Nam Định: Nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới

Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và không có điểm dừng, ngay sau khi trở thành tỉnh NTM, Nam Định đã và đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm giữ vững và nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí NTM đã đạt được theo hướng bền vững, với đích đến là xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Phát huy tinh thần đồng thuận…

Trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020, Nam Định về đích khá sớm khi đến giữa năm 2019, 100% số xã trong tỉnh đã đạt chuẩn. Năm 2019, Nam Định là tỉnh đầu tiên trở thành "Tỉnh NTM", về đích sớm hơn 1,5 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và sớm hơn 1,5 năm so với Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM.

Bắt tay xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, Nam Định cũng trải qua nhiều khó khăn. Theo ông Trần Anh Dũng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định, thời điểm bắt đầu, phong trào xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu ở các địa phương chưa đồng đều, tiến độ thực hiện ở một số địa phương còn chậm, nguồn lực còn hạn chế. Công tác bảo vệ môi trường, cung cấp nước sạch tập trung gặp một số khó khăn nhất định và chưa thực sự đảm bảo bền vững... Lợi thế lớn nhất của Nam Định thời điểm bấy giờ, đó chính là yếu tố tinh thần, là quyết tâm từ trong nhân dân. Bởi vậy, tỉnh tiếp tục xác định lấy người dân nông thôn làm trọng tâm - vừa là chủ thể, vừa là nguồn lực, đối tượng được thụ hưởng trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.


Khách hàng tham quan, nghiên cứu các sản phẩm nông sản của tỉnh Nam Định

Ngày 18-6-2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 (Nghị quyết số 06-NQ/TU). Mục tiêu then chốt của nghị quyết này chính là là xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu để đời sống vật chất và tinh thần của người dân giàu có và thịnh vượng, tiệm cận với đô thị; tiếp tục xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại và kết nối chặt chẽ với đô thị hóa; đưa kinh tế nông thôn phát triển mạnh mẽ, sản xuất tiên tiến, nông dân chuyên nghiệp, chú trọng nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến, thương mại, dịch vụ, du lịch và ứng phó với biến đổi khí hậu... Mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân, song sau hơn một năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, tỉnh Nam Định đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật. Đến hết năm 2021, toàn tỉnh đã có 106 xã, thị trấn (chiếm 52% tổng số xã, thị trấn) đã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Trong năm 2022, công tác xây dựng NTM tiếp tục được hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và các tầng lớp nhân dân quan tâm triển khai thực hiện theo các tiêu chí nâng cao, kiểu mẫu; đến thời điểm này của năm, tỉnh Nam Định đã quyết định công nhận thêm được 76 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao. Lũy kế đến nay tỉnh Nam Định có 182/204 (89,2%) xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao; có 23 xã, thị trấn đang hoàn thiện tiêu chí và căn cứ chứng minh mức đạt tiêu chí xã NTM kiểu mẫu. UBND tỉnh Nam Định đã ban hành và triển khai thực hiện các tiêu chí xã NTM, xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu, huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025. Nam Định được Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia đánh giá là một trong những tỉnh thực hiện tốt Chương trình xây dựng NTM nâng cao và Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP); ước cả năm 2022 tỉnh Nam Định có thêm 60 sản phẩm OCOP được công nhận đạt hạng từ 3 sao trở lên; lũy kế đến nay, tỉnh Nam Định đã có 251 sản phẩm OCOP.


NTM kiểu mẫu xã Giao Phong, huyện Giao Thuỷ, Nam Định

Hướng vào những mục tiêu cụ thể

Tỉnh Nam Định đặt mục tiêu đến năm 2025 có 50% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn NTM nâng cao; 25% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 50% số huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; huyện Hải Hậu được công nhận là huyện NTM kiểu mẫu; phấn đấu có từ 300 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Để cụ thể hóa mục tiêu trên, tỉnh Nam Định chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm kết nối nông thôn - đô thị và kết nối liên vùng; ưu tiên hạ tầng giao thông, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, khu "đô thị mới" ở nông thôn, khu xử lý rác thải tập trung liên huyện, liên vùng... khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế sẵn có. Tập trung huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả những nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa để xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu; khuyến khích các mô hình người dân tự chủ, tự làm, tự chịu trách nhiệm trong xây dựng, quản lý, khai thác các cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa. Đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân, cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Chú trọng thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư, phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến. Tăng cường hợp tác quốc tế trong sản xuất nông nghiệp,...


Một góc NTM nâng cao xã Xuân Hoà, Xuân Trường, Nam Định

Trước mắt, trong năm 2023, tỉnh Nam Định đề ra mục tiêu phấn đấu có thêm 10 xã, thị trấn trở lên đủ điều kiện đạt chuẩn NTM nâng cao; 20 xã, thị trấn trở lên đủ điều kiện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Về Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP, tỉnh Nam Định phấn đấu trong năm 2023 có thêm 50 sản phẩm OCOP được công nhận đạt hạng từ 3 sao trở lên.


Trường THCS xã Giao Phong đầu tư 27 tỷ đồng xây mới phòng học, nhà đa năng phục vụ cho việc dạy và học

Thực tế cùng với những kết quả đạt được cho thấy, tại Nam Định, vai trò chủ thể của người dân, tinh thần đồng thuận trong cộng đồng làng, xã đã và đang tiếp tục được phát huy mạnh mẽ trong quá trình nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Với tinh thần đoàn kết, đồng thuận đó, sức mạnh của cả hệ thống chính trị được khơi dậy, tin rằng tỉnh Nam Định sẽ khắc phục vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục đạt được những cột mốc mới trong xây dựng NTM nâng cao và kiểu mẫu của cả nước.