Nghĩa Hưng đẩy mạnh thực hiện các dự án giảm nghèo bền vững

Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Nghĩa Hưng đã tập trung chỉ đạo, thực hiện hiệu quả các dự án chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện để người nghèo được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách, nguồn lực hướng đến phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng năng suất lao động và thu nhập; nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Nghĩa Hưng được đánh giá là địa phương tiêu biểu toàn quốc trong triển khai thực hiện các dự án, chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. 

Cơ sở sản xuất bánh đa sợi Dũng Trang, xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động.
Cơ sở sản xuất bánh đa sợi Dũng Trang, xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động.

Để thực hiện hiệu quả các dự án chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, UBND huyện kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp huyện. Ban Chỉ đạo kịp thời tham mưu UBND huyện triển khai các chính sách, chương trình giảm nghèo; xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phối hợp, đôn đốc các xã, thị trấn trong huyện thực hiện tốt các chính sách, chương trình và các biện pháp giảm nghèo. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chủ trương, chính sách về giảm nghèo; những mô hình hay, cách làm hiệu quả; giới thiệu những gương điển hình thoát nghèo tiêu biểu, những hộ gia đình tự nguyện xin thoát nghèo trong cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của người nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng. Đặc biệt quan tâm thực hiện các chính sách hỗ trợ tăng thu nhập bền vững cho hộ nghèo. Hướng dẫn các hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn phát triển sản xuất; chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ dạy nghề gắn với giải quyết việc làm sau khi được đào tạo. Triển khai kịp thời, đầy đủ, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo cho các đối tượng thụ hưởng, từ hỗ trợ sản xuất, dạy nghề tạo việc làm, các chính sách về giáo dục, đào tạo, y tế, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ nhà ở…

Đặc biệt trong thời gian qua, huyện Nghĩa Hưng đã đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo với các mô hình: Nuôi trâu thịt, chăn nuôi lợn thịt, nuôi gà lấy trứng bằng thảo dược, nuôi gà thịt, đan cói xuất khẩu… Năm 2024, huyện đã giải ngân đầu tư dự án đa dạng hóa sinh kế với tổng kinh phí 1,171 tỷ đồng. Nhờ đó, các hộ phát triển sản xuất, tạo thêm nguồn thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống. Triển khai tiểu dự án 1, thuộc Dự án 4 Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn, huyện tổ chức lớp dạy nghề đan lát thủ công cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát cận nghèo năm 2024 với tổng kinh phí 99,7 triệu đồng. Đồng thời thực hiện hiệu quả các dự án: Truyền thông về giảm nghèo đa chiều; Giám sát, đánh giá chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.

Đi đôi với việc triển khai thực hiện các chương trình, các cấp, các ngành trong huyện đã nâng cao trách nhiệm phối hợp giữa các bên, mối quan hệ công tác ngày càng chặt chẽ đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào các phong trào, các cuộc vận động, thực hiện các chương trình mục tiêu của địa phương. Tích cực phối hợp trong việc thực hiện công tác giảm nghèo bằng các hình thức như tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia tổ hợp tác, tổ chức thành lập và duy trì hoạt động của hợp tác xã; vận động nhân dân tích cực tham gia đóng góp nguồn lực bằng tiền, công lao động, hiện vật, hiến đất để xây dựng đường giao thông nông thôn, thủy lợi, kiên cố hóa kênh mương… qua đó góp phần tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn và mức hưởng thụ trực tiếp cho người dân.

Bên cạnh đó, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc - Ban vận động quỹ vì người nghèo các cấp trong huyện đã vận động các đơn vị, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm tham gia đóng góp xây dựng quỹ “Vì người nghèo” tạo thêm nguồn lực chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đảm bảo an sinh xã hội. Từ nguồn quỹ này đã hỗ trợ xây mới, nâng cấp, sửa chữa nhà ở cho nhiều đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Với các biện pháp đồng bộ, thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo, các dự án thuộc chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và các chính sách giảm nghèo, từng bước cải thiện, nâng cao điều kiện sống; giúp mọi tầng lớp nhân dân có năng lực vật chất cần thiết để đối phó tốt nhất với các rủi ro, đảm bảo giảm nghèo vững chắc.

Kết quả thực hiện các dự án trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng đã giúp người nghèo được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách, nguồn lực hướng đến phát triển sản xuất để tạo việc làm, tăng năng suất vật nuôi, tăng giá trị thu nhập từ sản xuất để thoát nghèo, góp phần vào công tác giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Bài học kinh nghiệm của huyện Nghĩa Hưng là các cấp ủy, chính quyền luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; gắn việc hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo với trách nhiệm của người đứng đầu và cấp ủy các cấp, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị. Người nghèo, hộ nghèo được đặt vào vị trí chủ thể, trung tâm của hoạt động giảm nghèo; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục để thay đổi căn bản tư duy, nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và toàn xã hội, đặc biệt là giải phóng tư tưởng để người dân phát huy tinh thần tự lực, tự trọng, có khát vọng và chủ động nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phối hợp giữa các ngành, đơn vị của huyện trong chỉ đạo thực hiện còn thiếu đồng bộ, chặt chẽ; sự gắn kết, chủ động trong thực hiện chương trình phối hợp chưa cao. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tình trạng thiếu vốn đối ứng, không có việc làm, bệnh tật, đông người ăn theo, không có lao động... phổ biến trong các hộ nghèo, cận nghèo. Nguyên nhân do số hộ nghèo, cận nghèo đa số là hộ có đối tượng bảo trợ hoặc thành viên trong các hộ không còn người có khả năng lao động, hộ đông người phụ thuộc. Nguồn vốn đối ứng của các hộ (hộ nghèo, hộ cận không còn khả năng lao động) thường không có như: Tiền xây, sửa chuồng trại, tiền mua thức ăn khi nguồn vốn hỗ trợ của dự án hết. Một số hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn nhưng quá trình đầu tư làm ăn kém hiệu quả. Một số mô hình mới chưa thể hiện tính hiệu quả khi triển khai.

Thời gian tới, huyện Nghĩa Hưng tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn với các đoàn thể từ huyện đến cơ sở. Đề cao tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, đặc biệt là hệ thống chính trị ở cơ sở đối với công tác giảm nghèo bền vững. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và người nghèo về mục tiêu giảm nghèo bền vững, phát huy ý chí tự vươn lên thoát nghèo của người dân. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách, dự án, chương trình giảm nghèo, đảm bảo tính minh bạch, công khai, dân chủ. Tích cực đào tạo nghề, chuyển giao ứng dụng kỹ thuật sản xuất, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động cho người lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Thực hiện đầy đủ, kịp thời, các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đảm bảo đúng đối tượng, tránh sai sót. Huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho hộ nghèo, đảm bảo tính bền vững, lâu dài. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo, phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những sai sót trong việc thực hiện các chính sách, dự án của chương trình giảm nghèo để đảm bảo thực hiện các chính sách, dự án đạt hiệu quả.

Bài và ảnh: Minh Tân

https://baonamdinh.vn