Nam Định thời tiền sử

Cùng với quá trình biển lùi, các con sông chảy trên vùng đất cổ Nam Định chuyên chở phù sa từ thượng nguồn về lấp đầy các vụng biển. Vùng đồng bằng châu thổ dần hình thành, con người nguyên thuỷ cũng từ rừng sâu núi cao tiến xuống khai phá đồng bằng. Họ phá rừng lập làng trên những doi đất cao ở ven các triền sông. Nghề trồng lúa nước cũng ra đời từ đó.


 

Trên đất Nam Định, dấu tích con người ở thời kỳ này còn lưu lại ở các dãy núi thuộc huyện Vụ Bản và huyện Ý Yên nằm về phía tây bắc của tỉnh. Tại đây đã tìm thấy những chiếc rìu đá có vai mài lưỡi, các hòn nghè, chày đá và bàn nghiền. Đó là những dấu tích của những cư dân thuộc thời kỳ  đồ đá mới hoặc sơ kỳ đồ đồng đã từ vùng rừng núi tiến xuống khai phá vùng đồng bằng ven biển để sinh sống và dần dần tiến tới lập các làng xóm. Vào lúc cực thịnh của thời kỳ đồ đá, ở tỉnh Nam Định cũng như nhiều địa điểm khác trên đất nước, đã nở rộ những nền văn hoá nguyên thuỷ. Ngoài kinh tế hái lượm những sản phẩm sẵn có trong tự nhiên, người nguyên thuỷ trên đất Nam Định đã bắt đầu sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Tỉnh Nam Định nằm về phía nam đồng bằng châu thổ sông Hồng. Huyện Vụ Bản và các huyện Ý Yên, Mỹ Lộc, Nam Trực, thành phố Nam Định là các địa phương nằm về phía bắc tỉnh thuộc vùng đất cổ, đất đai tương đối ổn định và không màu mỡ bằng đất đai của các huyện phía nam. Địa hình huyện Vụ Bản không hoàn toàn bằng phẳng. Dọc phía tây huyện có dãy núi đất lẫn đá, chạy từ bắc xuống nam với sáu ngọn núi Ngăm, núi Tiên Hương, núi Báng, núi Lê, núi Gôi và núi Hổ.

Vụ Bản nằm kẹp giữa sông Đào và sông Sắt chạy dài theo hướng Bắc Nam. Sông Sắt còn gọi là sông Ba Sắt hay sông Kim Xuyên, nối liền giữa sông Châu với sông Đáy. Sông Đào ở phía đông của huyện, một đầu nối với Sông Hồng và cũng đổ ra sông Đáy. Ngoài ra trong các huyện còn có các con sông nhỏ là sông Vĩnh Giang và sông Cốc. Các con sông này đều là đường thuỷ quan trọng của huyện Vụ Bản nối liền giữa sông Đáy với sông Hồng ở nhiều ngả. Chính vì vậy, mảnh đất này được hình thành trong quá trình biển lùi từ hàng vạn năm về trước và do phù sa sông Hồng và sông Đáy bồi đắp nên.

Thành tựu khảo cổ học trong những năm gần đây đã chứng minh tất cả những quả núi ở huyện Vụ Bản đều có dấu vết con người nguyên thuỷ sinh sống. Họ ở trên các bãi rộng ven chân núi hoặc các gò đống cao, khi cần tránh bão lụt thì vào cư trú trong hang động. Họ sống thành từng cộng đồng, dần dần lập thành đơn vị tự cu giốnh như các bản làng gần nơi sản xuất

Núi Gôi thuộc địa phận xã Tam Thanh, cách núi của Kim Thái khoảng 2km. Đây là một qủa núi nằm đơn độc nổi lên giữa đồng bằng, có độ cao 60m và có chiều dài 500m theo chiều bắc – nam. Núi Gôi án ngữ đường 10 và đường 56. Cho đến nay, người ta vẫn còn lưu truyền câu cửa miệng “Côi Sơn hải khẩu” (Cửa biển núi Gôi). Tại đầu núi phía tây bắc trước đây có đền thờ Độc cước vị thần chuyên giúp dân đi biển được bình an. Tại chân núi đã tìm thấy một số rìu có vai, cuốc có vai và bôn tứ diện. Tất cả các công cụ này đều được mài nhẵn toàn thân, chế tác từ loại đá badan và đá trầm tích hạt mịn có vân vàng sẫm.

Các công cụ này chuôi đều ngắn, thân dài hình chữ nhật, vai gần ngang, có chiếc hai vai bị lệch. Đây là loại hình phổ biến trong các di tích thuộc giai đoạn cuối đá mới và buổi đầu kim khí ở ven biển phía bắc Việt Nam.

Hiện nay, ở núi Gôi chưa tìm thấy dấu vết tầng văn hoá, nhưng căn cứ vào vị trí phát hiện các di vật đá có thể đoán định tầng văn hoá sẽ nằm ở phía tây núi Gôi, nơi đã bị phá do quá trình khai thác đá và cát trong nhiều năm vừa qua.

Qua điều tra khảo cổ học trong tháng 7 – 2001 ở núi Ngô Xá và núi Phương Nhi, bước đầu đã phát hiện được một số di vật đá mới. Tại đây, đã tìm thấy một chiếc rìu còn nguyên vẹn hình thang có hai vai vuông nhưng không cân đối. Rìu được làm từ loại đã mịn màu gan gà, mài nhẵn toàn thân, chưa xoá hết dấu vết ghè đẽo. Đây là chiếc rìu khá hoàn thiện từ chất liệu cũng như kỹ thuật chế tác. Trên đỉnh núi Phương Nhi cũng đã tìm thấy một chiếc rùi đá hình thang cân, làm bằng đá màu xám mốc, mài nhẵn toàn thân, lưỡi bị mẻ.

Trong tất cả các di chỉ văn hoá nằm rải rác tại các quả núi ở huyện Vụ Bản đều phát hiện được nhiều đồ gốm làm bằng bàn xoay. Đó là những thứ đồ dùng hàng ngày như nồi, niêu, vò, hũ, bát và những đồ đựng khác. Trên nhiều đồ gốm đã có trang trí hoa văn. Người xưa đã biết buộc dây vào chiếc bàn dập rồi dập lên gốm khi đất còn ướt hoặc dùng que nhọn vạch lên đồ gốm những hình trang trí mà ta thường gặp ở phần vai hay phần cỏ của đồ đựng gạch. Trong kỹ thuật, người ta pha nhiều cát thô vào đất sét để làm gốm. Những loại gốm này có loại xốp và có loại chắc.

Có một hiện tượng lạ là mặc dù vào thời kỳ đó, vùng này nằm gần biển, nhưng chưa hề phát hiện được một đống vỏ sò, vỏ hến nào. Đây là điểm khác biệt với các cư dân ven biển ở các nơi khác.

Như vậy là vào cuối thời đại đá mới khoảng 5000 – 6000 năm cách ngày nay, cùng với phần lớn các bộ lạc nguyên thuỷ trên đất nước ta, cư dân cổ trên đất Nam Định đã tiến đến giai đoạn nông nghiệp trồng lúa nước. Khi phù sa các con sông dần lấp đầy vụng biển, vùng châu thổ hình thành thì con người từ rừng sâu, núi cao ở phía Bắc, từ vùng hải đảo phía đông và ven biển phía nam chuyển tới khai phá đất đai, lập nên làng xóm trên những doi đất ven sông, ven biển. Với sự phát triển của nông nghiệp dùng cuốc, chủ nhân các di chỉ văn hoá trên vùng đất cổ thuộc Vụ Bản, Ý Yên đã cùng với cư dân trên nhiều vùng văn hoá khác của châu thổ sông Hồng bước vào một thời kỳ lịch sử mới./.