Giải pháp nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo của địa phương
Tháng 3/2024, lần đầu tiên Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN) công bố Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST) cấp địa phương (PII). Theo đó, kết quả chỉ số PII năm 2023 của Nam Định đạt 34,9 điểm, xếp thứ 37/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
|
Trình diễn mô hình hệ thống xử lý rác thải nhựa thành nhiên liệu đốt của Công ty TNHH Chế tạo thiết bị phát triển công nghệ cao Tam Nguyên (thành phố Nam Định). |
Bộ chỉ số PII có 52 chỉ số, chia làm 7 trụ cột theo nguyên lý của Bộ chỉ số ĐMST toàn cầu (Global Innovation Index - GII), gồm: 5 trụ cột “đầu vào” phản ánh những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KH và CN và ĐMST (thể chế; vốn con người, nghiên cứu và phát triển; cơ sở hạ tầng; trình độ phát triển của thị trường; trình độ phát triển của doanh nghiệp); 2 trụ cột “đầu ra” phản ánh kết quả tác động của KH và CN và ĐMST vào phát triển kinh tế - xã hội (sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ; tác động). Nguồn dữ liệu để xây dựng Bộ chỉ số PII năm 2023 được thu thập dựa trên số liệu từ các báo cáo thống kê, báo cáo quản lý chính thức của các cơ quan Trung ương và địa phương; số liệu từ các bộ chỉ số khác gồm: Cải cách hành chính, Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Chuyển đổi số, Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh. Bộ chỉ số PII được xem là thước đo về điểm mạnh, yếu; các yếu tố tiềm năng và các điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KH và CN và ĐMST của từng địa phương. Đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp, kết quả đánh giá PII sẽ là thông tin tham khảo hữu ích về môi trường đầu tư của địa phương để đưa ra các quyết định đầu tư phù hợp.
Kết quả cụ thể của tỉnh trong lần đánh giá này là nhóm chỉ số “đầu vào” gồm: Thể chế đạt 51,58 điểm; Vốn con người, nghiên cứu và phát triển đạt 32,19 điểm; Cơ sở hạ tầng đạt 46,94 điểm; Trình độ phát triển của thị trường đạt 25,01 điểm; Trình độ phát triển của doanh nghiệp đạt 31,99 điểm. Nhóm chỉ số “đầu ra” gồm: sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ đạt 15,32 điểm; Tác động đạt 49,21 điểm. Kết quả cũng chỉ ra được 5 điểm mạnh về chỉ số ĐMST của tỉnh là: Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; Điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT (5 môn); Tài chính vi mô/GRDP; Hợp tác nghiên cứu giữa các tổ chức KH và CN và doanh nghiệp; Tỷ lệ các dự án đầu tư đang hoạt động trong các cụm công nghiệp/1.000 doanh nghiệp. Điều này cho thấy tỉnh đã quan tâm đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ KH và CN vào sản xuất, đời sống trên địa bàn. Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã hướng tới doanh nghiệp, xác định doanh nghiệp là trọng tâm đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa. Nhiều đề tài, dự án được triển khai nhằm đa dạng hóa sản phẩm. Điển hình là Dự án KH và CN “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất hoa thương phẩm chất lượng cao tại Nam Định” của HTX sản xuất và kinh doanh hoa cây cảnh Nam Phong (thành phố Nam Định) xây dựng và nhân rộng sản xuất hoa tươi thương phẩm chất lượng cao (hoa lan hồ điệp, hoa ly, hoa cát tường); Dự án KH và CN “Hoàn thiện quy trình công nghệ kỹ thuật và sản xuất thử nghiệm bồn trộn bê tông thương phẩm đa năng loại 0,5m3 - 1,5m3 - 2,5m3” của Công ty TNHH Cơ khí Quyết Tiến (Giao Thủy) cho ra đời các sản phẩm bồn trộn bê tông thương phẩm được thị trường đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã, độ bền cao, có khả năng cạnh tranh với hàng ngoại nhập…
Bên cạnh đó, kết quả chỉ số PII cũng chỉ ra 5 điểm yếu của tỉnh là: Cạnh tranh bình đẳng; mức chi cho giáo dục và đào tạo bình quân đối với 1 người đi học; Số doanh nghiệp ngành dịch vụ chuyên môn KH và CN/1.000 doanh nghiệp; Đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể/1.000 nhãn; Số doanh nghiệp KH và CN và doanh nghiệp đủ điều kiện là doanh nghiệp KH và CN/1.000 doanh nghiệp. Mặc dù có mức thu nhập bình quân đạt 5,1 triệu đồng/người/tháng, được xếp ở mức cao song tỉnh chỉ xếp hạng 37 trên toàn quốc do kết quả kém ở 2 chỉ số trụ cột “Trình độ phát triển của thị trường” và “Sản phẩm tri thức, công nghệ và sáng tạo”. Ở trụ cột “Trình độ phát triển của thị trường”, các chỉ số chưa tốt của tỉnh như: Giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của doanh nghiệp, Số doanh nghiệp ngành dịch vụ chuyên môn/1.000 doanh nghiệp, Tín dụng cho khu vực tư nhân/1.000 lao động, Vốn sản xuất kinh doanh bình quân hàng năm của các doanh nghiệp. Trụ cột “Sản phẩm tri thức, công nghệ và sáng tạo”, các chỉ số chưa tốt của tỉnh như: Số đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể/10 nghìn dân (tỉnh chỉ có 17 đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể, tương ứng 0,09 đơn/10 nghìn người), Số chỉ dẫn địa lý được cấp chứng nhận bảo hộ/tổng số xã (tỉnh hiện chỉ có 1 chỉ dẫn địa lý được cấp chứng nhận bảo hộ, tương ứng tỷ lệ 0,004 chứng nhận/tổng số xã)…
Có thể nói, chỉ số PII năm 2023 của Nam Định đã cung cấp bức tranh thực tế tổng thể về hiện trạng mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KH và CN và ĐMST của tỉnh. Theo Trưởng Phòng Quản lý Khoa học (Sở KH và CN) Vũ Quốc Đạt, để nâng cao chỉ số PII cần phải có sự tham gia vào cuộc tích cực của các cấp, ngành trong việc thúc đẩy hoạt động KH và CN và ĐMST, cung cấp dữ liệu đảm bảo độ tin cậy, chính xác và phù hợp với các tiêu chí đưa ra của các chỉ số. Trong đó, các sở, ban, ngành và các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch của Trung ương và của tỉnh về xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST; nâng cao năng suất, chất lượng dựa trên nền tảng KH và CN và ĐMST; phát triển tài sản trí tuệ; đổi mới công nghệ; phát triển thị trường KH và CN… Tiếp tục thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh có cơ hội tiếp cận nguồn vốn để đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ nhằm tăng sức cạnh tranh sản phẩm hàng hóa. Thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ các nước tiên tiến trên thế giới cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển một số ngành công nghiệp có công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, khả năng đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách, thân thiện với môi trường, tác dộng lan tỏa, xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất. Tiếp tục thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nhận diện tài sản trí tuệ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ để tối ưu hóa việc thương mại và bảo vệ trước các rủi ro về xâm phạm quyền trong khởi nghiệp ĐMST. Ban hành cơ chế, chính sách của tỉnh về thu hút, đào tạo nguồn lực chất lượng cao phục vụ cho các định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; chính sách khuyến khích thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp ĐMST tại địa phương. Các sở, ban, ngành chủ động tham mưu cho tỉnh các chính sách, quy định trong phạm vi thẩm quyền nhằm thu hút đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp góp phần nâng cao chỉ số mà các đơn vị phụ trách theo phân công tại Kế hoạch số 80/KH-UBND ngày 24/5/2024 của UBND tỉnh về nâng cao chỉ số ĐMST tỉnh giai đoạn 2024-2030.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh
https://baonamdinh.vn