Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh dự phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ngày 20-3, tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn tại Phiên họp thứ 21 về các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tòa án và lĩnh vực kiểm sát. Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước tới dự.

Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chủ trì phiên chất vấn. Phiên chất vấn được kết nối trực tiếp với 62 Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh, thành phố.

Đồng chí Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH tỉnh dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại điểm cầu tỉnh Nam Định.

Các đồng chí: Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH tỉnh; Mai Thanh Long, TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; các vị ĐBQH tỉnh; lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan dự phiên chất vấn tại đầu cầu tỉnh Nam Định.

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, ngành Tòa án và ngành Kiểm sát nhân dân (KSND) có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm hệ thống pháp luật được thực hiện nghiêm minh, góp phần tích cực vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của ngành tư pháp đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu trong giai đoạn mới, nhất là phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành cơ bản mục tiêu xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tổ chức, cá nhân.

Tiếp đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, các ĐBQH đã chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao về các nội dung có liên quan.

Đoàn ĐBQH tỉnh tham dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Tại phiên chất vấn, đại biểu Mai Thị Phương Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh ta đã đặt 4 câu hỏi chất vấn thuộc lĩnh vực tòa án và kiểm sát gồm: Tỷ lệ án hành chính bị hủy sửa do nguyên nhân chủ quan còn cao, nguyên nhân và giải pháp căn cơ. Tính khả thi và nguồn lực của Tòa án đối với việc trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang đề xuất đưa các tranh chấp đất đai sang Tòa án giải quyết. Những chỉ đạo của Viện trưởng Viện KSND tối cao thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế và phòng, chống tham nhũng, kịp thời khắc phục những bất cập để không thể tham nhũng. Quan điểm và các giải pháp của Viện trưởng Viện KSND tối cao để cán bộ ngành kiểm sát vừa thực hiện tốt nhiệm vụ, không bỏ lọt tội phạm, xử lý nghiêm tội phạm tham nhũng, đồng thời bảo đảm thực hiện đúng chủ trương của Đảng về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Trả lời chất vấn những câu hỏi của đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh ta, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, vẫn còn một số tình trạng như án hành chính chưa được thực thi, hoặc thực thi không nghiêm túc, vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, tuy nhiên số lượng không nhiều, đại đa số các đồng chí trong ngành đều chấp hành nghiêm, xử lý đúng theo các quy định pháp luật. Các tồn tại, hạn chế như các đại biểu đã nêu xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, như việc chuẩn bị tài liệu của các bên không đủ, làm ảnh hưởng đến chất lượng xét xử. Chánh án TAND tối cao đề nghị cân nhắc, không đưa hết các khiếu kiện đất đai sang Tòa án trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Về chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm, Viện trưởng Viện KSND tối cao cho biết đây là chủ trương xuyên suốt của ngành, nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Viện trưởng có một chỉ thị chuyên đề chuyên về chống oan sai, trong đó đưa ra nhiều giải pháp cụ thể. Viện Kiểm sát cũng tăng cường thanh tra nghiệp vụ để phát hiện oan sai và bỏ lọt tội phạm để ngăn chặn kịp thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, gắn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với công tác xây dựng ngành, đơn vị các cấp, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp kiểm sát trong công tác Đảng cũng như trong chuyên môn nghiệp vụ...

Đồng chí Mai Thanh Long, TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh dự phiên chất vấn.

Tham gia trả lời chất vấn câu hỏi của đại biểu Mai Thị Phương Hoa về xây dựng và hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế và phòng, chống tham nhũng, kịp thời khắc phục những bất cập để không thể tham nhũng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu rõ đây là vấn đề Bộ Công an rất quan tâm, một trong những vấn đề quan trọng là khắc phục sơ hở, thiếu sót trong quy định đối với các vấn đề cụ thể để đảm bảo hạn chế việc tham nhũng, khắc phục kịp thời hậu quả.

Phát biểu kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, sau một ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành tốt đẹp phiên chất vấn. Qua phiên chất vấn cho thấy nội dung trả lời chất vấn đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nắm chắc thực trạng ngành, lĩnh vực phụ trách đã nghiêm túc, cầu thị và lắng nghe, tiếp thu đầy đủ ý kiến xác đáng của các ĐBQH, thẳng thắn giải trình làm rõ nhiều vấn đề. Căn cứ kết quả phiên chất vấn đối với từng lĩnh vực, kết luận từng nội dung, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về chất vấn. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao, Chính phủ, các vị bộ trưởng ngành hữu quan thực hiện quyết liệt các giải pháp, các cam kết trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các vị ĐBQH, trước nhân dân và cử tri cả nước./.

Tin: Văn Trọng
Ảnh: PV và Văn Trọng