OCOP - ‘át chủ bài’ của Nam Định trong phát triển kinh tế nông thôn

Đăng ngày 13-09-2022
100%

 

Phát huy lợi thế là địa phương có sản phẩm nông nghiệp, nông thôn phong phú, đa dạng, tỉnh Nam Định đã và đang đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), coi đây là mục tiêu có tính chiến lược, lâu dài nhằm phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn trong tiến trình xây dựng nông thôn mới…


Nam Định xác định phát triển Chương trình OCOP là chiến lược lâu dài nhằm phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn trong tiến trình xây dựng nông thôn mới.

Theo Sở NN và PTNT tỉnh Nam Định, sau hơn 3 năm triển khai, đến tháng 9/2022 này, toàn tỉnh đã có có 251 sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 3 sao trở lên (39 sản phẩm 4 sao, 212 sản phẩm 3 sao; 4 sản phẩm được nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao; có 2 sản phẩm là Nghêu thịt đóng hộp Lenger và gạo sạch Toản Xuân đang được hỗ trợ hoàn thiện để đạt tiêu chuẩn 5 sao). Trong số này, nhóm hàng thực phẩm dẫn đầu với 231 sản phẩm, còn lại là 13 sản phẩm đồ uống, 4 sản phẩm thủ công mỹ nghệ, 3 sản phẩm thuộc ngành du lịch nông thôn…

Chính quyền, cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp cùng nhập cuộc

Tìm hiểu tại huyện Giao Thủy (địa phương vừa có 2 món ẩm thực đặc sản là Nem nắm và nước mắm Sa Châu vừa được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận lọt Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam; có sản phẩm mật ong Vường quốc gia Xuân Thủy nổi tiếng), chúng tôi được biết, cấp ủy, chính quyền huyện xác định thực hiện Chương trình OCOP là giải pháp quan trọng để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu; đề ra nhiều giải pháp căn cơ, bài bản để thực hiện.

Gạo sạch, nước mắm, mật ong, nấm linh chi… những sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh Nam Định.

Theo ông Cao Thành Nam, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện, ngoài kế hoạch hằng năm, UBND huyện ban hành Đề án khuyến khích phát triển các sản phẩm OCOP huyện giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao sẽ được huyện hỗ trợ 20 triệu đồng, hạng 4 sao được hỗ trợ 30 triệu đồng, hạng 5 sao được hỗ trợ 50 triệu đồng.

Đến nay, toàn huyện đã có 19/22 xã, thị trấn có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP với 49 sản phẩm của 24 cơ sở sản xuất được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao, trở thành địa phương có nhiều sản phẩm OCOP nhất tỉnh. Huyện phấn đấu đến năm 2025 toàn huyện có ít nhất 60 sản phẩm OCOP trở lên đạt 3 sao; có trên 10 sản phẩm đạt 4 sao; có từ 1-2 sản phẩm chủ lực đạt 5 sao. Huyện định hướng phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị, liên kết chặt chẽ, quy mô lớn, tham gia thị trường xuất khẩu. Khuyến khích phát triển từ 1-2 sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng và du lịch Bảo tàng đồng quê. Mỗi xã có ít nhất 2 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.

Ngoài đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, huyện tập trung hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP gắn với tiêu chí phát triển sản xuất trong Bộ tiêu chí NTM; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm; phát triển mới các điểm bán hàng; tổ chức các hội chợ chuyên sản phẩm OCOP. Ban hành các cơ chế, chính sách ưu tiên hỗ trợ khuyến khích phát triển các sản phẩm được chế biến và chế biến sâu; hỗ trợ áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến như GlobalGAP, Organic, GMP, HACCP, ISO... vào sản xuất để sản phẩm tiếp cận, tham gia vào thị trường xuất khẩu…

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình OCOP được các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Nam Định quan tâm, chú trọng.

Ở huyện Vụ Bản, sản phẩm Trà tươi hương chanh mật ong S24 của Công ty TNHH Sản xuất, Thương mại và Vận tải Minh Hằng (CCN xã Quang Trung) là sản đầu tiên của huyện được xếp hạng OCOP 4 sao.

Ông Bùi Văn Chỉnh, Phó Giám đốc Công ty cho biết, từ năm 2020 công ty được chính quyền địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện, các đơn vị tư vấn, hướng dẫn hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chí, qua đó giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về ý nghĩa Chương trình, từ đó cải tiến quy trình sản xuất, thay đổi kiểu dáng, mẫu mã, xây dựng website tuyên truyền, quảng bá sản phẩm; tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các Hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh…

Để bảo đảm chất lượng sản phẩm, toàn bộ nguyên liệu đầu vào được Công ty ký kết hợp đồng thu mua ổn định với các đơn vị sản xuất. Trung bình mỗi tháng, Công ty tiêu thụ từ 15-20 tấn nguyên liệu đầu vào; sản xuất trên 20 nghìn sản phẩm các loại. Đến nay, thị trường tiêu thụ sản phẩm của Công ty được mở rộng; được nhiều doanh nghiệp uy tín như: Công ty TNHH Samsung Electronic Việt Nam tại tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên; Công ty TNHH LG Display Việt Nam tại Hải Phòng… lựa chọn cho công nhân sử dụng. Những tháng đầu năm 2022, doanh thu của Công ty trên 10 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 15 lao động với mức thu nhập từ 6-7 triệu đồng/người/tháng. Năm 2022, Công ty phấn đấu đạt doanh thu khoảng 60 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2021.

Theo ông Nguyễn Ngọc Chi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện, ngoài sản phẩm nước uống hoa quả đóng chai của Công ty Minh Hằng, trên địa bàn huyện còn có 15 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP hạng 3 sao trở lên. Trong đó, năm 2020 có 7 sản phẩm; năm 2021 có 8 sản phẩm. Năm 2022, huyện phấn đấu có thêm 5 sản phẩm OCOP trở lên được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Có từ 1-2 sản phẩm được xếp hạng 4 sao.

Để hoàn thành mục tiêu này, UBND huyện đã và đang phối hợp với Sở NN và PTNT, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, đơn vị tư vấn đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, lợi ích và cách thức tổ chức thực hiện Chương trình OCOP. Hỗ trợ các cơ sở sản xuất hoàn thiện, phát triển, quản lý chất lượng sản phẩm; tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại; ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất; phát triển liên kết chuỗi, cung ứng nguyên liệu…

Các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP đã và đang được các đơn vị, địa phương trong tỉnh tổ chức.

Các HTX “cứng cáp” hơn nhờ tham gia làm OCOP

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc HTX dịch vụ Linh Phát (xã Hải Chính, huyện Hải Hậu) cho biết, HTX chuyên sản xuất nấm linh chi, nấm bào ngư, với có 3 sản phẩm gồm: Rượu nấm linh chi Linh Phát, Nấm linh chi Linh Phát. Trong đó nấm bào ngư Linh Phát đã được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.

Tương tự, mấy năm qua, HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Cường (xã Yên Cường, huyện Ý Yên) đã tích tụ ruộng đất để sản xuất rau theo mô hình VietGAP. Sản phẩm rau của HTX đều đạt tiêu chuẩn, được cung cấp cho Hiệp hội Nông sản sạch tỉnh, Công ty cổ phần Rau sạch Ngọc Anh, Công ty Green và các bếp ăn tập thể. Đến nay, các sản phẩm của HTX gồm rau muống, đậu bắp, dưa chuột, cải bắp, cải ngồng, su hào, khoai tây, cải bó xôi đã lần lượt được UBND tỉnh cấp chứng nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao.

Theo ông Trần Văn Phiệt, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nam Định, triển khai chương trình OCOP, tỉnh Nam Định xác định 3 đối tượng để phát triển sản phẩm OCOP, bao gồm: Hộ cá thể tập trung vào sản phẩm đặc sản của vùng, miền; các HTX, tổ hợp tác tập trung vào nhóm sản phẩm liên quan đến đông đảo người dân; các doanh nghiệp tập trung vào nhóm sản phẩm phát triển theo liên kết chuỗi...

Với vai trò quan trọng, các HTX trong tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ gắn với chuỗi giá trị; phát triển sản phẩm OCOP gắn với đầu tư xây dựng vùng sản xuất công nghệ cao. Đến nay, đã có trên 70 chuỗi liên kết sản xuất gắn với chuỗi giá trị; nhiều sản phẩm của các HTX trong tỉnh đã được đánh giá xếp hạng OCOP 3 sao, 4 sao.

“Tham gia chương trình OCOP, các HTX được nâng cao năng lực về xây dựng phương án kinh doanh, quản trị sản xuất, phát triển và hoàn thiện sản phẩm, kỹ năng bán hàng, giới thiệu sản phẩm. Từ hiệu, các HTX không ngừng đổi mới, cải tiến chất lượng, bao bì, mẫu mã đáp ứng yêu cầu thị trường, huy động nguồn lực trong các thành viên để mở rộng, phát triển sản xuất”, ông Trần Văn Phiệt đánh giá.

Để góp phần hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 tỉnh Nam Định có 300 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, Liên minh HTX tỉnh đã và đang tăng cường các hoạt động hỗ trợ các HTX thành viên, nhất là hỗ trợ các HTX tiếp cận chính sách; hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại. Phấn đấu mỗi HTX có ít nhất 1 sản phẩm chủ lực sản xuất gắn với chuỗi giá trị được đánh giá xếp hạng OCOP từ 3 sao trở lên.

Gắn sản phẩm OCOP với thị trường

Theo ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định, cấp ủy, chính quyền tỉnh xác định OCOP là một trong những chương trình quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng khai thác phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

Để gắn kết sản phẩm OCOP của tỉnh với thị trường, từ năm 2019 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho các chủ thể có sản phẩm OCOP tham gia hàng chục hội chợ, hội nghị xúc tiến đầu tư, chương trình kết nối cung cầu ở cả Trung ương và địa phương; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tập huấn đào tạo kỹ năng tham gia hội chợ, triển lãm, kỹ năng thiết kế bao bì, nhãn hiệu và quảng bá thương hiệu sản phẩm cho các chủ đại diện sản phẩm; tổ chức các gian hàng giới thiệu sản phẩm…

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, tỉnh đã tổ chức quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông sản và OCOP thông qua các hội nghị, gian hàng trưng bày trực tuyến và hỗ trợ đăng tải thông tin sản phẩm OCOP trên một số website như: ocopnamdinh.gov.vn; ocopvietnam.gov.vn; sàn thương mại điện tử Nam Định…

Sở NN và PTNT đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông kết nối 2 doanh nghiệp viễn thông chủ lực trên địa bàn tỉnh là Chi nhánh VNPT Nam Định và Viettel Nam Định với các hộ nông dân, thiết lập và đưa nông sản lên sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) nhằm hỗ trợ kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm là PostMart.vn và Voso.vn.

Trong đó, sàn giao dịch TMĐT Voso.vn của doanh nghiệp Viettel hỗ trợ 5 gian hàng trưng bày, quảng bá 40 sản phẩm gồm (lúa gạo, muối, thịt và rau củ quả) với 100 sản phẩm của tỉnh được đưa lên sàn giao dịch TMĐT này. Tham gia sàn giao dịch TMĐT, các cơ sở sản xuất được hướng dẫn, đào tạo về kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số.

Sở NN và PTNT, Sở Công Thương tỉnh cũng chú trọng công tác xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP trên địa bàn; xây dựng các điểm bán hàng Việt Nam tại TP Nam Định, trong đó có trên 70% sản phẩm là hàng hóa do các doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất, có những sản phẩm OCOP nổi tiếng như: Gạo sạch Toản Xuân, nước mắm Ninh Cơ, Lâm Bão, muối sạch, muối dược liệu, thủy hải sản Hùng Vương, nông sản sấy khô Minh Dương, rau tươi Nam Cường, Ngọc Anh, nấm ăn, nấm dược liệu Linh Phát…

Các sản phẩm OCOP của tỉnh cũng đã có mặt trong hệ thống các siêu thị lớn. Nhiều đơn vị, chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP đã ký được hợp đồng phân phối với các siêu thị, đại lý và các nhà phân phối.

Là 1 trong những đơn vị có sản phẩm OCOP đạt chuẩn 4 sao, bà Trần Thị Bình - Giám đốc Công ty CP Muối và Thương mại Nam Định cho biết công ty chuyên sản xuất muối sạch theo phương pháp truyền thống, hiện sở hữu 11 sản phẩm, trong đó có 5 sản phẩm đã được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh, đạt hạng 4 sao. Đặc biệt, có 1 sản phẩm đã xuất khẩu đi Nhật Bản, khoảng 100 tấn muối sạch thương hiệu NADISALT/năm.

Ngoài ra, một số sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh đã xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, trong đó sản phẩm ngao sạch Lenger được các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản ký hợp đồng tiêu thụ thường xuyên. Sản phẩm cá bống bớp Nghĩa Hưng được đón nhận rộng rãi ở thị trường trong và ngoài nước như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng và Trung Quốc.

Chú trọng quản lý chất lượng sản phẩm OCOP

Cũng theo lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định, ngay từ đầu, trong chỉ đạo triển khai Chương trình, tỉnh đã thống nhất quan điểm không chạy theo phong trào mà phải đi vào thực chất, theo quy luật cung cầu, gắn với phát huy lợi thế, tiềm năng, văn hóa của từng địa phương; đặc biệt phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, quy định về chất lượng sản phẩm.

Đặc biệt, theo quy định các chứng nhận sản phẩm OCOP chỉ có giá trị trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền ban hành. Để các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp chú trọng duy trì chất lượng sản phẩm, tỉnh đã ban hành Quy chế quản lý sản phẩm thuộc Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, các cơ sở có sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên phải chấp hành 6 quy định về đảm bảo chất lượng sản phẩm (xây dựng và công bố quy trình sản xuất; quản lý chất lượng nguyên liệu; kiểm soát quá trình sản xuất, thực hiện truy xuất nguồn gốc….).

Sau đạt chuẩn sản phẩm OCOP, các cơ sở, doanh nghiệp phải tăng cường đảm bảo các quy định về chất lượng sản phẩm gồm: Phải có hệ thống kho bảo quản sản phẩm, hàng hóa, bảo quản nguyên liệu đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; có kế hoạch kiểm soát chất lượng sản phẩm thường xuyên; phải có biện pháp xử lý kịp thời nếu phát hiện hàng hóa không đảm bảo chất lượng, an toàn. Sản phẩm, hàng hóa trước khi đưa lưu thông phải phù hợp với chất lượng cơ sở sản xuất đã công bố hoặc tiêu chuẩn sản phẩm, được dán tem sản phẩm đạt chuẩn của Chương trình OCOP Nam Định.

Phải chấp hành yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm của cơ quan quản lý, nhất là trong tình huống xảy ra sự cố gây mất an toàn thực phẩm; phải báo cáo, phối hợp với cơ quan chức năng để xác định nguyên nhân.

Để đạt chứng nhận OCOP, các sản phẩm phải qua các bước đánh giá bài bản, toàn diện, bởi nhiều cấp. Riêng sản phẩm OCOP hạng từ 4 sao trở lên phải có những chứng nhận hệ thống quản lý tiên tiến như: VietGAP, HACCP, ISO…Tỉnh đã thuê đơn vị tư vấn có năng lực để hướng dẫn các chủ thể tham gia Chương trình đáp ứng, duy trì việc quản lý chất lượng sản phẩm, xúc tiến thương mại, quản trị doanh nghiệp…

Về phân cấp quản lý chất lượng sản phẩm theo ngành, tỉnh quy định: Ngành NN và PTNT quản lý nhóm hàng thực phẩm; ngành Công Thương quản lý nhóm hàng đồ uống, vải, may mặc; ngành Y tế quản lý nhóm hàng thảo dược; ngành KH và CN quản lý nhóm hàng thủ công mỹ nghệ, trang trí; ngành VH, TT và DL quản lý dịch vụ du lịch nông thôn và bán hàng…

°
23 người đang online
Lịch Vạn Niên & Lịch Âm 2023 Ôn Thi GPLX 600 & Mô Phỏng 120