Vùng đất Nam Định từ thế kỷ XI-XV

Đăng ngày 03-11-2020
100%

 

Trên mảnh đất này đã sản sinh ra những nhân vật lịch sử mà sự nghiệp của họ đã đi vào huyền thoại với những sự kỳ tích chẳng những bao trùm lên toàn bộ vùng đất Nam Định thời Lý mà còn là hiện tượng mang tầm vóc quốc gia. Đó là các vị thiền sư Dương Không Lộ, Nguyễn Minh Không và Giác Hải.


 


TỪ THẾ KỶ XI ĐẾN THẾ KỶ XV

Lộ Hải Thanh, phủ Ứng Phong thời Lý

Các triều Ngô - Đinh và Tiền Lê đã có công lớn lao trong sự nghiệp bảo vệ nền độc lập còn non trẻ, thống nhất đất nước và khẳng định vị thế của một quốc gia tự chủ, nhưng để đất nước tiếp tục đi lên cần có những cải cách toàn diện và sâu sắc. Triều Lý thành lập năm 1009 không chỉ đơn giản là sự thay thế vương triều mà thực sự là một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình lịch sử Việt Nam, mở ra thời kỳ phát triển mới cho dân tộc. Là một vương triều thực thi những chính sách cởi mở, triều Lý đã đưa quốc gia Đại Việt bước vào thời kỳ phát triển rực rỡ.

Cùng với sự chuyển mình của cả nước, Nam Định vốn từng là vùng đất căn bản dưới thời Ngô, Đinh và Tiền Lê đã nhanh chóng trở thành một vùng trọng yếu của quốc gia Đại Việt thời Lý. Nằm trong lộ Hải Thanh, phủ Ứng Phong, về đại thể, vùng đất này tương đương với đất của các huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên, Nam Trực và một phần của hai huyện Trực Ninh, Nghĩa Hưng hiện nay.

Trên mảnh đất này đã sản sinh ra những nhân vật lịch sử mà sự nghiệp của họ đã đi vào huyền thoại với những sự kỳ tích chẳng những bao trùm lên toàn bộ vùng đất Nam Định thời Lý mà còn là hiện tượng mang tầm vóc quốc gia. Đó là các vị thiền sư Dương Không Lộ, Nguyễn Minh Không và Giác Hải.

Không Lộ là một thiền sư tài trí hơn người đã có công lao giúp dân mở mang đất đai, chấn hưng văn hoá và nhất là đã mở ra một kỷ nguyên mới cho nghề đúc đồng, một kỹ thuật có vai trò to lớn cho sự nghiệp phát triển kinh tế và văn hoá không chỉ riêng cho Nam Định mà cả quốc gia Đại Việt khi đó. Sự tích và công lao của ông đã in sâu trong ký ức của nhân dân địaphương. Hầu như ngôi chùa cổ nào trên đất Nam Định có nguồn gốc kiến tạo từ thời Lý đều thờ ông. Hơn thế, về sau này, ở tất cả những nơi có nghề đúc đồng truyền thống đều tôn ông lên thành Tổ nghề để thờ phụng. Tại chùa Phổ Minh, Nam Định từng có một vạc đồng được xếp vào hàng đại khí, tương truyền đều do Không Lộ chế ra.

Minh Không vốn là người Đàm Xá, Đại Hoàng (nay thuộc Ninh Bình) nhưng sự nghiệp của ông hưng vượng từ đất Giao Thuỷ. Ông từng nhiều năm theo học thiền sư Từ Đạo Hạnh và nhận pháp danh là Minh Không. Sau khi đã chứng ngộ Chân không Bát nhã, Minh Không về trụ trì chùa Giao Thuỷ. Ông nổi tiếng là một thiền sư không chỉ thông kinh bác quyển mà còn giỏi nghề thuốc, có thể chữa được các bệnh nan y. Do có công chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông mà được triều Lý phong làm Quốc sư.

Thiền sư Giác Hải cũng là người lộ Hải Thanh. Tài danh của Thiền sư sớm đồn vang khắp thiên hạ, trong giới sư tăng cũng như dân chúng đều hết sức khâm phục, mến mộ. Vua Lý Nhân Tông mỗi khi về hành cung Ứng Phong đều ghé về chùa thăm ông trước và thường “Lấy lễ tiếp đãi như thầy” (Thiền Uyển tập anh, Nxb.Văn học, Hà Nội, 1990, tr 139). Cảm phục hai Thiền sư Giác Hải và Thông Huyền, vua Nhân Tông đã từng làm bài thơ khen ngợi:

Giác Hải lòng như biển

Thông Huyền đạo rất huyền

Thần thông kiêm biến hoá

Một Phật, một thần tiên.

(Thơ văn Lý - Trần, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1997, t.1, tr77).

Vùng đất Giao Thuỷ có các vị Pháp sư như Không Lộ, Minh Không và Giác Hải, những người thường xuyên được vua mời vào Kinh hoặc đến chùa vấn kế, chứng tỏ đây là nơi hội tụ đủ những điều kiện để sản sinh ra những nhân tài danh tiếng được cả nước biết đến.

Một trong những thành tựu lớn của vương triều Lý là ổn định cương giới phía Nam. Tại chùa Cổ Chất (Phổ Quang tự) thuộc xã Phương Định (gần Cổ Lễ) hiện còn thờ 3 người thời Lý Nhân Tông có công đánh Chiêm Thành, mở mang đất đai xây dựng làng xóm. Đó là Nguyễn Công Tham, Nguyễn Công Văn và Nguyễn Công Phạm.

Dưới thời Lý, Nam Định không những là một cửa ngõ của cả vùng châu thổ sông Hồng mà còn là một trung tâm kinh tế quan trọng. Các vua Lý đã dành sự quan tâm đặc biệt cho vùng đất này. Qua các tư liệu lịch sử, ta biết trên đất Nam Định xưa, nhà Lý đã cho xây ít nhất hai hành cung làm nơi cho vua dừng chân nghỉ lại trong những lần đi kinh lý vùng đất này đó là Hải Thanh và Ứng Phong. Các vua Lý, đặc biệt là Lý Nhân Tông trong suốt 56 năm trị vị đất nước, sử chép 19 lần vua ngự giá tới các hành cung thì 11 lần ông tới xem cày hoặc xem gặt tại hành cung Ứng Phong.

Dấu hiệu suy vong của triều Lý bắt đầu bộc lộ từ thời vua Lý Cao Tông (1176-1210) lên nắm quyền, nhất là từ sau khi Thái uý Tô Hiến Thành qua đời vào năm 1179. Đúng lúc triều Lý bất lực trong việc điều hành đất nước, vùng đất Nam Định lại là nơi hưng khởi của nhà Trần, một triều đại đầy sức sống đã đưa quốc gia Đại Việt phát triển lên một tầm cao mới.

Nhà Trần hưng nghiệp

Quê gốc hoàng tộc họ Trần ở hương Tức Mặc, xã Lộc Vượng (nay thuộc ngoại thành Nam Định), là một vùng đất có vị thế đẹp, sông lớn bao bọc ba mặt. Từ thời Lý, đây đã là một trung tâm kinh tế, văn hoá phát triển. Ngay tại Tức Mặc, thời Lý đã có chùa Phổ Minh, một danh lam nổi tiếng với đỉnh đồng kỳ vĩ được xếp vào hàng “tứ đại khí” của nước Đại Việt.

Năm 1209, khi trong triều Lý có biến loạn, vua Lý Cao Tông phải chạy lên Quy Hoá, Thái tử Sảm chạy về Hải Ấp đã được gia đình Trần Lý (ông nội của vua Trần Thái Tông) giúp đỡ. Trong thời gian này, Thái tử Sảm đã kết duyên cùng Trần Thị Dung, con gái thứ hai của Trần Lý. Họ Trần đã tập hợp hương binh giúp nhà Lý dẹp loạn, diệt trừ Quách Bốc (thuộc tướng của Phạm Bỉnh), đưa vua Lý trở lại Kinh đô. Trần Lý được phong làm Minh tự, cậu ruột Trần Thị Dung là Tô Trung Từ làm Điện tiền chỉ huy sứ. Sau khi Trần Lý bị một phe phái nổi loạn giết hại, người con thứ là Trần Tự Khánh được vua Lý phong tước Thuận Lưu bá.

Năm 1211 Thái tử Sảm lên ngôi, lấy hiệu là Lý Huệ Tông, đón Trần Thị Dung về cung lập làm nguyên phi. Lúc này, Tô Trung Từ được phong Thái uý phụ chính. Huệ Tông là người yếu đuối, lại bị thái hậu họ Đàm khống chế, nên mọi việc đều phó thác cho Đàm Dĩ Mông, người chức cao, quyền lớn nhưng “không có học thức, không có mưu thuật, lại nhu nhược không quyết đoán, chính sự ngày càng đổ nát” (Đại Việt sử ký toàn thư, Sđđ, t I, tr 336). Năm 1216, lấy cớ Nguyên phi Trần thị làm phản, Đàm thái hậu buộc bà tự vẫn. Trước tình thế bức bách, không còn cách nào khác, Lý Huệ Tông đã phải bí mật rời khỏi Hoàng cung, cùng Trần thị trốn đến nơi đóng quân của Trần Tự Khánh.

Năm 1217, Lý Huệ Tông phát bệnh cuồng, không còn làm chủ được bản thân, các danh y trong nước được mời đến nhưng không thể chữa nổi, mọi việc vua đều uỷ quyền cho Trần Thủ Độ khi ấy là Chỉ huy sứ, quản lĩnh cấm quân.

Trần Thủ Độ đã sắp đặt để Lý Huệ Tông nhường ngôi cho công chúa Chiêu Thánh lấy hiệu là Lý Chiêu Hoàng. Trần Thủ Độ lại thu xếp cho Lý Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh và một năm sau đó vào tháng 12 năm 1225, Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng, nhà Trần khởi nghiệp đế.

Kế nghiệp nhà Lý khi đất nước đang lâm vào khủng hoảng trầm trọng, họ Trần đã phải chống trọi với bao thử thách, khó khăn. Khi đất nước tạm yên, vào mùa thu năm 1231 vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh) mới có dịp chính thức về cố hương Tức Mặc, dâng lễ miếu, mở yến tiệc thết đãi và ban lụa cho các bô lão trong hương.

Đầu năm 1258, quân Nguyên Mông ào ạt vượt qua biên giới, tiến công vào nước ta. Sau trận đầu thất lợi ở Bình Lệ Nguyên, nhà Trần quyết định rút lui khỏi Kinh thành Thăng Long, xuôi theo sông Hồng về đóng giữ ở Thiên Mạc. Trong khi đó, Linh Từ Quốc mẫu đưa Thái tử và vợ con các tướng tá về lánh nạn ở khu vực hành cung Tức Mặc. Không chỉ lo việc chăm sóc hoàng tộc, bà còn đi thu thập tất cả những vũ khí còn cất trong các thuyền đi lánh nạn để gửi ra cho quân đội đang trực tiếp chiến đấu. Hành cung Tức Mặc trở thành một hậu cứ lợi hại của nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ lần thứ nhất.

Năm 1262, Thượng hoàng Trần Thái Tông đích thân đến Tức Mặc để xem xét việc mở rộng hành cung, nhà Trần đổi hương Tức Mặc làm phủ Thiên Trường và cho xây dựng thêm một cung điện mới là cung Trùng Quang dành cho Thượng hoàng. Lại xây riêng một khu dành cho các vua nối ngôi về chầu gọi là cung Trùng Hoa. Ngôi chùa có từ thời Lý ở phía Tây cung Trùng Quang được tu tạo và mở rộng gọi là chùa Phổ Minh.

Đầu năm 1285, hai cánh quân bộ của giặc Nguyên vượt qua biên giới của Đại Việt. Trước sức tiến công ào ạt của quân địch, nhà Trần một mặt triển khai lực lượng trấn giữ những nơi hiểm yếu và bố trí một trận đánh chặn bước tiến của địch trên sông Hồng, mặt khác chủ động tổ chức cuộc rút lui chiến lược để bảo toàn lực lượng. Hành cung Thiên Trường và Trường Yên trở thành nơi tập kết và củng cố lực lượng. Ngày 7-6-1285, quân ta do đích thân Thượng hoàng và vua Trần Nhân Tông chỉ huy đã tiến công đánh tan quân địch ở Trường Yên. Chưa đầy một tháng sau, ngày 9-7-1285, quân Nguyên bị quét sạch khỏi bờ cõi nước ta. Cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên lần thứ hai của dân tộc ta toàn thắng.

Sau thất bại thảm hại năm 1285, đế quốc Mông - Nguyên vẫn không cam tâm từ bỏ ý đồ xâm lược nước ta, nhà Nguyên đã huy động tới 50 vạn quân không kể phu phục dịch cùng 500 chiến thuyền cho cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ ba. Với những kinh nghiệm tích luỹ được qua hai cuộc kháng chiến trước, một mặt nhà Trần chủ động tổ chức một cuộc rút lui chiến lược khiến quân địch không biết được bộ chỉ huy kháng chiến và đại quân ta ở đâu, mặt khác thực hiện kế hoạch tiêu diệt đoàn thuyền chở 17 vạn thạch lương do Trương Văn Hổ chỉ huy và bí mật xây dựng trận địa bãi cọc trên sông Bạch Đằng, chuẩn bị chiến trường cho một trận quyết chiến chiến lược.

Hết hi vọng đánh nhanh, thắng nhanh và sợ bị tiêu diệt, ngày 30-03-1288, Thoát Hoan ra lệnh cho đại quân rút lui về nước, nhưng kế hoạch rút chạy của chúng đã không thành công. Đoàn binh thuyền của địch đã đã bị đánh tan trên sông Bạch Đằng ngày 9-4-1288. Ý chí xâm lược Đại Việt của nhà Nguyên hoàn toàn bị đè bẹp. Vua Trần đã để lại đời sau hai câu thơ bất hủ:

Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã;

Sơn hà thiên cổ điện kim âu.

(Xã tắc hai phen chồn ngựa đá,

Non sông nghìn thuở vững âu vàng)

 

 
 

Năm 1305, vua Trần Anh Tông cho xây tháp Phổ Minh. Toà tháp có 13 tầng xây trên một bệ kiệu bằng đá trang trí viền cánh sen cao tới gần 20m. Đây là một công trình kiến trúc đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao và có giá trị nghệ thuật. Toà tháp đã tạo thêm vẻ bề thế cho quần thể kiến trúc chùa Phổ Minh.

Tức Mặc không chỉ gắn bó với các Thái Thượng hoàng mà còn là nơi sinh ra và nuôi dưỡng khí chất cho nhiều hoàng thân quốc thích nhà Trần, mà trong số đó nhiều người trở thành những nhân vật kiệt xuất. Tiêu biểu trong số đó là Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Gắn bó với khu vực hành cung Thiên Trường còn phải kể đến những nhân vật lịch sử lỗi lạc như Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải và Chiêu Văn Đại vương Trần Nhật Duật.

Có một vị trí như kinh đô thứ hai sau Thăng Long, hành cung Thiên Trường sớm trở thành một trung tâm văn hoá, đất Nam Định đã nổi lên một nhân tài kiệt xuất, đỗ Trạng nguyên khi tròn 13 tuổi đó là Nguyễn Hiền.

Triều Trần bắt đầu bước vào thời kỳ suy vi từ sau khi thượng hoàng Minh Tông qua đời vào năm 1357 và buộc phải rời bỏ vũ đài chính trị vào năm 1400.

Trị vì đất nước 175 năm, triều Trần đã có những đóng góp hết sức lớn lao với lịch sử dân tộc. Với hào khí Đông A, nhà Trần đã đưa đất nước vào một thời kỳ thịnh trị bằng những thành tựu đặc sắc trên mọi phương diện quân sự, kinh tế và văn hoá. Những người con ưu tú của đất Nam Định thời Trần mà tiêu biểu là Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, nhưng ông vua anh hùng như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông... đã trở thành những vị thánh trong lòng dân, được thờ phụng ở khắp mọi miền của đất nước.

NAM ĐỊNH TRONG THẾ KỶ XV

Dưới thời thuộc Minh.

Năm 1407, sau khi đánh bại cuộc kháng kháng chiến của nhà Hồ, giặc Minh bắt đầu thiết lập chính quyền đô hộ trên đất nước ta, chúng chia nước ta làm 15 phủ. Phần đất Nam Định lúc ấy thuộc phủ Kiến Bình và Phụng Hoá.

Cùng với cả nước, đất Nam Định trong suốt thời kỳ quân Minh đô hộ chưa khi nào nguôi tắt ngọn lửa đấu tranh dưới nhiều hình thức của nhân dân chống quân xâm lược. Ngay trong những ngày tháng đầu tiên, người Nam Định đã tiến hành khởi nghĩa chống giặc Minh mà tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Trần Ngỗi.

Nhân dân Nam Định trong khởi nghĩa Lam Sơn.

  Gia phả, truyền thuyết ở các làng Tương Loát (Ý Yên), Bách Cốc (Vụ Bản), Vân Tràng (Nam Trực) phản ánh phần nào việc tham gia của nhân dân Nam Định vào công cuộc khácg chiến chống Minh dưới sự tổ chức và lãnh đạo của Lê Lợi - Nguyễn Trãi những năm 1417-1427.Những người thợ rèn Vân Tràng đã cung cấp dao, giáo mác, thiết lệnh, phi lao cho nghĩa quân Lam Sơn. Tại làng Tương Loát có anh em Ngô Quý Dật, Ngô Ái Tường cùng nổi dậy chống Minh. Bùi Ư Đài, người làng Bách Cốc theo nghĩa quân được Lê Lợi phong làm Thượng thư bộ Lễ... Đặc biệt theo tương truyền việc đánh thành Cổ Lộng là vô cùng gian khổ. quyết liệt; trong đó có công lớn của bà Lương Minh Nguyệt, sau được vua Lê Lợi phong là Kiến Quốc công trinh liệt phu nhân, cấp cho 100 mẫu ruộng... Sắc phong năm Hồng Đức nguyên niên thời Lê Thánh Tông có ghi: ”...Bà ngang tiếng với vua Trưng Vương”.

Nam Định trong sự nghiệp xây dựng nước Đại Việt thời Lê sơ (1428 - 1527).

 Vùng đất nam sông Hồng - trong đó địa bàn chủ yếu là Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình ngày nay, từ nửa cuối thế kỷ XV, được triều đình nhà Lê quan tâm đặc biệt. Trên vùng ven biển Nam Định chứng kiến một công trình kết tinh thành quả to lớn của nhân dân Đại Việt đó là việc khởi công và hoàn thành đê Hồng Đức, một con đê ngăn nước mặn có quy mô lớn đầu tiên của vùng châu thổ.

Trong vòng 100 năm của thời Lê sơ, Nam Định có đến 22 tiến sĩ (chiếm gần 1/4 tổng số đại khoa của Nam Định trong suốt lịch sử thi cử Nho học 1075-1919). Đại bộ phận số đại khoa này đều đỗ vào nửa sau thế kỷ XV, cho nên có thể nói Nho học ở Nam Định đã thực sự có bước phát triển mới từ sau sự kiện Lương Thế Vinh đỗ trạng nguyên (1463).

°
77 người đang online
Lịch Vạn Niên & Lịch Âm 2023 Ôn Thi GPLX 600 & Mô Phỏng 120