Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị triển khai Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính

Chiều 12/8, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị triển khai Nghị quyết số 1104/NQ-UBTVQH15 ngày 23/7/2024 của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 tỉnh Nam Định. Các đồng chí: Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Phùng Hoan, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Mai Thanh Long, TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ, các Ban của HĐND tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh; HĐND các huyện, thành phố Nam Định.

Quang cảnh hội nghị.

Tại hội nghị, Thường trực HĐND tỉnh đã trình bày Dự thảo hướng dẫn tổ chức kỳ họp HĐND để kiện toàn bộ máy chính quyền của ĐVHC cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết số 1104/NQ-UBTVQH15 ngày 23/7/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo đó, ngay trong ngày 1/9/2024, HĐND tại 27 ĐVHC mới được hình thành sau sắp xếp trên địa bàn tỉnh sẽ đồng loạt tổ chức kỳ họp để kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền địa phương ở ĐVHC mới sau sáp nhập. Việc sắp xếp bộ máy, tổ chức HĐND, kiện toàn các chức danh HĐND, UBND sau sắp xếp ĐVHC được tổ chức theo nguyên tắc: Đại biểu HĐND của các ĐVHC cũ được hợp thành HĐND của ĐVHC mới và tiếp tục hoạt động cho đến khi hết nhiệm kỳ (theo khoản 1 Điều 134 Luật Tổ chức chính quyền địa phương).

Đồng chí Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Việc xác định khóa và kỳ họp của HĐND ở ĐVHC mới sau sắp xếp thực hiện theo khoản 3 Điều 10 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH. Trường hợp ĐVHC được hình thành trên cơ sở nhập các ĐVHC cùng cấp và có tên gọi khác với tên gọi của ĐVHC được nhập thì khóa của HĐND ở ĐVHC sau sáp nhập được tính lại từ đầu (khóa I) kể từ thời điểm thành lập. Do đó, kỳ họp của HĐND sau sáp nhập là kỳ họp thứ nhất, khóa I nhiệm kỳ 2021-2026. Trường hợp ĐVHC được hình thành trên cơ sở nhập các ĐVHC cùng cấp và giữ nguyên tên gọi và loại hình của một trong các ĐVHC được nhập thì khóa của HĐND ở ĐVHC sau khi nhập tiếp tục tính theo khóa của HĐND ở ĐVHC được giữ nguyên tên gọi. Do đó, kỳ họp của HĐND sau sáp nhập là kỳ họp tiếp theo của HĐND trước sáp nhập.

Việc bầu các chức danh của HĐND, UBND được thực hiện theo khoản 1, 2, 3, 4 Điều 83 Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Trường hợp HĐND ĐVHC mới tổ chức kỳ họp thứ nhất khóa I thì Chủ tịch UBND phải là đại biểu HĐND trong số các đại biểu HĐND của các đơn vị thực hiện sáp nhập. Ở ĐVHC mới tổ chức kỳ họp tiếp theo của khóa hiện tại của HĐND ở ĐVHC được giữ nguyên tên gọi thì Chủ tịch UBND không nhất thiết phải là đại biểu HĐND. Ngay trong ngày 1/9/2024, kết quả bầu Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã phải gửi đến cơ quan, người có thẩm quyền để phê chuẩn. Trường hợp không phê chuẩn thì phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do và yêu cầu HĐND tổ chức bầu lại chức danh không được phê chuẩn.

 Việc bầu Hội thẩm Tòa án nhân dân cùng cấp tại kỳ họp HĐND thành phố Nam Định sau sắp xếp được thực hiện theo quy định.

Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Việc tổ chức các cơ quan của HĐND ở đơn vị hành chính mới tại HĐND thành phố Nam Định nhập nguyên trạng Ban Kinh tế - Xã hội và Ban Pháp chế của HĐND huyện Mỹ Lộc và HĐND thành phố Nam Định trước sáp nhập theo khoản 4, Điều 10 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH. Đối với HĐND cấp xã (mới) được thực hiện theo 2 phương án. Có thể nhập nguyên trạng Ban Kinh tế - Xã hội và Ban Pháp chế của HĐND các xã, phường, thị trấn trước sáp nhập theo khoản 4, Điều 10 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH. Trong trường hợp cần sắp xếp, tổ chức lại các Ban của HĐND cấp xã sau sắp xếp thì tại kỳ họp, HĐND cấp xã (mới) quyết định số lượng Ủy viên các Ban HĐND tại kỳ họp theo quy định tại khoản 3 Điều 32, khoản 3 Điều 60, khoản 3 Điều 67 Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Trên cơ sở nghị quyết của HĐND về số lượng Ủy viên Ban của HĐND, Thường trực HĐND ở ĐVHC mới sẽ phê chuẩn danh sách Ủy viên các Ban HĐND trong số đại biểu HĐND theo đề nghị của Trưởng ban của HĐND theo khoản 6 Điều 104 Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Thường trực HĐND tỉnh có trách nhiệm: Ban hành nghị quyết chỉ định triệu tập viên để triệu tập và chủ tọa kỳ họp HĐND thành phố Nam Định (mới); phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nam Định (mới); chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc HĐND các cấp trên địa bàn thực hiện các nội dung thuộc thẩm quyền trong việc sắp xếp ĐVHC.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Quốc Chỉnh đã nhấn mạnh nhiệm vụ, tầm quan trọng của việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh. Đồng thời đề nghị HĐND các huyện, thành phố bám sát Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019; Nghị quyết số 35/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 và Nghị quyết số 1104/NQ-UBTVQH15 ngày 23/7/2024 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 1104/NQ-UBTVQH15 của tỉnh và Hướng dẫn tổ chức kỳ họp HĐND để kiện toàn bộ máy chính quyền của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh kịp thời báo cáo Thường trực HĐND tỉnh xem xét, hướng dẫn giải quyết để bảo đảm thực hiện tốt Nghị quyết số 1104/NQ-UBTVQH15, góp phần kiện toàn ổn định bộ máy chính quyền của ĐVHC cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023-2025.

Tin, ảnh: Văn Trọng