên địa bàn; trong đó, khách tham dự lễ hội, tham quan di tích đạt 860 nghìn lượt người (chiếm 60,2% tổng lượng khách); khách đến các khu du lịch sinh thái, du lịch biển đạt 360 nghìn lượt người (chiếm 25,2% tổng lượng khách); khách công vụ, thăm thân kết hợp du lịch đạt 210 nghìn lượt người (chiếm 14,6% tổng lượng khách). Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 415 tỷ đồng; trong đó, doanh thu ăn uống, lưu trú đạt 249 tỷ đồng; doanh thu từ khách lễ hội, mua sắm đạt 104 tỷ đồng; doanh thu từ lữ hành, vận chuyển đạt 62 tỷ đồng. So với năm 2019 khi chưa có dịch COVID-19, doanh thu từ du lịch của tỉnh năm 2020 giảm mạnh, chỉ bằng 52%; số lượng khách sụt giảm đáng kể, chỉ bằng 54%. Giai đoạn cuối năm 2020, đầu năm 2021, khi dịch COVID-19 được kiểm soát, ngành Du lịch cùng với các cấp, các ngành đã nỗ lực thực hiện mục tiêu kép vừa phòng dịch COVID-19 vừa khôi phục các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Du lịch (Bộ VH, TT và DL) và UBND tỉnh, ngành Du lịch đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho các phương án truyền thông xúc tiến du lịch. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, quảng bá thương hiệu, từng bước phục hồi hoạt động du lịch, thích ứng an toàn trong tình hình mới. Tuy nhiên, từ tháng 4-2021 đến nay, dịch COVID-19 lại diễn biến phức tạp, tỉnh ta đã ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 trong cộng đồng nên hoạt động du lịch bị ảnh hưởng nặng nề khi phải tạm dừng tổ chức các lễ hội, các hoạt động đón khách tham quan, du lịch biển, du lịch tại các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, bảo tàng... Do dịch bệnh nên các hoạt động hội nghị, hội thảo chuyển sang trực tuyến, du lịch công vụ, hội nghị, hội thảo vì vậy cũng ngừng trệ. Do đó, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch hoạt động cầm chừng hoặc tạm dừng hoạt động.
Để thực hiện mục tiêu kép, thích ứng với tình hình mới, Phòng Quản lý Du lịch đã tham mưu lãnh đạo Sở VH, TT và DL triển khai Dự án “Du lịch thông minh - gắn mã QR địa điểm du lịch”, đồng thời chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ, thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ, phòng, chống dịch bệnh, đáp ứng nhu cầu của du khách. Xây dựng chuyên mục “điểm đến hấp dẫn”, giới thiệu về Bảo tàng Đồng Quê, Cầu Ngói - Chùa Lương và các món ăn đặc trưng của tỉnh phát sóng trên Truyền hình Nhân dân; chuẩn bị các nội dung tuyên truyền trên Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp với chuyên đề “Nam Định - kiến tạo môi trường đầu tư, phát triển kinh tế”. Bên cạnh đó, ngành Du lịch cũng đã tham gia gian hàng xúc tiến du lịch tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam với các hoạt động giới thiệu điểm đến, sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh, giới thiệu “Chiếu Chèo Nam”… đảm bảo luôn sẵn sàng đón khách. Tuy nhiên tình hình thị trường du lịch vẫn không khả quan. Lượng khách và doanh thu từ hoạt động du lịch 9 tháng đầu năm 2021 tiếp tục sụt giảm nghiêm trọng. Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, tổng lượng khách tới các điểm tham quan du lịch của tỉnh ước đạt 471 nghìn lượt người, bằng 44,2% so với cùng kỳ năm 2020; doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 154 tỷ đồng, bằng 49% so với cùng kỳ năm 2020. Hoạt động du lịch của tỉnh bị đình trệ, người lao động trong lĩnh vực du lịch phải làm việc cầm chừng, tạm thời nghỉ hoặc thôi việc. Đến nay, tình trạng này vẫn không được cải thiện, gây khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người lao động. Triển khai hoạt động hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch theo Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 7-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ , Sở VH, TT và DL đã nhận 25 hồ sơ; phê duyệt, chi trả hỗ trợ đợt 1 cho 10 hồ sơ với tổng số tiền 37 triệu 100 nghìn đồng.
Những giải pháp đồng bộ
Thực tế cho thấy, ở tỉnh ta, trong 2 năm qua, vào các thời điểm dịch COVID-19 bùng phát hoặc được kiểm soát, ngành Du lịch tỉnh đã chuẩn bị sẵn các kịch bản chủ động ứng phó với dịch bệnh, từng bước kích cầu du lịch theo từng bối cảnh, ưu tiên khách du lịch nội địa đến với Nam Định. Cùng với đó, ngành Du lịch tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển trong tình hình mới. Dự báo dịch COVID-19 sẽ vẫn còn kéo dài, để khắc phục khó khăn thời gian tới, ngành Du lịch triển khai các biện pháp phát triển du lịch an toàn cho mọi người, lấy người dân, du khách là trung tâm. Triển khai xuất bản cẩm nang “Văn hóa - Du lịch Nam Định” và Tập bản đồ “Du lịch Nam Định”.
Một trong những giải pháp dài hơi mang tính chiến lược trong phát triển kinh tế du lịch của tỉnh là ngành Du lịch đã xây dựng Dự thảo chương trình hành động thực hiện Chiến lược “Tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050” với 9 giải pháp cụ thể; trong đó tập trung phát huy thế mạnh du lịch văn hóa tâm linh thu hút khách du lịch trong nước, quốc tế đến tham quan di tích, tham dự lễ hội tại các điểm du lịch gồm Quần thể di tích văn hóa Trần gắn với lễ hội Đền Trần; Quần thể di tích Phủ Dầy gắn với lễ hội Phủ Dầy kết hợp với một số di tích, lễ hội tiêu biểu: Chùa Cổ Lễ, Chùa Keo Hành Thiện, Chùa Lương, Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh... và các nhà thờ Thiên chúa giáo trên địa bàn tỉnh. Nâng cao chất lượng du lịch sinh thái tại các khu du lịch nghỉ dưỡng ven biển Quất Lâm, Thịnh Long; hình thành khu du lịch chất lượng cao Rạng Đông; phát huy tối đa tiềm năng điểm du lịch sinh thái Vườn quốc gia Xuân Thủy và các vùng đất ngập mặn tại huyện Nghĩa Hưng (thuộc Khu dự trữ sinh quyển thế giới liên tỉnh đồng bằng sông Hồng) nhằm thu hút khách du lịch đến từ các thị trường có khả năng chi trả cao ở trong nước như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh... Mở rộng khả năng kết nối, liên kết giữa các khu du lịch nghỉ dưỡng tắm biển với các điểm tham quan di tích, danh thắng, làng nghề, các điểm du lịch khác trong vùng nhằm kéo dài thời gian lưu trú của khách. Xây dựng các điểm du lịch làng nghề: chạm khắc gỗ La Xuyên, đúc đồng, sơn mài (Ý Yên), trồng hoa cây cảnh Vị Khê (Nam Trực), ươm tơ Cổ Chất, dệt Cự Trữ (Trực Ninh), các làng nghề làm muối ven biển Hải Hậu, Nghĩa Hưng; kết hợp giữa việc tham quan trải nghiệm nghề truyền thống và mua sắm tiêu thụ sản phẩm làng nghề, tạo các điểm du lịch “vệ tinh” cho khu vực thành phố Nam Định, xây dựng chuỗi các sản phẩm du lịch đặc thù mang sắc thái của vùng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Xây dựng mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp chất lượng cao gắn với phát triển sản phẩm OCOP nhằm giới thiệu quảng bá sản phẩm nông nghiệp đến với du khách. Quảng bá thương hiệu các sản phẩm văn hóa ẩm thực đặc trưng của địa phương như: phở bò, kẹo sìu châu Nam Định, nem nắm Giao Thủy, bánh nhãn, gạo tám Hải Hậu... Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất sản phẩm lưu niệm thủ công mỹ nghệ cho du khách khi đến Nam Định. Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, đưa các loại hình nghệ thuật dân tộc (hát chèo, hát văn, múa rối nước...) vào phục vụ du khách ở các khu, điểm du lịch nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch./.
baonamdinh.com.vn