Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21-4): Lan toả văn hoá đọc trên nền tảng số

Đọc sách là nét đẹp văn hoá không chỉ làm giàu tri thức mà còn tác động tích cực đến việc hình thành nhân cách của mỗi người. Để phát huy nét đẹp này trong bối cảnh bùng nổ thông tin với nhiều phương tiện giải trí, các sở, ngành chức năng, các trường học và nhiều cá nhân đã tích cực ứng dụng chuyển đổi số trong việc quảng bá, lan toả văn hóa đọc với nhiều hoạt động hấp dẫn đến với đông đảo người dân, hình thành thói quen đọc sách mỗi ngày.

Cô và trò Trường Tiểu học Văn Cao, xã Liên Minh (Vụ Bản) khai thác tư liệu tại thư viện điện tử.

 

Động lực thúc đẩy lan tỏa văn hóa đọc trên nền tảng số

Nam Định được đánh giá là một trong những tỉnh điển hình toàn quốc trong việc tổ chức thành công Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam với nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực và duy trì được văn hóa đọc trong cộng đồng. Tuy nhiên, để văn hóa đọc phát triển chiều sâu, đạt hiệu quả trong việc nâng cao nhận thức, tích lũy tri thức, phát triển nguồn nhân lực, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn là trăn trở của các cấp, ngành. Đặc biệt trong thời đại công nghiệp 4.0 với trên 90% hộ gia đình và người dân có đường internet cáp quang băng rộng và sử dụng điện thoại thông minh, nếu được tận dụng và khai thác các ưu thế về công nghệ sẽ là chìa khóa quan trọng góp phần duy trì và thúc đẩy văn hóa đọc phát triển.

Từ nhiều năm nay, Ngày sách và Văn hoá đọc Việt Nam đều được tỉnh tổ chức tại Quảng trường 3-2 tỉnh (thành phố Nam Định) vào dịp nghỉ lễ kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4) và Ngày Quốc tế Lao động (1-5). Sở Thông tin và Truyền thông (TT và TT) đã phối hợp với các Sở: Giáo dục và Đào tạo; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; doanh nghiệp viễn thông; nhà xuất bản kết hợp các hoạt động truyền thống với phương thức tổ chức hiện đại theo xu thế phát triển của các nền tảng công nghệ, chuyển đổi số như: Hội sách trực tiếp; Hội sách trực tuyến trên các nền tảng công nghệ; Hội sách thanh toán không sử dụng tiền mặt; kết hợp truyền thông, quảng bá sách và văn hóa đọc trên các nền tảng mạng xã hội; trưng bày, giới thiệu sách và các dịch vụ; biểu diễn nghệ thuật múa rối nước; giao lưu văn nghệ và sân khấu hóa một số tác phẩm; giao lưu văn nghệ, chia sẻ kỹ năng đọc sách hiệu quả tại một số trường học trên địa bàn tỉnh...

Trong khuôn khổ sự kiện Ngày Sách và Văn hóa đọc, Sở TT và TT phối hợp với các ngành chức năng, địa phương tổ chức đợt tuyên truyền nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân về tầm quan trọng của việc đọc sách đối với sự phát triển của cá nhân, gia đình và cộng đồng; quảng bá về các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam (21-4), Ngày Sách và Bản quyền thế giới (23-4) trên địa bàn tỉnh; nêu gương tập thể; cá nhân điển hình tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ và quảng bá sách;... Tất cả những hoạt động trong sự kiện Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Nam Định đều được phát trực tiếp trên các trình duyệt, nền tảng số như Cốc Cốc và Youtube…

Những mô hình sáng tạo lan tỏa văn hóa đọc

Với hoạt động lan tỏa văn hóa đọc trên nền tảng số của các sở, ngành chức năng đã thay đổi cách truyền tải văn hóa đọc đến với công chúng. Nhiều đơn vị đã có cách làm sáng tạo phát huy được vai trò của công nghệ thông tin làm cho sách trở nên dễ tiếp cận và hấp dẫn hơn. Trong đó, Thư viện tỉnh, Bảo tàng tỉnh và các trường học trên địa bàn thực hiện số hóa sách báo, tư liệu quý để phục vụ việc tra cứu, đọc, xem của độc giả và xây dựng mô hình thư viện thông minh, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên, học sinh tiếp cận gần hơn với sách, báo, tư liệu học tập. Các trường đã tổ chức hướng dẫn kỹ năng tìm kiếm tư liệu trên môi trường mạng và rèn cho học sinh của mình thói quen đọc sách như một điều kiện cần thiết trong quá trình học tập và phát triển tri thức. Tại Trường THPT Tống Văn Trân (Ý Yên), Câu lạc bộ Sách và hành động đã được thành lập từ nhiều năm nay đã chuyển hướng từ cách đọc, học bằng sách truyền thống sang việc khai thác, sử dụng sách, tài liệu được cung cấp trên mạng internet. Các hoạt động của câu lạc bộ từ họp, tổ chức quảng bá sách được thực hiện trực tuyến: đăng tải các video sách, radio sách; các bài giới thiệu sách thường xuyên được cập nhật trên fanpage của câu lạc bộ để các thầy, cô giáo và học sinh dễ dàng lựa chọn sách, tư liệu phục vụ học tập, nghiên cứu khoa học và giải đáp những vướng mắc trong cuộc sống. Lượng độc giả mà câu lạc bộ thu hút được cũng vì thế mà tăng theo cấp số nhân so với cách tuyên truyền truyền thống. Khối doanh nghiệp viễn thông cũng có những đóng góp tích cực để lan tỏa sách trên nền tảng số. Trong đó VNPT Nam Định đã đưa ra các giải pháp công nghệ hỗ trợ người đọc khám phá kho tàng sách khổng lồ với hàng nghìn tư liệu; thiết bị đọc sách thông minh nhằm khai thác các ưu thế của thời đại công nghệ, tạo ra “cơ hội vàng” giúp đẩy mạnh văn hóa đọc, đáp ứng nhu cầu của độc giả trong thời đại 4.0. Tại gian hàng sách công nghệ do VNPT cung cấp, độc giả được trải nghiệm trực quan, sinh động Kho học liệu số 3D được tích hợp sẵn trên phần mềm Mozabook - vnEdu Content Book do VNPT nghiên cứu triển khai qua màn hình máy tính, điện thoại hay ti vi có kết nối internet. Đây là ứng dụng dạy và học trực tuyến 3D tích hợp trong VnEdu LMS gồm vnEdu Content Book và vnEdu Content Web.

Khai thác ứng dụng nền tảng số thành công cụ tích cực để lan tỏa văn hóa đọc đang mang lại những tác động tích cực, không chỉ góp phần hiện đại hóa quy trình đưa sách đến với bạn đọc mà còn truyền cảm hứng đọc sách cho giới trẻ, góp phần giải bài toán sách và văn hóa đọc đang dần bị các sản phẩm nghe nhìn, giải trí khác lấn át, thành chìa khóa mở ra giai đoạn phát triển mới cho văn hóa đọc và để văn hóa đọc tiếp tục được lan tỏa, phát triển mạnh mẽ./.