KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA NHCSXH TỈNH 6 THÁNG ĐẦU NĂM, PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ QUÝ III NĂM 2021

6 tháng đầu năm, tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận những ca nhiễm đầu tiên đã ảnh hưởng đến đời sống và hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, nhất là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đã chủ động bám sát các Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ, văn bản chỉ đạo của NHCSXH Việt Nam, chính quyền địa phương.... tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn tín dụng chính sách, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ cho sản xuất kinh doanh, đời sống của hộ nghèo và các đối tượng chính sách, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Kết quả cụ thể như sau: 

I. HOẠT ĐỘNG CỦA BĐD HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ

1. Kiện toàn thay thế 01 thành viên BĐD tỉnh, 3 thành viên BĐD cấp huyện. Đến nay, BĐD tỉnh, các huyện, thành phố có 336 thành viên tham gia (Trong đó: Cấp tỉnh 12 thành viên, 10 BĐD cấp huyện, thành phố 324 thành viên).

2. BĐD HĐQT các cấp đã triển khai thực hiện tốt các mục tiêu nhiệm vụ Nghị quyết BĐD HĐQT tỉnh quý I/2021 đề ra:

- Các thành viên BĐD HĐQT các cấp tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương bố trí vốn từ ngân sách ủy thác sang NHCSXH. Tỉnh và 10/10 huyện, thành phố đều đã chuyển nguồn ngân sách ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay.

- BĐD các cấp đã ban hành gần 100 văn bản chỉ đạo, quyết định phân bổ, điều chỉnh nguồn vốn, nghị quyết của BĐD...Đặc biệt, Trưởng BĐD HĐQT tỉnh đã ban hành 02 văn bản chỉ đạo triển khai công tác tín dụng chính sách xã hội.

- BĐD HĐQT các cấp đã thực hiện phân bổ, điều chỉnh nguồn vốn kịp thời giữa các địa bàn, giữa các chương trình tạo điều kiện để nguồn vốn được sử dụng hiệu quả, giúp hàng chục nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách có vốn phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

- Chỉ đạo NHCSXH và các tổ chức CT-XH tập trung giải ngân các chương trình đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách; nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, chất lượng hoạt động giao dịch tại xã; tổ chức tập huấn cho các cán bộ tham gia vào hoạt động tín dụng chính sách xã hội; tăng cường truyền thông về tín dụng chính sách, đồng thời chủ động báo cáo, tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo trong thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn.

- Thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 và các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch.

- BĐD HĐQT tỉnh, các huyện, thành phố, Hội đoàn thể nhận ủy thác các cấp và NHCSXH xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra giám sát năm.

II. KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA NHCSXH

1. Công tác tín dụng

a) Về nguồn vốn: Tổng nguồn vốn hoạt động tín dụng chính sách xã hội đến 30/6/2021 đạt 3.432,5 tỷ đồng, tăng 218,5 tỷ đồng (+ 6,8%) so với đầu năm. Trong đó:

+ Nguồn vốn cân đối từ Trung ương: 2.851,7 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 83,1%  tổng nguồn vốn, tăng so với đầu năm 198,6 tỷ đồng.

+ Nguồn vốn huy động của tổ chức, cá nhân: 543,3 tỷ đồng, chiếm 15,8% tổng nguồn vốn, tăng so với đầu năm 12,6 tỷ đồng, đạt 20,3% kế hoạch giao.

+ Vốn nhận ủy thác đầu tư ngân sách địa phương: 37,5 tỷ đồng, chiếm 1,1% tổng nguồn vốn, tăng 7,3 tỷ đồng, đạt 104% kế hoạch TW giao tăng trưởng năm.

b) Về cho vay các chương trình tín dụng chính sách

Doanh số cho vay đạt 681,7 tỷ đồng, bằng 116,3% cùng kỳ năm trước, với 19.310 lượt khách hàng được vay vốn. Doanh số thu nợ đạt: 522,2 tỷ đồng, bằng 105,5% cùng kỳ năm trước và bằng 76,6% doanh số cho vay.

Dư nợ đến 30/6/2021 đạt: 3.372,8 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 232,3 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 159,2 tỷ đồng (+4,95%), đạt 98,3% kế hoạch dư nợ, với 100.134 khách hàng đang có dư nợ.

Từ nguồn vốn vay của NHCSXH đã có 1.066 hộ thoát nghèo, 2.124 hộ thoát cận nghèo; tạo việc làm cho 1.119 lao động; 1.979 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn; xây dựng 20.036 công trình nước sạch, vệ sinh ở nông thôn; 51 căn nhà ở cho người có thu nhập thấp đóng góp tích cực vào việc giải quyết vấn đề an sinh xã hội.

c) Chất lượng tín dụng

- Đến 30/6/2021, nợ quá hạn: 4.282 triệu đồng, chiếm 0,13% tổng dư nợ, so với đầu năm tăng 600,8 triệu đồng. Nợ khoanh 58 triệu đồng, chiếm 0,002% tổng dư nợ, giảm 11 triệu đồng.

- 108 xã không có nợ quá hạn (tỷ lệ 47,8% tổng số xã), 213 xã có chất lượng hoạt động tín dụng tốt, 13 xã khá, không có xã xếp loại trung bình, yếu; 2.812 tổ không có nợ quá hạn (tỷ lệ 93,3% tổng số tổ). Đánh giá chất lượng hoạt động tổ tháng 6/2021 có 2.813 tổ xếp loại tốt, chiếm tỷ lệ 93,3%; 140 tổ xếp loại khá, tỷ lệ 4,64%; 60 tổ xếp loại trung bình, tỷ lệ 1,99%; 2 tổ xếp loại yếu, tỷ lệ 0,07%.

- Thực hiện xử lý rủi ro: xóa nợ 19 món, số tiền gốc 270,34 tr.đ và đang trình TW xử lý nợ rủi ro đợt I/2021 xóa nợ 12 món, số tiền gốc 218,2 tr.đ.

d) Hoạt động tại điểm giao dịch xã: 215 Điểm giao dịch xã tiếp tục hoạt động hiệu quả, giải quyết trên 90% tổng giá trị giao dịch của NHCSXH (tỷ lệ giải ngân tại xã 6 tháng đầu năm đạt 93,33%, tỷ lệ thu lãi 99,42%, tỷ lệ thu gốc 92,06%). Kết quả chấm điểm đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động giao dịch xã toàn Chi nhánh 6 tháng đầu năm đạt 87,8 điểm, xếp loại tốt.

2. Công tác kiểm tra, giám sát

- Kiểm tra của BĐD HĐQT: do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên công tác kiểm tra của các thành viên BĐD còn hạn chế, mới có BĐD HĐQT cấp huyện thực hiện kiểm tra được 44 xã, thị trấn, 89 tổ TK&VV, 331 hộ vay.

Đối với Hội đoàn thể nhận ủy thác: HND tỉnh kiểm tra được 4/10 huyện, 4 xã, 5 tổ TK&VV và 10 hộ vay vốn; HPN tỉnh trong thời gian qua tập trung cho Đại hội các cấp nên chưa tổ chức kiểm tra; HCCB tỉnh kiểm tra được 3/10 huyện, 3 xã, 6 tổ TK&VV và 8 hộ vay vốn; ĐTN tỉnh kiểm tra được 8/8 huyện, 15 xã, 35 tổ TK&VV và 61 hộ vay vốn. Ngoài ra, Hội đoàn thể nhận ủy thác cấp huyện, xã cũng xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm tra giám sát hàng năm.

- NHCSXH tỉnh đã thực hiện kiểm tra toàn diện được 06 đơn vị (Mỹ Lộc, Nam Trực, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Vụ Bản, Ý Yên) với 30 xã, 17 hội đoàn thể cấp huyện, 52 lượt hội đoàn thể cấp xã, 111 tổ TK&VV và 912 hộ vay vốn. Ngoài ra các phòng chuyên môn thực hiện kiểm tra theo chuyên đề và các PGD huyện tự kiểm tra.

3. Một số công tác trọng tâm khác

- Tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

- Thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19, các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, dịch tả lợn Châu Phi, bệnh viêm da nổi cục ở bò.

- Tổ chức tập huấn cho 115 Chủ tịch UBND cấp xã là thành viên Ban đại diện HĐQT cấp huyện, 127 cán bộ Ban giảm nghèo, 1.134 Trưởng thôn, 117 cán bộ Hội đoàn thể cấp xã, 3.887 cán bộ Ban quản lý Tổ TK&VV; phổ biến, tập huấn cho cán bộ hội, tổ trưởng tổ TK&VV một số văn bản, chính sách mới cũng như chấn chỉnh, rút kinh nghiệm kịp thời những tồn tại, sai sót tại buổi giao ban vào ngày giao dịch xã.

- Tích cực phối hợp với các cơ quan báo, đài thực hiện 15 tin, phóng sự trên Đài PT-TH tỉnh; 13 tin, bài trên báo Nam Định, 02 bài trên Thời báo Ngân hàng, 13 bài trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, 65 tin, bài trên trang điện tử cấp huyện. Ngoài ra các PGD còn thường xuyên tuyên truyền trên đài phát thanh của huyện, xã, trong các cuộc họp, hội nghị hoặc tại các buổi phát tiền vay, các buổi sinh hoạt tổ; tiếp tục tuyên truyền đến người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid trong giao dịch.

4. Kết quả phối hợp thực hiện Hợp đồng ủy thác với các tổ chức Hội

- Dư nợ ủy thác qua 04 Hội đoàn thể 3.366,5 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 159,5 tỷ đồng, chiếm 99,8% tổng dư nợ, bình quân một tổ quản lý 33 hộ, dư nợ 1.117 triệu đồng, so với đầu năm tăng 145 triệu đồng /tổ. Trong đó, dư nợ ủy thác qua Hội Nông dân 1.295,1 tỷ đồng (chiếm 38,47%), tăng 47,9 tỷ đồng; Hội Phụ nữ 1.483,6 tỷ đồng (chiếm 44,07%), tăng 82,1 tỷ đồng; Hội CCB 390,6 tỷ đồng (chiếm 11,6%), tăng 20,3 tỷ đồng; Đoàn Thanh niên 197,2 tỷ đồng (chiếm 5,86%), tăng 9,2 tỷ đồng.

- Nợ quá hạn ủy thác: 3.792,2 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,11% dư nợ, so với 31/12/2020 tăng 603,4 triệu đồng. Trong đó: HND tăng 6 triệu đồng, HPN tăng 439,1 triệu đồng; HCCB tăng 50,4 triệu đồng; ĐTN tăng 107,9 triệu đồng.

5. Một số tồn tại, vướng mắc

- Nguồn vốn ngân sách địa phương các cấp chuyển sang năm 2021 tuy có chuyển biến tốt hơn so với các năm trước song vẫn còn hạn chế, đến nay mới chỉ chiếm 1,1% tổng nguồn vốn.

- Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đặc biệt trong thời gian vừa qua trên địa bàn tỉnh xuất hiện ca nhiễm, việc đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh của người dân hạn chế nên ảnh hưởng đến việc thực hiện tăng trưởng dư nợ theo chỉ tiêu được TW giao nhất là đối với chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo.

- Nợ quá hạn tăng so với đầu năm, một số chương trình nợ quá hạn tăng mạnh như: cho vay Hộ cận nghèo tăng 437,5 triệu đồng, Hộ mới thoát nghèo tăng 142,2 triệu đồng. Nguyên nhân chủ yếu do hộ vay bỏ đi khỏi địa phương không rõ địa chỉ để liên lạc, đôn đốc thu hồi nợ. Đến nay, toàn Chi nhánh còn 116 hộ vay đi khỏi địa phương, dư nợ 2.523,4 tr.đ.

- Một số Hội đoàn thể cơ sở chất lượng thực hiện một số nội dung ủy thác chưa cao, nhất là công tác kiểm tra, giám sát; chưa tích cực chỉ đạo các Tổ TK&VV thực hiện nâng mức vay đáp ứng theo nhu cầu vốn phù hợp với phương án sản xuất kinh doanh của hộ vay. Đến 30/6/2021, còn 243 Tổ quy mô nhỏ, dưới 20 hộ dư nợ; 203 tổ TK&VV có nợ quá hạn (=6,73% tổng số tổ), trong đó 73 tổ có tỷ lệ nợ quá hạn trên 2% (HND 29 tổ, HPN 29 tổ, CCB 11 tổ, ĐTN 4 tổ), chiếm 2,4% tổng số tổ; 60 tổ xếp loại trung bình (HND 24 tổ, HPN 20 tổ, HCCB 13 tổ, ĐTN 3 tổ) tăng 14 tổ; 02 tổ xếp loại yếu Trần Thị Hà – HPN Ngô Đồng – Giao Thủy; Vũ Thị Hải – HPN Cửa Nam – TP. NĐ).

- Một số Tổ trưởng tổ TK&VV chưa tích cực đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, quá hạn, hồ sơ sổ sách lưu giữ chưa đầy đủ, chưa khoa học; chưa tổ chức sinh hoạt tổ định kỳ theo quy ước hoạt động; chưa tích cực tuyên truyền, vận động tổ viên tham gia tiết kiệm nên tỷ lệ tổ viên tham gia đều hàng tháng còn thấp.

III. PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ QUÝ III/2021

1. Đối với Hoạt động của Ban đại diện

- BĐD HĐQT các cấp tham mưu cho cấp ủy, UBND cùng cấp triển khai thực hiện Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030; quan tâm bố trí vốn từ ngân sách, nguồn vốn có tính chất từ thiện và nguồn vốn hợp pháp khác ủy thác qua NHCSXH.

- Để tăng cường nguồn lực cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội, góp phần vào giảm cấp bù cho ngân sách nhà nước, BĐD HĐQT phát động phong trào gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo, đề nghị các tổ chức, cơ quan, đoàn thể thực hiện và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc mở tài khoản tiền gửi tại NHCSXH, đồng thời gửi các khoản tiền nhàn rỗi, các quỹ vào NHCSXH.

- Thực hiện phân bổ, điều chỉnh nguồn vốn kịp thời giữa các địa bàn, giữa các chương trình theo đúng quy định của NHCSXH Việt Nam, đảm bảo nguồn vốn tín dụng chính sách luôn được sử dụng triệt để.

- Tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan phối hợp với NHCSXH triển khai chương trình cho vay đối với người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ.

- Các thành viên BĐD HĐQT tiếp tục thực hiện chương trình kiểm tra giám sát năm phấn đấu hoàn thành trước 30/9/2021.

- Chỉ đạo các cấp, các ngành, chính quyền địa phương phối hợp với NHCSXH rà soát nhu cầu, xây dựng kế hoạch tín dụng năm 2022.

2. Hoạt động của Ban giảm nghèo trong việc phối hợp với NHCSXH và Tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác trên địa bàn

- Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền triển khai kịp thời, hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn, xác định đối tượng vay vốn, nhu cầu vốn, tham mưu phân bổ vốn đến các thôn, xóm phù hợp với nhu cầu của người dân địa phương để tổ chức thực hiện tốt chỉ tiêu kế hoạch tín dụng được giao.

- Thường xuyên rà soát, lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo định kỳ năm và phát sinh trong năm theo Thông tư số 17/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/6/2016 và Thông tư số 14/2018/TT-BLĐTBXH sửa đổi bổ sung Thông tư số 17; chỉ đạo rà soát và sớm có danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ về quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn làm cơ sở cho NHCSXH cho vay.

- Phối hợp với NHCSXH và các hội đoàn thể trong việc củng cố, kiện toàn tổ TK&VV hoạt động kém hiệu quả, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn; tìm kiếm thông tin các hộ đi khỏi nơi cư trú để liên hệ thu hồi nợ và xử lý kịp thời khi hộ vay trở về địa phương.

- Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi và hoạt động của NHCSXH.

3. Hoạt động của NHCSXH

- Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai thực hiện Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư và tiếp tục quan tâm bổ sung nguồn vốn nhận ủy thác địa phương.

- Tập trung cho vay các chương trình theo chỉ tiêu kế hoạch TW giao; Tích cực huy động các nguồn vốn, tiền gửi của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn, tiền gửi của tổ viên tổ TK&VV.

- Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng. Đối với hộ vay bỏ đi khỏi địa phương, phối hợp với cơ quan Bảo hiểm, Thuế, Công an... để tìm kiếm, kiểm tra thông tin về người vay và các thành viên trong hộ gia đình đôn đốc thu hồi vốn, phấn đấu giảm tỷ lệ quá hạn so với đầu năm.

- Thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ổn định đời sống và khôi phục sản xuất kinh doanh; tuyên truyền rộng rãi và triển khai hiệu quả chương trình cho vay đối với người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất theo Nghị quyết 68/NQ-CP.   

- Tham mưu và giúp việc cho Ban đại diện HĐQT thực hiện chương trình kiểm tra năm; tăng cường công tác kiểm tra giám sát từ xa, kiểm tra nội bộ để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai sót, tồn tại nhằm nâng cao chất lượng hoạt động.

- Phối hợp với các Hội đoàn thể, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, tập huấn cho các cán bộ tham gia vào hoạt động tín dụng chính sách.

4. Đối với các tổ chức Hội đoàn thể nhận ủy thác

- Bám sát các nội dung nhận ủy thác, chỉ đạo các Hội cơ sở thực hiện đúng, đủ, nâng cao chất lượng ủy thác; có các giải pháp phù hợp để tăng trưởng dư nợ cho các Tổ TK&VV, các địa bàn có dư nợ thấp, bình xét cho vay đúng đối tượng, nâng mức vay đáp ứng nhu cầu vốn phù hợp với quy mô, mô hình sản xuất kinh doanh để hộ vay đầu tư đạt hiệu quả.

- Tăng cường hơn nữa đối với công tác củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ TK&VV, ổn định, duy trì các tổ có chất lượng hoạt động tốt, bố trí cán bộ tham dự sinh hoạt với tổ TK&VV trung bình, yếu để tiến hành phân tích, làm rõ nguyên nhân, có biện pháp củng cố kiện toàn phù hợp phấn đấu giảm số tổ trung bình, không còn tổ yếu.

- Nâng cao chất lượng tín dụng, chủ động rà soát, phân tích cụ thể từng món nợ quá hạn, tìm biện pháp xử lý phù hợp, tham mưu cho chính quyền địa phương vào cuộc xử lý các trường hợp nợ chây ỳ, nợ khó đòi, thường xuyên tìm kiếm thông tin hộ vay đi khỏi địa phương để đôn đốc thu hồi nợ, phấn đấu các Hội đoàn thể đều giảm được nợ quá hạn so với đầu năm; theo dõi nắm bắt và kiểm soát tốt việc sử dụng vốn của hộ vay; phối hợp với NHCSXH nâng cao chất lượng, hiệu quả và đảm bảo an toàn cho hoạt động giao dịch xã.

- Các cấp Hội tích cực thực hiện kế hoạch kiểm tra năm phấn đấu đến 30/9/2021 cơ bản hoàn thành. Đồng thời tăng cường kiểm tra những nơi có chất lượng hoạt động thấp, nợ quá hạn cao.

- Phối hợp thực hiện đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ việc đối chiếu, phân loại nợ định kỳ trong năm 2021 theo Quy chế phân loại nợ bàn hành kèm theo Quyết định số 976/QĐ-TTg ngày 01/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ khi có văn bản hướng dẫn thực hiện của NHCSXH Việt Nam.

- Đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền về tín dụng chính sách xã hội; tư vấn, hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn hiệu quả./.