Tỉnh uỷ Nam Định ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2006-2010

Căn cứ Quyết định số 94/2006/QĐ-TTg ngày 27/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2006 - 2010; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ VII (nhiệm kỳ 2006 - 2010), ngày 01 tháng 12 năm 2006, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về Đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2006 - 2010, với những nhiệm vụ trọng tâm và một số giải pháp chủ yếu như sau:

http://Tỉnh uỷ Nam Định ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2006-2010

Tỉnh uỷ Nam Định ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2006-2010

I. Những nhiệm vụ trọng tâm

1. Cải cách thể chế:
- Tiếp tục hoàn thiện, bổ sung cơ chế chính sách của tỉnh về kinh tế, thu hút đầu tư để đạt được mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.
- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo đơn giản, công khai, thuận tiện cho công dân, tổ chức. Phấn đấu đến hết năm 2006 các Sở ban ngành thực hiện tốt cơ chế “một cửa” .
- Mở rộng các lĩnh vực thực hiện cơ chế “một cửa” (các huyện ít nhất là 6 lĩnh vực, thành phố Nam Định là 8 lĩnh vực) đồng thời nâng cao chất lượng và hiệu quả của cơ chế “một cửa”
- Thực hiện thí điểm cơ chế “một cửa” liên thông trong lĩnh vực đất đai.

2. Cải cách tổ chức bộ máy:
- Đẩy mạnh phân cấp quản lý giữa chính quyền các cấp, giữa ngành và cấp trong đó tập trung vào các lĩnh vực: quản lý quy hoạch, kế hoạch và đầu tư, quản lý về ngân sách, đất đai, các dịch vụ công, công tác tổ chức bộ máy cán bộ. Phân cấp quản lý cho thành phố Nam Định theo nhiệm vụ và quyền hạn của đô thị loại II. Phân cấp quản lý phải gắn chuyển giao nhiệm vụ với trách nhiệm, quyền hạn, có lộ trình phù hợp, bảo đảm nâng cao hiệu quả quản lý tạo điều kiện để cơ sở chủ động thực hiện tốt các nhivệm ụ được giao.
- Rà soát chức năng, nhiệm vụ của các ngành, các cấp để điều chỉnh, bổ sung những nhiệm vụ còn chồng chéo, bỏ sót theo nguyên tắc mỗi nhiệm vụ chỉ có một cơ quan chủ trì thực hiện. Đồng thời tách chức năng quản lý, điều hành sự nghiệp công ra khỏi các cơ quan hành chính nhà nước. Các cơ quan hành chính nhà nước phải thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước theo nhiệm vụ được giao.
- Xây dựng và quy định chức năng nhiệm vụ cho các Sở ban ngành còn lại và các phòng ban chuyên môn thuộc UBND huyện, thành phố.
- Sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, các phòng ban trực thuộc các sở, ban, ngành đảm bảo gọn nhẹ, hiệu quả, hiệu lực đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
- Tiếp tục sắp xếp lại các tổ chức sự nghiệp, đồng thời đẩy mạnh thựchiện xã hội hoá trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá – thông tin, thể dục thể thao. Thông qua liên doanh, liên kết để tổ chức các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập.
- Đến năm 2010, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đều áp dụng quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001: 2000.

3. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức:
a) Đổi mới công tác quản lý đội ngũ cán bộ, công chức:
- Điều tra phân loại đội ngũ cán bộ, công chức để làm cơ sở cho công tác quy hoạch , xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức.
- Xây dựng cơ cấu công chức cho các cơ quan quản lý nhà nước từ tỉnh tới huyện đảm bảo phù hợp với nhiệm vụ được giao.
- Nghiên cứu cải tiến nội dung và phương pháp thi tuyển công chức, viên chức.
- Thực hiện phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Pháp lệnh cán bộ, công chức.
b) Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức:
- Tiến hành đánh giá toàn diện về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, đặc biệt là việc quản lý và sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức sau đào tạo. Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch hàng năm, 5 năm về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo Quyết định số 40/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
- Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức (bao gồm cả cán bộ, công chức cấp xã) theo nội dung và chương trình phù hợp với từng chủng loại cán bộ, công chức. Chú trọng giáo dục phẩm chất, đạo đức, tác phong, văn hoá ứng xử cho đội ngũ cán bộ, công chức.Phấn đấu đến năm 2010 về cơ bản, đội ngũ cán bộ, công chức trong tỉnh được chuẩn hoá.
- Tăng cường cử cán bộ, công chức đi đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ nhất là sau đại học, trong đó chú trọng cử đi đào tạo sau đại học đối với các ngành kinh tế và các ngành khoa học - kỹ thuật.
c) Tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính. Thực hiện tốt chế độ thanh tra, kiểm tra công vụ ở các cấp theo quy định, kể cả chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

4. Cải cách tài chính công:
- Hoàn thiện các quy định về phân cấp nguồn thu ngân sách giữa các cấp ngân sách theo Luật ngân sách.
- Thực hiện phân cấp quản lý tài chính đến các đơn vị thụ hưởng ngân sách.
- Năm 2007 phải áp dụng cơ chế tài chính trong tất cả các cơ quan hành chính nhà nước theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17-10-2005 của Chính phủ và trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25-4-2006 của Chính phủ.
- Thực hiện chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập theo Nghị định số 53/2006/NĐ-CP ngày 25-5-2006 của Chính phủ.

II. Một số giải pháp chủ yếu

- Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp và nhân dân đối với công tác cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính.
- Thủ trưởng các ngành, Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm trước cấp ủy Đảng trong tổ chức thực hiện cải cách hành chính ở ngành mình, cấp mình. Các ngành, các cấp thường xuyên kiện toàn Ban chỉ đạo cải cách hành chính đồng thời, quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chỉ đạo cải cách hành chính trong công tác tham mưu đề xuất các biện pháp, giải pháp thực hiện cải cách hành chính.
- Cải cách hành chính phải được tiến hành đồng bộ với việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Đảng và cả hệ thống chính trị, mà trước hết là đổi mới phương pháp lãnh đạo của các cấp ủy Đảng.
- Thực hiện cải cách hành chính một cách mạnh mẽ và đồng bộ ở tất cả các lĩnh vực, các ngành, các cấp trong tỉnh.
- Thường xuyên sơ kết rút kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả công tác cỉa cách hành chính.
- Tăng cường công tác kiểm tra, có những biện pháp tích cực trong công tác chỉ đạo đối với công tác cải cách hành chính.
- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về cải cách hành chính theo Quyết định số 178/2003/QĐ-TTg ngày 03-9-2003 của Thủ tướng Chính phủ. 
                                                      
Ngô Đức Cường