Chủ động chuẩn bị hàng hóa phục vụ tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán

Theo dự báo của ngành chức năng, thị trường hàng hóa dịp Tết Nhâm Dần 2022 có nhiều điểm khác biệt các năm trước. Cụ thể, hàng hóa đã có mặt bằng giá mới sau khi giá gas, xăng dầu và chi phí đầu vào tăng; sức mua của người tiêu dùng giảm trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài, thu nhập của người dân bị cắt giảm... Do đó, Sở Công Thương đã chủ động đề nghị các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, Cục Quản lý thị trường, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong tỉnh phối hợp chuẩn bị đủ hàng hóa, chống đứt gẫy chuỗi cung ứng và có phương án ứng phó khi dịch bệnh bùng phát trong thời điểm Tết Nguyên đán. 

Siêu thị GO! chủ động chuẩn bị nguồn hàng cung ứng đáp ứng nhu cầu thị trường dịp cuối năm và Tết. 

Chuẩn bị cho dịp mua sắm cuối năm và Tết Nguyên đán 2022, Sở Công Thương chủ động theo dõi thị trường, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao để xây dựng chủ động có phương án, đề xuất biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và phù hợp với khả năng chi tiêu trong điều kiện kinh tế bị suy giảm của người dân. Qua đó, Sở yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp sản xuất, cung ứng hàng hóa trên địa bàn tập trung lựa chọn những mặt hàng thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, bánh mứt kẹo, bia, rượu, nước giải khát… phục vụ nhân dân; đồng thời dự trù khả năng chuẩn bị kho dự trữ hàng hóa, quầy bán hàng lưu động dã chiến để lưu trữ và luân chuyển hàng hóa khi có biến động về tình hình dịch bệnh; tổ chức bán hàng linh động bằng cả hình thức hàng online và offline. Trên cơ sở đó, ngoài phương án quản lý tốt các cơ sở sản xuất kinh doanh thương mại dịch vụ trên địa bàn; đôn đốc và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia sản xuất kinh doanh các loại hàng hoá, dịch vụ phục vụ Tết Nguyên đán như thường lệ, UBND các huyện và thành phố tập trung chủ động xây dựng các phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa tùy theo diễn biến của dịch bệnh trên địa bàn và hướng dẫn các chợ dân sinh, các chợ đầu mối triển khai tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh COVID-19 bảo đảm cung ứng, trao đổi hàng hóa, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm cho người dân. Chuẩn bị sẵn vị trí tại khu vực công cộng như nhà văn hóa thôn xóm, sân vận động, khuôn viên các trường học, cơ quan, doanh nghiệp… có thể tổ chức chợ tạm, gian hàng lưu động để các doanh nghiệp, cơ sở cung ứng hàng hóa một cách thuận tiện nhất cho người dân. Đồng thời bố trí lực lượng phối hợp cùng các ngành chức năng, các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa đảm bảo an ninh trật tự và an toàn phòng chống dịch bệnh, đảm bảo việc mua bán diễn ra thuận tiện, an toàn. 

Đặc biệt, tham gia vào việc cung ứng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán còn có các doanh nghiệp viễn thông là Viettel chi nhánh Nam Định và Bưu điện tỉnh Nam Định với vai trò cung ứng vận chuyển hàng hóa thiết yếu trên sàn giao dịch thương mại điện tử và thành lập gian hàng dã chiến phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Các doanh nghiệp kinh doanh thương mại theo dõi sát tình hình cung cầu, giá cả thị trường, chủ động khai thác các nguồn hàng chủ yếu như lương thực, thực phẩm, bánh mứt kẹo, bia, rượu, nước giải khát… kiểm soát chặt chẽ yếu tố đầu vào, tiết kiệm chi phí lưu thông để hạ giá thành sản phẩm, giảm bớt các khâu trung gian nhằm đưa hàng hóa tới tay người tiêu dùng với giá cả hợp lý. Khai thác nguồn hàng lương thực, thực phẩm sẵn có của địa phương, tăng lượng hàng hoá cung ứng ra thị trường. Nhóm các siêu thị như: Go!, Co.opmart, Lanchi, Countryrmart, chuỗi các cửa hàng tiện ích như Vinmart, Minmart… chủ động cân đối cung ứng nguồn hàng phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết, có kế hoạch điều chuyển hàng hóa trong hệ thống để xử lý những biến động đối với một số mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết như rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, thịt lợn, gà, bò, giò chả… Đồng thời kích hoạt tối đa phương án bán hàng online để đảm bảo phòng, chống dịch và đáp ứng yêu cầu tiêu dùng của nhân dân. Đặc biệt đối với mặt hàng thịt lợn được dự báo khan hiếm và sẽ tăng giá trong thời điểm Tết Nguyên đán các đơn vị đã có kế hoạch chủ động khai thác nguồn nguyên liệu của địa phương và nguồn hàng nhập khẩu để phục vụ chế biến và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Trong đó các tập đoàn siêu thị lớn như Go!, Co.opmart phát huy lợi thế có nhiều đơn vị thành viên nên đã nhập khẩu một lượng lớn thịt lợn cung ứng trên toàn hệ thống để được giá thành hợp lý cung ứng cho người dân. Một số doanh nghiệp chế biến thực phẩm như Công ty cổ phần Đầu tư Nam Phát, Công ty TNHH một thành viên Chế biến thực phẩm xuất khẩu Nghĩa Thành đã chủ động lách thời điểm, chuẩn bị nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất từ nhiều tháng trước khi giá thịt lợn về mức ổn định. Các cửa hàng thực phẩm sạch cũng đã chuẩn bị nguồn cung thịt lợn từ các trang trại trong tỉnh để đảm bảo nguồn thực phẩm cung ứng cho khách hàng trong dịp tết với giá hợp lý. Giám đốc hệ thống siêu thị Minmart thành phố Nam Định Nguyễn Văn Thủy cho biết: Tại 3 điểm bán hàng trên địa bàn thành phố và một số điểm tại địa bàn nông thôn của hệ thống đã chuẩn bị đầy đủ hàng thiết yếu, hàng bình ổn giá cho nhiều tháng, đồng thời nỗ lực thực hiện giảm và giữ giá bán hàng hóa ổn định. Trong đó, tập trung kết nối hàng hóa thiết yếu là đặc sản của tỉnh, các vùng miền trên toàn quốc và có phương án cung ứng linh hoạt đáp nhu cầu tiêu dùng của người dân. Hệ thống các cửa hàng thuộc Hiệp hội Nông sản sạch Nam Định đẩy mạnh cung ứng sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh; đẩy mạnh việc cung ứng tiêu thụ hàng Việt Nam chất lượng cao. 

Theo nhận định của Sở Công Thương, các địa phương có sự chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án cung ứng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán nên lượng hàng hóa dồi dào, đa dạng về chủng loại, phong phú về nhãn hiệu, thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng có nhiều lựa chọn, tình trạng thiếu hàng, sốt giá khó xảy ra. Bên cạnh đó Sở cũng phối hợp chặt chẽ với các Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, đơn vị có liên quan trên cả nước kịp thời xử lý các khó khăn trong lưu chuyển hàng hóa nhằm không làm đứt gẫy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu trong trường hợp dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp. Do đó người dân không nên tích trữ nhiều hàng hóa, đồng thời chấp hành nghiêm chỉ đạo của Chính phủ và địa phương, nhất là luôn chú ý thực hiện yêu cầu 5K và thông điệp của Bộ Y tế để đảm bảo an toàn, phòng chống dịch. Ngoài điều tiết công tác chuẩn bị hàng hóa, Cục Quản lý thị trường tăng cường quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại, chú trọng  kiểm soát các mặt hàng thiết yếu như bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát, thuốc lá, hàng thực phẩm tươi sống./.