Phát triển dữ liệu số quốc gia tạo nền tảng cho triển khai Chính phủ số

Đăng ngày 29-06-2021
100%

Phát triển dữ liệu số quốc gia tạo nền tảng cho triển khai Chính phủ số, bảo đảm cung cấp dữ liệu số cho các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), chia sẻ dữ liệu thông suốt giữa các cơ quan nhà nước, cung cấp các bộ dữ liệu mở có chất lượng và giá trị khai thác cao, mở dữ liệu theo quy định của pháp luật để phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số...

 

Đó là một trong những nội dung được đề cập đến trong Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành mới đây.

Xu thế phát triển Chính phủ số trên thế giới

Cùng với sự phát triển của các thành tựu khoa học công nghệ, một loạt các xu hướng, mô hình phát triển mới trên thế giới ra đời như chuyển đổi số (CĐS), chính phủ số, chính phủ thông minh dựa trên nền tảng các công nghệ như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, Internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo,... dẫn tới chính phủ các nước không ngừng đổi mới, chính phủ hoạt động thông minh hơn dựa trên các thông tin, dữ liệu để hỗ trợ ra quyết định.

Phát triển chính phủ số là xu thế chung. Chính phủ số, cùng với kinh tế số và xã hội số là 3 trụ cột trong CĐS. Năm 2020, lần đầu tiên Báo cáo khảo sát xếp hạng mức độ phát triển CPĐT của Liên Hợp Quốc có chủ đề về chính phủ số, đó là: "Chính phủ số trong một thập kỷ hành động vì sự phát triển bền vững".

Trong bối cảnh trên, có thể nói, chưa nước nào đã hoàn thành triển khai chính phủ số. Tuy nhiên, nhiều nước trên thế giới sớm nhận ra xu hướng và đã có hành động cụ thể chuyển dịch sang phát triển chính phủ số bằng cách tuyên bố chiến lược, kế hoạch tổng thể phát triển của quốc gia mình, điển hình như Singapore (tháng 6/2018), Úc (tháng 12/2018), Thái Lan (tháng 10/2019), Nhật Bản (tháng 12/2019), Indonesia (tháng 02/2020), Malaysia (tháng 02/2016), Brunei (tháng 3/2015),…

Mới đây nhất, ngày 15/6/2021, Việt Nam cũng đã phê duyệt Chiến lược phát triển CPĐT hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030.

Bản Chiến lược xác định rõ phát triển chính phủ số có toàn bộ hoạt động an toàn trên môi trường số, có mô hình hoạt động được thiết kế lại và vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, để có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn, kiến tạo phát triển, dẫn dắt CĐS quốc gia, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế - xã hội.

Dữ liệu số - Nền tảng để phát triển Chính phủ số

Có thể nói đặc trưng quan trọng nhất của phát triển Chính phủ số là phải dựa trên dữ liệu. Theo ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tin học hoá, Bộ TT&TT, đơn vị chủ trì xây dựng Chiến lược, chính phủ số là mức độ phát triển cao của CPĐT, trong đó khai thác tối đa sức mạnh của dữ liệu và công nghệ số. Không có sự tách biệt rõ ràng giữa CPĐT và chính phủ số; Chính phủ số bao hàm CPĐT.

Trong sự chuyển dịch từ CPĐT sang chính phủ số, các nước đều nhấn mạnh đến vai trò của dữ liệu như là "dầu mỏ", là "năng lượng" tạo động lực cho sự chuyển đổi và chú trọng phân tích dữ liệu và tận dụng hiệu quả các công nghệ số. Phân tích dữ liệu, dựa trên dữ liệu và công nghệ số để thiết kế, chuyển đổi mô hình hoạt động, phương thức vận hành và cung cấp dịch vụ theo hướng tối ưu, chất lượng hơn, ra quyết định linh hoạt, kịp thời hơn, tối ưu hóa nguồn lực quốc gia, giải quyết những vấn đề lớn mang tính quốc gia để nâng cao đời sống người dân, bảo đảm an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội.

Chẳng hạn, Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch phát triển một hệ thống để giúp đỡ nạn nhân thiên tai bằng cách sử dụng dữ liệu lớn được thu thập từ các nguồn như Internet và dữ liệu hệ thống định vị toàn cầu từ điện thoại thông minh và thiết bị định vị xe hơi. Hệ thống sẽ cho phép các cơ quan hành chính ngay lập tức xác định các chuyển động của các nạn nhân ngay sau khi xảy ra thảm họa để đưa ra quyết định hỗ trợ, ứng phó kịp thời, hiệu quả.

Trong khi, tại Mỹ, dữ liệu liên quan tới người dân được phân tích để theo dõi phân bổ dân số theo màu da ở các vùng trên toàn nước Mỹ. Tại Boston, Mỹ, dữ liệu được sử dụng để xây dựng hệ thống hỗ trợ điều hành cho Thị trưởng theo dõi về vấn đề an toàn trong cộng đồng (diễn biến tình hình tội phạm hàng năm, số vụ tăng/giảm; dịch chuyển dân số đến/đi khỏi thành phố theo mùa, độ tuổi,…) để có các quyết sách phù hợp, hiệu quả;…

Trong Chiến lược phát triển CPĐT hướng tới Chính phủ số của Việt Nam cũng nhấn mạnh nhiệm vụ phát triển dữ liệu số ở quy mô quốc gia, cũng như tại các bộ, ngành, địa phương.

Phát triển dữ liệu số quốc gia tạo nền tảng cho triển khai Chính phủ số - Ảnh 1.

Chiến lược phát triển CPĐT hướng tới Chính phủ số của Việt Nam cũng nhấn mạnh nhiệm vụ phát triển dữ liệu số ở quy mô quốc gia, cũng như tại các bộ, ngành, địa phương.

Theo ông Tiến, ở quy mô quốc gia, trước hết phải phát triển các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia phục vụ triển khai các dịch vụ cơ bản, thiết yếu liên quan đến người dân, doanh nghiệp (DN), cơ quan nhà nước (CQNN). Xác định dữ liệu về dân cư, đất đai, DN là dữ liệu trụ cột, cốt lõi cần phải hoàn thành, đưa vào khai thác sớm để dẫn dắt, liên kết, thống nhất toàn bộ dữ liệu trong CQNN về các ngành, lĩnh vực. Các CSDL này cũng thuộc 6 CSDL quốc gia cần ưu tiên triển khai theo Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Phát triển dữ liệu số quốc gia tạo nền tảng cho triển khai Chính phủ số - Ảnh 2.

Xây dựng CSDL quốc gia về dân cư

 Để đáp ứng sự phát triển chính phủ số tại Việt Nam, ngoài 6 CSDL quốc gia cần ưu tiên triển khai, ông Tiến cho hay, trong tương lai, Việt Nam cũng phải phát triển các CSDL thuộc các bộ, ngành, địa phương để tạo dựng hạ tầng dữ liệu quốc gia phát triển Chính phủ số; ưu tiên phát triển các CSDL có tính nền tảng và thuộc các lĩnh vực trọng tâm cần CĐS. 

Chiến lược phát triển CPĐT hướng tới Chính phủ số của Việt Nam xác định rõ nhiệm vụ xây dựng dữ liệu có phạm vi toàn quốc phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên phát triển dữ liệu trong các lĩnh vực quan trọng như: hạ tầng không gian địa lý; bảo hiểm, y tế, an sinh xã hội; tài chính; căn cước; hộ tịch; giáo dục; đào tạo; cán bộ công chức, viên chức; nông nghiệp; lao động, việc làm; phương tiện giao thông, xây dựng, xuất nhập khẩu. Đồng thời, cũng phát triển các CSDL chuyên ngành phục vụ ứng dụng, dịch vụ Chính phủ số trong nội bộ của bộ, ngành, địa phương./.

Các CSDL quy mô quốc gia quan trọng dần được phát triển và đưa vào sử dụng tại Việt Nam

+ CSDL quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (DN): CSDL quốc gia này đã tạo ra những cải cách lớn về đăng ký kinh doanh như đơn giản hóa thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế trên toàn quốc; Giảm thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký DN; Tin học hóa toàn bộ quy trình nghiệp vụ về đăng ký DN. CDSL này quản lý thông tin đăng ký DN theo thời gian thực của hơn 01 triệu DN và đơn vị trực thuộc.

+ CSDL quốc gia về dân cư: Đây là CSDL cơ bản nhất liên quan đến thông tin của người dân, CSDL này sẽ giúp giảm thiểu yêu cầu giấy tờ cá nhân khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao. Tính đến hết tháng 5/2021, Bộ Công an đã thu thập và đồng bộ vào hệ thống CSDL quốc gia về Dân cư 98.713.820 nhân khẩu trên toàn quốc (đạt 99,05%).

Bộ Công an tiếp tục cài đặt cấu hình hệ thống CSDL quốc gia về dân cư và hệ thống Sản xuất, cấp, quản lý Căn cước công dân để đảm bảo tiến độ của dự án; thực hiện chuyển đổi dữ liệu thông tin công dân đã được làm sạch để tiến hành cấp số định danh cá nhân đồng loạt trên toàn quốc; chuẩn bị kết nối, chia sẻ, đồng bộ dữ liệu với các bộ, ban, ngành trên cả nước để sẵn sàng kết nối, chia sẻ sau khi công tác làm sạch dữ liệu của công an các đơn vị, địa phương hoàn thành;

+ CSDL đất đai quốc gia: Đây là CSDL quan trọng trong quản lý tài nguyên đất đai, cũng là thông tin nền để phát triển các dịch vụ CPĐT. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang đẩy nhanh tiến độ, dự kiến trong tháng 7/2021 sẽ kết nối, liên thông dữ liệu đất đai với hệ thống tích hợp, chia sẻ dữ liệu đất đai quốc gia.

+ CSDL về bảo hiểm: Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tiếp tục tiến hành làm sạch, đồng bộ dữ liệu, bổ sung thông tin để làm giàu thêm CSDL chuyên ngành BHXH, sẵn sàng cung cấp dữ liệu cho CSDL quốc gia về Bảo hiểm; tiếp tục kết nối, chia sẻ dữ liệu với Bộ Y tế, Tổng cục Thuế, Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp (Đã tiếp nhận dữ liệu đăng ký khai sinh thực hiện tại 62/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc); đã hoàn thành việc kết nối, cung cấp số liệu với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia;

+ CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc: Tính đến ngày 26/5/2021, Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp đã có 17.223.959 dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó có 5.722.349 trẻ em được cấp Số định danh cá nhân theo quy định; 3.464.760 dữ liệu đăng ký kết hôn; 2.399.387 dữ liệu đăng ký khai tử và 4.919.497 dữ liệu khác./.

°
59 người đang online
Lịch Vạn Niên & Lịch Âm 2023 Ôn Thi GPLX 600 & Mô Phỏng 120