Huyện Ý Yên

Huyện có diện tích tự nhiên 241,23 km2, dân số (theo thống kê năm 2013) là 228100 người. Địa giới hành chính gồm 1 thị trấn và 31 xã: Thị trấn Lâm và các xã Yên Thọ, Yên Thành, Yên Trung, Yên Nghĩa, Yên Phương, Yên Tân, Yên Chính, Yên Phú, Yên Hưng, Yên Phong, Yên Bình, Yên Minh, Yên Dương, Yên Xá, Yên Hồng, Yên Quang, Yên Tiến, Yên Bằng, Yên Thắng, Yên Cường, Yên Đồng, Yên Mỹ, Yên Lợi, Yên Khánh, Yên Ninh, Yên Khang, Yên Lộc, Yên Phúc, Yên Trị, Yên Nhân, Yên Lương. Ý Yên nằm giữa hai trung tâm kinh tế chính trị của tỉnh Nam Định và Ninh Bình; Huyện có tuyến đường cao tốc, quốc lộ 10, đường sắt xuyên Việt đi qua… Ý Yên hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để thông thương và thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.

Lịch sử: Mảnh đất Ý Yên ngày xưa là phần đất quan trọng thuộc phủ Ứng Phong vào thế kỷ XII-XIII; Ý Yên khi đó được coi là khu vực phụ cận của Cố đô Hoa Lư, đồng thời nằm trên đường thiên lý từ Hoa Lư ra Thăng Long nên được các vua Lý, Trần quan tâm phát triển nông nghiệp và xây dựng thành trung tâm Phật giáo. Thời Lý, trung tâm tôn giáo Chương Sơn với tháp Vạn Phong Thành Thiện trên núi Ngô Xá ( Yên Lợi) được xây dựng với quy mô to lớn vào bậc nhất nhì thời đó. Đời Trần, Hoàng đế Trần Nhân Tông- đệ nhất thiền phái Trúc Lâm- đã cho dựng chùa Linh Quang, còn gọi là chùa trăm gian, tại xã Yên Khánh. Cũng vào thời Trần, cuối thế kỷ XIV, chùa Đô Quan, xã Yên Khang được xây dựng, chứng tích còn lại là bệ đá hình hộp hoa sen ở bái đường, một tác phẩm nghệ thuật tôn giáo đẹp và nguyên vẹn.

Ý Yên là huyện giàu truyền thống cách mạng. Năm 1927, tại Ý Yên đã có chi bộ hội Việt Nam cách mạng thanh niên., đồng chí Tống Văn Trân người con yêu nước tiêu biểu của Ý Yên và là một trong những người đảng viên đầu tiên của quê hương Ý Yên; Chi bộ cộng sản đầu tiên của huyện được thành lập tại thôn Tiêu Bảng - xã Yên Trung Tháng 9 năm 1929. Trải qua bao năm đấu tranh anh dũng, kiên cường kể từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ Ý Yên đã lãnh đạo nhân dân trong huyện giành chính quyền và xây dựng cuộc sống mới trên quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Vượt qua bao khó khăn, gian khổ, mất mát, hy sinh, với tất cả tinh thần, nghị lực và nhiệt tình cách mạng Đảng bộ và nhân dân Ý Yên đã lập nhiều thành tích trong chiến đấu và xây dựng, góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của dân tộc. Với những thành tích xuất sắc đó cho đến nay đã có 17/32 xã thị trấn được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Vinh dự cao quý này là nguồn cổ vũ, tiếp thêm sức mạnh để Đảng bộ và nhân dân Ý Yên không ngừng phấn đấu vươn lên, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trên quê hương Ý Yên yêu dấu.

Đặc điểm mảnh đất Ý Yên: Là vùng đất hình thành sớm trong vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, Ý Yên nằm ở vùng đất trũng hơn cả, địa hình không đồng đều (một số núi đất sót lại: núi Phượng Hoàng, Bảo Đài…) nên sản xuất nông nghiệp gặp những khó khăn nhất định. Ý Yên có nhiều làng nghề truyền thống qua hàng chục thế kỷ, nổi tiếng như: đúc đồng Tống Xá, mộc La Xuyên, sơn mài Cát Đằng… Sự tài hoa của bàn tay, khối óc nghệ nhân Ý Yên kết tinh lại trong các tác phẩm, công trình tôn giáo tín ngưỡng như đình Ruối, đình Cát Đằng, đình La Xuyên… Ý Yên còn là nơi tiềm ẩn kho tàng văn hoá dân gian phong phú. Làng chèo cổ Yên Nhân với những làn điệu cất lên từ vùng quê “đồng trắng, nước trong” ca ngợi quê hương, tình làng nghĩa xóm đã có tác động không nhỏ trong đời sống cộng đồng cho tới tận ngày nay. Ý Yên là đất học, đất văn, quê hương của 38 Tiến sỹ, Hoàng giáp, Phó bảng…..tiêu biểu như tiến sỹ Khiếu Năng Tĩnh…,148 người có học hàm, học vị…..39 người là nhà văn, nhà thơ, nghệ sỹ nhân dân, nghệ sỹ ưu tú….

Một số điểm tham quan du lịch: Làng nghề đúc đồng Tống Xá (xã Yên Xá), làng chạm khắc gỗ Ninh Xá, La Xuyên(xã Yên Ninh), Làng nghề sơn mài Cát Đằng  (xã Yên Tiến); đền Ninh Xá (xã Yên Ninh), đình Cát Đằng (xã Yên Tiến), đình La Xuyên (xã Yên Ninh), đình Ruối (xã Yên Nghĩa), đình chùa Đô Quan (xã Yên Khang); phủ Quảng Cung (xã Yên Đồng), Cây Dã Hương trên 500 năm tuổi ( xã Yên Nhân); Đền thờ Liệt sỹ (tại trung tâm huyện)…

Một số lễ hội tiêu biểu: hội làng Tống Xá (xã Yên Xá), hội đền vua Đinh (thôn Dương Hồi, xã Yên Thắng), Lễ hội Đình ruối ( Yên Nghĩa), Lễ hội đền Độc bộ (xã Yên Nhân)… Hội chợ xuân Yên Thọ ( ngày mùng 9 tết nguyên đán); Hội chợ xuân Yên Thắng ( ngày mùng 10 tết nguyên đán)

Hàng lưu niệm: đồ đồng (tranh đồng, tượng đồng, con giống, đồ thờ…), đồ gỗ mỹ nghệ (trạm khắc…), tranh sơn mài, các sản phẩm từ nứa chắp, băng giang, thêu ren, nón lá, đồ may mặc…

Một số thành tựu đến năm 2015:

Sản lượng lương thực hàng năm đạt từ 145.000 tấn trở lên. Trong 11 xã, thị trấn xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015 đã có 7 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014; đồng thời chỉ đạo 21 xã còn lại xây dựng Đề án và triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015 - 2020.

Đến nay, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch và hợp vệ sinh đạt 87,5%.

Năm 2014, giá trị sản xuất nông nghiệp (giá so sánh 2010) đạt 2.562,1 tỷ đồng, tăng 16,8% so với năm 2010; GTSX tăng bình quân 3,2%/năm; Giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân/ha canh tác đạt 93,7 triệu đồng; Lao động nông nghiệp còn 72,5%, giảm 2,8% so với năm 2010.

Đến nay có 03 cụm công nghiệp tập trung, hầu hết các xã đều quy hoạch, nhiều xã đã xây dựng được điểm công nghiệp. Phát triển thêm các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hiện nay toàn huyện có 4.650 cơ sở sản xuất công nghiệp - TTCN với 441 doanh nghiệp. Đến nay, toàn bộ hệ thống đường Quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ, đường liên xã đã được trải nhựa; 564 km đường giao thông thôn, xóm được bê tông hóa; 135 km đường nội đồng được cứng hóa.

Tổng GTSX công nghiệp, xây dựng năm 2014 (giá so sánh 2010) đạt 5.532,3 tỷ đồng, năm 2015 ước đạt 6.817 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 23,5%/năm. Tỷ lệ lao động công nghiệp, TTCN, xây dựng chiếm 19%, tăng 2,7% so với năm 2010.

Giá trị sản xuất dịch vụ (giá so sánh 2010) năm 2014 đạt 1.170,4 tỷ đồng, năm 2015 ước đạt 1.323 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2010. Tốc độ tăng trưởng bình quân 14,2%/năm. Lao động dịch vụ chiếm 8,7%, tăng 0,1% so với năm 2010. Giá trị xuất khẩu hàng hóa năm 2015 ước đạt 6,5 triệu USD.

Năm 2015 tổng thu ngân sách ước đạt 126,87 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân đạt 15,8%/năm. Toàn huyện có 72 trường đạt chuẩn quốc gia.

         Các di tích lịch sử văn hóa được gìn giữ, trùng tu, tôn tạo. Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Có 55.389/71.583 gia đình được công nhận gia đình văn hóa, đạt 77,4%; 86 khu dân cư đạt “KDC 5 không” và 227 khu dân cư đạt “KDC 4 không”; 100% số cơ quan; 30/32 trạm y tế; 99/121 trường học được công nhận là cơ quan, đơn vị có nếp sống văn hóa.

           Trên địa bàn có 03 công ty viễn thông, 69 trạm thu phát sóng, bưu điện huyện đảm nhận thêm việc chi trả bảo hiểm xã hội bảo đảm đầy đủ, chính xác, kịp thời, đáp ứng tốt nhu cầu thông tin liên lạc phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo và nhu cầu thông tin của nhân dân.

Tỷ suất sinh hàng năm đã giảm được 0,2%0. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên năm 2014 là 0,95%, năm 2015 dự kiến còn 0,9%.

Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế năm 2014 đạt 64%, tăng 18% so với năm 2010.

Thực hiện tốt chương trình giảm nghèo với nhiều giải pháp tích cực. Năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,78%, dự kiến năm 2015 còn 3,55%.