Dịch COVID-19 tác động lớn đến việc làm, đời sống người lao động

Sáng 14-7, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Dự hội nghị có các đồng chí Uỷ viên BCH Trung ương Đảng: Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH; Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đại diện một số bộ, ngành Trung ương. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở LĐ-TB và XH và các ngành chức năng.

Đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch  UBND tỉnh chủ nghị hội nghị trực tuyến tại đầu cầu tỉnh ta
Đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ nghị hội nghị trực tuyến tại đầu cầu tỉnh ta.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, đặc biệt là lao động trong các khu công nghiệp. Trong tổng số 12,8 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch COVID-19, có 557 nghìn người bị mất việc làm, 4,1 triệu người tạm nghỉ sản xuất kinh doanh, 4,3 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc phải nghỉ giãn việc… chiếm 34,1% và 8,5 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 66,4%. Hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài gặp nhiều khó khăn do chính sách tiếp nhận lao động của một số nước. Một bộ phận người lao động đăng ký nhận BHXH một lần, tự rời khỏi hệ thống BHXH, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động và bảo đảm an sinh xã hội. Việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp khó đạt chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra và ảnh hưởng đến chỉ tiêu phân luồng giáo dục và đào tạo của Chính phủ. Chất lượng đào tạo nghề bị ảnh hưởng dẫn đến giảm tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm. Bên cạnh đó, đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn; các địa phương gặp khó khăn trong việc xây dựng kế hoạch, chương trình giảm nghèo năm 2021; vẫn còn tình trạng trẻ em bị tai nạn, thương tích. Tệ nạn xã hội vẫn diễn biến phức tạp. 

Hội nghị đã nghe quán triệt một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Do dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, 6 tháng cuối năm, Bộ LĐ-TB và XH xác định tiếp tục kiên định thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, vừa quyết liệt phòng chống dịch hiệu quả, vừa tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và người lao động; tinh thần chung là không điều chỉnh mục tiêu kế hoạch năm 2021. Chủ động, linh hoạt chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Kế hoạch hành động năm 2021 của ngành thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ. Tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: Chủ động và tích cực triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Có giải pháp để duy trì lực lượng lao động, bảo đảm sức khỏe cho người lao động, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Bảo đảm tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về lao động, người có công và xã hội. Tổ chức đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội đã ban hành, đặc biệt là chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, giảm nghèo, chăm sóc và trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, cứu trợ đột xuất. Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản và cho đối tượng yếu thế; bảo đảm từng bước nâng cao đời sống người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, nhất là trong khi thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19./.

baonamdinh.com.vn