Huyện Nam Trực
Huyện Nam Trực nằm ở cửa ngõ phía nam thành phố Nam Định, phía Bắc giáp với thành phố Nam Định; phía Đông giáp huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) lấy sông Hồng làm ranh giới; phía Tây giáp với huyện Vụ Bản, huyện Nghĩa Hưng; phía Nam giáp với huyện Trực Ninh. Huyện có diện tích tự nhiên 161,7 km2. Dân số (năm 2013) là 193,18 nghìn người, Mật độ dân số bình quân 1.195 người/km2 gồm 19 xã và 1 thị trấn. Thị trấn Nam Giang là trung tâm chính trị kinh tế văn hóa của huyện.
Địa hình Nam Trực rất thuận lợi cho sự phát triển của ngành nông nghiệp. Phía bắc và phía nam là vùng trũng, thuận lợi cho việc trồng lúa nước, vùng giữa huyện từ tây sang đông, dọc theo con đường Vàng thuận lợi cho việc phát triển các loại hoa màu và cây công nghiệp. Vùng đồng bãi chạy dọc theo đê sông Đào dài 15 km phía tây huyện và theo đê sông Hồng 14 km phía đông huyện thuận lợi cho việc phát triển rau màu và nghề trồng dâu nuôi tằm. Chạy dọc từ bắc xuống nam là sông Châu Thành cùng với các nhánh sông khác, thuận lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp và phát triển giao thông đường thuỷ; sông Hồng, sông Đào là nguồn cung cấp nước chính phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh trên địa bàn huyện.
Từ Bắc xuống Nam huyện có có quốc lộ 21 dài 13 km ở phía Đông và tỉnh lộ 490C (đường 55 cũ) dài 15,8 km ở phía tây; từ đông sang tây có 3 tuyến đường giao thông chạy song song từ đường 21 sang đường 490C gồm các tuyến đường: Đường Vàng, đường Trắng, đường Đen, tạo nên hệ thống giao thông thuỷ bộ liên hoàn rất thuận lợi cho giao lưu và phát triển kinh tế.
Khí hậu huyện Nam Trực nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều.
Diện tích đất tự nhiên của huyện là 16.171 ha, chiếm 9,79% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh, gồm: Đất nông nghiệp 11.579 ha, chiếm 71,61%; đất phi nông nghiệp 4.522 ha, chiếm 27,96% và đất chưa sử dụng 70 ha, chiếm 0,43%.
Huyện có nền tảng phát triển sản xuất công nghiệp -TTCN dựa trên các làng nghề truyền thống được phát triển từ rất lâu đời. Sản phẩm công nghiệp chủ yếu của huyện là: Phụ tùng xe đạp, xe máy, sắt thép cán rút, thiết bị điện, nông cụ cầm tay, đồ kim loại gia dụng, khăn mặt, gạch ngói,... Với bản chất cần cù, khéo léo, người Nam Trực xưa đã nắm được bí quyết sản xuất trong nhiều nghề, sau này được lưu truyền và phát triển thành các nghề nổi tiếng như: nghề rèn Vân Chàng (thị trấn Nam Giang), nghề đúc đồng ở Đồng Quỹ (xã Nam Tiến), nghề làm bánh kẹo ở Thượng Nông (xã Bình Minh), nghề trồng hoa cây cảnh ở Vị Khê (xã Điền Xá), nghề làm hoa nhựa ở Báo Đáp (xã Hồng Quang), nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Nam Thắng, nghề xây dựng nổi tiếng ở Vũ Lao (Tân Thịnh), nghề mộc ở Nam Cường.
Thời kỳ 2010-2013 nền kinh tế của huyện Nam Trực có bước tăng trưởng khá và luôn giữ ở mức ổn định, cơ cấu kinh tế đang được tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân là 11-12%/năm. Cơ cấu kinh tế như sau: Nông nghiệp - thuỷ sản chiếm 21,5 %; Công nghiệp - xây dựng chiếm 56,4% và Ngành dịch vụ chiếm 22,1%.
Từ ngàn xưa, nhân dân Nam Trực đã có truyền thống hiếu học. Trong các khóa thi do các triều đại phong kiến tổ chức, Nam Trực có 18 người đạt học vị tiến sỹ (trong khi cả tỉnh có 62 người đỗ tiến sỹ và phó bảng), 3 trong tổng số 5 trạng nguyên của tỉnh Nam Định là người Nam Trực. Riêng làng Cổ Chử có Trần Văn Bảo đỗ trạng nguyên, con là Trần Đình Huyên đỗ tiến sỹ. Đặc biệt, ở đời nhà Trần, Nguyễn Hiền quê ở làng Dương A (xã Nam Thắng) đỗ trạng nguyên khi mới 13 tuổi - trạng nguyên nhỏ tuổi nhất trong lịch sử khoa bảng Việt Nam.
Người dân Nam Trực yêu quê hương, đất nước, trong các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm đã xuất hiện nhiều tấm gương anh dũng như: Trịnh Thị Cực, Nguyễn Tấn, Vũ Đình Dung, Đoàn Danh Chẩn, Tú Cao, Vũ Đình Lộc, Đặng Trần Sửa, Vũ Hữu Lợi, Vũ Văn Báo, Nguyễn Văn Triết, Vũ Ngọc Thuỵ...
Trải dài theo lịch sử, người dân Nam Trực đã đóng góp cho đất nước nhiều hiền tài, những nhà khoa bảng xuất sắc, những trí sỹ cách mạng,... góp phần tô thắm và làm rạng rỡ lịch sử quê hương. Ngày nay, trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước, những người con quê hương Nam Trực đang gắng sức dựng xây, góp phần không nhỏ thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, xây dựng quê hương Nam Trực ngày càng văn minh, giàu đẹp;
Huyện Nam Trực có các khu điểm tham quan du lịch: Chùa Đại Bi (thị trấn Nam Giang), đền Gin (xã Nam Dương), đền thờ trạng nguyên Nguyễn Hiền (xã Nam Thắng), đình Hát (xã Hồng Quang), làng nghề cây cảnh Vị Khê (xã Nam Điền), làng nghề đúc đồng Đồng Quỹ (xã Nam Tiến);
Lễ hội tiêu biểu: Chợ Viềng Nam Giang, hội chùa Đại Bi, hội đền Gin, hội đình Hát, hội đền Y Lư, hội đình Tám,... Loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc: Rối nước làng Rạch (xã Hồng Quang), rối cạn (thị trấn Nam Giang); Đặc sản: Phở Giao Cù, kẹo lạc Thượng Nông,...
Tài nguyên nhân văn của Nam Trực rất phong phú, chứa đựng những nét độc đáo, đặc trưng. Cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế, xã hội, các giá trị nhân văn cũng đang được phục hồi và phát triển, các di tích được bảo vệ tôn tạo, các sinh hoạt văn hoá truyền thống được khôi phục lại.
Đây là những điều kiện vô cùng quan trọng để huyện phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp năng động, đa dạng để hoà nhập với xu thế phát triển kinh tế xã hội, khoa học kỹ thuật của tỉnh.