Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Nam Định giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2025

Đăng ngày 08-11-2020
100%

 

QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Nam Định
giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2025

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;

Căn cứ Quyết định số 55/2008/QĐ-BCT ngày 30/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Công thương về việc ban hành Quy định nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phát triển lĩnh vực công nghiệp;

Xét đề nghị của Sở Công thương tại Tờ trình số 158/TTr-SCT ngày 20 tháng 4 năm 2012 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Nam Định giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2025,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1.Phê duyệt “Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Nam Định giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2025” với các nội dung chính sau:

1. Quan điểm phát triển công nghiệp

- Công nghiệp là động lực phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong giai đoạn 2011-2020 và các năm tiếp theo nên cần tập trung phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh để chủ động hội nhập với khu vực và thế giới.

- Phát triển công nghiệp phải phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp chung của cả nước, của vùng đồng bằng sông Hồng và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Xây dựng, chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng phát huy lợi thế so sánh về nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng ngày càng cao. Cơ cấu công nghiệp phải phát huy được lợi thế so sánh của từng phân ngành, từng địa bàn, từng bước hình thành một số ngành, sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh quy mô vùng.

- Công nghiệp của tỉnh phát triển phải đón nhận được xu hướng chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển; áp dụng được những thành quả của tiến bộ khoa học công nghệ trong nước và thế giới, hợp tác hiệu quả với khu vực và quốc tế.

- Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển công nghiệp, đa dạng hoá các nguồn vốn đầu tư. Động lực cho phát triển công nghiệp là khu vực dân doanh và đầu tư nước ngoài;

- Phát triển công nghiệp phải gắn với phát triển dịch vụ, du lịch, phát triển đô thị, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

2. Mục tiêu phát triển

- Mục tiêu chung: Xây dựng ngành công nghiệp Nam Định ngày càng lớn mạnh, hiện đại, thân thiện với môi trường, có khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu vào khu vực và thế giới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững, đặc biệt là xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống nhân dân.

- Mục tiêu cụ thể:

Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2011-2015 đạt 22-23%/năm; giai đoạn 2016-2020 đạt 20-21%/năm và giai đoạn 2021-2025 tăng 17-18%/năm.

Tốc độ tăng giá trị tăng thêm của ngành giai đoạn 2011-2015 đạt 19-20%/năm; giai đoạn 2016-2020 đạt 17-18%/năm và giai đoạn 2021-2025 tăng 14-15%/năm.

Đến năm 2015, kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp, thủ công nghiệp đạt 400-420 triệu USD, năm 2020 đạt 650-700 triệu USD và năm 2025 đạt trên 1 tỷ USD.

Đến năm 2015, công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 39,5%, riêng công nghiệp chiếm 30,7% GDP nền kinh tế. Năm 2020 công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 45%, riêng công nghiệp chiếm 36,5% GDP nền kinh tế. Đến năm 2025, công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 48,5%, riêng công nghiệp chiếm 40,5% GDP nền kinh tế.

(Chi tiết về mục tiêu phát triển theo nhóm ngành xem Phụ lục 1)

3. Định hướng phát triển

Phát triển mạnh các ngành có lợi thế cạnh tranh, có truyền thống, huy động được mọi tiềm năng, nguồn lực, có thể phát triển trong bối cảnh hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới như: dệt may; cơ khí đóng và sửa chữa tàu, cơ khí chế tạo, điện tử, cơ điện tử và công nghiệp phần mềm, nhiệt điện và dược phẩm; chế biến nông, lâm, thuỷ sản. Từng bước xây dựng Nam Định trở thành trung tâm của vùng Nam Đồng bằng sông Hồng về dệt may, đóng tàu, cơ khí chế tạo, dược phẩm, điện tử và công nghiệp phần mềm; tiếp tục phát triển các ngành sản xuất vật liệu xây dựng.

Tập trung đầu tư, phát triển, đưa công nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ lực, góp phần chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, cơ cấu thu ngân sách; gắn kết với phát triển nông nghiệp và phục vụ có hiệu quả công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Đa dạng hoá về quy mô và loại hình sản xuất công nghiệp: công nghiệp chủ đạo, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề truyền thống. Khuyến khích phát triển mạnh mẽ các doanh nghiệp vừa và nhỏ bằng nguồn vốn tư nhân, tạo ra một mạng lưới các vệ tinh sản xuất và xuất khẩu cho các công ty lớn, giải quyết việc làm, góp phần xoá đói giảm nghèo.

Tập trung cao cho một số ngành trọng điểm, có lợi thế, sản xuất các sản phẩm xuất khẩu; phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và thay đổi cơ cấu kinh tế nông thôn như công nghiệp dệt may, tàu thuỷ, chế biến nông lâm thuỷ sản, nhiệt điện. Đặc biệt ưu tiên cho phát triển các ngành công nghệ cao (sản xuất thiết bị, linh kiện, chi tiết, cụm chi tiết cơ khí, cơ điện tử đạt tiêu chuẩn quốc tế, công nghệ phần mềm...).

Phát huy lợi thế kinh tế biển, tập trung phát triển các ngành công nghiệp ven biển, công nghiệp dịch vụ vận tải biển, dầu khí trong tương lai tại khu kinh tế Ninh Cơ và khai thác than tại Giao Thuỷ.

Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ đối với các cơ sở hiện có và áp dụng công nghệ tiên tiến ở các cơ sở xây dựng mới.

Phát triển công nghiệp tập trung vào các khu, cụm công nghiệp. Di dời những công ty dệt may hiện tại đóng trên địa bàn thành phố vào các khu, cụm công nghiệp để tránh ô nhiễm môi trường.

4. Định hướng phát triển các chuyên ngành:

a. Ngành dệt may, da giầy

- Định hướng phát triển ngành dệt may tỉnh Nam Định là hướng về xuất khẩu. Tập trung sản xuất những sản phẩm có đặc thù riêng, có lợi thế về lao động, những sản phẩm may cao cấp, có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, đạt các tiêu chuẩn về môi trường và có nhãn mác sinh thái. Phát triển công nghệ thiết kế. Tạo thương hiệu riêng cho các sản phẩm của tỉnh. Tăng tỷ lệ nội địa hoá về nguyên phụ liệu của hàng dệt may.

- Phát triển ngành dệt may tỉnh phù hợp với chiến lược phát triển ngành, phân bố lại sản xuất dệt may trên địa bàn tỉnh theo hướng chuyển các xí nghiệp may về các huyện, địa bàn nông thôn.

- Xây dựng Khu công nghiệp dệt may tại Khu công nghiệp Bảo Minh trong đó có các nhà máy dệt, may sản phẩm cao cấp, công nghệ hiện đại.

- Đầu tư chiều sâu, đổi mới trang thiết bị, nâng cao năng suất lao động, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm. Coi trọng việc đào tạo nguồn nhân lực.

- Phát triển ngành Dệt may tỉnh phải chú trọng bảo vệ môi trường xanh và sạch của tỉnh.

- Đối với ngành da giầy, tập trung phát triển sản xuất các sản phẩm từ da và giả da như va ly, túi xách, cặp, ví,... Chú trọng nghiên cứu phát triển sản phẩm mẫu mốt thời trang đồng bộ cùng với may mặc.

- Ưu tiên phát triển các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, mức độ tự động hóa cao, thân thiện với môi trường để giảm bớt khó khăn về nguồn lao động của dự án.

b. Ngành cơ khí, điện tử và gia công kim loại

Tập trung đầu tư cho cơ khí phục vụ các ngành đóng và sửa chữa tàu thuyền, cơ khí ô tô, xe máy, cơ khí xây dựng, thiết bị vật tư ngành điện... để sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội, đóng góp nhiều cho ngân sách của tỉnh;

Ưu tiên phát triển công nghiệp điện tử và công nghệ thông tin, cơ điện tử để đến năm 2020 trở thành trung tâm của vùng về sản xuất, nghiên cứu phát triển các sản phẩm công nghiệp điện tử và công nghệ thông tin.

Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chiều sâu, thiết bị đồng bộ và chuyên dụng, xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn quản lý tiên tiến nhằm không ngừng nâng cao năng lực quản lý kinh doanh, điều hành dự án, mở rộng thị trường cho sản phẩm. Đặc biệt quan tâm phát triển công nghệ ứng dụng cơ điện tử, tự động hoá, thiết kế có hỗ trợ bằng máy tính.

Tăng cường các hoạt động xây dựng hệ thống hạ tầng tạo thuận lợi, thông thoáng và tin cậy cho các hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh: tăng cường hoạt động xúc tiến kêu gọi đầu tư nhằm thu hút được nhiều dự án (nhất là các dự án có quy mô lớn) tạo bước đột phá trong phát triển; Thúc đẩy phát triển các hoạt động đầu tư dịch vụ công nghiệp cho ngành ở quy mô khu vực, đặc biệt là các hoạt động dịch vụ logistic, kinh doanh cung cấp vật tư phụ tùng thiết bị...; Quan tâm xây dựng chiến lược thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển ngành.

Đối với ngành đóng tàu: Thực hiện chủ trương của Chính phủ về tái cơ cấu và phát triển ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam, đã bàn giao Dự án nhà máy đóng tàu Thịnh Long I của Công ty CP CNTT Hoàng Anh về Công ty TNHH một thành viên đóng tàu Thịnh Long thuộc Tập đoàn CNTT Việt Nam, do đó trong tương lai ngành cơ khí đóng tàu Nam Định sẽ dần ổn định và phát triển. Trước mắt tập trung vào đóng mới và sửa chữa nhóm sản phẩm tàu trọng tải dưới 15.000 DWT. Từ sau năm 2015 căn cứ vào năng lực và nhu cầu thị trường mới chú trọng nâng cấp cơ sở hạ tầng đủ khả năng đóng các loại tàu có trọng tải lớn hơn. Nghiên cứu, chuẩn bị cơ sở hạ tầng để đến sau năm 2020 có khả năng thu hút đầu tư các dự án đóng mới và sửa chữa tàu có trọng tải tương đương 50.000-100.000 DWT. Đặc biệt khuyến khích đầu tư công nghệ lắp ráp và chế tạo các loại tàu chất lượng cao (du thuyền, tàu cao tốc...).

Ngành công nghiệp lắp ráp, sản xuất linh kiện ô tô xe máy: Chú trọng vào phân khúc thị trường xe khách, xe chuyên dụng, xe bán tải và xe tải dưới 5 tấn với chất lượng và tỷ lệ nội địa hoá cao. Tích cực tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất linh phụ kiện cho các tập đoàn lắp ráp, phân phối lớn. Chú trọng phát triển ngành chế tạo phụ tùng phục vụ dịch vụ sửa chữa thông qua việc đầu tư máy móc thiết bị chuyên dụng.

Phát triển ngành chế tạo thiết bị máy nông nghiệp, máy xây dựng, kim khí tiêu dùng, theo hướng nâng cao chất lượng, độ bền các linh kiện chủ chốt, tối ưu hoá thiết kế để nâng cao tuổi thọ thiết bị, vận hành và bảo dưỡng thuận lợi tạo dựng thương hiệu và uy tín trên thị trường.

Phát triển ngành đúc - luyện kim theo hướng chuyên sâu với quy mô vừa và nhỏ, làm chủ các công nghệ chế tạo và gia công các loại vật liệu có tính năng vật lý ưu việt, chú trọng đầu tư thiết bị có chất lượng nhằm giảm tiêu hao năng lượng cũng như ổn định chất lượng.

Khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ như chế tạo các linh, phụ kiện theo hướng tập trung trong các cụm chuyên ngành, chuyên môn hoá về công nghệ, tăng cường liên kết nhằm tận dụng tối đa năng lực thiết bị công nghệ, tăng cường hiệu quả đầu tư.

Khuyến khích đầu tư lắp ráp, chế tạo các modun linh kiện điện tử nhất là các sản phẩm phục vụ công nghiệp.

c. Công nghiệp chế biến gỗ, giấy và lâm sản

- Phát triển ngành sản xuất chế biến gỗ giấy và lâm sản để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển mạnh các làng nghề truyền thống về thủ công mỹ nghệ, đa dạng hóa sản phẩm.

- Phát triển công nghiệp chế biến gỗ, giấy, lâm sản gắn với các đầu mối cung cấp và vùng nguyên liệu của tỉnh để phát triển những mặt hàng có lợi thế so sánh và khả năng cạnh tranh.

- Phát huy năng lực chế biến của ngành, tiếp tục phát triển ngành trên cơ sở phát huy tiềm năng các thành phần kinh tế, nguồn lao động, đẩy mạnh xuất khẩu.

- Khuyến khích phát triển mạnh các cơ sở sản xuất, chế biến ở khu vực nông thôn, làng nghề truyền thống, tạo việc làm cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

- Việc đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp cơ sở chế biến đảm bảo yêu cầu công nghệ hiện đại, thiết bị tiên tiến kết hợp với công nghệ thiết bị truyền thống và có quy mô phù hợp với khả năng cung ứng nguyên liệu và mặt hàng nhằm nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh và bảo vệ môi trường sinh thái để ngành phát triển bền vững và hiệu quả.

d. Công nghiệp thực phẩm, đồ uống

- Phát triển mạnh công nghiệp chế biến thực phẩm đồ uống gắn với phát triển nguồn nguyên liệu, theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng chế biến các sản phẩm xuất khẩu. Liên doanh, liên kết với các cơ sở lớn trong nước và nước ngoài để phát triển thị trường, đổi mới công nghệ, tăng quy mô sản xuất.

- Trên cơ sở quy hoạch các vùng nguyên liệu ở địa phương, hướng công nghiệp chế biến vào các sản phẩm phù hợp với đặc điểm, thế mạnh về nguyên liệu của tỉnh và thu hút thêm nguồn nguyên liệu từ các địa phương trong khu vực. Phát triển công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống trên cơ sở gắn kết lợi ích giữa các nhà sản xuất chế biến với người sản xuất và cung cấp nguyên liệu.

- Đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, thay thế dần các thiết bị và công nghệ lạc hậu, đa dạng hóa sản phẩm, giảm sơ chế, tăng chế biến sâu để tăng giá trị và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường nội địa và xuất khẩu.

- Đặc biệt chú trọng đến việc đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm. Phát triển sản xuất nhưng phải đảm bảo các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường để phát triển bền vững.

đ. Sản xuất hoá chất, dược phẩm và đồ nhựa

Ưu tiên phát triển nhóm ngành sản xuất dược liệu, thuốc chữa bệnh, nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, giá thành hạ, đủ sức cạnh tranh, đưa ngành sản xuất dược Nam Định đóng vai trò trung tâm công nghiệp dược vùng Nam đồng bằng sông Hồng;

Khuyến khích phát triển các sản phẩm chế biến từ nhựa, cao su phục vụ công nghiệp (nhựa bao bì, xây dựng, chi tiết linh kiện nhựa, cao su kỹ thuật) để có thể duy trì tốc độ phát triển cao và bền vững của ngành dựa trên các hình thức đầu tư liên doanh liên kết, hợp tác đầu tư, đi thẳng vào công nghệ tiên tiến, hiện đại;

Không ngừng nâng cấp hệ thống hạ tầng thuận lợi cho việc thu hút các dự án đầu tư lớn về sản xuất phân bón, nguyên liệu nhựa, pin ắc quy.

Đặc biệt quan tâm đến bảo vệ môi trường. Tập trung các cơ sở sản xuất hoá chất (đặc biệt các cơ sở sản xuất khí công nghiệp, nhựa, cao su...) vào các khu, cụm công nghiệp để tăng khả năng giám sát môi trường. Chú trọng sử dụng các công nghệ ít gây ô nhiễm môi trường. Chủ động áp dụng các biện pháp xử lý phế thải trước khi thải vào môi trường.

e. Sản xuất vật liệu xây dựng

- Phát triển sản xuất vật liệu xây dựng phù hợp với nhu cầu của tỉnh cả về sản lượng, mẫu mã, chất lượng trên cơ sở khai thác có hiệu quả thế mạnh về nguồn tài nguyên khoáng sản, thế mạnh về thị trường và lao động của địa phương, đồng thời không ngừng đào tạo nâng cao năng lực quản lý, vận hành sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh.

- Ưu tiên đầu tư phát triển doanh nghiệp sản xuất có quy mô vừa và nhỏ, công suất hợp lý, công nghệ hiện đại, sạch, tiêu tốn ít năng lượng, nguyên liệu, thay thế dần sản xuất gạch theo phương pháp thủ công.

- Đẩy mạnh sản xuất vật liệu xây thân thiện với môi trường như gạch không nung, bê tông nhẹ, ....

g. Sản xuất và phân phối điện, nước

Tập trung xây dựng trung tâm nhiệt điện Nam Định với quy mô công suất 2400 MW tại Hải Hậu, góp phần nâng cao giá trị SXCN trên địa bàn và cung cấp đủ điện cho nền kinh tế với chất lượng cao, ổn định. Xây dựng hệ thống lưới truyền tải, lưới phân phối cùng hệ thống trạm biến áp đồng bộ, có dự phòng và có độ tin cậy cao, phù hợp với công suất phát và tiêu thụ điện tại các khu vực trong tỉnh.

h. Các ngành công nghiệp khác (in, tái chế)

Đầu tư nhà máy triết nạp khí hóa lỏng tại khu kinh tế Ninh Cơ.

Xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại, phát huy hiệu quả đầu tư của trạm trung chuyển chất thải nguy hại tại KCN Hòa Xá. Thu hút đầu tư xây dựng mới nhà máy tái chế rác thải.

i. Phát triển tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề

Phát huy các làng nghề truyền thống lâu đời, có trình độ sản xuất cao như đúc, cơ khí, sản xuất đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, dệt, may, chế biến nước mắm, mắm tôm, bột cá nhạt làm thức ăn chăn nuôi, thực phẩm, rượu trắng, chiếu cói, nón lá,... Lựa chọn để xây dựng và đăng ký thương hiệu cho một số làng nghề và sản phẩm nổi tiếng.

Tích cực tìm kiếm du nhập thêm nhiều nghề mới phù hợp với địa phương, có khả năng khai thác được lao động, tay nghề, nguyên liệu tại chỗ nhằm giảm dần số hộ thuần nông, các xã không có nghề.

Khôi phục và phát triển các vùng nguyên liệu phục vụ cho nghề và các làng nghề như cói, đay, nông hải sản.... gắn với chương trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông lâm ngư nghiệp.

(Chi tiết về các dự án đầu tư theo ngành xem phụ lục 4)

5. Quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp

a. Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp

Đến năm 2020 quy hoạch phát triển 10 khu công nghiệp với tổng diện tích là 2039,5 ha vào năm 2020.

(Danh sách các khu công nghiệp xem phụ lục 2)

b. Quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp

Hiện có 20 cụm công nghiệp đang triển khai. Quy hoạch đến năm 2020, mở rộng 11 cụm CN với tổng diện tích là 145,4 ha; triển khai xây dựng 9 cụm CN đã quy hoạch và bổ sung vào quy hoạch thêm 2 cụm CN. Trong giai đoạn 2021-2025 sẽ bổ sung thêm 14 cụm CN. Như vậy, quy hoạch đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh có 45 cụm CN với tổng diện tích là 697 ha.

(Danh sách các cụm công nghiệp xem phụ lục 3)

6. Nhu cầu vốn đầu tư theo các thời kỳ quy hoạch như sau:

Tổng nhu cầu vốn đầu tư công nghiệp giai đoạn 2011-2015 khoảng 35-40 ngàn tỷ đồng.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư công nghiệp giai đoạn 2016-2020 khoảng 90-100 ngàn tỷ đồng.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư công nghiệp giai đoạn 10 năm 2011-2020 khoảng 125-140 ngàn tỷ đồng.

7. Các giải pháp, cơ chế chính sách chủ yếu

a. Các giải pháp, cơ chế chính sách đột phá:

* Nâng cao năng lực cạnh tranh bao gồm các giải pháp để tạo môi trường đầu tư hấp dẫn như:

- Tăng cường cải cách hành chính và nâng cao năng lực quản lý

+ Tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp, tạo môi trường hấp dẫn đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực: đầu tư, thuế, hải quan, cấp đất, thương mại, môi trường, xây dựng,...

+ Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị của tỉnh để hỗ trợ cho các dự án trọng điểm xây dựng và đưa vào sản xuất đúng tiến độ như: Trung tâm nhiệt điện Hải Hậu, Nhà máy 30 vạn cọc sợi,...

+ Thực hiện việc phân cấp giữa tỉnh, ngành và huyện, thành phố trong việc quản lý về cụm công nghiệp trên địa bàn theo hướng tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Tăng cường chế độ giám sát, kiểm tra việc thực hiện các chính sách, cơ chế đã ban hành. Tiếp tục đẩy mạnh chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy quản lý Nhà nước.

- Giảm chi phí ngoài cho doanh nghiệp thông qua đẩy mạnh phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, điện nước, dịch vụ thông tin truyền thông, logistic ... Giảm chi phí dịch vụ hành chính công, dịch vụ hạ tầng cho các doanh nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ ứng dụng thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường khả năng tiếp cận với đất đai cho doanh nghiệp. Công khai, minh bạch trong việc tiếp cận đất đai đối với mọi loại hình doanh nghiệp. Giải quyết các thủ tục về đất đai nhanh, theo quy trình, thủ tục thống nhất.

- Đảm bảo an ninh, an toàn cho các doanh nghiệp, các khu công nghiệp để doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh.

- Tạo môi trường thân thiện, hỗ trợ lẫn nhau giữa các cơ quan quản lý và doanh nghiệp.

* Đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao

- Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực dưới nhiều hình thức để đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp. Chú trọng đào tạo lao động cung ứng cho các ngành nghề mới và đào tạo theo địa chỉ. Đặc biệt chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Có chính sách thu hút nhân tài, lao động trình độ cao về làm việc tại địa phương.

* Đẩy mạnh thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài và đầu tư từ các tập đoàn kinh tế cho phát triển công nghiệp.

Cần đặc biệt quan tâm kêu gọi đầu tư các dự án quy mô lớn từ nước ngoài và các tập đoàn kinh tế. Tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư thông qua hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật.

Xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư giai đoạn 2011-2015. Tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư trong nước tại Hà Nội hoặc TP. Hồ Chí Minh để kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực mũi nhọn như: điện tử và công nghiệp phần mềm, cơ khí chế tạo, cơ điện tử, dệt may, hoá dược và dược phẩm, nhựa.

Huy động nguồn vốn đầu tư từ các nhà đầu tư, tổ chức trong và ngoài nước, vốn liên doanh, liên kết, vốn của các tổ chức tín dụng và một phần vốn ngân sách.

b. Các giải pháp khác

* Các giải pháp về thị trường

- Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và tiếp thị xuất khẩu, đẩy mạnh công tác tiếp thị, hội nghị khách hàng, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm.

- Tăng cường hoạt động nghiên cứu, dự báo của các cơ quan chức năng Nhà nước, cung cấp và công khai các thông tin kinh tế, thị trường đến các doanh nghiệp, tư vấn thị trường tiêu thụ sản phẩm giúp các doanh nghiệp nâng cao chất lượng xây dựng và điều hành chiến lược đầu tư, sản xuất kinh doanh của mình.

* Các giải pháp phát triển khoa học công nghệ

- Đảm bảo mức vốn đầu tư cho khoa học - công nghệ từ các nguồn (ngân sách Nhà nước, vốn của các doanh nghiệp, vốn của các tổ chức tài chính, tài trợ của các tổ chức quốc tế và nước ngoài).

- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất.

- Tăng cường hợp tác nghiên cứu với các Viện, trung tâm của Trung ương để giải quyết các vấn đề vướng mắc cho doanh nghiệp và phục vụ phát triển ngành.

* Các giải pháp bảo vệ môi trường

- Triển khai thực hiện dứt điểm chính sách di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp ô nhiễm vào trong các khu, cụm công nghiệp để thuận lợi cho việc kiểm soát và khắc phục tình trạng ô nhiễm.

- Các dự án đầu tư, các nhà máy trước khi xây dựng phải cam kết hoặc báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi cấp phép đầu tư, xây dựng. Các khu, cụm công nghiệp phải đầu tư hệ thống xử lý chất thải đạt mức quy định trước khi thải ra môi trường.

- Quy hoạch thoát nước cho khu công nghiệp phải tính đến nguồn tiêu nước cụ thể. Cần áp dụng 02 hệ thống xử lý nước thải: Hệ thống xử lý nước tại chỗ cho từng nhà máy và Hệ thống xử lý chung của khu công nghiệp.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Công thương có trách nhiệm:

Công bố, chỉ đạo tổ chức thực hiện quy hoạch; định kỳ cập nhật, điều chỉnh quy hoạch và đề xuất cơ chế, chính sách phát triển bền vững ngành công nghiệp, bảo đảm tính đồng bộ và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và các cam kết hội nhập quốc tế.

2. Sở, ban ngành có trách nhiệm:

- Các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài Chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông theo chức năng nhiệm vụ của mình chủ trì và phối hợp với Sở Công thương triển khai cụ thể hoá các giải pháp, chính sách nêu trong quyết định này.

- Ban Quản lý các khu công nghiệp: Tiến hành quy hoạch chi tiết các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Xây dựng các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Tổ chức hội thảo, giới thiệu, thu hút các đối tác trong và ngoài nước đầu tư phát triển công nghiệp.

3. Uỷ ban nhân dân các huyện và thành phố Nam Định:

Có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai quy hoạch; giám sát việc thực hiện các dự án đầu tư theo nội dung quyết định này để đảm bảo tính thống nhất của Quy hoạch phát triển công nghiệp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

4. Các Hiệp hội ngành, nghềcó liên quan đóng trên địa bàn tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp trong việc thực hiện quy hoạch.

Điều 3.Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4.Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, Ngành: Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông; Ban quản lý các khu công nghiệp; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện và thành phố Nam Định; các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

CHỦ TỊCH

 

 

Nguyễn Văn Tuấn
°
14 người đang online
Lịch Vạn Niên & Lịch Âm 2023 Ôn Thi GPLX 600 & Mô Phỏng 120