Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia thảo luận ở hội trường về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 23/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi). Tại phiên thảo luận, đồng chí Nguyễn Hải Dũng, TUV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia đóng góp hai ý kiến vào dự thảo Luật.

Đồng chí Nguyễn Hải Dũng, TUV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định phát biểu thảo luận.

Liên quan đến lĩnh vực hóa chất trọng điểm, đại biểu Nguyễn Hải Dũng cho biết, Đảng và nhà nước đã có định hướng tập trung phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng, đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế; trong đó có ngành công nghiệp hóa chất. Đối với việc ưu tiên nguồn lực và cơ chế chính sách khuyến khích đủ mạnh để phát triển những lĩnh vực ưu tiên của các ngành công nghiệp nền tảng để tạo động lực phát triển ngành công nghiệp hóa chất thành ngành công nghiệp nền tảng, hiện đại, dự thảo Luật bổ sung quy định ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt đối với các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm. Đây là điểm mới quan trọng trong dự thảo Luật. Các lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm được liệt kê tại khoản 1, điều 12 của dự thảo Luật cùng các lĩnh vực góp phần bảo đảm an ninh lương thực như phân bón hàm lượng cao; bảo đảm an ninh y tế, tự chủ trong các tình huống xuất hiện dịch bệnh như hóa dược; bảo đảm nguyên liệu cho các ngành sản xuất trong nước như hóa chất cơ bản, hóa dầu, cao su hay các lĩnh vực thúc đẩy phát triển bền vững, hướng tới kinh tế tuần hoàn như sản xuất hóa chất hiđrô, amoniac xanh, khu công nghiệp chuyên ngành… Trên thực tế, quy mô và tốc độ phát triển của ngành công nghiệp hóa chất chưa tương xứng với vai trò và tiềm năng. Nhiều loại nguyên liệu và sản phẩm hóa chất còn phụ thuộc vào nhập khẩu, chưa có nhiều sản phẩm có giá trị tăng cao giá tăng cao. Mặc dù Việt Nam có nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển mạnh công nghiệp hóa chất như: có lợi thế về nguồn nguyên liệu để sản xuất hóa chất như quặng apatít, than đá, dầu mỏ, khí thiên nhiên, bô xít, cao su thiên nhiên rất hiếm… Có vị trí kinh tế, chính trị thuận lợi, bờ biển dài và các cảng nước sâu là điều kiện thuận lợi để phát triển các khu tổ hợp hóa chất tập trung và các trung tâm logistics và thành viên của nhiều Hiệp định thương mại tự do, mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam thu hút đầu tư phát triển. Do đó, để nhanh chóng phát triển ngành công nghiệp hóa chất thành ngành công nghiệp nền tảng, đáp ứng cơ bản được nhu cầu của các ngành công nghiệp trong nước, đại biểu Nguyễn Hải Dũng đề nghị cần có những cơ chế chính sách mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hóa chất. Cơ quan soạn thảo Luật nghiên cứu báo cáo Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, áp dụng khoản 32, điều 79, Luật Đất đai năm 2024 để đưa danh mục dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm vào trường hợp nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hóa chất, đại biểu Nguyễn Hải Dũng cho biết, Luật Hóa chất năm 2007 và tại dự thảo Luật sửa đổi, trách nhiệm quản lý Nhà nước về hóa chất được giao cho các bộ quản lý tùy theo mục đích sử dụng của hóa chất. Ví dụ như Bộ Y tế quản lý các hóa chất sử dụng để bào chế dược phẩm cho người, hóa chất sử dụng trong chất diệt khuẩn, diệt côn trùng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý hóa chất sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thú y, bảo vệ thực vật. Bộ Công an và Bộ Quốc phòng quản lý hóa chất, sản phẩm hóa chất trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh.

Tuy nhiên do tính đa dụng một loại hóa chất có thể được sử dụng trong nhiều ngành lĩnh vực khác nhau. Vì vậy một loại hóa chất có thể do nhiều bộ quản lý. Ví dụ như khí Nitơ Oxit (N2O), Bộ Công thương quản lý khi dùng trong công nghiệp, Bộ Y tế quản lý trong thực phẩm và y tế. Như vậy, sẽ dẫn tới việc chồng chéo trong quản lý, vì khi một loại hóa chất lưu thông trên thị trường không thể xác định nó được sử dụng trong lĩnh vực nào tức là không xác định được thực chất mục đích sử dụng hóa chất. Mặt khác cũng do mục đích sử dụng khác nhau nên quy định về quản lý hóa chất của mỗi bộ cũng có sự khác nhau. Ví dụ trong lĩnh vực công nghiệp, khí N2O thuộc danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh, được quản lý chặt chẽ ở các khâu nhập khẩu, sản xuất mua bán. Tuy nhiên trong lĩnh vực y tế N2O thuộc danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng, khi kinh doanh, mua bán thủ tục rất đơn giản, doanh nghiệp chỉ cần có bảng tự công bố sản phẩm. Từ việc không đồng bộ nêu trên đã có trường hợp doanh nghiệp lách luật, đăng ký hóa chất sử dụng trong lĩnh vực ít chịu sự quản lý giám sát hơn, từ đó đưa hóa chất nguy hiểm ra thị trường, gây mất trật tự an toàn xã hội. Từ các phân tích trên, đại biểu Nguyễn Hải Dũng đề nghị cần thống nhất một đầu mối quản lý về nhập khẩu kinh doanh hóa chất để đảm bảo không chồng chéo giữa các bộ và thống nhất chỉ có một quy định quản lý đối với một loại hóa chất và không để xảy ra việc lách luật như nêu trên.

Tin: Văn Trọng
Ảnh: PV