Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp toàn quốc

Đăng ngày 11-08-2022
100%

 

Sáng 11-8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp toàn quốc có chủ đề "Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững" nhằm đánh giá thực chất, khách quan các tác động của tình hình kinh tế thế giới đến các doanh nghiệp Việt Nam, kết quả đạt và chưa đạt trong triển khai các chính sách, giải pháp của Chính phủ thời gian qua.

Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Nam Định.

Dự Hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các đại biểu đại diện doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp toàn quốc; lãnh đạo và đại diện các doanh nghiệp địa phương. Dự hội nghị tại điểm cầu Nam Định có đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan và đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh.

Báo cáo tại hội nghị về tình hình phát triển doanh nghiệp 7 tháng đầu năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Nhờ nỗ lực kiểm soát dịch bệnh và việc triển khai các chính sách hỗ trợ phục hồi, phát triển doanh nghiệp kịp thời của Chính phủ cũng như nỗ lực vượt khó, tinh thần đổi mới, chủ động thích ứng của cộng đồng doanh nghiệp, thời gian qua khu vực doanh nghiệp có nhiều tín hiệu phục hồi, khởi sắc. Trong 7 tháng đầu năm 2022, có trên 130 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2021; nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước lên 871.275 doanh nghiệp. Thị trường nội địa các ngành Du lịch, Vận tải, Hàng không phục hồi trên 75-85% so với thời điểm trước dịch bệnh COVID-19. Doanh thu 7 tháng đầu năm tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, nhất là các ngành xây dựng, dịch vụ lưu trú. Kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp tiếp tục tăng mạnh, là điểm sáng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. 

Tuy nhiên, còn nhiều hạn chế trong quy mô, hoạt động của các doanh nghiệp như đa số doanh nghiệp quy mô nhỏ; năng lực khoa học công nghệ còn hạn chế; nhiều doanh nghiệp chưa có tầm nhìn dài hạn, ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ đối với Nhà nước, cộng đồng xã hội còn hạn chế; tính liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp còn hình thức. Để hỗ trợ các doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi sản xuất nhanh và phát triển bền vững trong bối cảnh nhiều thách thức, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Chính phủ tập trung thực hiện 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó có 4 nhóm, nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai ngay.

Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đã chia sẻ thực trạng khó khăn, thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp đang phải đối mặt, đề xuất được gia tăng và thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định việc làm cho người lao động. Đại diện các bộ, ngành, các địa phương đã tập trung chia sẻ các sáng kiến, đề xuất giải pháp thiết thực hướng tới mục tiêu tháo gỡ những điểm nghẽn trong triển khai chính sách, nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao các ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025 đồng thời khẳng định, Chính phủ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp và sẽ ưu tiên thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trước mắt gồm: Khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để khơi thông nguồn lực cho đầu tư sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục hỗ trợ, giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước. Khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước. Tập trung giải quyết tình trạng khan hiếm lao động cục bộ ở một số ngành, lĩnh vực, địa bàn; đẩy mạnh triển khai chính sách, giải pháp hỗ trợ người lao động, đào tạo kỹ năng người lao động đáp ứng yêu cầu thiếu hụt lao động. 

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp chính quyền, bộ, ban, ngành chức năng phải chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn; thúc đẩy mạnh mẽ thị trường trên các lĩnh vực; tiếp tục cải cách mạnh mẽ gắn với chuyển đổi số; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an toàn, an ninh trật tự cho người dân, doanh nghiệp. Phải hoàn tất tổng rà soát lại để có phương án tháo gỡ kịp thời, hiệu quả các khó khăn của mọi loại hình doanh nghiệp trước ngày 30-8-2022./.

Tin, ảnh: Thanh Thúy

°
16 người đang online
Lịch Vạn Niên & Lịch Âm 2023 Ôn Thi GPLX 600 & Mô Phỏng 120