Một số giải pháp phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo tại tỉnh Nam Định

Đăng ngày 27-11-2020
100%

 

Trong những năm gần đây, Khoa học Công nghệ và đổi mới sáng tạo đã có những đóng góp mạnh mẽ cho sự phát triển của các ngành chủ chốt ở Việt Nam nói chung và cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Định nói riêng. Hiệu quả quản lý nhà nước từng bước được nâng lên; Khoa học và công nghệ (KH&CN) đã đóng góp tích cực vào việc nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa và dịch vụ; cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; Cải cách thủ tục hành chính...

Tuy nhiên, hoạt động KH&CN nhìn chung còn trầm lắng, chưa có nhiều đóng góp nổi bật cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.Việc huy động nguồn lực của xã hội vào hoạt động KH&CN còn thấp; Công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển KH&CN chưa được quan tâm; Hoạt động đổi mới sáng tạo tại tỉnh Nam Định vẫn còn hạn chế do đó chưa thực sự trở thành động lực để phát triển kinh tế - xã hội.

 Những hạn chế, yếu kém nêu trên, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu: Nhận thức của các cấp, các ngành về phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thật đầy đủ, chưa coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm. Đầu tư nguồn lực cho KH&CN còn ít; Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về KH&CN còn chưa quyết liệt. Sự phối hợp giữa ngành KH&CN với các ngành liên quan chưa thực sự phát huy hiệu quả...Các nguyên nhân chủ quan có thể kể đến: Hoạt động nghiên cứu và phát triển trong địa bàn tỉnh chưa được chú trọng; các trường đại học trên địa bàn tỉnh thiên về đào tạo hơn nghiên cứu, nếu có nghiên cứu thì tính ứng dụng không cao, rất thiếu sự kết nối hiệu quả giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và khu vực kinh doanh, dịch vụ công. Kinh phí đầu tư cho KH&CN đã tăng, tuy nhiên tỷ lệ chi cho KH&CN trên địa bàn còn ít…

Để KH&CN thực sự trở thành động lực và nền tảng phát triển kinh tế - xã hội thì cần phải khắc phục những khó khăn, vướng mắc, tạo sự đồng bộ về thể chế giữa pháp luật và thực thi các cơ chế, chính sách cụ thể về KH&CN; cần có sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, coi khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là quyết sách hàng đầu giúp phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo đã ban hành như Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”; Nghị quyết số 42/NQ-HĐND ngày 10/7/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh về một số chính sách hỗ trợ tài chính trong hoạt động KH&CN; Quyết định số 2848/QĐ-UBND ngày 09/12/2016 của UBND tỉnh Nam Định về Chương trình hỗ trợ tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020;… Hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế, chính sách, với những cơ chế đặc thù để khuyến khích và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp, dịch vụ công: nhất là hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới công nghệ trong sản xuất kinh doanh và dịch vụ công. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo tiền đề hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sớm gia nhập thị trường với thời gian và chi phí hợp lý. 

Bên cạnh đó, cần thường xuyên phổ biến, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, doanh nghiệp, người dân về vai trò của khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội với các nội dung cụ thể như: Phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan đến khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thực hiện các chuyên đề, phóng sự hoặc thăm quan học tập các điển hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công của tỉnh, quốc gia và quốc tế. Tổ chức hội thảo, thảo luận trao đổi về tình hình kinh tế; khởi nghiệp; đổi mới sáng tạo; giải pháp để phát triển KH&CN ... với sự tham dự của Lãnh đạo tỉnh; một số sở ngành liên quan; doanh nghiệp của tỉnh; sinh viên của các trường đại học… Qua đó khuyến khích sự sáng tạo của người dân, tạo cầu nối gắn kết chặt chẽ giữa viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp, dịch vụ công nhằm kiến tạo và tích lũy tài sản trí tuệ, tạo ra nguồn nhiên liệu mới cho tăng trưởng kinh tế nhanh, bao trùm và bền vững.

Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia được hình thành và chuyển dịch theo hướng đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm, đưa các kết quả nghiên cứu thành sản phẩm, hàng hóa phục vụ trực tiếp cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Vì vậy, cần hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp có tiềm năng tiếp cận với các chương trình khoa học và công nghệ của quốc gia, các quỹ đổi mới công nghệ. Xây dựng quỹ hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Nam Định, hỗ trợ kịp thời các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh có ý tưởng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo hiệu quả.

Tiếp tục duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của Sàn giao dịch công nghệ, thiết bị và hỗ trợ đổi mới sáng tạo tỉnh Nam Định để tạo sự liên kết giữa nghiên cứu, ứng dụng các kết quả khoa học và công nghệ, thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ; tạo môi trường thuận lợi cho quá trình chuyển giao, đổi mới công nghệ, nâng cao sức sản xuất và cạnh tranh của doanh nghiệp.

Công tác quản lý Nhà nước về khoa học và công nghệ cũng không ngừng cải tiến để nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ tại cơ sở. Tập trung nguồn lực hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có tính cấp thiết, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và có ảnh hưởng sâu rộng.

Phấn đấu đến những năm 2030, Việt Nam hướng tới một xã hội thịnh vượng, thuộc nhóm có thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành một quốc gia phát triển, định hướng XHCN. Để đạt được mục tiêu này, mỗi sở, ban, ngành, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần có những hành động cụ thể, thiết thực thúc đẩy khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo; đóng góp vào sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh Nam Định nói chung và cả nước nói riêng./.

 

°
29 người đang online
Lịch Vạn Niên & Lịch Âm 2023 Ôn Thi GPLX 600 & Mô Phỏng 120