CPI tháng 3 tăng 1,16%, thấp nhất kể từ năm 2016

Đăng ngày 30-03-2021
100%

 

Thông tin này được bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết tại họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý I-2021 diễn ra sáng 29-3 tại Hà Nội. Họp báo diễn ra theo hình thức cả trực tiếp và kết nối trực tuyến với các điểm cầu Cục Thống kê 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Cụ thể, báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng sau Tết Nguyên đán giảm theo quy luật hàng năm, giá các loại thực phẩm giảm do nguồn cung dồi dào là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3-2021 giảm 0,27% so với tháng trước, tăng 1,31% so với tháng 12-2020. So với cùng kỳ năm 2020, CPI tháng 3 tăng 1,16%, thấp nhất kể từ năm 2016; CPI bình quân quý I/2021 tăng 0,29%, mức tăng thấp nhất trong 20 năm qua. Ðáng chú ý, lạm phát cơ bản tháng 3-2021 giảm 0,12% so với tháng trước và tăng 0,73% so với cùng kỳ 2020. Lạm phát cơ bản bình quân quý I/2021 tăng 0,67% so với bình quân cùng kỳ 2020.

So với cùng kỳ 2020, CPI tháng 3-2021 tăng 1,16%. Trong 11 nhóm hàng chính có 9 nhóm tăng giá và 2 nhóm giảm giá. Nhóm giáo dục tăng cao nhất 4,04% do ảnh hưởng từ đợt tăng học phí năm học mới 2020-2021 theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NÐ-CP ngày 2-10-2015 của Chính phủ. Nhóm văn hóa, giải trí, du lịch giảm nhiều nhất với 0,71% do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhu cầu du lịch của người dân giảm.

Theo lý giải của bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, sở dĩ CPI quý I năm 2021 tăng là do, giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao làm cho giá gạo quý I/2021 tăng 8,55% so với cùng kỳ 2020. Thêm nữa, giá các mặt hàng thực phẩm quý I/2021 tăng 0,49% so với cùng kỳ 2020; giá ăn uống ngoài gia đình tăng theo giá lương thực, thực phẩm, bình quân quý I/2021 tăng 2,08% so với cùng kỳ 2020; giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới, giá gas quý I/2021 tăng 7,58% so với cùng kỳ 2020; giá dịch vụ giáo dục quý I/2021 tăng 4,49% so với cùng kỳ 2020 do ảnh hưởng từ đợt tăng học phí năm học mới 2020-2021 theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NÐ-CP ngày 2-10-2015 của Chính phủ.

Ngoài ra, cũng theo bà Oanh, việc Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch COVID-19, trong đó gói hỗ trợ của Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam triển khai giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng trong quý II và quý IV năm 2020 đã góp phần làm giảm CPI. Theo đó, giá điện tháng 1-2021 giảm 16,88% so với tháng 2-2021 làm cho giá điện sinh hoạt bình quân quý I/2021 giảm 7,18% so với cùng kỳ năm 2020. Giá xăng dầu trong nước bình quân quý I/2021 giảm 9,54% so với cùng kỳ 2020; giá dầu hỏa giảm 14,5% so với cùng kỳ năm 2020…

Ðặc biệt, Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 diễn ra vào tháng 2-2021 trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát trở lại ở trong nước. Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp kiểm soát, khống chế dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe người dân, giữ vững ổn định kinh tế - xã hội. Nhờ vậy, nguồn cung hàng hóa tiêu dùng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân được đảm bảo tốt, thị trường được bình ổn kể cả trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát và thực hiện giãn cách xã hội. Như vậy là, trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, tình hình cung cầu thị trường diễn ra sôi động như quy luật hàng năm, nguồn hàng hóa ổn định, phong phú, không có hiện tượng khan hiếm hàng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân.

Lạm phát cơ bản tháng 3-2021 giảm 0,12% so với tháng 2-2021, tăng 0,73% so với cùng kỳ 2020. Bình quân quý I/2021 lạm phát cơ bản tăng 0,67% so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 0,29%) chủ yếu do giá mặt hàng xăng, dầu và điện sinh hoạt giảm mạnh so với cùng kỳ 2020. Mức lạm phát cơ bản tháng 3 và quý I/2021 so với cùng kỳ 2020 đều là mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây./.

°
54 người đang online
Lịch Vạn Niên & Lịch Âm 2023 Ôn Thi GPLX 600 & Mô Phỏng 120