Tổng hợp thảo luận tại hội trường ngày 27/7/2021

Đăng ngày 28-07-2021
100%

 

Buổi sáng ngày 27/07/2021

Nội dung: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu nhân Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7); Thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung

Nguyễn Hải Dũng - Nam Định

Kính thưa Chủ tọa phiên họp,

Kính thưa Quốc hội,

Được sự cho phép của Chủ tọa phiên họp, tôi xin có một số ý kiến thảo luận như sau:

Trước hết, tôi đồng tình với thiết kế của chương trình đã bao phủ đầy đủ đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và được áp dụng trên địa bàn toàn quốc, thể hiện triết lý nhân văn "lá lành đùm lá rách" của dân tộc ta từ trước đến nay. Tôi cũng nhất trí về nguyên tắc phân bổ vốn Trung ương, đó là Trung ương hỗ trợ cho các địa phương tổng mức vốn và giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định phân bổ làm căn cứ thực hiện. Nguyên tắc này sẽ giúp cho địa phương đầu tư vào những địa bàn, đối tượng cụ thể mà địa phương thấy cần thiết phải đầu tư, đồng vốn đầu tư sẽ phát huy được hiệu quả giảm nghèo tốt nhất cho địa phương, tránh được sự cứng nhắc nếu chi tiền theo một đối tượng chung trên toàn quốc.

Việc thành lập Ban chỉ đạo Trung ương chung cho cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 sẽ giúp tránh đầu tư chồng lấn, như vậy góp phần tiết kiệm kinh phí đầu tư. Việc Quốc hội phê duyệt tổng kinh phí ở mức tối thiểu như hiện nay và giao cho Chính phủ hằng năm căn cứ tình hình thực tế tiếp tục cân đối ngân sách Trung ương để bổ sung cho chương trình đã thể hiện tính linh hoạt, sự nỗ lực, cố gắng của Chính phủ trong điều hành ngân sách đối với chương trình giảm nghèo bền vững.

Đối với các dự án cụ thể, tôi thấy như sau: Đối với dự án 2 đa dạng hóa sinh kế phát triển mô hình giảm nghèo. Mục đích của dự án này là xây dựng, nhân rộng, phát triển các mô hình giảm nghèo, nông nghiệp, phi nông nghiệp, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn nghèo để góp phần tạo ra việc làm. Mục đích của dự án đã rõ, tôi đề nghị dự án thể hiện thêm nội dung về khát vọng làm giàu bằng việc khích lệ, khơi dậy động cơ, mục đích của mỗi cá nhân, gia đình, làm giàu chính đáng qua truyền thống dòng họ, qua tình làng, nghĩa xóm. Như địa phương chúng tôi là vùng trồng lúa, trước đây đời sống của nhân dân rất khó khăn, vất vả, nhưng những năm gần đây bà con cùng thôn, cùng xóm đã giúp đỡ nhau đi làm việc ở nhà máy, xí nghiệp, làm dịch vụ và đi hợp tác lao động nước ngoài, đời sống rất khá giả, thu nhập cao, xây dựng được nhà cửa khang trang và đóng góp rất nhiều tiền của cho việc xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Đối với dự án số 3 hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng. Tiểu dự án 1 hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Mục đích của Tiểu dự án 1 là hỗ trợ phát triển nông, lâm, ngư, diêm nghiệp cho các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, người khuyết tật gắn với quy hoạch sản xuất. Đề án chuyển đổi cơ cấu sản xuất của địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa. Xin đề nghị xây dựng cụ thể việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các đối tượng này vì họ không có nhiều mối liên kết trực tiếp hoặc gián tiếp với thị trường, không có nhiều kinh nghiệm trong liên kết để tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm mà mình làm ra. Có khi không tham gia một tổ chức kinh tế nào như hợp tác xã hoặc tổ đổi công hoặc có hợp tác xã nhưng như tình hình hiện nay thì hợp tác xã cũng chưa làm tròn vai trò cầu nối giữa người sản xuất với thị trường. Do đó, đề nghị tiểu dự án này cần có nội dung về hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.

Đối với dự án 4 phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm và nhà ở. Tiểu dự án 2 đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, vùng nghèo, vùng khó khăn. Xin đề nghị thiết kế cụ thể trong tiểu dự án này việc hỗ trợ đào tạo cho người lao động biết và sử dụng mạng Internet để bán sản phẩm của họ. Vì đây là xu thế tất yếu trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Và vì theo tiểu dự án số 3, người lao động vùng nghèo, vùng khó khăn có thể đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài, tức là yêu cầu cao về chất lượng nhân lực thì việc những người lao động như thế này có thể bán hàng trên mạng là việc không khó. Cho nên tôi đề nghị thiết kế thêm nội dung này.

Với Dự án số 5: truyền thông và giảm nghèo về thông tin, Tiểu dự án số 2: truyền thông về giảm nghèo đa chiều. Tôi đồng tình với mục đích khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo của tiểu dự án. Đề nghị thêm nội dung: xây dựng đời sống tinh thần lạc quan, loại bỏ tâm lý tự ti, mặc cảm, mạnh dạn hợp tác với những người xung quanh trong sản xuất kinh doanh. Bởi vì đây là tâm lý thường thấy ở những người có hoàn cảnh khó khăn, những người nghèo không dễ thay đổi cách nghĩ của họ trong một sớm một chiều mà cần thời gian, công sức, sự khéo léo của những cán bộ làm truyền thông thì mới gỡ bỏ được ách tâm lý nặng nề đó. Cho nên tôi đề nghị bổ sung nội dung này vào Tiểu dự án 2 của Dự án số 5. Tôi xin hết ý kiến. Xin chân thành cảm ơn Quốc hội.

°
29 người đang online
Lịch Vạn Niên & Lịch Âm 2023 Ôn Thi GPLX 600 & Mô Phỏng 120