Nam Định trong thời kỳ cùng cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội (1975 - 2000)

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, cùng với cả nước, nhân dân Nam Định phấn khởi, hân hoan chào mừng ngày toàn thắng. Khí thế cách mạng dâng cao, khắp nơi nô nức thi đua lao động sản xuất và công tác.


 

GIAI ĐOẠN TỪ 1975 ĐẾN 1980

Thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ hai

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, cùng với cả nước, nhân dân Nam Định phấn khởi, hân hoan chào mừng ngày toàn thắng. Khí thế cách mạng dâng cao, khắp nơi nô nức thi đua lao động sản xuất và công tác.
Từ ngày 28-10-1975, hai tỉnh Nam Hà và Ninh Bình được sáp nhập thành tỉnh Hà Nam Ninh.

Nhằm tập trung sức mạnh của toàn dân phấn đấu giành thắng lợi từng bước trên tất cả các mặt trận sản xuất, từ ngày 3-2-1976 đến 31-12-1978 toàn tỉnh dấy lên phong trào thi đua quyết tâm thực hiện vượt mức kế hoạch. Trong các hợp tác xã nông nghiệp có phong trào Học tập và làm theo Hợp tác xã Hải Quang. Ngành công nghiệp tiếp tục phát động phong trào giành ba điểm cao. Đoàn Thanh niên phát động phong trào chăn nuôi và cấy trồng giống mới. Hội Phụ nữ nêu khẩu hiệu thi đua giỏi việc nước, đảm việc nhà, quyết tâm làm tròn công việc gia đình và xã hội.

Nhờ tập trung chỉ đạo của tỉnh và nỗ lực của toàn dân, diện tích gieo trồng và sản lượng nông sản đều tăng. Chăn nuôi có bước phát triển tương đối khá ở cả lĩnh vực tập thể, quốc doanh và gia đình. Trong công nghiệp, mối quan hệ hợp tác sản xuất giữa các ngành và các xí nghiệp, đội ngũ cán bộ, công nhân lành nghề cũng được tăng cường. Giá trị sản lượng toàn ngành bình quân 5 năm (1976 – 1980), tăng 57.2% so với 5 năm trước. Ngành tiểu thủ công nghiệp được mở rộng. Trong những năm 1976 – 1980, giá trị hàng xuất khẩu bình quân tăng 99,3% so với bình quân 5 năm trước.

Về giao thông, tỉnh có nhiều cố gắng tu bổ, phục hồi và làm mới trên 200km mặt đường, 49 cầu các loại. Các hoạt động tài chính, ngân hàng giá cả … tích cực phục vụ sản xuất và góp phần tăng cường quản lý kinh tế địa phương. Giá trị tài sản cố định trong 5 năm đã tăng thêm 350 triệu đồng.

Sự nghiệp giáo dục phát triển cả số lượng và chất lượng. Truyền thống dạy tốt, học tốt vẫn được duy trì. Hoạt động văn hoá thông tin, y tế được mở rộng tới cơ sở. Mạng lưới truyền thanh được tiếp âm từ tỉnh đến huyện và cơ sở. Việc chăm sóc sức khoẻ nhân dân có nhiều tiến bộ.

Góp phần bảo vệ biên giới và chủ quyền lãnh thổ

Giữa lúc nhân dân trong tỉnh đang hăng hái lao động sản xuất, phấn đấu hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ hai thì chiến tranh biên giới xảy ra, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của nhân dân toàn tỉnh.

Khi chiến tranh biên giới xảy ra, trong khí thế sục sôi của cả nước, tỉnh đã kịp thời điều động hai trung đoàn bộ đội địa phương lên biên giới phía Bắc tham gia chiến đấu. Hàng vạn thanh niên viết đơn tình nguyện ra mặt trận.

Công tác an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đã có bước chuyển biến tích cực. Lực lượng công an nhân dân luôn tăng cường giáo dục ý thức cảnh giác cách mạng, sẵn sàng đập tan âm mưu của bọn phản động.

Bộ máy chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, kiện toàn. Từng bước thực hiện phân cấp quản lý kinh tế, xã hội cho cấp huyện, tạo điều kiện cho các ban ngành, ngành trong khối chính quyền phát huy năng lực hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn của mình.

TỪNG BƯỚC THÁO GỠ KHÓ KHĂN, PHÁT TRIỂN KINH TẾ (1981 - 1985)

Trong 5 năm xây dựng kinh tế theo hướng sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, bên cạnh những kết quả đạt được, cơ chế quản lý kinh tế quan liêu, bao cấp đã bộc lộ ngày một rõ hơn những yếu kém trầm trọng. Mặt khác, lại bị chiến tranh biên giới và thiên tai (mưa lũ năm 1978, bão năm 1980) chi phối, nên từ năm 1979 đến năm 1980, sản xuất và đời sống nhân dân trong tỉnh có chiều hướng đi xuống. Tổng sản lượng lương thực năm 1979 so với năm 1976 giảm 20 vạn tấn, lương thực bình quân đầu người năm 1980 chỉ còn 229 kg (so với 337 kg/người năm 1976). Đó chính là những tín hiệu đầu tiên của cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội kéo dài tới cuối nhũng năm 80 của thế kỷ XX.

Thực hiện Thông báo số 22 ngày 21-10-1980 của Ban Bí thư trung ương Đảng, tỉnh chỉ đạo các địa phương làm thử khoán sản phẩm đối với cây lúa. Đến tháng 1-1981, trong tổng số 564 HTX nông nghiệp toàn tỉnh có 116 HTX thực hiện khoán 100% diện tích, 184 HTX khoán một phần diện tích đối với cây lúa. Đặc biệt, sau khi có Chỉ thị 100 CT/TW ngày 13-1-1981 về cải tiến công tác khoán, Tỉnh uỷ kịp thời có Nghị quyết 12, ngày 21-1-1981 nhằm quán triệt và chỉ đạo thực hiện khoán sản phẩm trong tỉnh. Đến hết quý I năm 1981, toàn tỉnh đã cơ bản thực hiện xong việc khoán sản phẩm cây lúa đến người lao động, đồng thời tiến tới khoán sản phẩm cây màu và một số ngành nghề.

  Mặc dù vẫn chưa thoát được ra khỏi khủng khoảng, nhưng từ năm 1981 đến năm 1985, tình hình kinh tế - xã hội có nhiều biến chuyển khả quan. Tổng sản lượng thóc bình quân mỗi năm 80,8 vạn tấn, tăng 21%, bình quân lương thực sản xuất theo đầu người đạt 305kg tăng 6% so với năm 1981-1982. Đối với việc trồng cây công nghiệp, sau mấy năm bị giảm, đến năm 1982 đã được phục hồi. Năm 1985 diện tích tăng 11,8%, sản lượng lạc tăng 80,6%, đay tăng 35,6%… Đến năm 1985, các trại chăn nuôi của HTX bị giải thể hoàn toàn. Song, chăn nuôi gia đình lại phát triển mạnh cả số lượng và chất lượng. Việc nuôi trồng, khai thác thuỷ sản cũng được quan tâm hơn. Một số vùng ven biển đã nuôi tôm và khai thác tôm xuất khẩu.

Trong khi sản xuất nông nghiệp có bước phát triển mới thì sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp lâm vào tình trạng khan hiếm vật tư, năng lượng, nguyên liệu… trầm trọng. Các đơn vị sản xuất phải tự cân đối kế hoạch để đảm bảo sản xuất. Đời sống công nhân viên chức gặp nhiều khó khăn. Là một trung tâm công nghiệp, tình trạng trên đây có thể coi là dấu hiệu rõ nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội ở Nam Định.

Để tháo gỡ khó khăn, tỉnh rất chú trọng công tác xuất, nhập khẩu. Nguồn hàng xuất khẩu chủ yếu là nông sản với các mặt hàng chủ lực là: lạc, cói, đay… Nhờ thu được ngoại tệ, hàng năm tỉnh đã nhập về một số vật tư, hàng hoá cần thiết như phân đạm, lân, ximăng, sợi nhựa PVC… phục vụ sản xuất và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.

Diễn biến của lĩnh vực phân phối lưu thông trong 5 năm (1981-1985) hết sức phức tạp, cung - cầu mất cân đối nghiêm trọng, hàng hoá khan hiếm, giá cả biến động vượt khỏi sự kiểm soát của các cơ quan quản lý. Sau cuộc đổi tiền ngày 14-9-1985, tốc độ lạm phát lại gia tăng, giá cả leo thang hàng ngày, chế độ phân phối thu nhập bằng hiện vật không còn phù hợp, làm cho đời sống của cán bộ, công nhân hưởng lương gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù vậy nhân dân trong tỉnh luôn luôn làm tròn các nghĩa vụ được giao.

Về giáo dục – đào tạo, tín đến năm 1985, toàn tỉnh đã hoàn thành phổ cập văn hoá cấp II cho cán bộ chủ chốt xã. Về Y tế, từ năm 1981 – 1985, ngành y tế của tỉnh được nhận cờ luân lưu của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Các hoạt động văn hoá, thông tin, văn học, nghệ thuật, phát thanh, truyền thanh, sáng tác, xuất bản, báo chí đã có bước tiến bộ, hướng về cơ sở, phục vục cơ sở.

Thời gian từ năm 1981 – 1985, là thời kỳ khá đặc biệt trong lịch sử của đất nước nói chung cũng như của địa phương nói riêng. Đây là thời kỳ khủng hoảng kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các ngành sản xuất đều suy giảm. Cơ chế quản lý kinh tế tập trung, quan liêu bao cấp, hành chính mệnh lệnh đã làm suy kiệt năng lực sáng tạo, triệt tiêu các nguồn lực kinh tế - xã hội. Chính tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội đã tạo cơ sở cho việc hình thành đường lối đổi mới của Đảng.

THỰC HIỆN ĐƯỜNG LỐI ĐỔI MỚI

Bước đầu thực hiện đường lối đổi mới (1986-1991)

Bước vào công cuộc đổi mới, tình hình chung ở tỉnh có nhiều khó khăn, phức tạp. Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV, mục tiêu chủ yếu trong kế hoạch 5 năm 1986 – 1990 của tỉnh được xác định từng bước ổn định tình hình kinh tế - xã hội, trên cơ sở đó phát triển sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm trong công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, hàng hoá xuất khẩu.

Bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm (1986-1990) trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị Về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp (10-1988), cơ chế quản lý trong nông nghiệp và tình hình nông thôn có bước chuyển biến rõ. Nhờ phát triển kinh tế nông nghiệp một cách đồng đều nên địa phương không những giải quyết được cơ bản vấn đề lương thực đủ ăn mà nhiều hộ nông dân đã có lương thực dự trữ. Đời sống nhân dân bước đầu được ổn định. Nhiều gia đình ở các huyện Nghĩa Hưng, Xuân Thuỷ đã nhận đấu thầu các vùng khai thác tôm, nuôi cua biển, trồng rau câu xuất khẩu đạt hiệu quả kinh tế cao.

 
 

Sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trong quá trình chuyển đổi cơ chế bao cấp sang hạch toán kinh doanh có nhiều khó khăn bỡ ngỡ, nhưng đã có sự chuyển biến mới. Một số mặt hàng mới như đay xe, tôm và thịt đông lạnh xuất khẩu, may mặc, điện tử … chiếm lĩnh thị trường, từng bước làm thay đổi mặt hàng công nghiệp quốc doanh địa phương. Trong 5 năm 1986-1990, giá trị công nghiệp địa phương tăng bình quân 1,4% năm. Riêng năm 1990 tăng 7,2% so với năm 1985.

Nhìn chung, thời kỳ này công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp chưa tạo được hướng đi cụ thể và có phần sa sút nghiêm trọng, sản xuất chủ yếu là gia công. Đây chính là hậu quả nặng nề nhất của cơ chế quản lý kinh tế cũ, làm cho Nam Định mất dần thế mạnh truyền thống với tư cách là một trung tâm công nghiệp – thương mại lớn của cả nước.

Thương nghiệp tư nhân dần phát triển, chiếm lĩnh phần lớn khâu bán lẻ, một phần bán buôn. Điều đáng lưu ý là thương nghiệp ngoài quốc doanh trong xu thế “bung ra” đã có những hoạt động tiêu cực, phi pháp như sản xuất và tiêu thụ hàng giả, buôn lậu.

Hoạt động tài chính, ngân hàng bước đầu đã chuyển theo cơ chế mới, cố gắng tạo thêm nguồn thu cho ngân sách và huy động các nguồn vốn, nhất là vốn tiết kiệm trong dân cư. Đầu tư xây dựng cơ bản được điều chỉnh theo hướng tập trung cho 3 chương trình kinh tế, chú trọng những công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp, xây dựng các trạm bơm và đầu tư thiết bị cho hệ thống các trạm bơm lớn. Hệ thống thuỷ nông từng bước được hoàn thiện, mạng lưới điện được mở rộng, xây dựng mới các xí nghiệp tôm, thịt đông lạnh; xe đay, may mặc… đồng thời bước đầu dầu tư củng cố xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông. Ngành thông tin bưu điện với phương châm “trung ương và địa phương cùng làm” đã tranh thủ được sự hỗ trợ của Tổng cục Bưu điện, thay thế và trang bị mới các thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng thông tin liên lạc.

 Sự nghiệp giáo dục – đào tạo có cố gắng lớn, duy trì và phát triển các ngành học, cấp học, chú ý chất lượng giáo dục. Nam Định là một trong bốn tỉnh được công nhận phổ cập giáo dục tiểu học và là đơn vị tiên tiến xuất sắc của ngành giáo dục toàn quốc.

Về y tế, đã triển khai các chương trình chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, dịch vụ y tế phát triển, cải thiện một bước điều kiện khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Hai năm 1991-1992, thực hiện Chỉ thị 11 của Ban Bí thư trung ương Đảng (khoá VI) và Nghị định 46 của Chính phủ, bộ máy hành chính sự nghiệp trong tỉnh được sắp xếp lại theo hướng gọn nhẹ, giảm trung gian.

Những thành tựu bước đầu thực hiện đường lối đổi mới đã đem lại sự khởi sắc mới trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội ở địa phương. Cơ cấu kinh tế và cơ cấu đầu tư có sự chuyển biến theo hướng tập trung vào ba chương trình kinh tế, đã thu được kết quả. Đây là những tiền đề hết sức quan trọng tạo đà cho nhân dân trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội trong giai đoạn 1992-1996.

Phát huy thắng lợi bước đầu, hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội (1992-1996).

Theo Nghị quyết kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá VIII, tỉnh Hà Nam Ninh, được tách thành hai tỉnh Nam Hà và Ninh Bình từ ngày 1-4-1992. Nam Định nằm trong tỉnh Nam Hà.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được và quyết tâm đẩy mạnh công cuộc đổi mới, năm 1992, UBND Tỉnh đã ra Quyết định số 115-QĐ/UB thực hiện giao quyền sử dụng ruộng đất lâu dài cho nông dân. Công tác thuỷ lợi được đặc biệt coi trọng, tăng cường xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho nông nghiệp, nông thôn. Đảng bộ, chính quyền các cấp, cũng đặc biệt coi trọng chỉ đạo đưa tiến bộ khoa học mới các khâu trọng yếu nhằm tạo ra năng suất cao. Do đó, sản xuất lúa của tỉnh đã từng bước tiếp cận thị trường và trở thành sản phẩm hàng hoá, không những đáp ứng nhu cầu địa phương mà còn trở thành nguồn hàng xuất khẩu.

Thời kỳ này, chăn nuôi cũng chuyển mạnh sang hướng sản xuất hàng hoá với giống ngoại và chăn nuôi kết hợp theo phương pháp truyền thống từng bước mở rộng trong dân. Nghề nuôi trồng, đánh bắt thuỷ hải sản, nuôi tôm, cá nước ngọt và nước lợ được mở rộng. Nghề là muối cũng được duy trì và phát triển, có năm sản lượng đạt tới 100.000 tấn.

Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp sau khi tổ chức sắp xếp lại bước đầu đã vượt qua khó khăn. Từ năm 1993, sản xuất đã tăng dần. Giá trị tổng sản lượng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp bình quân năm 1991-1995 tăng 5%, đã có 18 trong số 19 ngành công nghiệp có mức sản xuất khá, sản phẩm chủ yếu tăng trên 70%. Bước đầu, hình thành những khu vực kinh tế trọng điểm, từng bước đổi mới thiết bị công nghệ dệt may… Những kết quả trên tuy mới là bước đầu nhưng đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong những năm tiếp theo trên địa bàn tỉnh.

Cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, tỉnh đã khai thác và huy động các nguồn vốn để tập trung cho xây dựng, đổi mới máy móc trang thiết bị kỹ thuật, ưu tiên đầu tư cho thuỷ lợi, các công trình công nghiệp, công trình phúc lợi xã hội. Tỉnh mở rộng mạng lưới điện 110 và 220KV. Hệ thống bưu chính, viễn thông, mạng lưới điện thoại phát triển rộng khắp.

Công tác xuất khẩu có đà phát triển mới, giá trị xuất khẩu tăng từ ba đến sáu lần. Lĩnh vực quản lý tài chính, ngân hàng từng bước được đổi mới. Thương nghiệp quốc doanh từng bước được tổ chức sắp xếp lại, vẫn giữ vai trò chi phối thị trường với các mặt hàng thiết yếu. Các hình thức thương nghiệp tư nhân phát triển mạnh.

Nền kinh tế nhiều thành phần hình thành và phát triển ở địa phương. Trên cơ sở nền kinh tế địa phương có mức tăng trưởng khá, đời sống của nhân dân ổn định và nhiều mặt được cải thiện. Các chính sách xã hội, nhất là chính sách đối với người có công với cách mạng được thực hiện tốt. Sự nghiệp giáo dục – đào tạo có bước phát triển mới cả về quy mô, chất lượng, giữ vững và phát huy được truyền thống hiếu học, dạy tốt, học tốt.

 
 

Các chương trình chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, thanh toán các bệnh phong, lao, mắt hột được thực hiện, đã sản xuất một số lượng lớn thuốc phòng, chữa bệnh cho nhân dân trong tỉnh. Các hoạt động văn hoá, thể thao, văn học, nghệ thuật, báo chí, phát thanh truyền hình đổi mới nội dung và phương thức hoạt động. Công tác quốc phòng, an ninh được các cấp uỷ đảng, chính quyền chú trọng, thường xuyên giáo dục nâng cao ý thức quốc phòng cho các cấp, các ngành và toàn dân.

Bốn năm tiếp tục xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội theo đường lối đổi mới của Đảng, tuy thuận lợi là cơ bản nhưng cũng bộc lộ nhiều khó khăn yếu kém. Tiềm năng của tỉnh chưa được khơi dậy, tính năng động chưa cao, tình hình kinh tế nhìn chung phát triển chậm, tốc độ tăng trưởng GDP của tỉnh chậm và chưa ổn định. Tuy nhiên, nhìn chung tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đang có bước chuyển động. Những thành tựu đạt được trong bốn năm (1992-1996) đã tạo ra thế và lực để quân dân toàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp cách mạng trong những năm cuối cùng của thế kỷ XX.

Tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới, phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá (1997-2000).

Theo Nghị quyết kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá X, Nam Hà tách thành hai tỉnh Nam Định và Hà Nam. Sau 32 năm phát triển với tư cách là một bộ phận trong cơ cấu tỉnh hợp nhất, ngày 1-1-1997, Nam Định được tái lập là một sự kiện quan trọng trong tiến trình phát triển của tỉnh.

Thực hiện phương hướng, mục tiêu nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XV Đảng bộ Tỉnh, toàn tỉnh đã tập trung phấn đấu, cố gắng đến mức cao nhất để phát triển kinh tế - xã hội.

Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đổi mới quản lý hợp tác xã nông nghiệp trở thành một nhiệm vụ cấp bách nhằm đảm bảo yêu cầu HTX là chủ thể kinh tế ở nông thôn, hộ xã viên tự chủ trong sản xuất; đồng thời tách chức năng sản xuất - kinh doanh với quản lý nhà nước ở nông thôn, giữa HTX nông nghiệp và Uỷ ban nhân dân xã.

Bước vào thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại đại hoá nông nghiệp, nông thôn, tỉnh xác định mục tiêu trọng điểm để đầu tư đẩy mạnh hơn nữa việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tăng cường đầu tư cho thuỷ lợi, thực hiện kiên cố hoá kênh mương và cấp I hoá giống lúa, chuyển đổi mạnh cơ cấu mùa vụ…nhằm thúc đẩy sản xuất một cách cơ bản, vững chắc hơn. Với những nỗ lực chỉ đạo của các cấp tỉnh, huyện và sự cố gắng vượt bậc của nông dân lao động, từ năm 1997 đến năm 200, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã vươn lên giành kết quả toàn diện. Sản xuất lương thực luôn đạt những đỉnh cao mới về năng suất và tổng sản lượng, năm sau lại phá kỷ lục của năm trước. Nam Định trở thành một trong những tỉnh có năng suất lúa vụ chiêm xuân đứng đầu cả nước. Cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp từng bước được chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá, tăng giá trị sản phẩm. Cùng với sản xuất lương thực, chăn nuôi tiếp tục phát triển tạo ra sản phẩm hàng hoá như tập trung nuôi lợn nái, lợn siêu nạc và chăn nuôi gia cầm có qui mô lớn theo mô hình VAC. Giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân trên 1 ha canh tác đạt khoảng 28 triệu đồng. đời sống nông dân có bước cải thiện rõ. Đây là một trong những thành tựu kinh tế nổi bật của Nam Định từ sau khi tái lập tỉnh.

 
 

Phát triển kinh tế vùng biển là một trong ba mục tiêu phát triển kinh tế theo vùng của tỉnh. Tỉnh có đề án phát triển kinh tế vùng biển toàn diện trên các lĩnh vực nuôi trồng, đánh bắt xa bờ, chế biến hải sản, phát triển du lịch, dịch vụ biển…Tuy mới là những kết quả ban đầu, nhưng trên thực tế, kinh tế biển đã được khẳn định và đang mở ra một hướng mới về phát triển kinh tế của Nam Định trong những năm tới.

Từ khi có qui hoạch định hướng phát triển, ngành du lịch, dịch vụ vùng biển đã khởi sắc. Cơ sở hạ tầng ở hai khu nghỉ mát Hải Thịnh và Quất Lâm được đầu tư nâng cấp, tạo điều kiện thu hút được khách trong và ngoài tỉnh. Đây là một trong những tiền đề quan trọng cho ngành du lịch của Nam Định phát triển trong những năm đầu thế kỷ XXI.

Sau khi tổ chức, sắp xếp lại sản xuất, từ năm 1999, tỉnh chỉ đạo thực hiện cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước theo kế hoạch. Mở đầu đã có 26/34 doanh nghiệp trong kế hoạch được cổ phần hoá. Nam Định là tỉnh có tốc độ cổ phần hóa nhanh. Nhiều doanh nghiệp đã khắc phục được khó khăn trong sản xuất kinh doanh, mạnh dạn đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ thiết bị, do đó, giá trị sán xuất công nghiệp trên địa bàn ngày một tăng. Thời kỳ này xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến như Công ty đóng tàu Sông Đào, Công ty Dược, Xí nghiệp Mạ Điện, Công ty chế biến thực phẩm xuất khẩu, Công ty TNHH Trường Thành …Công nghiệp dệt may với sự hỗ trợ của trung ương và cố gắng của địa phương đã dần được ổn định và có bước phát triển. Trong lĩnh vực công nghiệp, doanh nghiệp tư nhân phát triển năng động và tăng nhanh giá trị tổng sản lượng.

Từ năm 1997, tỉnh đã tập trung xây dựng đề án qui hoạch, sắp xếp lại khu vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp, đồng thời khuyến khích tạo điều kiện cho làng nghề phát triển sản xuất kinh doanh. Nhìn chung các làng nghề phát triển năng động trong cơ chế thị trường. Nhiều mặt hàng truyền thống đã được khôi phục, có uy tín trên thị trường như mỹ nghệ sơn mài, thêu ren, đan cói, đồ gỗ, cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp, rèn, đúc… Hoạt động sản xuất - kinh doanh và đời sống nhân dân ở các làng nghề, phố nghề được cải thiện rõ nét, tiêu biểu là làng La Xuyên, Tống Xá (huyện Ý Yên); Xuân Tiến, Xuân Bắc (huyện Xuân Trường); Nam Giang, Hồng Quang (huyện Nam Trực); Trực Chính, Trực Đông (huyện Trực Ninh) và thành phố Nam Định.

  Kết hợp phát huy nội lực với mở rộng liên kết tạo nguồn cho đầu tư phát triển, vốn đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng, kinh te - xã hội đạt khá, chiếm khoảng 35% tổng nguồn vốn đầu tư. Cơ cấu đầu tư ưu tiên theo hướng tập trung vào những nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trọng tâm của tỉnh, trước hết là mục tiêu phát triển công nghiệp, nông - lâm - ngư nghiệp, cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội. Các công trình đường giao thông, hệ thống cấp thoát nước, vệ sinh môi trường, cây xanh, công viên, nhà ở, các công trình văn hoá, lịch sử củ thành phố được xây dựng và hoàn thành như tượng đài Trần Hưng Đạo, Nhà văn hoá 3-2, tu sửa đền Trần, công viên Tức Mặc, Cột Cờ… Hệ thống giao thông đường bộ bao gồm cả quốc lộ trên địa bàn tỉnh và tỉnh lộ, các trục giao thông nông thôn đều được nâng cấp cải tạo, xây dựng. Năm 2000, tỉnh hoàn thành xây dựng cầu Lạc Quần phục vụ tốt cho phát triển kinh tế - xã hội. Cầu cáp treo qua sông Đào cũng hoàn thành, dự án xây dựng quốc lộ 10 qua tỉnh, cầu Tân Đệ đã được xây dựng kiên cố và hiện đại. Với những thành tích nổi bật về giao thông, Nam Định được Chính phủ tặng cờ luân lưu toàn quốc về giao thông nông thôn. Thành phố Nam Định có đề án mở rộng quy hoạch và được Chính phủ quyết định nâng cấp thành đô thị loại II.

Ngành bưu điện với chiến lược tăng tốc, hiện đại hoá mạng bưu chính, viễn thông được trang bị bằng các thiết bị công nghệ hiện đại ở cả thành thị và nông thôn. Sự phát triển của mạng lưới bưu chính, viễn thông đã tạo sự năng động trong sản xuất kinh doanh và giao lưu xã hội cả trong nước và quốc tế, đồng thời cũng là tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thế kỷ XXI.

Hệ thống ngân hàng, kho bạc đi vào đổi mới phương thức hoạt động tạo được nguồn vốn đảm bảo phục vụ doanh nghiệp cà cho nhân dân vay để phát triển sản xuất. Vốn đầu tư tín dụng đã bước đầu phát huy được hiệu quả trong các dự án đầu tư. Tổng giá trị mức lưu chuyển hàng hoá trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 3.400 tỷ đồng trong năm 2000.

Lĩnh vực xuất khẩu đang mở rộng được thị trường và kinh doanh. Giá trị xuất khẩu bình quân trên đầu người tăng từ 18USD năm 1997 lên 27,2 USD năm 2000.Khối lượng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều tăng như: thịt đông lạnh, gạo, sợi các loại, hàng dệt kim, may mặc, hàng thủ công, mỹ nghệ…

   Hoạt động du lịch đã xây dựng đề án phát triển và mở tuyến lữ hành du lịch đền Trần, Phủ Dầy, Hải Thịnh, Quất Lâm thu hút được nhiều khách tham quan từ nhiều miền trong nước. Các khách sạn đang được đầu tư, nâng cấp, cải tạo nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành và nhu cầu của khách du lịch.

Sự nghiệp giáo dục – đào tạo bám sát nhu cầu thực tiễn xã hội, phát triển cả về quy mô và chất lượng. Cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ dạy và học được cải tạo nâng cấp, không còn tình trạng học ca ba. Nhiều năm liền là tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển sự nghiệp giáo dục – đào tạo.

Sự nghiệp y tế của tỉnh trong bốn năm qua có tiến bộ. Hầu hết các bệnh viện, trung tâm y tế cấp được cải tạo, xây dựng mới, trang thiết bị y tế khá đầy đủ, có thêm thiết bị hiện đại Đội ngũ cán bộ y tế được nâng cao trình độ, nghiệp vụ chuyên môn. Sự nghiệp y tế được xã hội hoá mở rộng.

Các hoạt động văn hoá – văn nghệ, thông tin báo chí được duy trì, phát triển. Toàn tỉnh có trên 100 làng và 70 cơ quan, đơn vị được công nhận là làng văn hoá. Huyện Hải Hậu được công nhận 20 năm liên tục là điển hình văn hoá cả nước. Báo Nam Định phát hành đều hai kỳ mỗi tuần ở tất cả các cơ sở đảng. Hệ thống truyền thanh phủ kín 100% số xã, có 85% số hộ dân trong tỉnh được xem truyền hình. Phong trào thể dục, thể thao phát triển rộng. Một số môn thể thao thành tích cao đã đạt giải quốc gia ở thứ bậc cao.

Quán triệt sâu sắc hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tỉnh đã thường xuyên chăm lo xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân đảm bảo sẵn sàng chiến đấu. Hằng năm, tỉnh đều hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu gọi thanh niên nhập ngũ.

Tỉnh uỷ đã chú trọng tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, thông qua việc quán triệt các nghị quyết của Đảng, đặc biệt thực hiện cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khoá VIII). Chất lượng tổ chức cơ sở đảng được nâng cao, củng cố và tăng cường lòng tin của nhân dân đối với Đảng.

Chính quyền từng bước nâng cao hiệu lực điều hành, quản lý nhà nước. Hội đồng nhân dân các cấp tăng cường giám sát việc tổ chức thực hiện pháp luật và các nghị quyết. Qua các kỳ họp đã ra được các quyết sách tương đối sát với tình hình thực tế ở địa phương. Uỷ ban nhân dân từng bước cải cách lề lối làm việc có hiệu quả, giảm bớt phiền hà cho nhân dân, tiến hành sắp xếp lại bộ máy, bước đầu thực hiện chuẩn hoá đội ngũ cán bộ, viên chức.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội đã có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức hoạt động hướng về cơ sở, coi trọng việc tổng kết thực tiễn, bồi dưỡng huấn luyện cán bộ, phát triển đoàn viên, hội viên…

Bước sang thế kỷ XXI, cùng với cả nước, Nam Định đang ra sức đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu. nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Trong hành trang đi tới tương lai, lịch sử đấu tranh gìn giữ và xây dựng quê hương là một trong những di sản vô giá mà người dân Nam Định luôn trân trọng và phát huy.