Nam Định từ khởi nguồn đến cuối thế kỷ X

Đăng ngày 03-11-2020
100%

 

Dưới thời Hùng Vương, đời sống kinh tế của cư dân vùng đất Nam Định đã có những biến chuyển đáng kể. Nghề trồng lúanước, nghề chăn nuôi, nghề làm gốm và nghề chế tác đá đều có những bước phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt là sự xuất hiện của nghề luyện kim, đúc đồng. 
 

THỜI DỰNG NƯỚC.

Dưới thời Hùng Vương, đời sống kinh tế của cư dân vùng đất Nam Định đã có những biến chuyển đáng kể. Nghề trồng lúa nước, nghề chăn nuôi, nghề làm gốm và nghề chế tác đá đều có những bước phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt là sự xuất hiện của nghề luyện kim, đúc đồng. Vào những năm cuối thế kỷ XIX, nhân dân xã Thanh Côi, nay thuộc thị trấn Gôi, huyện Vụ Bản, khi đào đất đắp đường đã phát hiện ba chiếc trống đồng lớn. Trống đồng này có thể xếp vào loại I điển hình của nền văn hoá Đông Sơn, hiện vật tiêu biểu của thời đại các vua Hùng. Việc phát hiện ra một sưu tập trống đồng ở chân núi Gôi đã khẳng định chủ nhân của những hiện vật này đã định cư ổn định tại địa phương. Đó là một bộ phận cư dân nước Văn Lang trong thời đại dựng nước trên đất Nam Định.

Cư dân thời Hùng Vương vừa mới vươn lên từ chế độ Công xã nguyên thuỷ với cuộc sống thiên nhiên đầy khó khăn gian khổ giữa rừng rậm đã phải đương đầu với nhiều kẻ thù xâm lược. Chống ngoại xâm đã trở thành nhân tố quan trọng thúc đẩy sự lớn mạnh của xã hội Văn Lang.

Thời đại Hùng Vương đã mở đầu kỷ nguyên văn minh của dân tộc. Lịch sử Việt Nam từ đó đến nay luôn là lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Trong suốt chiều dài của lịch sử đất nước, nhân dân các làng, xã của Nam Định đã đời đời kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của ông cha, góp phần viết nên những thiên anh hùng ca bất hủ cho quê hương đất nước.

THỜI KỲ ĐẤU TRANH CHỐNG ÁCH ĐÔ HỘ PHƯƠNG BẮC (179 TCN - 938)

Sau khi nước Âu Lạc bị Triệu Đà đánh chiếm vào năm 179 TCN, đất nước bước vào một thời kỳ Bắc thuộc kéo dài hơn một nghìn năm. Nam Định lúc đó nằm trong quận Giao Chỉ. Do điều kiện thuận lợi cho nghề trồng lúa nước, vùng đất Nam Định trở thành một trung tâm nông nghiệp từ rất sớm.

Trên cơ sở một nền văn hoá bản địa vững chắc thể hiện bản lĩnh, cá tính, lối sống và truyền thống mà cốt lõi là ý thức độc lập, tự chủ và tinh thần yêu quê hương, đất nước, cư dân Nam Định cổ đã tiếp thu những yếu tố văn hoá mới, làm phong phú thêm văn hoá truyền thống. Tuy nhiên, nét bao trùm lên lịch sử thời kỳ Bắc thuộc trên đất Nam Định vẫn là cuộc đấu tranh chống lại ách đô hộ và âm mưu đồng hoá của phong kiến ngoại bang, mà tiêu biểu là nhân dân Nam Định nói chung và đặc biệt là phụ nữ, đã hăng hái tham gia và nhanh chóng đứng dưới ngọn cờ nghĩa của Hai Bà Trưng (Đầu năm 40) chống lại ách đô hộ của nhà Đông Hán. Theo tư liệu lịch sử hiện có, Nam Định có tới 20 tướng lĩnh cả nam lẫn nữ tham gia cuộc khởi nghĩa này. Dấu tích về các tướng lĩnh tham gia khởi nghĩa tập trung nhiều ở huyện Vụ Bản, như: Lê Thị Hoa ở Phú Cốc, Chu Liên Hoa ở làng Vậy, Dung Nương và Phương Dung ở làng Cựu, Trần Cao Đạo ở làng Riềng, Bùi Công Mẫn ở xã Trung Thành...

Năm 542, Lý Bí nổi dậy khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của nhà Lương. Sau bốn năm chiến đấu anh dũng, cuộc khởi nghĩa giành được thắng lợi, Lý Bí lên ngôi, xưng Hoàng Đế, xây dựng nước Vạn Xuân độc lập. Đóng góp vào cuộc khởi nghĩa này, Nam Định có tướng quân Hoàng Tề ở làng Lập Vũ (nay thuộc xã Hiển Khánh, huyện Vụ Bản). Ông được Lý Bí phong chức Túc vệ tướng quân, ban gươm báu và luôn cho hầu bên mình. Khi Lý Bí qua đời, Hoàng Tề theo Triệu Quang Phục chiến đấu trong căn cứ đầm Dạ Trạch (nay thuộc tỉnh Hưng Yên).

Những tấm gương đó là niềm kiêu hãnh, tự hào của nhân dân Nam Định và trở thành một truyền thống quý báu của địa phương, thể hiện tinh thần kiên cường, bất khuất và sức sống mãnh liệt của nhân dân Nam Định nói riêng, của dân tộc ta nói chung. Nhờ tinh thần đó mà nhân dân ta đã giành lại được độc lập vào thế kỷ X.

VÙNG ĐẤT NAM ĐỊNH DƯỚI THỜI NGÔ - ĐINH - TIỀN LÊ (938-1009)

Vào cuối năm 938, nhân cơ hội Kiều Công Tiễn phái người sang cầu cứu nhà Nam Hán, vua Nam Hán là Lưu Cung lập tức điều động một lực lượng binh thuyền lớn, giao cho con là Vạn vương Hoằng Tháo làm Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ, thống lĩnh đại quân tiến đánh nước ta. Nền độc lập của dân tộc vừa mới được phục hồi lại bị đe doạ nghiêm trọng cả từ bên ngoài lẫn bên trong. Đất nước lại đứng trước cuộc thử thách mới hết sức gay go, ác liệt. Trước yêu cầu của lịch sử, Ngô Quyền xuất hiện và trở thành trung tâm đoàn kết mọi lực lượng kháng chiến, trung tâm tập hợp và quy tụ mọi nguồn sức mạnh của dân tộc. Chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền là một mốc son vàng chói lọi của dân tộc Việt Nam ta. Nó chấm dứt vĩnh viễn hiểm hoạ nô dịch và đồng hoá hơn nghìn năm của kẻ thù phương Bắc, mở ra một kỷ nguyên độc lập lâu dài và phục hưng toàn diện của dân tộc. Tham gia vào chiến công chói lọi đó không thể không nhắc đến những người con ưu tú của đất Nam Định như tướng quân Trần Lãm, Tả tướng tiên phong Nguyễn Công Thành (Người còn có công lập ra Nguyễn Gia trang tức làng hoa Vị Khê nổi tiếng sau này).

Sau khi Ngô Quyền mất, sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Các hùng trưởng đua nhau nổi dậy chiếm cứ quận ấp để tự giữ... Bấy giờ trong nước không có chủ, 12 sứ quân tranh nhau làm trưởng, không ai chịu thống thuộc vào ai”. Đất Nam Định dần dần trở thành nơi hội tụ và đối đầu quyết liệt của hào kiệt bốn phương. Và Đinh Bộ Lĩnh - người anh hùng “tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược nhất đời” - không thể không tìm về vùng đất duyên hải cửa sông này. Với nhiều cách thức khác nhau, nhân dân địa phương đã tích cực tham gia vào sự nghiệp thống nhất đất nước thế kỷ X của Đinh Bộ Lĩnh. Dù trực tiếp hay gián tiếp, những người có tên họ cụ thể và cả những người không được nhắc đến đều góp phần làm chuyển đổi về căn bản thế và lực của Đinh Bộ Lĩnh trên đất này. Năm 968, sau khi đánh thắng được các sứ quân, hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng Đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư, đặt niên hiệu mới là Thái Bình. Nam Định, vùng đất căn bản của Đinh Bộ Lĩnh trong sự nghiệp thống nhất đất nước trước đây giờ thành yếu địa cho sự tồn vong của triều đình Hoa Lư. Đồng thời với việc dồn tâm sức xây dựng triều đình Hoa Lư là việc Đinh Bộ Lĩnh lo củng cố và xây dựng lực lượng ở vùng đất Nam Định. Những chứng tích cho chiến công của nhân dân Nam Định được ghi lại ở rất nhiều thần phả các ngôi đền thờ trên khắp các vùng của Nam Định, đặc biệt là sự hình thành của làng nghề La Xuyên mà tổ sư nghề mộc là ông Ninh Hữu Hưng - Công tượng lục phủ giám sát tướng quân của Đinh Tiên Hoàng.

Lê Hoàn không phải người Nam Định, nhưng lại gắn bó với Nam Định từ rất sớm, lập được nhiều chiến công và được vua Đinh đặc biệt tin dùng, thăng lên chức Thập đạo tướng quân, tổng chỉ huy quân đội của quốc gia Đại Cồ Việt. Đến khi Đinh Tiên Hoàng bị sát hại, con nhỏ nối ngôi, Lê Hoàn nhiếp chính làm phó vương. Trước nguy cơ tiến công xâm lược của nhà Tống, Thái hậu Dương Vân Nga và các triều thần đã suy tôn Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế, đảm lãnh sự nghiệp tổ chức cuộc kháng chiến chống quân xâm lược.

Di tích và truyền thuyết còn lưu lại những Bến Ngự, Cầu Ngự, nơi Thái hậu Dương Vân Nga về huy động lương thảo phục vụ chiến trường, về lão La người La Xuyên được Lê Hoàn truy tặng tước hiệu Đinh điện quan đại thần vì có công lớn trong chiến đấu, về Tả tướng quân Hoàng Thiện Tâm (được thờ ở đình làng Hạ Kỳ - Nghĩa Hưng).

Sau chiến thắng, người dân vùng đất Nam Định lại tiếp tục cày ruộng, đánh bắt cá và làm muối, dân Vị Khê tiếp tục trồng hoa, dân La Xuyên đến Hoa Lư sửa sang thành quách và cung điện.

°
76 người đang online
Lịch Vạn Niên & Lịch Âm 2023 Ôn Thi GPLX 600 & Mô Phỏng 120