Thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19, thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số trong giảng dạy, học tập đã và đang được ngành Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) tích cực triển khai nhằm nâng cao chất lượng dạy và học tại các nhà trường theo hướng linh hoạt, chủ động. 

Giờ thực hành Tin học tại Trường THCS Hải Sơn (Hải Hậu).
Giờ thực hành Tin học tại Trường THCS Hải Sơn (Hải Hậu).

Ngay từ đầu năm học 2021-2022, Sở GD và ĐT đã có chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục (CSGD) xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ ứng dụng CNTT và chuyển đổi số, đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Luật An ninh mạng, vai trò của ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong các hoạt động GD và ĐT. Thường xuyên rà soát, bảo trì, nâng cấp đường truyền, thiết bị đáp ứng nhu cầu triển khai các ứng dụng CNTT và chuyển đổi số. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết về hạ tầng kỹ thuật sẵn sàng cho phương án làm việc trực tuyến, hoặc trực tiếp kết hợp để chủ động ứng phó với diễn biễn phức tạp của dịch bệnh. Sở đã tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương ưu tiên nguồn lực đầu tư mua sắm thiết bị dạy học trực tuyến phục vụ công tác chuyên môn, huy động kinh phí hợp pháp mua bản quyền sử dụng các phần mềm để dạy học trực tuyến. Bên cạnh đó, vận động các cá nhân và tổ chức ủng hộ thiết bị học trực tuyến cho học sinh không có điều kiện, thực hiện có hiệu quả Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, liên hệ với các nhà mạng để hỗ trợ nâng cấp tốc độ đường truyền cho các CSGD để đảm bảo chất lượng dạy và học… Đặc biệt, ngành GD và ĐT phối hợp với Công ty Cổ phần OCD Việt Nam xây dựng, phát triển học liệu số (phục vụ dạy - học, kiểm tra, đánh giá, học liệu tham khảo…); hình thành kho học liệu số, học liệu mở dùng chung toàn ngành, liên kết với quốc tế, đáp ứng nhu cầu tự học, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền; tiếp tục đổi mới cách dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ số, khuyến khích và hỗ trợ áp dụng các mô hình GD và ĐT dựa trên nền tảng số. Ứng dụng các công nghệ mới như AI (trí thông minh nhân tạo) trong công tác giám sát và theo dõi quá trình học tập, kiểm tra trực tuyến của học sinh. Triển khai hệ thống thông tin trường học trong giáo dục có sự kiểm soát và định hướng thống nhất, số hóa các giải pháp về thẻ học sinh, sổ học bạ, bảng điểm, sổ ghi đầu bài… tạo môi trường số kết nối, chia sẻ, trao đổi giữa cơ quan quản lý giáo dục, nhà trường, giáo viên - giảng viên, gia đình, học sinh - sinh viên. 

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định trong giờ thực hành tin học.
Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định trong giờ thực hành tin học.

Ông Phùng Thanh Long, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần OCD Việt Nam cho biết: Trong năm học 2021-2022, OCD Việt Nam đã tập huấn triển khai các hệ thống học trực tuyến, ôn tập,  kiểm tra, đánh giá cho hơn 30 nhà trường bậc phổ thông tại các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy và hỗ trợ các trường dạy học trực tuyến, giao bài tập về nhà, thực hiện kiểm tra đánh giá trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Việc ứng dụng CNTT, sử dụng các phần mềm hỗ trợ đã nâng cao chất lượng dạy và học, thúc đẩy chuyển đổi số trong nhà trường, giảm thời gian soạn bài cho giáo viên, giúp kiểm tra đánh giá đúng chất lượng học sinh dù học trực tuyến. Hiện OCD Việt Nam đang phát triển hệ thống Schooldx thành hệ sinh thái chuyển đổi số MetaEdu, đưa thêm các giải pháp hệ thống thông tin trường học, giúp cho việc dạy và học tại các trường phổ thông hiệu quả, chất lượng hơn.

Trong các công tác dạy, học và kiểm tra đánh giá, đến nay, 100% nhà trường có kết nối mạng internet; trên 97% học sinh đã có internet học trực tuyến và các thiết bị học trực tuyến. 100% các trường và học sinh được cấp tài khoản học trực tuyến; sử dụng học liệu dạy học trực tuyến như: OLM, VioEdu, onluyen.vn; nguồn tài nguyên học liệu trực tuyến (https://igiaoduc.vn) và (https://itrithuc.vn) giúp các nhà trường linh hoạt điều chỉnh sang chương trình dạy học trực tuyến nên đã thực hiện theo đúng tiến độ. Hưởng ứng cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử của Bộ GD và ĐT tổ chức, Sở GD và ĐT phát động thu hút gần 1.700 bài giảng tham dự; tổ chức Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh với 88 sản phẩm tham dự theo hình thức trực tuyến (đã lựa chọn 2 sản phẩm tham dự cấp toàn quốc); tổ chức Hội thi hùng biện tiếng Anh trực tuyến với giám khảo ở các nước theo dõi và chấm cho thí sinh trực tuyến… 

Trong công tác quản trị CSGD và quản lý Nhà nước về giáo dục, 100% CSGD đã triển khai sử dụng: phần mềm quản lý nhà trường (Vnedu của VNPT và Smas của Viettel) hỗ trợ công tác quản trị nhà trường tích hợp không gian làm việc số; các ứng dụng hồ sơ điện tử (sổ điểm điện tử, học bạ điện tử); thanh toán trực tuyến các loại phí giáo dục; ứng dụng kết nối, tương tác, trao đổi thông tin giữa phụ huynh với nhà trường trên nền tảng số, áp dụng các giải pháp miễn phí như tin nhắn OTT, email, ứng dụng trên thiết bị di động và website giáo dục; hệ thống quản lý hành chính điện tử (E-Office); cổng thông tin điện tử, thư điện tử giáo dục theo quy định tại Thông tư số 37/2020/TT-BGDĐT; hệ thống thông tin quản lý phổ cập giáo dục và chống mù chữ theo Thông tư số 35/2017/TT-BGDĐT... Sở GD và ĐT đã triển khai đồng bộ các dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính như: phối hợp với Bưu điện tỉnh thực hiện dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và chuyển kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích; triển khai dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 của Chính phủ (phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030) là đăng kí dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng; 72/83 dịch vụ công trực tuyến triển khai ở mức độ 4. 100% cán bộ quản lý, giáo viên phổ thông được cấp tài khoản để thực hiện các modul bồi dưỡng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên hệ thống LMS, đồng bộ với Hệ thống thông tin quản lý quá trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên TEMIS của Bộ GD và ĐT. Tất cả giáo viên phổ thông được hướng dẫn, tập huấn kỹ năng về tổ chức và quản lý lớp học trực tuyến, xây dựng học liệu, khai thác các nguồn học liệu, tìm kiếm thông tin trên internet; kỹ năng sử dụng các phần mềm trình chiếu, phần mềm soạn bài giảng e-learning, soạn câu hỏi trắc nghiệm trực tuyến, phần mềm mô phỏng, thí nghiệm ảo, phần mềm dạy học, khai thác sử dụng các thiết bị công nghệ để đổi mới nội dung, phương pháp dạy học; các kỹ năng về quản lý, triển khai có hiệu quả các phần mềm quản trị trong nhà trường.

Việc ứng dụng CNTT toàn diện từ quản trị, công tác quản lý ngành đến các hoạt động chuyên môn dạy và học đã tạo nền tảng quan trọng và vững chắc góp phần thúc đẩy nhanh hơn quá trình thực hiện chuyển đổi số trong ngành GD và ĐT toàn tỉnh; thực hiện thắng lợi các mục tiêu lộ trình chuyển đổi số của ngành Giáo dục cả nước. Từ đó tiến tới hội nhập nhanh và sâu hơn với các nền giáo dục tiên tiến của khu vực và thế giới, góp phần giữ vững thành tích là một trong những đơn vị lá cờ đầu của ngành Giáo dục cả nước, khẳng định vị thế truyền thống đất học./.

baonamdinh.com.vn