Quy định một số chính sách hỗ trợ tài chính trong hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Nam Định

Đăng ngày 08-11-2020
100%

 

Quy định một số chính sách hỗ trợ tài chính trong hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Nam Định

(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 42/2017/NQ-HĐND ngày 10-7-2017
của Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Định)

Điều 1. Đối tượng áp dụng

Tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Nam Định.

Điều 2. Nội dung và mức hỗ trợ

1. Hỗ trợ xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, các công cụ cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, các hoạt động nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh.

a) Hỗ trợ chi phí xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến theo các tiêu chuẩn. Mức hỗ trợ 45 triệu đồng/hệ thống cho việc xây dựng và áp dụng một trong các hệ thống quản lý chất lượng sau:

- Hệ thống quản lý chất lượng toàn diện - TQM.

- Hệ thống quản lý chất lượng - ISO 9001.

- Hệ thống thực hành sản xuất tốt - GMP.

- Hệ thống quản lý trách nhiệm xã hội - SA 8000.

- Hệ thống quản lý an toàn sức khỏe nghề nghiệp - OHSAS 18001.

- Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm - ISO 22000.

- Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn - HACCP.

 b) Hỗ trợ 50 triệu đồng/hệ thống cho việc xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý môi trường ISO 14001.

c) Hỗ trợ 30 triệu đồng/hệ thống cho việc xây dựng và áp dụng các công cụ cải tiến nâng cao năng suất chất lượng như 5S, KAIZEN, LEAN, SIX SIGMA, QCC.

d) Hỗ trợ 50% chi phí kiểm toán nhưng tối đa không quá 50 triệu đồng cho một cơ sở thực hiện kiểm toán năng lượng và lập báo cáo khả thi đề xuất các giải pháp kỹ thuật cần thiết để thực hiện tiết kiệm năng lượng.

e) Hỗ trợ 15 triệu đồng/1 cơ sở có sản phẩm, hàng hóa được chứng nhận phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn quốc tế.

g) Hỗ trợ 5 triệu đồng/1 cơ sở đối với cơ sở có sản phẩm, hàng hóa công bố tiêu chuẩn cơ sở.

h) Hỗ trợ 5 triệu đồng/cơ sở đăng ký mã số mã vạch.

2. Hỗ trợ các hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, phát triển kênh thương mại.

a) Hỗ trợ xác lập quyền sở hữu trí tuệ trong nước:

Hỗ trợ tối đa không quá 6 đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hoặc tối đa 1 đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho 6 nhóm sản phẩm đối với một tổ chức, cá nhân.

- Hỗ trợ 15 triệu đồng/đơn đăng ký giống cây trồng mới.

- Hỗ trợ 15 triệu đồng/đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích.

- Hỗ trợ 7 triệu đồng/đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp.

- Hỗ trợ 7 triệu đồng/đơn đăng ký nhãn hiệu thông thường.

- Hỗ trợ 30 triệu đồng/đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận.

- Hỗ trợ 5 triệu đồng/bản quyền tác giả.

b) Hỗ trợ xác lập quyền sở hữu trí tuệ ngoài nước:

- Hỗ trợ tối đa không quá 6 đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hoặc tối đa 1 đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho 6  nhóm sản phẩm đối với một tổ chức, cá nhân.

- Hỗ trợ 20 triệu đồng cho 1 đơn đăng ký nhãn hiệu tại một quốc gia. Trong trường hợp nhãn hiệu đăng ký theo hệ thống cộng đồng (một đơn đăng ký nhiều quốc gia) chỉ hỗ trợ theo số lượng đầu đơn: 20 triệu đồng/đầu đơn.

c) Hỗ trợ chi phí tư vấn và định giá tài sản trí tuệ của doanh nghiệp:

Hỗ trợ 20 triệu đồng/cơ sở.

d) Hỗ trợ phát triển kênh thương mại:

Hỗ trợ 30 triệu đồng/website/cơ sở để thiết kế và xây dựng website nhằm quảng bá và giới thiệu hình ảnh của doanh nghiệp.

3. Hỗ trợ tham gia Giải thưởng Chất lượng quốc gia, Giải thưởng Chất lượng quốc tế, các giải thưởng khoa học và công nghệ, các giải thưởng bình chọn về chất lượng và thương hiệu; Các hội chợ triển lãm liên quan đến lĩnh vực khoa học và công nghệ.

a) Hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng hồ sơ, chi phí tham gia Giải thưởng Chất lượng quốc gia, Giải thưởng Chất lượng quốc tế:

- Mức hỗ trợ 25 triệu đồng/cơ sở tham gia giải thưởng chất lượng quốc gia.

- Mức hỗ trợ 30 triệu đồng/cơ sở tham gia giải thưởng chất lượng quốc tế.

b) Hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng hồ sơ, chi phí tham gia các hội chợ triển lãm liên quan đến lĩnh vực khoa học và công nghệ:

- Mức hỗ trợ 20 triệu đồng/cơ sở/lần tham gia Chợ công nghệ và thiết bị hoặc Hội chợ triển lãm do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tại Việt Nam.

- Mức hỗ trợ 45 triệu đồng/cơ sở/lần tham gia Chợ Công nghệ và Thiết bị hoặc Hội chợ triển lãm do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức tại nước ngoài.

c) Hỗ trợ chi phí xây dựng hồ sơ và chi phí tham gia các giải thưởng khoa học và công nghệ, các giải thưởng bình chọn về chất lượng và thương hiệu:

- Mức hỗ trợ 15 triệu đồng/cơ sở tham dự các Giải thưởng về Khoa học và Công nghệ.

- Mức hỗ trợ 20 triệu đồng/cơ sở tham gia các giải thưởng bình chọn về chất lượng và thương hiệu.

4. Hỗ trợ đổi mới, tiếp nhận chuyển giao công nghệ.

Hỗ trợ chi phí đổi mới, chuyển giao công nghệ đối với các hợp đồng chuyển giao công nghệ có đăng ký chuyển giao được Sở Khoa học và Công nghệ Nam Định xác nhận.

a) Hợp đồng chuyển giao công nghệ có giá trị dưới 500 triệu đồng được hỗ trợ đến 30% giá trị hợp đồng, nhưng không quá 100 triệu đồng.

b) Hợp đồng tư vấn xây dựng, thiết lập và đăng ký Hợp đồng chuyển giao công nghệ tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền được hỗ trợ với mức 50% giá trị hợp đồng tư vấn, nhưng tối đa không quá 10 triệu đồng/hồ sơ đăng ký chứng nhận Hợp đồng chuyển giao công nghệ.

c) Đối với hoạt động đổi mới công nghệ, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, hoàn thiện công nghệ có chi phí dưới 500 triệu đồng được hỗ trợ đến 25% giá trị phần công nghệ được đổi mới, cải tiến, áp dụng giải pháp hợp lý hóa sản xuất, hoàn thiện theo dự toán đã được thẩm định phê duyệt, nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng.

d) Thực hiện chuyển giao và áp dụng các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý: Hỗ trợ 50% tổng giá trị hợp đồng nhưng không quá 30 triệu đồng.

Điều 3. Điều kiện hỗ trợ

Các tổ chức, cá nhân được hưởng chính sách hỗ trợ từ quy định này phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau:

1. Đang hoạt động sản xuất, kinh doanh và tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành của Nhà nước.

2. Không nằm trong các chương trình, dự án, kế hoạch khác và đang được ngân sách Nhà nước hỗ trợ đối với các nội dung được hỗ trợ nêu tại Quy định này.

3. Tổ chức, cá nhân chỉ được đăng ký hỗ trợ 1 lần trong một năm đối với mỗi nội dung đề nghị hỗ trợ.

Điều 4. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ

1. Đơn đề nghị hỗ trợ và cam kết thực hiện.

2. Bản thuyết minh đề nghị hỗ trợ của doanh nghiệp về nội dung cần hỗ trợ.

3. Bản sao Giấy đăng ký kinh doanh/giấy phép đầu tư/giấy chứng nhận là doanh nghiệp khoa học và công nghệ (nếu có).

4. Bản sao hợp đồng (tư vấn, chứng nhận, chuyển giao công nghệ, thuê khoán chuyên môn,...) thực hiện nội dung đề nghị hỗ trợ.

5. Bản sao các loại hồ sơ là kết quả thực hiện các nội dung đề nghị hỗ trợ:

a) Đối với nội dung xây dựng và áp dụng một trong các Hệ thống quản lý chất lượng: Bản sao giấy chứng nhận sự phù hợp; Báo cáo đánh giá tại chỗ việc áp dụng tại cơ sở của Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

b) Đối với nội dung xây dựng và áp dụng các công cụ cải tiến nâng cao năng suất chất lượng như 5S, KAIZEN, SIX SIGMA, QCC: Báo cáo kết quả xây dựng và áp dụng các công cụ cải tiến nâng cao năng suất chất lượng; Báo cáo đánh giá tại chỗ việc áp dụng tại cơ sở của Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

c) Đối với nội dung tiết kiệm năng lượng và kiểm toán năng lượng: Báo cáo kết quả hoạt động tiết kiệm năng lượng và kiểm toán năng lượng; Báo cáo đánh giá tại chỗ việc áp dụng tại cơ sở của Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

d) Đối với nội dung chứng nhận phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn quốc tế: tiêu chuẩn cơ sở: Bản sao giấy xác nhận công bố hợp quy đối với hỗ trợ chứng nhận hợp quy; Bản sao giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn quốc gia đối với hỗ trợ chứng nhận hợp chuẩn; Bản chính tiêu chuẩn cơ sở đối với hỗ trợ xây dựng TCCS.

e) Đối với nội dung hỗ trợ đăng ký mã số mã vạch: Giấy chứng nhận đăng ký mã số, mã vạch.

g) Đối với nội dung hỗ trợ hoạt động xác lập quyền sở hữu công nghiệp: Tờ khai đã đăng ký bảo hộ đối tượng sở hữu công nghiệp và các tài liệu kèm theo; Thông báo chấp nhận đơn của Cục Sở hữu trí tuệ.

h) Đối với nội dung hỗ trợ bảo hộ giống cây trồng: Tờ khai đã đăng ký bảo hộ giống cây trồng và các tài liệu kèm theo; Thông báo chấp nhận đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng mới.

i) Đối với nội dung hỗ trợ bảo hộ quyền tác giả: Tờ khai đã đăng ký bảo hộ quyền tác giả và các tài liệu kèm theo; Giấy chứng nhận bản quyền tác giả.

k) Đối với nội dung hỗ trợ chi phí tư vấn và định giá tài sản trí tuệ: Báo cáo kết quả định giá tài sản trí tuệ của doanh nghiệp.

l) Đối với nội dung hỗ trợ xây dựng website: Bản mô tả website; Giấy xác nhận đăng ký tên miền.

m) Đối với nội dung hỗ trợ hoạt động tham dự Chợ Công nghệ và Thiết bị, Hội chợ Thương hiệu, sản phẩm đặc thù; Giấy chứng nhận tham gia hội chợ.

n) Đối với nội dung hỗ trợ tham gia các giải thưởng về Khoa học và Công nghệ, giải thưởng bình chọn về chất lượng và thương hiệu: Giấy chứng nhận tham gia các giải thưởng.

o) Đối với nội dung hỗ trợ đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ: Các biên bản nghiệm thu kỹ thuật, biên bản bàn giao máy móc, thiết bị, công nghệ.

Điều 5. Trình tự, thủ tục xét hỗ trợ

1. Các tổ chức, cá nhân nộp 2 bộ hồ sơ quy định tại Điều 4 của Quy định này tại bộ phận một cửa của Sở Khoa học và Công nghệ.

2. Sở Khoa học và Công nghệ hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ đăng ký của tổ chức, cá nhân.

3. Định kỳ 3 tháng một lần, trên cơ sở hồ sơ đề nghị hỗ trợ của tổ chức, cá nhân, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ban, ngành có liên quan (nếu cần) tiến hành thẩm định hồ sơ đề nghị hỗ trợ và thẩm định thực tế tại cơ sở (nếu cần), sau đó trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt danh sách hỗ trợ.

4. Sau khi có quyết định phê duyệt danh sách hỗ trợ của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ làm thủ tục cấp kinh phí hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân.

Điều 6. Nguồn kinh phí hỗ trợ

Nguồn kinh phí thực hiện được trích từ kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ đã giao dự toán ngân sách hằng năm của Sở Khoa học và Công nghệ./.

CHỦ TỊCH
Trần Văn Chung

°
8 người đang online
Lịch Vạn Niên & Lịch Âm 2023 Ôn Thi GPLX 600 & Mô Phỏng 120