Tăng cường công tác quản lý chất thải rắn

Đăng ngày 15-01-2021
100%

 

Ngày 12-1-2021, đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn (CTR). Chỉ thị nêu rõ: Đến nay 100% địa phương trên toàn tỉnh đã có hoạt động thu gom, xử lý rác thải (XLRT); tỷ lệ thu gom rác thải đạt 88,5% tại khu vực nông thôn, đạt 94,5% tại khu vực đô thị; công tác phân loại rác thải tại nguồn và XLRT hữu cơ tại hộ gia đình bước đầu được triển khai, nhân rộng. Tuy nhiên công tác quản lý CTR vẫn còn những hạn chế, bất cập: Ý thức của một bộ phận người dân chưa cao; còn tình trạng xả rác thải ra môi trường; nhiều khu thu gom, XLRT đã quá tải, không đảm bảo môi trường; giá dịch vụ còn thấp, chỉ đủ chi trả một phần cho công tác thu gom, vận chuyển, XLRT; các quy định pháp luật về quản lý CTR còn chồng chéo, chưa phù hợp với tình hình thực tế.… 

Để khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý CTR, trong đó chú trọng công tác phân loại rác thải tại nguồn, đồng thời chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ thị các Sở: TN và MT, NN và PTNT, Công Thương, Y tế, KH và CN, Xây dựng, KH và ĐT, Tài chính, Sở TT và TT, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Nam Định, UBND các huyện, thành phố theo chức năng nhiệm vụ của ngành rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung ban hành các văn bản có liên quan đến quản lý CTR và các quy định, hướng dẫn theo thẩm quyền; đề xuất lộ trình tăng giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, XLRT phù hợp; Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương nghiêm túc thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; Hướng dẫn các địa phương đầu tư lò đốt phù hợp với quy định tại QCVN 61-MT:2016/BTNMT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt CTR sinh hoạt; Hoàn thiện quy trình kỹ thuật đối với 3 mô hình phân loại rác thải tại nguồn đang được áp dụng trên địa bàn tỉnh và hướng dẫn các huyện, thành phố lựa chọn mô hình để áp dụng hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương; Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác quản lý CTR; Phối hợp với UBND các huyện, thành phố rà soát các công trình XLRT tập trung trên địa bàn, đề xuất cải tạo, nâng cấp, sửa chữa đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường (BVMT); tham mưu kinh phí thực hiện các chương trình, dự án về quản lý, xử lý CTR sinh hoạt; phát triển, nhân rộng mô hình phân loại và XLRT tại nguồn trên địa bàn tỉnh; rà soát các quy hoạch liên quan đến CTR để lồng ghép vào quy hoạch tỉnh, phù hợp với định hướng trong quy hoạch vùng, quy hoạch BVMT quốc gia. Lựa chọn địa điểm xây dựng khu XLRT sinh hoạt phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị được phê duyệt; Tăng cường quản lý chặt chẽ nội dung hạ tầng kỹ thuật về điểm tập kết, trạm trung chuyển, cơ sở xử lý CTR sinh hoạt trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch theo thẩm quyền. Nghiêm túc thực hiện thu gom, xử lý vỏ bao bì hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón sau sử dụng đảm bảo các yêu cầu về môi trường; tăng cường áp dụng, triển khai các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc xử lý, tái chế phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch; chỉ đạo việc xử lý chất thải y tế nguy hại theo mô hình cụm, mô hình tập trung, hạn chế xử lý phân tán tại các cơ sở y tế; Đề xuất các giải pháp thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư các cơ sở xử lý CTR, rác thải với công nghệ hiện đại, phù hợp với điều kiện của địa phương; hướng dẫn UBND cấp huyện thực hiện việc đấu thầu và lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển, XLRT tập trung đáp ứng yêu cầu BVMT; xây dựng cơ chế khuyến khích xã hội hóa về BVMT (thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy XLRT quy mô vùng); tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các công trình XLRT sinh hoạt đảm bảo yêu cầu về BVMT; tăng cường chỉ đạo các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, chợ dân sinh, các cơ sở sản xuất, kinh doanh... trên địa bàn thực hiện cam kết quản lý, xử lý, giảm thiểu rác thải sinh hoạt tại nguồn; hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần hoặc thay thế bằng các sản phẩm thân thiện môi trường; không cung cấp miễn phí túi ni-lông cho khách hàng hoặc chuyển từ sử dụng túi ni-lông khó phân hủy sang các loại túi thân thiện với môi trường; Tăng cường hoạt động đấu tranh, phòng chống tội phạm về môi trường trong hoạt động thu gom, vận chuyển, XLRT; phòng ngừa và ngăn chặn việc mua bán, sử dụng máy móc, thiết bị, dây chuyển công nghệ XLRT lạc hậu không đáp ứng yêu cầu về BVMT. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Nam Định tăng cường phối hợp với các ngành và địa phương tuyên truyền thực hiện Chỉ thị. Đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường giám sát, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc triển khai hiệu quả các chương trình phân loại rác thải tại nguồn, XLRT hữu cơ tại hộ gia đình; tổ chức tuyên truyền, vận động các hội viên, đoàn viên của tổ chức và toàn xã hội tham gia “Toàn dân tham gia quản lý, XLRT và làm đẹp cảnh quan môi trường”. 

Phấn đấu đến năm 2024 có 100% số thôn/xóm tham gia thực hiện phân loại và XLRT tại nguồn; đến hết năm 2025 giảm tỷ lệ rác thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp xuống dưới 30%, nghiêm túc thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu./.

°
55 người đang online
Lịch Vạn Niên & Lịch Âm 2023 Ôn Thi GPLX 600 & Mô Phỏng 120