Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và các giải pháp đấu tranh trên mạng xã hội

Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị” là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Để nhiệm vụ này đạt được hiệu quả cao trong thực tiễn, trước hết mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức đúng đắn, đầy đủ và sâu sắc về những nội dung trọng tâm của công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Nhận thức đúng về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động. Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn coi trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, cùng với sự phát triển nhanh như vũ bão của khoa học công nghệ, internet và các nền tảng mạng xã hội; các thế lực thù địch luôn có các chiêu thức, thủ đoạn mới để thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, nhất là trên môi trường mạng xã hội.

Do đó, cần nhận thức đầy đủ về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; các thế lực thù địch; âm mưu, thủ đoạn; từ đó có giải pháp phòng, chống hiệu quả. Theo tinh thần Nghị quyết số 35-NQ/TW, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước. Hướng tới mục tiêu: Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, củng cố và tăng cường niềm tin khoa học vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội và niềm tin của nhân dân với Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động trong tình hình mới; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình ổn định, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Một số giải pháp đấu tranh trên mạng xã hội

Thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc đã ban hành quyết định thành lập ban chỉ đạo, tổ thư ký, nhóm chuyên gia, nhóm cộng tác viên, thành lập các trang, nhóm Facebook phục vụ đấu tranh, phản bác. Hầu hết các huyện, thành ủy đã thành lập ban chỉ đạo, lập trang, nhóm trên mạng Facebook triển khai nhiệm vụ đấu tranh, phản bác... Để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội, nhất là Facebook, thời gian tới, xin đề xuất một số giải pháp như sau:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đối với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Trong đó, chú trọng tuyên truyền Luật An ninh mạng; các quy tắc ứng xử trên môi trường mạng xã hội.

Hai là, thường xuyên cung cấp thông tin có định hướng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân qua kênh báo cáo viên, tuyên truyền miệng, báo chí, truyền thông, sinh hoạt chi bộ định kỳ hằng tháng.

Ba là, tập huấn định kỳ hoặc đột xuất cho cán bộ tuyên giáo, đội ngũ giảng viên lý luận chính trị, nhất là các đồng chí trực tiếp tham gia Ban Chỉ đạo 35 các cấp; các đồng chí tham gia quản trị, biên tập tin, bài của các trang, nhóm trên Facebook…; cập nhật tình hình mới về các hoạt động chống phá, nâng cao kỹ năng, trình độ quản trị.

Bốn là, đổi mới nội dung và phương thức tuyên truyền nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội theo hướng giảm tính “hàn lâm, kinh viện”, tăng tính “thường thức”, gần gũi, dễ tiếp cận với đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để tăng tính tương tác, khắc phục tình trạng “chủ yếu nội bộ đảng viên”, hoặc “lực lượng chuyên trách” tương tác với nhau, đối tượng cần được “giác ngộ” thì chưa được tiếp cận nhiều.

Năm là, khi xuất hiện các vụ việc, sự kiện “nóng, nhạy cảm” cần tích cực, khẩn trương, chỉ đạo thống nhất, đồng loạt công tác đấu tranh phản bác trên mạng xã hội và các công cụ truyền thông, gần đây có thể kể đến: Công tác phòng, chống dịch COVID-19, vấn đề tiêm vaccine, vấn đề phức tạp liên quan đến tình hình ở Cu Ba…

Sáu là, kịp thời phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng những cán bộ giỏi, có năng lực tham gia viết bài đấu tranh, phản bác có hiệu quả cao trên mạng xã hội.

Bảy là, hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý về mạng xã hội phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc và văn hóa, luật pháp của Việt Nam./.

Phòng Lý luận chính trị - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nam Định