Cục thuế tỉnh Chi tiết câu hỏi
THÔNG TIN Ý KIẾN
Họ và tên:
Nguyễn Thị Hương
Tiêu Đề:
Chi phí doanh nghiệp
Địa chỉ:
Nam Định
Nội dung:
Công ty chúng tôi có câu hỏi liên quan đến chi phí tiền lương cho người lao động như sau: Hiện tại, theo thang bảng lương chúng tôi đã đăng ký với Sở Lao Động Thương Binh và Xã Hội Mức lương Bậc 1 chúng tôi đăng ký là 4.210.000VNĐ; Mức lương Bậc 2 chúng tôi đăng ký là 4.842.000VNĐ. Với hợp đồng lao động của công nhân mới vào làm việc, sau khi qua học việc chúng tôi đã ký hợp đồng theo mức lương thỏa thuận với người lao động ở Bậc 2 là: 4.842.000 VNĐ và trên hợp đồng đã làm tròn thành: 4.900.000VNĐ. Chứng từ hạch toán kế toán bao gồm: • Hợp đồng lao động (với mức lương thỏa thuận là 4.900.000 VNĐ); • Bảng chấm công hàng tháng; • Bảng thanh toán tiền lương; • Phiếu chi thanh toán lương. Với trường hợp trả mức lương như trên thì chi phí tiền lương có được tính là chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp không?
THÔNG TIN PHẢN HỒI
Đơn vị xử lý:
Cục thuế tỉnh
Lĩnh vực hỏi đáp:
Kinh tế - Xã hội
Nội dung trả lời:

Cục Thuế tỉnh trả lời:

1. Về thủ tục xây dựng, rà soát sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, định mức lao động:

Tại Khoản 5, Khoản 6 Điều 7 Nghị định 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ quy định:

“5. Thang lương, bảng lương phải được định kỳ rà soát để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế về đổi mới công nghệ, tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, mặt bằng tiền lương trên thị trường lao động và bảo đảm các quy định của pháp luật lao động.

6. Khi xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, doanh nghiệp phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể người lao động tại doanh nghiệp và công bố công khai tại nơi làm việc của người lao động trước khi thực hiện, đồng thời gửi cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất của doanh nghiệp. Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu khi xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương phải báo cáo chủ sở hữu cho ý kiến trước khi thực hiện; đối với công ty mẹ - Tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của Tổng công ty hạng đặc biệt đồng thời gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để theo dõi, giám sát.”

Tại Khoản 5, Điều 8 Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ quy định:

“5. Mức lao động phải được định kỳ rà soát, đánh giá để sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp. Khi xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh mức lao động, doanh nghiệp phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể người lao động tại doanh nghiệp và công bố công khai tại nơi làm việc của người lao động trước khi thực hiện, đồng thời gửi cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất của doanh nghiệp.”

Tại Điểm a, Khoản 2, Điều 10 Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ quy định:

“a) Doanh nghiệp tổ chức xây dựng hoặc rà soát sửa đổi bổ sung thang lương, bảng lương, định mức lao động và gửi cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để theo dõi, kiểm tra theo quy định tại Nghị định này. Trường hợp doanh nghiệp có nhiều đơn vị, chi nhánh hoạt động ở các địa bàn khác nhau thì sau khi xây dựng, quyết định thang lương, bảng lương và định mức lao động, doanh nghiệp gửi cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt đơn vị, chi nhánh của doanh nghiệp để theo dõi, kiểm tra;”

Tại Khoản Điều 1 Nghị định số 121/2018/NĐ-CP ngày 13 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ quy định:

“1. Bổ sung Điều 8 Chương III như sau:

“Điều 8. Nguyên tắc xây dựng định mức lao động

Doanh nghiệp xây dựng định mức lao động làm cơ sở để trả lương cho người lao động hưởng lương theo sản phẩm, đảm bảo các nguyên tắc sau đây:”

2. Bổ sung vào cuối điểm a khoản 2 Điều 10 Chương IV như sau:

“Đối với doanh nghiệp sử dụng dưới 10 lao động được miễn thủ tục gửi thang lương, bảng lương, định mức lao động cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.”

Căn cứ các quy định trên, khi xây dựng hoặc rà soát sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, định mức lao động, Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Quý Doanh nghiệp căn cứ các quy định trên và liên hệ với cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất của doanh nghiệp để được hướng dẫn thực hiện.

2. Về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp:

Tại Khoản 1, Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính quy định:

“1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

c) Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

...”

Tại Điểm 2.6, Khoản 2, Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính quy định:

“ 2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:

2.6. Chi tiền lương, tiền công, tiền thưởng cho người lao động thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Chi tiền lương, tiền công và các khoản phải trả khác cho người lao động doanh nghiệp đã hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ nhưng thực tế không chi trả hoặc không có chứng từ thanh toán theo quy định của pháp luật.

b) Các khoản tiền lương, tiền thưởng, chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động không được ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thoả ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty.”

Căn cứ quy định trên, trường hợp Quý Doanh nghiệp thực hiện chi tiền lương, tiền công, tiền thưởng, chi bảo hiểm nhân thọ cho người lao động và có ghi cụ thể điều kiện được hưởng, mức được hưởng tại hợp đồng lao động, có chứng từ thanh toán theo quy định của pháp luật, đáp ứng quy định tại Khoản 1, Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.