Ứng dụng khoa học công nghệ ở cơ sở - Chú trọng những mô hình thiết thực

Đăng ngày 04-12-2020
100%

 

Những năm gần đây, nhiều dự án, đề tài, mô hình khoa học công nghệ được các huyện, thành phố chú trọng xây dựng và ứng dụng vào thực tế đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống của người dân.

Những năm gần đây, nhiều dự án, đề tài, mô hình khoa học công nghệ được các huyện, thành phố chú trọng xây dựng và ứng dụng vào thực tế đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống của người dân.

Mô hình sản xuất hoa trong chậu tại xã Mỹ Tiến (Mỹ Lộc).
Mô hình sản xuất hoa trong chậu tại xã Mỹ Tiến (Mỹ Lộc).

Mô hình sản xuất tỏi đen bằng hồng ngoại được thực hiện tại Công ty TNHH Thái Thiện, xã Hải Xuân (Hải Hậu). Công ty đã đầu tư hệ thống máy làm tỏi đen theo công nghệ Nhật Bản, lên men bằng đèn hồng ngoại. Các tia hồng ngoại có bước sóng bức xạ làm nóng tỏi từ bên trong tép tỏi, có ưu điểm vượt bậc như tổng hợp chất S-Allycystein với hàm lượng cao nhất, giúp tỏi không bị xác trong suốt quá trình ủ men, không bị các-bon hóa các vitamin, sản phẩm có độ dẻo và màu sắc tự nhiên. Nguồn nguyên liệu được Công ty lựa chọn tại các vùng trồng theo tiêu chuẩn sản xuất tỏi sạch; không sử dụng phụ gia, chất bảo quản trong quá trình lên men. Theo quy trình, tỏi được làm sạch, sau đó cho vào máy ủ lên men trong vòng 60-90 ngày rồi xử lý, sàng lọc sản phẩm và đóng hộp. Hiện Công ty đã xây dựng thương hiệu “tỏi sạch Khang Linh” với 2 sản phẩm là loại hộp 200g và 500g. Với tính năng và công dụng tăng sức đề kháng, kích thích tiêu hóa, giảm Cholesterol, bảo vệ tim mạch nên sản phẩm tỏi đen của Công ty hiện được tiêu thụ tốt tại thị trường trong nước. Năm 2019, Công ty đã xuất bán trên 2.000 sản phẩm, doanh thu đạt 900 triệu đồng; tạo việc làm cho 5 lao động với mức thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm “tỏi đen Khang Linh” được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2019. Đề tài “Ứng dụng chế phẩm sinh học ATY-TB để xử lý rơm rạ trên đồng ruộng” được UBND huyện Trực Ninh thực hiện tại một số xã, thị trấn. Qua áp dụng chế phẩm sinh học đã phân hủy được hết rơm rạ trên đồng ruộng, tạo độ xốp cho nền ruộng, tăng độ phì nhiêu, chất khoáng và vi sinh vật cho đất, tăng khả năng hút nước, chất dinh dưỡng để nuôi cây, đặc biệt rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây lúa ở vụ sau từ 3-5 ngày, đồng thời cải thiện về năng suất và khắc phục tình trạng đốt rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch hiện nay. Trong quá trình chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới được các huyện, thành phố chú trọng thực hiện tranh thủ nguồn kinh phí hỗ trợ hoạt động khoa học công nghệ. Cụ thể, huyện Giao Thủy thực hiện 3 dự án: “Xây dựng phần mềm quản lý tài liệu dự án cho các ban quản lý dự án trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng” của Doanh nghiệp tư nhân Phạm Ảnh, thị trấn Ngô Đồng; “Hoàn thiện kỹ thuật nâng cao chất lượng đồ gỗ thủ công mỹ nghệ trên địa bàn xã Giao Yến huyện Giao Thủy” của cơ sở sản xuất đồ gỗ Nhung Chiến; “Ứng dụng khoa học và công nghệ vào mô hình trồng rau sạch tại xã Giao Phong” của cơ sở sản xuất sản phẩm nông nghiệp Nguyễn Văn Thịnh. Huyện Nam Trực thực hiện mô hình khảo nghiệm các giống lúa thuần chất lượng cao như Cao Long, Bắc thơm kháng bạc lá dòng mới tại các xã Hồng Quang, Nam Tiến; mô hình phân bón hữu cơ sinh học Rapid được sản xuất theo công nghệ Mỹ tại xã Đồng Sơn; mô hình trình diễn sản xuất sản phẩm mới công nghệ cao tại Công ty TNHH MTV C.N.C Việt Nhật, thị trấn Nam Giang. Huyện Nghĩa Hưng thực hiện các dự án, mô hình: “Ứng dụng công nghệ tuần hoàn nước nuôi cá bống bớp nhà kính” tại Công ty TNHH Công nghệ Thủy sản Cao Minh, xã Nghĩa Phúc; “Trình diễn các giống lúa Hương cốm 4, Đài thơm, Hương biển 3”… Việc xây dựng thành công mô hình trình diễn, khảo nghiệm đã đưa ra nhiều giống lúa triển vọng, có năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh tốt và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, từng bước nhân rộng ra sản xuất đại trà thay thế cho các giống lúa cũ đã thoái hóa hoặc khả năng chống chịu kém, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân. Trong khi đó, các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất đã giúp các doanh nghiệp quan tâm hơn đến việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng sản phẩm, áp dụng các hệ thống quản lý, đầu tư đổi mới công nghệ nâng cao hiệu quả năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm bớt nhân công trong quá trình sản xuất. Cùng với việc nghiên cứu, ứng dụng các đề tài khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống, các địa phương còn quan tâm đẩy mạnh công tác tập huấn, hướng dẫn chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tài nguyên môi trường, đồng thời nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò của khoa học công nghệ trong việc tăng giá trị, hiệu quả lao động sản xuất. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ tại các địa phương, Sở KH và CN đã tập trung đào tạo và nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý khoa học công nghệ của các huyện, thành phố; tăng cường cơ sở vật chất và tạo điều kiện cho cán bộ quản lý khoa học công nghệ cấp huyện tham gia vào các cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên đề đối với các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành chính sách, pháp luật về khoa học công nghệ trên địa bàn để nắm bắt vấn đề thực tiễn.

Tuy nhiên, hoạt động ứng dụng, hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ ở cơ sở hiện còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do công nghệ sản xuất mới đòi hỏi chi phí đầu tư lớn trong khi năng lực tài chính của doanh nghiệp nông thôn còn hạn chế; kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ rất “khiêm tốn” nếu không muốn nói là nhỏ lẻ so với nhu cầu. Hoạt động xã hội hóa nguồn lực đầu tư cho khoa học công nghệ ở địa phương còn hạn chế. Hơn nữa, lực lượng cán bộ chuyên trách phụ trách công tác khoa học công nghệ còn thiếu về số lượng và không ổn định, dẫn đến cơ quan thường trực, tham mưu cho Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp huyện chưa nắm bắt hết nhu cầu để đề xuất và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ khoa học công nghệ trên địa bàn. Để từng bước khắc phục yếu kém này, thời gian tới, các huyện, thành phố tiếp tục lựa chọn các nhiệm vụ khoa học công nghệ mang tính cấp thiết tại cơ sở như: xây dựng các mô hình sản xuất phục vụ chương trình tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; khai thác thông tin khoa học công nghệ để đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào thực tiễn sản xuất và đời sống. Hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp cận được các chương trình, dự án của Trung ương và của tỉnh về đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, sở hữu trí tuệ, chương trình nông thôn. Qua đó để những mô hình ứng dụng khoa học công nghệ đi vào thực chất và hiệu quả nhất, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh./.

°
85 người đang online
Lịch Vạn Niên & Lịch Âm 2023 Ôn Thi GPLX 600 & Mô Phỏng 120