Tiếp tục cải cách chính sách, thúc đẩy phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội
Ngày 24-12, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn ngành triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021. Đồng chí Vũ Đức Đam, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị; cùng dự có đại diện Văn phòng Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương. Tại điểm cầu tỉnh ta, đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các sở, ngành của tỉnh tham dự.
|
Đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Nam Định. |
Năm 2020, vượt qua những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 và thiên tai bão lũ liên tiếp xảy ra, ngành BHXH Việt Nam đã tập trung, quyết liệt thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu thu, thu nợ và phát triển người tham gia BHXH, BHYT.
Đến nay, số người tham gia BHXH ước đạt 16,101 triệu người, chiếm khoảng 32,6% so với lực lượng lao động trong độ tuổi (tăng 2,1% so với năm 2019), trong đó 15,033 triệu người tham gia BHXH, 1,068 triệu người tham gia BHXH tự nguyện; số người tham gia BHTN (bảo hiểm thất nghiệp) ước đạt 13,29 triệu người; số người tham gia BHYT ước đạt 87,93 triệu người. Tổng thu BHXH, BHTN, BHYT ước đạt 387,168 tỷ đồng đạt 100,75% kế hoạch; tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN khoảng 14,368 tỷ đồng.
Năm 2020 ngành BHXH đã giải quyết trên 133.300 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; trên 897 nghìn người hưởng trợ cấp 1 lần; trên 9,56 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ; Tổng số tiền chi trả chế độ BHXH là 230.134 tỷ đồng. Ngành BHXH phối hợp ngành LĐ-TB và XH giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho trên 1,006 triệu người với số tiền 16,157 tỷ đồng; thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho trên 167,220 triệu lượt người, BHXH Việt Nam hoàn thiện và đưa vào triển khai thành công ứng dụng BHXH trên nền tảng thiết bị di động “VssID- BHXH số” qua đó cung cấp các tiện ích tìm kiếm, tra cứu thông tin đóng, hưởng BHXH, BHYT; lịch sử thụ hưởng các chế độ, chính sách BHXH, BHYT…
Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, BHYT ở một số địa phương mang tính hình thức. Tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN còn khá phổ biến; việc xử lý đối với đơn vị, doanh nghiệp phá sản, giải thể... còn gặp nhiều khó khăn. Tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHTN, BHYT vẫn còn xảy ra ở một số địa phương...
Năm 2021, ngành BHXH tiếp tục cụ thể hoá các mục tiêu, đề án, nhiệm vụ để triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 125/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH. Triển khai thực hiện Nghị quyết 102/NQ-CP ngày 3-8-2018 của Chính phủ về việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH; Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 26-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các nhóm giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH. Phối hợp với các bộ, ban, ngành hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN. Kịp thời giao kế hoạch, dự toán chi, phát triển đối tượng BHXH, BHTN, BHYT năm 2021 khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Quản lý chặt chẽ đối tượng thụ hưởng, đổi mới phương pháp phục vụ, chi trả qua các tổ chức dịch vụ công. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, các phần mềm nghiệp vụ của ngành, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam biểu dương những kết quả của ngành BHXH Việt Nam, ghi nhận những nỗ lực, chuyển biến tích cực trên các mặt công tác của ngành BHXH. Đồng chí đề nghị BHXH Việt Nam cần tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan thúc đẩy phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT; có cơ chế linh hoạt xây dựng và thực thi chính sách, từng bước tiếp cận để người dân thấy rõ lợi ích của việc tham gia BHXH, BHYT, hướng tới mục tiêu hình thành thói quen tham gia BHXH. Tập trung tìm giải pháp giải quyết tình trạng doanh nghiệp nợ đóng BHXH. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường phối hợp chặt chẽ, xây dựng, liên thông cơ sở dữ liệu giữa các ngành y tế, lao động. Bởi, nếu thực hiện hiệu quả việc này, sẽ giúp tiết kiệm được nhiều nguồn lực đầu tư, chi phí quản lý, đem lại thuận lợi cho chính các đơn vị cũng như từng người dân./.
baonamdinh.com.vn