Giải pháp khoa học trong phòng, chống các bệnh không lây nhiễm

Các bệnh không lây nhiễm (BKLN) gồm bệnh về tim mạch, ung thư, bệnh hô hấp mạn tính và đái tháo đường đang có xu hướng gia tăng. Bệnh chủ yếu xuất phát từ những thói quen, lối sống, sinh hoạt không lành mạnh  như hút thuốc lá, lạm dụng rượu, bia, dinh dưỡng không hợp lý, ăn nhiều chất béo, ít hoạt động thể lực. Các BKLN có thời gian điều trị bệnh dài, chi phí điều trị bệnh cao, làm tăng chi phí y tế, giảm năng suất lao động và giảm sản phẩm xã hội. Nguy hiểm hơn, nếu không được chăm sóc, kiểm soát tốt thì có nguy cơ đe dọa sức khỏe và tính mạng con người. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có một số mô hình quản lý BKLN được triển khai tại tuyến xã như: “Mô hình phát hiện, quản lý bệnh đái tháo đường tại cơ sở, tập trung vào 15 xã điểm của 2 huyện Giao Thủy và Xuân Trường” do Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phối hợp với Bệnh viện Nội tiết Trung ương thực hiện; Dự án “Quản lý tăng huyết áp theo nguyên lý y học gia đình tại xã Giao Phong, huyện Giao Thủy” của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; Dự án “Mô hình quản lý tăng huyết áp tại tuyến y tế cơ sở” của Viện Tim mạch Việt Nam. Đến nay các trạm y tế xã, phường, thị trấn đã từng bước chủ động dự phòng, quản lý, điều trị BKLN; các cán bộ y tế thực hiện công tác phòng, chống BKLN được đào tạo, tập huấn về dự phòng, giám sát, phát hiện, chẩn đoán, điều trị, quản lý. Tuy nhiên, qua nghiên cứu các mô hình quản lý và điều trị bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua cho thấy nhiều điểm bất cập như còn thiếu nhân lực, thiếu trang thiết bị và kinh phí để triển khai các hoạt động. Trong khi đó việc ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm quản lý BKLN còn chưa đồng bộ gây khó khăn cho việc theo dõi và quản lý điều trị bệnh... Bên cạnh đó, khoảng trống thông tin về tình hình thực tế triển khai các hoạt động dự phòng, phát hiện sớm và quản lý BKLN tại tuyến xã cũng như kiến thức, thực hành của đội ngũ y tế cơ sở vẫn đang tồn tại nhiều bất cập, hạn chế.

Khám sàng lọc bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường cho người dân xã Trung Thành (Vụ Bản).
Khám sàng lọc bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường cho người dân xã Trung Thành (Vụ Bản).

Nhằm góp phần khống chế tốc độ gia tăng, tiến tới làm giảm tỷ lệ người mắc các BKLN tại cộng đồng, đặc biệt là các bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường, từ tháng 12-2019, Sở KH và CN đã phối hợp với Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định triển khai đề tài nghiên cứu khoa học “Một số giải pháp tăng cường hiệu quả hoạt động dự phòng, phát hiện sớm và quản lý bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường tại tuyến xã tỉnh Nam Định”. Đề tài đã tập trung nghiên cứu thực trạng về cơ cấu tổ chức, công tác chỉ đạo, điều hành; nhân lực (số lượng, trình độ, kiến thức, kỹ năng quản lý, đào tạo tập huấn); cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư tiêu hao, dịch vụ kỹ thuật, thuốc thiết yếu và kinh phí phục vụ hoạt động dự phòng, phát hiện sớm và quản lý bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường tại cơ sở. Đồng thời nghiên cứu các dịch vụ truyền thông, tư vấn, sàng lọc sớm, theo dõi, quản lý hồ sơ bệnh án người bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường. Sau gần 2 năm phân tích các điểm mạnh, hạn chế của đề tài dự phòng, phát hiện sớm và quản lý bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường tại tuyến xã của tỉnh, đề tài đã cho ra sản phẩm là các giải pháp kiến nghị ngành Y tế nhằm tăng cường dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị BKLN tại cộng đồng. Trong đó, giải pháp cốt lõi là tiếp tục triển khai các hoạt động quản lý điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường và các BKLN khác tại cộng đồng, đặc biệt là trạm y tế xã, thôn để tăng tỷ lệ phát hiện sớm và giảm khoảng trống điều trị bệnh; trong đó bảo đảm cơ chế tài chính và chi trả bảo hiểm y tế cho các dịch vụ phòng, chống BKLN tại tuyến xã. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế các tuyến về dự phòng và quản lý BKLN, đặc biệt là tại tuyến y tế cơ sở thông qua cung cấp các tài liệu hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật trong các lĩnh vực, tổ chức đào tạo tập huấn, đồng thời ban hành các hướng dẫn, quy định về nhiệm vụ dự phòng, phát hiện, quản lý điều trị BKLN cho từng tuyến làm cơ sở cho giao chỉ tiêu chuyên môn và kiểm tra, giám sát đánh giá hoạt động. Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân biết cách phát hiện sớm bệnh thông qua các biện pháp kiểm tra sức khỏe đơn giản như đo huyết áp, xét nghiệm nhanh đường máu, sàng lọc ung thư… và tuân thủ phác đồ điều trị tại nhà khi mắc bệnh. Xây dựng và nhân rộng các mô hình nâng cao sức khỏe tại cộng đồng như: câu lạc bộ người BKLN, trường học nâng cao sức khỏe, nơi làm việc nâng cao sức khỏe, thành phố sức khỏe… Củng cố hệ thống giám sát, triển khai phần mềm quản lý BKLN để cung cấp đầy đủ, cập nhật các thông tin số liệu theo dõi tình hình bệnh tật, các yếu tố nguy cơ và đánh giá kết quả các hoạt động phòng chống BKLN. Bên cạnh đó, đề tài đã triển khai tập huấn cho lực lượng y tế cơ sở một số kiến thức cơ bản cần truyền thông cho cộng đồng về bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường; hướng dẫn xây dựng các câu lạc bộ sức khỏe, hỗ trợ mô hình sàng lọc tăng huyết áp và đái tháo đường tại cộng đồng… Đồng thời tổ chức sàng lọc cho trên 1.000 đối tượng có nguy cơ mắc tăng huyết áp và đái tháo đường trong độ tuổi từ 40-75 tuổi, cung cấp kết quả cho địa phương và người có liên quan để có giải pháp phòng ngừa chủ động, tránh diễn biến nặng ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng.

Cùng với tăng cường năng lực hệ thống y tế để phát hiện sớm, quản lý, điều trị BKLN thì người dân cũng cần chủ động phòng, chống hiệu quả thông qua kiểm soát các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, chế độ dinh dưỡng không hợp lý và ít hoạt động thể lực. Từ đó góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động phòng, chống BKLN trong thời gian tới./.

baonamdinh.com.vn