Phát huy vai trò của hợp tác xã trong đổi mới kinh tế nông nghiệp

Những năm qua, các địa phương đã quan tâm phát huy tốt vai trò đầu tàu dẫn dắt kết nối quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp của các hợp tác xã (HTX), góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hiệu quả và nâng cao giá trị các loại nông sản, tăng thu nhập cho thành viên, nông dân. 

Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Trung Thành (Vụ Bản) cơ giới hóa 100% khâu thu hoạch lúa cho nông dân.

Đánh giá về vai trò của kinh tế tập thể nói chung, HTX nói riêng, đồng chí Trần Văn Phiệt, Quyền Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh khẳng định: HTX ngày càng thể hiện rõ nét vai trò của mình trong phát kinh tế - xã hội, nhất là kinh tế nông nghiệp thông qua việc tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao nguồn thu nhập cho người lao động và một bộ phận không nhỏ người yếu thế trong xã hội ở khu vực nông thôn, góp phần bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Bên cạnh đó, HTX đã huy động tốt sức người, sức của thực hiện kiên cố hóa hạ tầng nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Đây chính là bản chất, giá trị đích thực của kinh tế hợp tác, HTX. Nhiều HTX kiểu mới, HTX chuyên ngành được thành lập đã phát huy tốt vai trò dẫn dắt hỗ trợ thành viên ở địa phương phát triển hiệu quả, bền vững. HTX Cựu chiến binh Vạn Xuân Trường, xã Hiển Khánh (Vụ Bản) được thành lập với 31 thành viên đã chú trọng đầu tư xây dựng mô hình trang trại tổng hợp, trong đó tập trung vào chăn nuôi gà, lợn. Đồng chí Triệu Ngọc Sơn, Giám đốc HTX cho biết: HTX tập trung phát triển chăn nuôi gà thịt theo hướng công nghiệp, duy trì tổng đàn trên 10 nghìn con. HTX đứng ra làm đầu mối nhập thức ăn và tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên. Kế hoạch sản xuất của HTX cũng được xây dựng phù hợp theo từng tháng trong năm để sản phẩm gà thịt được xuất bán thường xuyên, qua đó, các thành viên trong HTX tránh được tình trạng xuất bán tập trung số lượng quá lớn vào một thời điểm dẫn đến mất sức cạnh tranh, bị ép cấp, ép giá làm ảnh hưởng đến giá bán. Việc chăn nuôi gia cầm quy mô tập trung sẽ giúp chủ động phòng, chống được dịch bệnh, bảo đảm lợi nhuận, do vậy đàn gia cầm của HTX luôn được duy trì và phát triển ổn định trong những năm gần đây. Các thành viên HTX có thu nhập ổn định từ 100-150 triệu đồng/năm.

Thời gian qua, kinh tế tập thể nói chung, HTX nông nghiệp của tỉnh nói riêng đã có bước phát triển mới. Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có khoảng 473 HTX trong các ngành, lĩnh vực kinh tế, tăng 38 HTX so với năm 2001. Trong đó có 365 HTX thuộc lĩnh vực nông nghiệp đang hoạt động. Có tổng số 375.342 thành viên, giảm 266.958 thành viên do các HTX đã thực hiện chuyển đăng ký thành viên là cá nhân trước đây sang đại diện hộ thành viên. Cùng với các sở, ngành chức năng, Sở NN và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể tỉnh năm 2021; định hướng chiến lược phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2030 trong nông nghiệp tỉnh Nam Định. Tích cực triển khai và hoàn thành các chương trình hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp như: Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX nông nghiệp; đưa cán bộ trẻ có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc ở các HTX nông nghiệp; thực hiện chương trình hỗ trợ hạ tầng các HTX nông nghiệp của tỉnh với tổng nguồn vốn hỗ trợ gần 60 tỷ đồng cho 122 hạng mục công trình của 91 HTX nông nghiệp. Được tỉnh quan tâm, khuyến khích và tạo điều kiện trong quá trình thực hiện phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, các HTX đã tích cực vận động để thực hiện các mô hình tích tụ ruộng đất theo cánh đồng lớn sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, với tổng diện tích trên 1.000ha. Các quy trình, công nghệ sản xuất nông sản an toàn theo hướng VietGAP, GlobalGAP, trồng rau theo công nghệ Nhật Bản và các tiêu chuẩn của châu Âu... gắn với quản lý và truy xuất nguồn gốc nông sản trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi thủy sản kết hợp với xây dựng thương hiệu sản phẩm được các HTX chú trọng áp dụng thực hiện trong các chuỗi liên kết từ sản xuất tới chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã, HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Đồng, xã Đồng Sơn (Nam Trực) đã liên kết với Công ty TNHH Phúc Anh (thành phố Nam Định) thuê gần 41ha ruộng của bà con nông dân tại các cánh đồng Din, Láng, Xát và Cồn Ổi để trồng cây khoai môn. Đồng chí Nguyễn Văn Khoa, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Đồng cho biết: Cây khoai môn dễ trồng, ít sâu bệnh, khả năng chịu úng ngập tốt và không mất nhiều công chăm sóc. Trong quá trình chăm sóc cần chú ý làm sạch cỏ, giữ nước mặt ruộng để hạn chế sâu bệnh, nhất là bệnh thối thân cây, sâu lá, sương mai và chuột phá hoại ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng khoai thương phẩm. Nhờ được trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật nên toàn bộ diện tích khoai môn sinh trưởng, phát triển tốt và cho năng suất bình quân đạt từ 8-9 tạ/sào. Với giá bán hiện nay trên thị trường thì mỗi sào cho giá trị thu nhập cao hơn 7-8 lần so với cấy lúa. Tại HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Cường, xã Yên Cường (Ý Yên) đã xây dựng thành công mô hình sản xuất rau sạch hữu cơ, quy mô 7ha, sản lượng 150 tấn/năm. Mô hình sử dụng 100% phân hữu cơ được ủ tại chỗ theo công nghệ Nhật Bản; HTX tổ chức sản xuất và giám sát chặt chẽ các khâu sản xuất, hàng ngày ghi nhật ký đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Toàn bộ sản phẩm được Hiệp hội Nông nghiệp sạch tỉnh Nam Định và các cửa hàng thực phẩm sạch bao tiêu. Giá tiêu thụ luôn ổn định và cao hơn so với sản xuất thông thường khoảng 20%. HTX Nuôi trồng thủy sản Giao Phong (Giao Thủy) có trên 40 thành viên, với quy mô khoảng 58ha nuôi tôm thẻ chân trắng, ngao. Được HTX hướng dẫn, khuyến khích, các hộ thành viên đã tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, năng suất bình quân hàng năm đạt khoảng 10 tấn/ha, cá biệt có hộ đạt từ 15-20 tấn/ha. Lợi nhuận của các hộ đạt từ 1,4-1,8 tỷ đồng/ha/năm... Cùng với việc tập trung phát triển các loại hình sản xuất nông nghiệp, các HTX còn chủ động hỗ trợ xây dựng các chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân. Nhờ đó đến nay đã hình thành được 7 chuỗi liên kết trong sản xuất, chăn nuôi... mang lại hiệu quả cao. Tiêu biểu là chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao của Công ty TNHH Toản Xuân với hơn 20 HTX nông nghiệp và hộ nông dân trên quy mô tổng diện tích liên kết 500ha, sản lượng tiêu thụ 2.000 tấn lúa. Lợi nhuận của thành viên, nông dân tham gia chuỗi liên kết đạt 20 triệu đồng/ha, tăng từ 8-10% so với sản xuất đại trà. Không những thế để nâng cao hiệu quả kinh tế, các HTX còn chủ động hợp tác nghiên cứu, khảo nghiệm để lựa chọn các loại giống cây trồng có tiềm năng giá trị cao. Cụ thể, các HTX đã phối hợp Trung tâm Giống cây trồng Nam Định (Sở NN và PTNT), Trung tâm Ứng dụng, dịch vụ khoa học công nghệ Nam Định (Sở Khoa học và Công nghệ) sản xuất giống khoai tây sạch bệnh. Hàng năm, diện tích sản xuất giống khoảng 200ha, sản lượng khoai tây giống khoảng 2.000 tấn/năm, trong đó chủ yếu là giống khoai tây Đức, Hà Lan, đáp ứng trên 80% nhu cầu khoai tây giống cho sản xuất thương phẩm của các địa phương trong tỉnh. Thực hiện chủ trương đẩy mạnh cơ giới hóa, đến nay các HTX có trên 3.800 công cụ sạ hàng và 61 máy cấy lúa, đảm bảo cơ giới hoá khâu gieo cấy đạt 45% diện tích; 1.236 máy gặt đảm bảo cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa trên 97% diện tích...

Những chuyển biến tích cực của các HTX nông nghiệp về phương thức hoạt động, tổ chức sản xuất, đầu tư, liên kết, liên doanh gắn với chuỗi giá trị đang góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế nông nghiệp của tỉnh phát triển bền vững, nâng cao thu nhập cho thành viên, người dân nông thôn và xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu ở các địa phương./. 

baonamdinh.com.vn