Triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia

Đăng ngày 19-01-2022
100%

 

Chiều 18-1, tại Hà Nội, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số (CĐS) quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Ảnh: Trần Hải

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có các đồng chí: Phạm Gia Túc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Đại tá Phạm Văn Long,  Ủy viên Ban TVTU, Giám đốc Công an tỉnh; Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Các đồng chí: Phạm Gia Túc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta.

Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 06/QĐ-TTg, ngày 6-1-2022. Đề án nhằm xây dựng các hệ thống ứng dụng cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử trong công cuộc CĐS quốc gia một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đề án hướng đến mục tiêu phục vụ 5 nhóm tiện ích gồm: Giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phát triển kinh tế - xã hội; công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư và công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp. Lộ trình thực hiện Đề án: đến năm 2030 đảm bảo có 70% mẫu đơn, tờ khai có thông tin công dân được chuẩn hóa thống nhất theo yêu cầu từ dữ liệu gốc của CSDL quốc gia về dân cư; 100% hồ sơ công việc liên quan đến quản lý dân cư tại cấp bộ, tỉnh; 100% hồ sơ công việc liên quan đến quản lý dân cư tại cấp huyện và 80% hồ sơ công việc liên quan đến quản lý dân cư tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). Duy trì vận hành hệ thống định danh và xác thực điện tử; mô hình định danh xác thực điện tử bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với chuỗi giá trị ký số điện tử, hợp đồng điện tử tạo nền tảng Chính phủ số. Có trên 60 triệu tài khoản người dùng trên ứng dụng nền tảng CSDL và xây dựng hệ sinh thái cung cấp dịch vụ công, dịch vụ thương mại điện tử, nền tảng thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt và thay thế các loại giấy tờ của công dân trong các giao dịch điện tử. Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư bảo đảm tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin giữa CSDL quốc gia về dân cư với các CSDL của các bộ, ngành, địa phương thông suốt, hoạt động hiệu quả; tiếp tục kết nối, chia sẻ dữ liệu CSDL dân cư với các CSDL khác để làm giàu dữ liệu dân cư phục vụ công tác hoạch định chính sách kinh tế - xã hội điều hành của Chính phủ, đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ của lực lượng Công an nhân dân, các bộ, ngành, địa phương và tổ chức, doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về CĐS chỉ đạo, điều hành toàn diện hoạt động của Đề án. Chính phủ thành lập Tổ công tác triển khai Đề án. Trong đó, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ được giao. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Công an kết nối, chia sẻ CSDL thông tin thuê bao, chữ ký số công cộng với CSDL quốc gia về dân cư phục vụ làm giàu dữ liệu dân cư. Bảo đảm hạ tầng, đường truyền kết nối, quản lý, duy trì, vận hành, phát triển Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia hoạt động ổn định, đáp ứng yêu cầu kết nối, tích hợp, chia sẻ CSDL quốc gia về dân cư và các CSDL chuyên ngành, hệ thống thông tin trong cơ quan nhà nước phục vụ phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, thúc đẩy CĐS tại Việt Nam.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Đề án là bước cụ thể hóa quan trọng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tạo nền tảng CSDL quốc gia, trong đó CSDL quốc gia về dân cư là quan trọng nhất có giá trị kết nối các CSDL khác với nhau. Đồng thời thể hiện tinh thần quyết tâm đổi mới của ngành Công an nói riêng và các bộ ngành, địa phương và toàn thể nhân dân nói chung. Tuy nhiên đây là Đề án lớn về công nghệ thông tin, có phạm vi ảnh hưởng lớn tới từng người dân và cần sự phối hợp của tất cả các bộ, ngành, địa phương và nhân dân trong điều kiện cơ chế chính sách còn chưa đồng bộ, hạ tầng công nghệ thông tin chưa đảm bảo… Do đó để triển khai thắng lợi Đề án, Thủ tướng yêu cầu cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu, các bộ, ngành, địa phương và sự tham gia của tổ chức, doanh nghiệp và người dân là yếu tố quyết định; sự hành động đồng bộ ở các bộ, ngành, địa phương. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân hiểu ý nghĩa vai trò của Đề án. Các bộ, ngành, địa phương nhanh chóng hoàn thiện và kết nối CSDL theo hướng dẫn của Bộ Công an và chủ động rà soát đề xuất tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện. Ưu tiên bố trí kinh phí, sử dụng nhân lực, trang thiết bị phục vụ Đề án một cách tiết kiệm, hiệu quả. Với quan điểm lấy người dân làm trung tâm, làm động lực để đổi mới và quyết tâm cao của các bộ, ngành, địa phương, người dân, Thủ tướng Chính phủ tin tưởng Đề án được triển khai theo đúng lộ trình, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, phục vụ đắc lực cho quá trình CĐS quốc gia./.

°
69 người đang online
Lịch Vạn Niên & Lịch Âm 2023 Ôn Thi GPLX 600 & Mô Phỏng 120